Tìm hiểu phong tục Việt Nam

Phong tục tập quán là những thói quen, những quy định được tuân thủ qua nhiều thế hệ của một cộng đồng người, mang tính ổn định thành nền nếp, được cộng đồng thừa nhận và tự giác thực hiện. Phong tục tập quán là một bộ phận của văn hoá phi vật thể trong văn hoá của mỗi tộc người.

Mỗi dân tộc sống trên dải đất Việt Nam đều có phong tục tập quán riêng, thể hiện rõ nhất trong tổ chức các hoạt động liên quan đến các bước quan trọng trong chu trình đời người là khi sinh ra (sinh đẻ, nuôi con), khi trưởng thành (lễ thành đinh), lập gia đình (cưới xin), khi thành đạt (lệ khao vọng), về già (lệ lên lão) và chết (tang ma).

Phong tục tập quán trong sinh đẻ, nuôi con

Sinh đẻ và nuôi con là việc rất hệ trọng trong các tộc người trên đất nước ta, bởi xưa kia, các tộc người đều có đều có đời sống vật chất thấp kém, các điều kiện về y học hiện đại hầu như không có. Vì thế, trong sinh đẻ và nuôi con, mỗi tộc người có một tục khác nhau, dựa trên kiến thức về y học dân gian.

Hầu như ở các tộc người, khi mang thai, người phụ nữ phải kiêng khem ăn uống rất ngặt nghèo vì quan niệm ăn những thức ăn đó (như thịt trâu, ba ba, cá trê…) sẽ khó đẻ con hoặc sinh con ra sẽ bị dị tật ở một số bộ phận. bên cạnh đó còn phải kiêng khem làm các việc sẽ ảnh hưởng đến thai nhi hay kiêng khem tham dự một số hoạt động của cộng đồng. Một số tộc người (chẳng hạn nhiều tộc người thiểu số ở vùng Việt Bắc), người chồng cũng phải kiêng một số việc như kiêng chọc tiết lợn, khênh quan tài người chết, không làm ông mối trong các đám cưới… Ngược lại, để thai phát triển bình thường và dễ đẻ, người phụ nữ phải năng vận động, làm việc cho đến sát ngày sinh.

Người phụ nữ ở hầu hết các tộc người trên đất nước ta đều phải sinh ở nhà chồng, không được trở về nhà sinh ở nhà mẹ đẻ, vì theo quan niệm, con gái đi lấy chồng là đã làm ma bên nhà chồng, “cắt đứt” mối dây liên hệ về tín ngưỡng với nhà mình. Một số tộc người ở Tây Nguyên gần đây vẫn còn tục người phụ nữ phải sinh con ở ngoài vườn, thậm chí ở ngoài rừng. Có tộc người gần đây vẫn duy trì tập quán khi sản phụ chẳng may chết thì đứa bé phải chết theo mẹ.

Trước đây, khi sinh, người phụ nữ các tộc người đều do các bà mụ (bà đỡ dân gian) đỡ, nhiều tộc người tự tay các ông chồng đỡ đẻ cho vợ (đón con, cắt rốn, chôn rau, tắm rửa cho con bằng các loại lá…). Ngày nay, các trạm y tế được hình thành ở hầu hết các thôn, bản.

Sản phụ sau khi sinh được sưởi ấm, tắm rửa qua bằng một loại nước lá và được ăn một số đồ ăn cho nhanh chóng hồi sức và ra sữa, tuỳ theo kinh nghiệm của từng vùng, từng gia đình. Đứa bé được bú sữa ngay, trường hợp thiếu sữa, người mẹ phải ăn thêm một số đồ ăn cho ra sữa (phổ biến là ăn cơm nếp, cháo hầm chân giò với quả đu đủ xanh…).

