Âm nhạc Việt Nam là một phần của lịch sử và văn hóa Việt Nam. Âm nhạc Việt Nam phản ánh đúng những nét đặc trưng của con người, văn hóa, phong tục, địa lý,... của đất nước Việt Nam, trải dài qua suốt chiều dài lịch sử của dân tộc. Âm nhạc Việt Nam bắt đầu từ những nền văn minh đầu tiên qua những phát hiện khảo cổ về những nhạc cụ và tranh vẽ trong hang đá. Trải qua những triều đại phong kiến, nền âm nhạc Việt Nam có được những nét phát triển rõ rệt và đặc trưng. Tới thời kỳ đô hộ của Trung Quốc ngoài ra của các nền văn hóa ngoại lai khác như Ấn Độ, Chăm Pa,... Âm nhạc Việt Nam sớm có được những ảnh hưởng và quan điểm mới, dung hòa hoàn hảo những yếu tố ảnh hưởng từ nước ngoài với những nét nổi bật vốn có của âm nhạc truyền thống, từ đó tạo nên những loại hình âm nhạc cổ truyền của từng vùng miền như hát xẩm, hát chèo, ca trù, hò, cải lương, đờn ca tài tử, nhã nhạc cung đình Huế, quan họ,...
Âm nhạc phương Tây xuất hiện ở Việt Nam vào thế kỷ 14. Giai đoạn Pháp thuộc vào cuối thế kỷ 19 đặc biệt góp phần giúp âm nhạc Việt Nam được tiếp xúc với những phong cách và quan điểm của văn hóa phương Tây, đồng thời tiếp tục phát triển với những nét đặc trưng riêng. Tân nhạc Việt Nam ra đời vào cuối thập niên 1930 với dòng nhạc tiền chiến rồi tiếp hơi cho những làn điệu mới trong thời gian đất nước chia đôi dưới hai chính thể: Việt Nam Cộng hòa và Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Nhạc đỏ ra đời sau năm 1945 ở miền Bắc với sự xuất hiện của nhiều nhạc sĩ nổi tiếng, sau này trở thành cột trụ của nền âm nhạc Việt Nam hiện đại, trong khi đó nhiều thể loại âm nhạc mới như nhạc vàng, nhạc trẻ, du ca nở rộ ở Miền Nam.
Sau năm 1975, âm nhạc Việt Nam bắt đầu học tập nhiều phong cách từ khắp nơi trên thế giới. Sau khi đất nước mở cửa vào cuối thập niên 1980, đặc biệt là việc những lứa nghệ sĩ chuyên nghiệp đầu tiên được cử đi du học ở nước ngoài, âm nhạc Việt Nam đã theo kịp xu hướng của thế giới, mang theo nhiều phong cách và thể loại chưa từng xuất hiện tới nền văn hóa đại chúng nói chung và nền âm nhạc nói riêng ở Việt Nam. Ngoài ra, một số lượng lớn nghệ sĩ hải ngoại cũng góp phần xây dựng đáng kể vào sự phát triển của nền âm nhạc Việt Nam ngày nay. Âm nhạc hiện đại Việt Nam bao gồm nhiều yếu tố kết hợp của các nền văn hóa châu Á, châu Âu, thậm chí châu Mỹ và châu Phi qua việc gia tăng cộng tác của các nghệ sĩ trong nước với các nghệ sĩ từ khắp nơi trên thế giới. Trên hết, âm nhạc Việt Nam vẫn giữ được những nét đặc trưng riêng của nền văn hóa truyền thống Việt Nam.
Lịch sử âm nhạc Việt Nam trải qua nhiều thời kì dài nên chia làm các giai đoạn chính sau: Thời kỳ vua Hùng và Bắc thuộc, thời phong kiến, thời cận và hiện đại.
1. Thời kỳ vua Hùng và Bắc thuộc
Âm nhạc Việt Nam bắt đầu từ nền âm nhạc dân tộc rất cổ xưa. Từ đời các Vua Hùng dựng nước và giữ nước, âm nhạc dân tộc thuộc về văn hóa đồng thau, mà trống đồng Đông Sơn (Thanh Hóa) là một hiện vật biểu trưng được biết đến cho đến tận ngày nay.
