Tìm hiểu về sân khấu dân tộc

Trong đại gia đình nghệ thuật sân khấu Việt Nam có nhiều loại hình như: hát bội (tuồng), chèo, cải lương, múa rối nước và dân ca kịch; trong dân ca kịch có bài chòi Liên khu V, ví giặm Nghệ Tĩnh, ca Huế, nghệ thuật Chăm, dù kê của người Khơ Me Nam Bộ… Kịch nói du nhập vào Việt Nam từ đầu thế kỷ XX và đang có xu hướng dân tộc hoá.

Chèo là nghệ thuật dân gian phát triển ở miền Bắc với tuổi đời gần 10 thế kỷ, mang đậm chất dân gian, trữ tình, bởi nó tiếp thu hầu hết vốn dân ca, dân vũ ở đồng bằng Bắc Bộ.

Nghệ thuật biểu diễn của Chèo chủ yếu bằng đôi tay mềm mại, uyển chuyển, cùng với cái quạt giấy thể hiện được mọi tính cách nhân vật trên sân khấu.

Nghệ thuật chèo thường phản ánh cuộc sống trong làng, xã với những mối quan hệ gia đình, cha con, bạn bè, ít khi tới cấp huyện, cấp tỉnh. Ví dụ, vở chèo nổi tiếng “Quan âm Thị Kính” phản ánh mâu thuẫn trong quan hệ cha con – phú ông có con gái Thị Mầu xinh đẹp đến tuổi biết yêu mà không được yêu vì bị rào cản “môn đăng hộ đối” của tư tưởng phong kiến mà ở đây hiện thân là phú ông. Chuyện rằng, ngày rằm thường lệ, Thị Mầu lên chùa lễ Phật, gặp “chú tiểu” Thị Kính đẹp trai, liền ngỏ lời yêu bốc lửa nhưng bị từ chối vì cô đâu có biết là đó là gái giả trai. Không được “chú tiểu” đáp ứng tình yêu, Thị Mầu về nhà chọc ghẹo anh Nô, người ở của gia đình mình và mang thai, nhưng cô lại đổ cho “chú tiểu” Thị Kính ở chùa. Kẻ gây hậu quả là anh Nô thì chạy trốn, còn người con gái giả dạng đi tu thì bị luật làng xử tội. Vì vậy mà trong dân gian có câu “oan Thị Kính”. Tấm bi hài kịch này mãi mãi tồn tại trong nhân dân lao động với những lớp diễn độc đáo. Nó thể hiện rất rõ đặc trưng của nghệ thuật chèo như lớp “Thị Mầu lên chùa”, lớp “Anh Nô chọc ghẹo Thị Mầu” hoặc lớp “việc làng” ở đây. Chiếc quạt chèo kỳ diệu cùng với những động tác múa được cách điệu hoá từ cuộc sống ở nông thôn vô cùng phong phú và sinh động, kết hợp với những điệu hát được phát triển từ dân ca đồng bằng Bắc Bộ thật vui tươi, đậm chất trữ tình và cũng thật buồn thảm khi diễn tả mọi tâm trạng và mọi tính cách của nhân vật.

Nói về đặc trưng của nghệ thuật chèo là nói tới nghệ thuật cách điệu, ước lệ và tượng trưng được thể hiện trong múa và hát của diễn viên, kết hợp với âm nhạc dân gian. Không sử dụng tốt ba yếu tố này thì không ra chèo mà ra kịch chèo, ngược lại diễn thật đúng, hát thật hay sẽ mang đến cho người xem những giá trị thẩm mỹ tuyệt vời. Ví dụ, lớp chèo Xuý Vân giả dại trong vở chèo “Kim Nham” được coi là vai mẫu đặc sắc mà chúng ta thường thấy trình diễn trên sân khấu và trên màn ảnh nhỏ. Ở đây, nhân vật Xuý Vân giả dại giả điên bằng những động tác tay và ánh mắt hết sức linh hoạt, điêu luyện, như xe chỉ luồn kim, dệt vải… Kể cả đôi mắt cùng diễn với những điệu hát sa lệch chênh, làn thảm, con gà rừng… kéo dài 15 đến 20 phút mà khán giả vẫn bị cuốn hút.

Tuồng là nghệ thuật cổ điển có mặt khắp đất nước, tập trung ở miền Trung và đã có thời hoàng kim trong thế kỷ XIX bởi vua chúa Việt Nam rất xem tuồng và đồng thời dùng để bảo vệ tư tưởng và ngai vàng của mình nên đã ra sức đầu tư cho loại hình nghệ thuật này phát triển đến đỉnh cao mà những nhà nghiên cứu gọi là “nghệ thuật bác học”, có nghĩa là đạt đến mức hoàn mỹ về văn học cũng như nghệ thuật biểu diễn, có thể sánh ngang với kịch Nô của Nhật Bản và Kinh kịch của Trung Quốc.

Nghệ thuật tuồng sử dụng rất nhiều động tác cách điệu cao kết hợp với võ thuật dân tộc cùng với đạo cụ, (vũ khí) như: gươm, dáo, búa, roi ngựa, mái chèo… để diễn tả những cuộc chiến đấu, những trận đánh ác liệt thậm chí máu chảy đầu rơi. Nguyên tắc biểu diễn của nghệ thuật tuồng là cách điệu, ước lệ, tượng trưng. Ví dụ cái roi ngựa cách điệu có thể diễn tả được nhiều cách đi ngựa, tính cách của nhân vật đi ngựa. Một mái chèo trên đôi tay điêu luyện của diễn viên tuồng có thể diễn tả cảnh thuyền đang đi trên sông nước.

Đặc trưng của nghệ thuật tuồng là tính cách điệu, ước lệ, tượng trưng, được thể hiện trong múa và hát của diễn viên, kết hợp với âm nhạc dân gian, chịu sự chi phối của hệ thống trình thức và vũ đạo.

Sau tuồng và chèo còn có cải lương, một loại hình nghệ thuật dân tộc ra đời ở Nam Bộ từ đầu thế kỷ XIX và phát triển rất nhanh, chỉ trong vòng một thập kỷ, từ hình thức ca tài tử, phát triển rộng khắp.

Trong kho tàng sân khấu của dân tộc Việt Nam còn có nghệ thuật múa rối nước mà cả thế giới công nhận là độc nhất vô nhị. Đây là nghệ thuật ra đời ở vùng đồng bằng Bắc Bộ trên nền văn minh lúa nước, do chính người nông dân sáng tạo cách đây chừng 10 thế kỷ.

Nền sân khấu của dân tộc Việt Nam phong phú và đặc sắc nhưng suốt một thời gian dài cho đến trước Cách mạng tháng Tám 1945, những nghệ nhân, đào kép sân khấu bị khinh rẻ, bị chế độ phong kiến coi là “xướng ca vô loài”. Sự quan tâm của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với nghệ thuật dân tộc là yếu tố quyết định đối với quá trình phục hồi và phát triển mạnh mẽ các bộ môn tuồng, chèo, cải lương và dân ca kịch, với tốc độ nhanh, không những ảnh hưởng tích cực trong nước mà còn gây được tiếng vang trên trường quốc tế. Vấn đề đang tồn tại trước mắt những nhà quản lý văn hoá từ Trung ương đến các địa phương là cần có một biện pháp và chính sách đặc biệt cho việc bảo tồn và phát huy các loại hình nghệ thuật sân khấu dân tộc

 

Bài viết mới

Tin tức nổi bật