Trong vòng một tháng đầu gọi là thời gian ở cữ (ở một số tộc người thời gian này lên tới 42 ngày), người mẹ và đứa trẻ sơ sinh thường ở trong bếp hay phòng kín, không cho người lạ vào. Hầu hết các tộc người thiểu số đều có tục cắm một cành lá xanh (hay cây dứa dại) ở đầu ngõ hoặc chân cầu thang để người lạ biết và không vào nhà; nếu vì vô ý không biết mà vẫn vào nhà thì người mẹ không nhìn, không tiếp, không trả lời người khách và khách phải uống một chén rượu với chủ, hoặc cho đứa trẻ một hai đồng tiền để “giải hạn” và lấy may cho đứa trẻ. Một số tộc người như Tày, Nùng đến ngày thứ ba sau khi đứa trẻ được sinh ra, gia đình mời thầy cúng làm lễ “ba sáng”, nhằm xua đuổi ma tà, rửa sạch nhà cửa sau khi đẻ và cầu mong cho đứa trẻ được khoẻ mạnh, hay ăn chóng lớn. Đối với những đứa trẻ là con đầu lòng thì ngày hôm đó, ông bà nội (nhiều vùng là ông bag ngoại, hoặc cậu ruột đứa trẻ) mang bàn thờ mụ cùng lợn, gà, gạo đến cúng mụ cho đứa trẻ mạnh khoẻ, hay ăn, chóng lớn. Bàn thờ được đặt ở khu vực có bàn thờ tổ tiên nhưng ở thế thấp hơn, được duy trì đến năm đứa trẻ 18, 20 tuổi, có khi đến 30 tuổi hoặc hơn, tuỳ vùng, tuỳ nhóm địa phương của tộc người.

Khi đứa trẻ đầy tháng (hay hết thời gian ở cữ), gia đình tổ chức ăn mừng có thêm một thành viên (ở người Việt tổ chức cũng mụ, hay ăn đầy tháng). Sau đó, đặt tên cho đứa trẻ, thường có hai tên: tên tục gọi khi đứa trẻ nhỏ, chỉ dùng trong nhà, trong làng, thường là những tên xấu xí để không bị ma tà quấy nhiễu và tên chính thức (dùng trong giấy tờ hành chính, giấy khai sinh).

Việc chăm sóc từ đây ở các tộc người còn đơn giản, mang tính “tự nhiên”, theo kinh nghiệm truyền lại. Quần áo được tạo ra từ quần áo cũ. Ngoài sữa mẹ, đứa trẻ được nuôi bằng cơm bột, cơm nhá, tuỳ theo độ lớn; thức ăn cũng là thức ăn của chung gia đình. Khi bị ốm đau thì chữa bằng các thuốc dân gian hoặc mời thầy cũng.

Khi đứa trẻ lớn lên (từ 10 tuổi trở lên), bố mẹ bắt đầu dạy con lao động, làm các công việc tuỳ theo giới tính. Những việc mang tính tiêu biểu cho từng giới (như với con gái là cấy, dệt, khâu vá; con trai là cày, bừa…) rất được coi trọng. Ngoài ra, bố mẹ cũng trao truyền dần cho con các kiến thức về các quan hệ và các ứng xử xã hội để khi con trưởng thành có đủ năng lực và sự tự tin bước vào cuộc sống.

Phong tục liên quan đến sự trưởng thành (lễ thành đinh)

Nhiều tộc người thiểu số ở nước ta, con trai, con gái khi đến tuổi trưởng thành (độ tuổi cụ thể tuỳ giới tính, tuỳ tộc người, thường là nam từ 13 tuổi trở lên, nữ từ 15 tuổi trở lên) phải trải qua lễ thành đinh – nghi thức thử thách để cộng đồng công nhận trở thành người lớn như “cà răng”, “căng tai”…

 

Phong tục liên quan đến việc lập gia đình (cưới xin)

Nhóm các tộc người theo chế độ phụ hệ (người Việt, người Hoa) hoặc chịu ảnh hưởng của Nho giáo ở các mức độ khác nhau, hoặc có chế độ xã hội tương đối phát triển như Tày, Nùng, Thái, Mường, Sán Dìu, hôn nhân của đôi trai gái hoàn toàn không dựa trên cơ sở tình yêu đôi lứa, mà do cha mẹ quyết định dựa trên cơ sở “môn đăng hộ đối”, tức là dựa theo sự “tương bằng” về tuổi tác, địa vị xã hội, hoàn cảnh kinh tế của hai bên bố mẹ. Còn các tộc người khác, đôi trai gái được tự do yêu đương, được quyền chọn bạn đời của mình (đương nhiên phải được sự đồng ý của cha mẹ và nhìn chung các bậc cha mẹ thường tôn trọng nguyện vọng của con cái), song còn xem xét việc đôi trai gái có hợp lá số hay không (nhất là các tộc người thiểu số vùng Việt Bắc). Một số tộc người như người Mông ở Tây Bắc, trường hợp bố mẹ không chấp nhận cuộc hôn nhân của đôi trai gái thì phía con trai (hoặc nhà trai) tổ chức “cướp vợ” (bắt cô gái về nhà mình, hoặc người con trai cố tình đến nhà ngủ với cô gái, sau đó làm lễ “tạ lỗi” với gia đình, họ hàng cô gái).