Đến thời bị Trung Quốc đô hộ, văn hóa đồng thau của ta dần được thay thế bằng văn hóa tri thức. Đây là thời kỳ chịu sự ảnh hưởng mạnh mẽ của nền văn hóa Trung Hoa với các triều đại phong kiến như Hán, Tùy, Đường,... Sự xuất hiện của các loại nhạc cụ, nhạc khí mắc dây tơ như đàn tỳ bà, đàn tranh, đàn nhị; các loại kèn, sáo làm bằng tre – trúc…
2. Thời phong kiến
Âm nhạc, với đặc điểm có trước sự xuất hiện của chữ viết, từ lâu luôn là phương tiện để người dân thể hiện mọi cảm xúc của mình về thế giới xung quanh, dù là tình yêu đôi lứa, lòng căm thù hay sự buồn giận, chán nản. Âm nhạc ở Việt Nam còn sớm thể hiện những tư tưởng tôn giáo, đời sống tâm linh và phong tục tập quán của dân tộc.
Vào thời phong kiến, âm nhạc Việt Nam là sự giao thoa và tiếp thu giữa các yếu tố âm nhạc lân cận ở Châu Á. Cộng thêm sự đa dạng về sinh học, nhiều dân tộc cư ngụ trên lãnh thổ cùng với những phát triển mở đất xuống phía nam đã tạo cho nền âm nhạc nước ta thời kỳ này mang nhiều sắc thái khác nhau.
Với chiến thắng Ngô Quyền năm 938, đất nước ta bắt đầu bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên độc lập, phục hưng văn hóa dân tộc sau hơn 1000 năm bị phương Bắc đô hộ. Trải qua các thời đại Ngô - Đinh - Tiền Lê - Lý - Trần, nền văn hóa dân tộc của ta dần được phục hồi và phát triển. Trong đó không thể không kể đến âm nhạc dân gian, vốn được nhà nước coi trọng, làn điệu dân ca thời kỳ này được chau chuốt hơn với thành phần âm phong phú, đã tạo nên tính chất trữ tình trong các diễn xướng dân gian và dân ca nghi lễ. Bên cạnh các loại hình nghệ thuật đã có từ thế hệ trước, cũng những thể loại ca nhạc dân gian khác với đặc trưng riêng phong phú gồm:
Chèo: Vào thế kỷ 15, vua Lê Thánh Tông đã không cho phép biểu diễn chèo trong cung đình, do chịu ảnh hưởng của đạo Khổng. Chèo trở về với nông dân, kịch bản lấy từ truyện viết bằng chữ Nôm. Tới thế kỷ 18, hình thức chèo đã được phát triển mạnh ở vùng nông thôn Việt Nam và tiếp tục phát triển, đạt đến đỉnh cao vào cuối thế kỷ 19. Những vở nổi tiếng như Quan Âm Thị Kính, Lưu Bình Dương Lễ, Kim Nham, Trương Viên xuất hiện trong giai đoạn này. Đến thế kỷ 19, chèo ảnh hưởng của tuồng, khai thác một số tích truyện như Tống Trân, Phạm Tải, hoặc tích truyện Trung Quốc như Hán Sở tranh hùng. Đầu thế kỷ 20, chèo được đưa lên sân khấu thành thị trở thành chèo văn minh. Có thêm một số vở mới ra đời dựa theo các tích truyện cổ tích, truyện Nôm như Tô Thị, Nhị Độ Mai.
Xẩm: Theo truyền thuyết, đời nhà Trần, vua cha Trần Thánh Tông có hai hoàng tử là Trần Quốc Toán và Trần Quốc Đĩnh. Do tranh giành quyền lực nên Trần Quốc Đĩnh bị Trần Quốc Toán hãm hại, chọc mù mắt rồi đem bỏ giữa rừng sâu. Tỉnh dậy, hai mắt mù loà nên Trần Quốc Đĩnh chỉ biết than khóc rồi thiếp đi. Trong mơ Bụt hiện ra dạy cho ông cách làm một cây đàn với dây đàn làm bằng dây rừng và gẩy bằng que nứa. Tỉnh dậy, ông mò mẫm làm cây đàn và thật lạ kỳ, cây đàn vang lên những âm thanh rất hay khiến chim muông sà xuống nghe và mang hoa quả đến cho ông ăn. Sau đó, những người đi rừng nghe tiếng đàn đã tìm thấy và đưa ông về. Trần Quốc Đĩnh dạy đàn cho những người nghèo, người khiếm thị. Tiếng đồn về những khúc nhạc của ông lan đến tận hoàng cung, vua vời ông vào hát và nhận ra con mình. Trở lại đời sống cung đình nhưng Trần Quốc Đĩnh vẫn tiếp tục mang tiếng đàn, lời ca dạy cho người dân để họ có nghề kiếm sống. Hát xẩm đã ra đời từ đó và Trần Quốc Đĩnh được suy tôn là ông tổ nghề hát xẩm nói riêng cũng như hát xướng dân gian Việt Nam nói chung. Tuy nhiên, theo chính sử thì vua Trần Thánh Tông không có hoàng tử tên Đĩnh hay Toán. Thái tử con vua Thánh Tông tên là Khảm, sau lên ngôi là vua Nhân Tông; một người con nữa là Tả Thiên vương. Vì vậy nguồn gốc hát xẩm là dựa trên thánh tích chứ không truy được ra trong chính sử.
Quan họ: Ý nghĩa từ "Quan họ" thường được tách thành hai từ rồi lý giải nghĩa đen về mặt từ nguyên của "quan" và của "họ". Điều này dẫn đến những kiến giải về Quan họ xuất phát từ "âm nhạc cung đình", hay gắn với sự tích một ông quan khi đi qua vùng Kinh Bắc đã ngây ngất bởi tiếng hát của liền anh liền chị ở đó và đã dừng bước để thưởng thức ("họ"). Tuy nhiên cách lý giải này đã bỏ qua những thành tố của không gian sinh hoạt văn hóa quan họ như hình thức sinh hoạt (nghi thức các phường kết họ khiến anh hai, chị hai suốt đời chỉ là bạn, không thể kết thành duyên vợ chồng), diễn xướng, cách thức tổ chức và giao lưu, lối sử dụng từ ngữ đối nhau về nghĩa và thanh điệu trong sinh hoạt văn hóa đối đáp dân gian.
Ca trù (Hát ả đào): Hát ca trù hay hát ả đào là một bộ môn nghệ thuật truyền thống ở phía Bắc Việt Nam kết hợp hát cùng một số nhạc cụ dân tộc. Ca trù thịnh hành từ thế kỷ 15, từng là một loại ca trong cung đình và được giới quý tộc và học giả yêu thích.
Ngày 1 tháng 10 năm 2009, tại kỳ họp lần thứ tư của Ủy ban liên chính phủ Công ước UNESCO Bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể (từ ngày 28 tháng 9 tới ngày 2 tháng 10 năm 2009), ca trù đã được công nhận là di sản phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp. Đây là di sản văn hóa thế giới có vùng ảnh hưởng lớn nhất Việt Nam, có phạm vi tới 16 tỉnh, thành phố phía Bắc. Hồ sơ đề cử Ca trù là di sản văn hóa thế giới với không gian văn hóa Ca trù trải dài khắp 16 tỉnh phía Bắc gồm: Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hà Nội, Thái Bình, Bắc Giang, Bắc Ninh, Hải Phòng, Hải Dương, Hưng Yên, Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh và Quảng Bình.
Hò: Hò là một loại ca hát trình diễn dân gian phổ biến đến đời sống, là nét văn hóa của miền Trung và miền Nam, khởi nguồn từ tập quán sinh hoạt vùng chiêm trũng, diễn tả tâm trạng của người lao động. Trong sinh hoạt những đêm trăng những nhóm con trai đi chơi, thường cất lên những điệu hò để dò hỏi những cô gái về những công việc. Điệu hò giao duyên giữ hai bên đối đáp lại nhau, người con gái hay một nhóm sẽ hò đáp trả lại khi đó. Trên sông nước khi đi đò, người hò thường hò điệu giao duyên giữa hai chiếc đò gần nhau. Hò và lý tuy có phần giống nhau nhưng hò thường gắn liền với một động tác khi làm việc còn lý thì không. Một số bài dân ca của các quốc gia khác hay các vùng miền khác có nội dung và tiết tấu tương tự cũng được đặt tên là "hò", tỉ như bài dân ca Nga "Hò kéo thuyền trên sông Volga".