Ở một số tộc người thuộc nhóm ngôn ngữ Tạng - Miến, Môn – Khơ Me ở miền núi phía Bắc, đôi trai gái còn được tự do quan hệ trước hôn nhân.

Nhìn chung, cưới xin của các tộc người thường trải qua các bước: dạm ngõ, ăn hỏi, cưới (đón dâu) và lại mặt. Mỗi bước có tên gọi riêng và trải qua các nghi thức khác nhau, tuỳ từng tộc người. Hầu hết các tộc người đều sử dụng ông mối hay bà mối làm “cầu nối” trong việc xin thiết lập quan hệ hôn nhân của đôi trai gái và thực hiện các nghi thức cưới xin giữa hai gia đình.

Nhóm các tộc người theo chế độ mẫu hệ gắn liền với chế độ cư trú bên vợ sau hôn nhân. Ở các tộc người này (tiêu biểu là người Êđê, Chăm, Mnông, Cơho, Giarai): thông thường trai gái được tự do yêu đương, nhưng việc hôn nhân lại do bố mẹ sắp đặt. Ở người Êđê, có khi bố mẹ sắp đặt việc hôn nhân cho con khi con còn bé. Sau khi kén được chồng cho con gái theo ý của mình, bố mẹ cô gái chủ động tổ chức lễ cưới.

Phong tục hôn nhân và cưới xin của các dân tộc ở Việt Nam trước Cách mạng tháng Tám 1945 (ở người Việt), trước giải phóng 1954 (các tộc người thiểu số ở miền Bắc) có một số hạn chế như không dựa trên cơ sở tình yêu và sự hoà hợp đôi lứa, việc thách cưới nặng nề và đặc biệt là tục ở rể với thời gian khá dài, gây nhiều khó khăn cho việc tạo lập cuộc sống riêng của đôi vợ chồng.

Song về cơ bản, phong tục cưới xin của các dân tộc ở Việt Nam đều thể hiện sắc thái văn hoá. Đó là, tạo lập các quan hệ xã hội tốt đẹp trong dòng họ, làng bản; tính cộng đồng, tương trợ trong tổ chức cưới xin. Đặc biệt, ở nhiều tộc người, hình thành các sinh hoạt văn hoá đặc sắc (như hát đối đáp, diễn xướng) trong lễ đón dâu.

Ngày nay, nhờ thành quả của các cuộc vận động Cách mạng, phong tục trong hôn nhân và cưới xin của các dân tộc đã có nhiều thay đổi tích cực. Các đôi trai gái được tự do yêu đương và lựa chọn bạn đời cho mình, không còn bị cha mẹ áp đặt, nhìn chung không còn tục tảo hôn; việc thách cưới và ở rể đã giảm đi phần lớn.

Phong tục liên quan đến sự thành đạt (lệ khao vọng)

Ở người Việt, người Hoa và một số tộc người khác, khi một người thành đạt (đỗ đạt, nhận học vị hoặc được thăng quan, tiến chức) phải làm lễ khao. Lễ này to hay nhỏ tuỳ theo mức độ thành đạt, theo quy định của từng làng, song thường phải làm lễ “trình bằng” với thành hoàng làng tại đình, làm cỗ mời họ hàng, làng xóm rất tốn kém.