Các loại hò phổ biến: Hò Đồng Tháp, hò kéo lưới, hò qua sông hái củi, hò khoan, hò mái nhì, hò giã gạo, hò xay lúa, hò kéo gỗ, hò đạp lúa
Hát chầu văn: Hát chầu văn là một loại hình nghệ thuật ca hát cổ truyền của Việt Nam. Đây là hình thức lễ nhạc trong nghi thức hầu đồng của tín ngưỡng Tứ phủ và tín ngưỡng thờ Đức Thánh Trần (Đức Thánh Vương Trần Hưng Đạo), một tín ngưỡng dân gian Việt Nam. Bằng cách sử dụng âm nhạc mang tính tâm linh với các lời văn chau truốt nghiêm trang, chầu văn được coi là hình thức ca hát mang ý nghĩa chầu thánh. Hát văn có xuất xứ ở vùng đồng bằng Bắc Bộ. Thời kỳ thịnh vượng nhất của hát văn là cuối thế kỉ 19, đầu thế kỉ 20. Vào thời gian này, thường có các cuộc thi hát để chọn người hát cung văn. Từ năm 1954, hát văn dần dần mai một vì hầu đồng bị cấm do bị coi là mê tín dị đoan.
Chầu văn sử dụng nhiều thể thơ khác nhau như thơ thất ngôn, song thất lục bát, lục bát, nhất bát song thất (có thể gọi là song thất nhất bát gồm có một câu tám và hai câu bảy chữ), hát nói…
Hát Ví giặm Nghệ Tĩnh: Dân ca Ví, Giặm xứ Nghệ, còn có tên gọi khác là Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh, là hai lối hát dân ca không có nhạc đệm, do cộng đồng hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh sáng tạo, lưu truyền trong quá trình lao động sản xuất và sinh hoạt. Theo kết quả kiểm kê năm 2012, hiện nay có 75 nhóm Dân ca Ví, Giặm, với khoảng 1.500 thành viên, điển hình là Nhóm Dân ca Ví, Giặm Hồng Sơn, Nhóm Dân ca Ví, Giặm Ngọc Sơn ở tỉnh Nghệ An, Nhóm Dân ca Ví, Giặm O Nhẫn, Thạch Khê ở tỉnh Hà Tĩnh; việc thực hành, truyền dạy Dân ca Ví, Giặm được đẩy mạnh ở 15 huyện ở tỉnh Nghệ An và 12 huyện ở tỉnh Hà Tĩnh.
Loại hình nghệ thuật trình diễn dân gian này đã không ngừng phát triển cả về bề rộng, bề sâu, trở thành bản sắc riêng có của nhân dân xứ Nghệ. Dân ca Ví, Giặm xứ Nghệ được thực hành trong cuộc sống, lúc ru con, khi làm ruộng, chèo thuyền, lúc dệt vải, xay lúa. Các lối hát, vì vậy, được gọi tên theo các hình thức lao động và sinh hoạt như: Ví phường vải, Ví phường đan, Ví phường nón, Ví phường củi, Ví trèo non, Ví đò đưa, Giặm ru, Giặm kể, Giặm khuyên,…Hai lối hát dân ca này thường được hát xen kẽ cùng nhau nên có tên ghép là Dân ca Ví, Giặm.
Ví và Giặm xứ Nghệ có điểm chung là lối hát vừa mang tính ngẫu hứng, vừa có thủ tục và quy cách cụ thể; có chung đặc tính địa phương về thang điệu, điệu thức, tiết tấu, giai điệu và giọng hát, được diễn xướng theo ba hình thức: hát lẻ, hát đối và hát cuộc. Các cuộc hát nổi bật với lối hát giao duyên, thường có ba chặng: hát dạo, hát đối và hát xe kết. Mỗi bên hát phải có ít nhất hai, ba người, một người hát chính, người còn lại hát theo để đỡ giọng.