Phong tục liên quan đến khi về già (lệ lên lão và tục trọng lão)

Ở người Việt xưa kia, người nam giới đến tuổi 49 (hoặc 50, hoặc 54, 55, 59), tuỳ tập tục từng làng, thì làm lễ lên lão. Lễ này tuỳ quy định của từng làng, thường là lễ xôi gà trình thành hoàng và giới lão tại đình. Từ sau lễ này, nam giới không phải gánh vác các công việc của cộng đồng nữa. Các làng thường phân những người già (nam giới) từ 50 tuổi trở lên thành ba hạng: lão hạ (từ 50-59), lão trung (từ 60 – 69) và lão thượng (từ 70 tuổi trở lên). Mỗi hạng lão có vị trí ngôi thứ và được hưởng một số quyền lợi riêng. Do trọng tuổi tác nên ở nhiều làng, các hạng lão này có vị trí ngôi thứ cao như các bậc có bằng cấp, phẩm hàm.

Phong tục liên quan đến sự chết (tang ma)

Phong tục tang ma liên quan đến bước cuối cùng trong chu trình đời người. Tang ma thể hiện trước hết ở quan niệm về thế giới bên kia, phụ thuộc vào từng tộc người và từng tôn giáo.

Tang ma liên quan đến các hình thức mai táng. Ở nước ta, chỉ có một số ít tộc người dùng biện pháp hoả táng, còn tuyệt đại bộ phận đều chọn hình thức thổ táng (chôn dưới đất ở nghĩa địa). Việc thổ táng liên quan đến việc chọn đất. Hầu hết các tộc người thiểu số đều chọn đất chôn người chết bằng cách vào khi nghĩa địa tung quả trứng sống xuống đất sau lời khấn, trứng rơi vỡ ở chỗ nào thì đó là nơi đào mộ, hướng mộ liên quan đến tuổi tác của người chết.

Tang lễ của các tộc người ở nước ta đều trải qua nhiều bước, từ khi thân nhân tắt thở, như: tắm rửa, thay quần áo, liệm, nhập quan, phát tang, lập bàn thờ, cúng cơm, an táng cho người chết. Mỗi bước này được biểu hiện khác nhau ở từng tộc người, theo các tôn giáo khác nhau. Trong các bước này thì việc cúng hồn để đưa người chết về thế giới bên kia là bước quan trọng nhất. Thế giới bên kia tuỳ thuộc vào quan niệm của từng tộc người, theo các tôn giáo khác nhau. Chẳng hạn, ở người Thái là Mường Trời, Mường Then, ở người Mường là mường Trời; ở người Việt, thế giới bên kia tuỳ theo quan niệm của từng tôn giáo, với Đạo Phật là Niết Bàn, là chốn Tây phương cực lạc, với Đạo giáo là chốn “Bồng lai tiên cảnh” còn Thiên chúa giáo quan niệm là Thiên đường… Các thầy cúng có các bài cúng để đưa người chết trở về thế giới này. Ở một số tộc người, các bài cúng kéo dài nhiều ngày, mỗi ngày đưa người chết đi qua một đoạn đường hay cửa ải rồi mới đến thế giới bên kia. Con cháu bắt buộc phải làm lễ cúng hồn để đưa bố mẹ về thế giới bên kia khi linh cữu còn quàn ở trong nhà (gọi là ma tươi), nếu vì nghèo túng không làm ngay được thì sau này khi có điều kiện phải tổ chức (gọi là ma khô).

Trong việc tổ chức tang ma, các tộc người ở Việt Nam đều hình thành tính cộng đồng, tương trợ rất cao. Bên cạnh tục viếng người chết và tục phúng (bằng tiền hay hiện vật, số lượng cụ thể tuỳ theo quan hệ với người chết) thực chất là hình thức giúp đỡ, gia đình có người mất còn nhận được sự giúp đỡ, động viên, an ủi của cả cộng đồng làng bản trong việc tổ chức tang ma.

Ngày nay, nhờ các cuộc vận động xây dựng đời sống văn hoá, các tộc người trên đất Việt Nam đã loại bỏ dần các nghi lễ mang tính mê tín, hoặc gây mất vệ sinh, phiền phức, tốn kém trong tang ma. Đám tang không còn quàn linh cữu người chết trong nhà nhiều ngày để làm ma, chỉ quàn trong 24 – 36 tiếng đồng hồ. Những yếu tố tích cực trong tang ma như tinh thần cộng đồng tương trợ, giúp đỡ gia đình tang chủ vẫn được duy trì.

 

Bài viết mới

Tin tức nổi bật