Ca từ của Dân ca Ví, Giặm xứ Nghệ là những vần thơ cô đọng, súc tích, dễ thuộc, dễ nhớ, dễ hát; nội dung đa dạng, miêu tả cuộc sống, phản ánh tập quán xã hội, lịch sử, tình yêu quê hương, đất nước, con người, mang tính giáo dục sâu sắc, thể hiện sự kính trọng cha mẹ, chung thủy, nghĩa tình, góp phần gìn giữ các tập tục, truyền thống tốt đẹp trong ứng xử xã hội ở làng xã. Dân ca Ví, Giặm xứ Nghệ còn là nguồn cảm hứng, là chất liệu cho các tác phẩm âm nhạc, ca khúc, ca kịch đương đại biểu diễn ở sân khấu, trong các phong trào truyền thông, hoạt động văn hóa xã hội, được công chúng rất yêu thích, làm cho đời sống văn hóa, tinh thần của cộng đồng càng thêm phong phú.
Giữa hát Ví và hát Giặm có những điểm khác biệt. Hát Ví có âm điệu tự do, phụ thuộc vào lời ca ở thể thơ lục bát, song thất lục bát, lục bát biến thể, và phụ thuộc vào bối cảnh, tâm tính của người hát, âm vực không quá một quãng 8. Trong các cuộc hát, Ví phường vải là có quy cách và thủ tục hát chặt chẽ hơn cả, thường theo ba chặng: chặng một có hát dạo, hát chào/hát mừng và hát hỏi; chặng hai là hát đố hoặc hát đối - yêu cầu đối tượng phải giải và đối; chặng ba gồm hát mời, hát xe kết và hát tiễn. Hát Giặm là thể hát nói có nhịp điệu, tiết tấu rõ ràng, có phách mạnh, phách nhẹ, thường là nhịp 3/4 và 6/8. Một bài Giặm thường dựa theo thể thơ ngụ ngôn hay vè (thơ 5 chữ) có nhiều khổ. Loại phổ biến là mỗi khổ có 5 câu, câu 5 điệp lại câu 4 nên được gọi là Giặm. Có nhiều loại Giặm như: Giặm kể, Giặm nói, Giặm vè, Giặm nam nữ, Giặm cửa quyền, Giặm ru, Giặm xẩm,…Hát Giặm nam nữ có phường, có cuộc, có thể 2 - 3 người, 5 - 7 người hoặc có khi nhiều hơn. Quy trình hát Giặm về cơ bản cũng có ba chặng như hát Ví, song các bước thì không chặt chẽ, đầy đủ bằng.
Dân ca Ví, Giặm xứ Nghệ là sự kết tinh khả năng sáng tạo lời ca và giai điệu của các cộng đồng người Nghệ Tĩnh, đặc biệt là sự đóng góp của các nho sĩ, các nhà khoa bảng, các danh sĩ, sĩ phu yêu nước. Với nội dung, ngôn từ, bài hát do họ sáng tác, thấy được chặng đường lịch sử dân tộc đã đi qua. Sự hấp dẫn của Dân ca Ví, Giặm nằm ở sự tôn trọng việc tự do thể hiện tư tưởng, tình cảm bằng lời ca tiếng hát, bằng ngôn ngữ địa phương. Mỗi người có thể hát Ví với âm điệu tự do, hoặc hát Giặm có phách mạnh, phách nhẹ, hoặc hát cả hai. Bằng lối hát này, họ cũng dễ dàng ứng tác, đặt lời mới, góp phần làm cho kho tàng dân ca Nghệ Tĩnh thêm đa dạng, phong phú.
Ngày nay, hát Ví, Giặm đã có những thay đổi để thích ứng với hình thái kinh tế - xã hội mới. Những người thực hành không chỉ là những nghệ nhân, con cháu nghệ nhân, những người nông dân trong thôn, trong xóm làng, mà có cả cán bộ, công chức, bộ đội, công an đang còn làm việc hoặc đã nghỉ hưu. Việc thực hành hát Dân ca Ví, Giặm không chỉ ở từng cá nhân, từng nhóm người, mà chủ yếu là ở các Câu lạc bộ được thành lập tại các cơ sở, đội văn nghệ, cơ quan, đơn vị và trường học... Người ta thường hát theo bài có sẵn, với sự hỗ trợ của nhạc cụ truyền thống và hiện đại. Việc truyền dạy được tiến hành dưới nhiều hình thức: truyền miệng trực tiếp hoặc ghi hình, ghi âm rồi hát theo.
Để ghi nhận các giá trị nổi bật về lịch sử, văn hóa, khoa học của Dân ca Ví, Giặm xứ Nghệ, UNESCO đã đưa dân ca này vào Danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại vào năm 2014.
Âm nhạc đương đại (từ đầu thế kỷ XX đến nay)
Âm nhạc hát (thanh nhạc)
Cuối thời Nguyễn, từ đầu thế kỷ XX, âm nhạc phương Tây được du nhập vào Việt Nam qua người Pháp. Sau một thời gian sinh ra “bài hát ta điệu tây” thì đến việc xuất hiện phong trào Tân nhạc với những bài hát Việt Nam ký âm theo ký âm Pháp do người Việt Nam sáng tác, được hát và in trên báo Ngày nay vào mùa thu 1938. Tân nhạc những ngày đầu giống như Tự lực văn đoàn và phong trào Thơ mới, đi sâu vào việc giải phóng cá nhân, giải phóng tình yêu khỏi lễ giáo phong kiến. Nhưng ngay sau đó không lâu, bên cạnh những tình khúc lứa đôi là những hành khúc yêu nước, trở thành chất kết dính toàn dân tộc trong cuộc vùng lên giành độc lập long trời lở đất tháng Tám 1945. Và âm nhạc đương đại Việt Nam cũng bắt đầu phát triển theo cuộc cách mạng ấy.
Ca khúc
Ở các nước phương Tây, ca khúc là sản phẩm văn hoá âm nhạc đô thị, ngược lại với là của nông thôn. Khi xuất hiện ở nước ta trước Cách mạng tháng Tám, ca khúc đã lan rộng tới các làng quê, rừng núi, miền biển và hành trình cùng toàn dân tộc qua những chặng đường lịch sử.
Hành khúc: là những ca khúc viết cho nhịp đi, dành cho những đám đông, những đoàn quân hành quân. Hành khúc Việt Nam mang vẻ đẹp mới của dân tộc Việt Nam, từ bóng tối nô lệ bước tới chân trời tự do “Tiến quân ca” (Văn Cao), “Diệt phát xít” (Nguyễn Đình Thi)… Hành khúc Việt Nam là một bộ chính sử viết bằng âm nhạc.
Ca khúc tập thể: là những bài hát mang phong cách chính ca, những bài hát cổ động, những bài hát sinh hoạt, những bài hát mang tính hoạt cảnh và những bài hát mang tính châm biếm. Đấy là những chính ca về Đảng, Bác Hồ, thanh niên, thiếu niên và những người anh hùng như “Ca ngợi Hồ Chủ Tịch” (Lưu Hữu Phước), “Chào mừng Đảng Cộng sản Việt Nam” (Đỗ Minh)… Đấy là những bài hát cổ động, giản dị phổ biến như “Đánh giặc tăng gia” (Văn Cận), “Quê tôi giải phóng” (Văn Chung), “Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng” (Phạm Tuyên)… Đấy là những bài hát trong sinh hoạt đời thường như “Con kênh xanh xanh” (Ngô Huỳnh), “Đào công sự” (Nguyễn Đức Toàn)…
Ca khúc trữ tình: là những bài hát tình cảm, tình yêu đôi lứa. Nếu trước Cách mạng có “Suối mơ” (Văn Cao), “Giọt mưa thu” (Đặng Thế Phong), “Đêm tàn bến ngự” (Dương Thiệu Tước)… thì sau Cách mạng là những “Em đến thăm anh một chiều mưa” (Tô Vũ), “Tình nghệ sĩ” (Đoàn Chuẩn)… Thời chống Pháp, là những tình khúc của biết bao tác giả, rồi thời chống Mỹ với những tình khúc của Trịnh Công Sơn và hôm nay là của Phó Đức Phương, Trần Tiến, Nguyễn Cường, Dương Thụ, Ngọc Đại, Phú Quang…
Hợp xướng và trường ca: Đỉnh cao của âm nhạc đương đại là xuất hiện những hợp xướng và những trường ca ở mọi thời điểm lịch sử. Trường ca là những bài hát có cấu trúc nhiều đoạn liên tiếp, mang âm hưởng, hơi thở và tư tưởng khái quát. Nếu trước Cách mạng có “Thiên thai” (Văn Cao), “Thiếu phụ Nam Xương” (Thẩm Oánh)… thì sau Cách mạng có “Người Hà Nội” (Nguyễn Đình Thi), “Trường chinh ca” (Lương Ngọc Trác), “Tôi là người thợ lò” (Hoàng Vân)… Hợp xướng là những bài hát nhiều bè, cấu trúc nhiều đoạn với tầm vóc hoành tráng như “Du kích sông Thao” (Đỗ Nhuận), “Ca ngợi Tổ quốc” (Hồ Bắc)…
Ca cảnh, thanh xướng kịch, nhạc kịch
Ca cảnh: là những bài hát có tích truyện đơn giản như “Nguyễn Trãi – Phi Khanh”, “Hát mừng chị Chiên” (Đỗ Nhuận), “Bình ca” (Nguyễn Đình Phúc), “Lá đơn tình nguyện” (Doãn Nho”…
Thanh xướng kịch: là một thể loại hát nhiều màn, nhiều cảnh của dàn hợp xướng xen lẫn lĩnh xướng kể về một tích truyện như “Nguyễn Văn Trỗi” (Đàm Linh), “Những đứa trẻ làng Izeiu” (Nguyễn Thiên Đạo).
Nhạc kịch: là thể loại kịch hát của phương Tây, được các nhạc sĩ Việt Nam sáng tác như “Người tạc tượng” (Đỗ Nhuận), “Mỵ Châu – Trọng Thuỷ” (Nguyễn Thiên Đạo”.
Âm nhạc đàn (khí nhạc)
Nếu khi xưa trong âm nhạc cổ truyền, Việt Nam đã có những dàn trống, dàn nhạc chèo, dàn nhạc tuồng, dàn nhã nhạc, dàn nhạc vọng cổ với những bài bản do các nghệ nhân soạn ra thì trong âm nhạc đương đại có một sự phát triển vượt bậc của hình thức âm nhạc này.
Tiểu phẩm: là những tác phẩm khí nhạc viết cho một hoặc vài cây đàn theo những thể loại âm nhạc châu Âu như xônát, song tấu, tâm tấu, tứ tấu và ngũ tấu… như “Miền Nam quê hương ta ơi” (Huy Du); “Quê hương” (Lưu Cầu)…
Các hình thức lớn: là những tác phẩm khí nhạc viết cho dàn nhạc dây, dàn nhạc kèn, dàn nhạc gõ và dàn nhạc giao hưởng “Lửa cách mạng” (Trần Ngọc Xương), “Nữ anh hùng miền Nam” (Nguyễn Thị Nhung).
Khí nhạc cho dàn nhạc dân tộc: bên cạnh việc viết các tác phẩm cho các nhạc cụ phương Tây và dàn nhạc giao hưởng, các nhạc sĩ đương đại còn viết các tác phẩm khí nhạc cho các nhạc cụ và dàn nhạc dân tộc. Đó là những Cúc – Trúc – Tùng – Mai của Nguyễn Xuân Khoát viết cho dàn nhạc trống.
Âm nhạc Việt Nam là một nền âm nhạc vô cùng giàu có, độc đáo và riêng biệt, có lịch sử hàng ngàn năm. Âm nhạc cổ truyền Việt Nam vì thế đã được giới thiệu trân trọng trên khắp thế giới.
Âm nhạc đương đại Việt Nam kế thừa âm nhạc cổ truyền Việt Nam, đã giữ vững bản sắc dân tộc độc đáo qua rất nhiều thời kỳ sáng tạo cũng rất đáng tự hào.
Trên nền tảng đã đạt được trên 78 năm qua, âm nhạc đương đại Việt Nam đang có nhiều bước chuyển biến tích cực để hội nhập thế giới nhưng không hoà tan bản sắc của mình mà càng ngày càng tạo dựng vững chắc hơn bản sắc ấy, không chỉ trong những thể loại âm nhạc chính thống mà còn trong các thể loại nhạc nhẹ đang thịnh hành trong lớp trẻ hôm nay, tương lai của đất nước.