1. Đặt vấn đề
Việc sử dụng hình thức học tập khi thực tế và kinh nghiệm khi đi thực tế là một phần của giáo dục trình độ cao đẳng và đại học. Giáo dục thông qua hoạt động đi thực tế không hề mới, trong đó các tiết học của mỗi môn học trong lớp được thay bằng kinh nghiệm khi làm việc bên ngoài lớp học đã được triển khai thành công ở rất nhiều trường đào tạo các ngành khoa học xã hội và nghệ. Học từ các chuyến đi thực tế là quá trình thâm nhập cuộc sống thực tế để đem những kiến thức đã được học tại trường, vận dụng vào việc ghi chép tài liệu, lấy tư liệu từ đời sống, rèn luyện khả năng chắt lọc, tìm tòi những cái hay, cái đẹp của cuộc sống, phục vụ cho việc học tập. Quá trình thực tế môn học là không thể thiếu được đối với người học. Đặc biệt, đối với sinh viên học từ các buổi đi thực tế chính là sự khẳng định bản thân trong quá trình thâm nhập thực tế thông qua nghề nghiệp.
Đối với các học phần lý luận ở Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Nghệ An, đưa sinh viên đi thực tế là một trong những giải pháp góp phần đổi mới phương pháp dạy và học. Chẳng hạn, với các môn Cơ sở văn hóa Việt Nam, Những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lê Nin; Tư tưởng Hồ chí Minh; Đường lối Cách mạng của Đảng Cộng sản Việt Nam... - là môn học thuộc khối kiến thức chung của khá nhiều trường, bộ phận đa số sinh viên ít quan tâm vì kiến thức khá trừu tượng và là môn đại cương hoặc cơ sở ngành nên sinh viên ít quan tâm chú ý. Nhìn chung, phương pháp giảng dạy học phần lý luận hiện nay ở các trường đại học, cao đẳng nói chung và ở trường CĐ VHNT Nghệ An nói riêng chỉ mang tính chất hàn lâm, sử dụng phương pháp thuyết giảng là chủ yếu, ít kết hợp với các phương pháp khác, điều này gây nên sự nhầm chán cho sinh viên và dẫn đến việc tiếp thu kiến thức không được hiệu quả. Do đó, khi học môn học này, giảng viên khoa Lý luận đại cương đề xuất với khoa và nhà trường cho phép kết hợp việc học tập lý thuyết với học qua thực tế sẽ tạo hứng thú và tư duy sáng tạo của người học thông qua các chủ đề lý thuyết được áp dụng thực tế cuộc sống. Như vậy, sinh viên sẽ dễ dàng tiếp thu những kiến thức lý thuyết môn văn hóa thông qua các hoạt động thực tế.
2. Vai trò của việc học tập từ thực tế
Học tập từ thực tế có cả mục đích nhận thức và mục đích khuyến khích. Những khái niệm trừu tượng sẽ có ý nghĩa nếu sinh viên nhận thấy rằng họ trở nên hữu ích khi mô tả và hiểu được những hiện tượng “thực tế đời thường”. Trên thực tế hoạt động học tập, kinh nghiệm khi đi thực tế sẽ khuấy động những câu hỏi trong đầu sinh viên và dẫn đến học tập tích cực với các môn lý luận hơn. Và quan trọng nhất là kinh nghiệm thực tế có thể gắn kết học tập, tư duy và hành động. Những kinh nghiệm đi thực tế sẽ không chỉ cổ vũ sinh viên học những nội dung có trong học phần hiện tại mà còn tăng sự thích thú nội tại của sinh viên khiến họ muốn học tập sâu hơn. Ví dụ trong phần nội dung bài giảng có nội dung tìm hiểu Phật Giáo và văn hóa Việt Nam. Giảng viên đưa ra chủ đề “lễ Vu Lan tại thành phố Vinh hiện nay” cùng sinh viên đến chùa thực tế ngày rằm tháng 7 âm lịch. Qua thực tế tại chùa, sinh viên không chỉ hiểu biết trực diện đặc trưng kiến trúc chùa, hệ thống thờ tự. Hoặc phân biệt được cơ bản Phật giáo Nam Tông và Bắc Tông qua kiến trúc, hệ thống thờ tự, trang phục nhà sư…. Mà có cái nhìn khái quát được vai trò chức năng của chùa trong đời sống văn hóa tâm linh người dân, qua câu nói “Đất vua, chùa làng” cùng giảng viên thảo luận khi tham quan…
Kết quả của học tập thực tế là sinh viên được học cả khái niệm trong nội dung bài giảng lẫn mối quan hệ giữa khái niệm và con người: họ học được cả chiến lược học tập lẫn những chiến lược giải quyết những tình huống xã hội. Tương tự như vậy, kinh nghiệm học được những nghiên cứu cộng tác sẽ tăng sự thích thú nội tại đối với nghiên cứu đề tài giảng viên đưa sinh viên thực hiện.
Một mục đích khác mà đối với sinh viên cũng quan trọng không kém đó là tăng cường khuyến khích sinh viên hiểu biết kỹ năng phục vụ người khác. Sẽ thật sự cảm kích, khi mà ngay trong nền văn hóa vật chất thực dụng ngày nay, vẫn có rất nhiều những sinh viên vẫn cảm thấy thích thú được giúp đỡ người già, trẻ em, bạn cùng lớp và cảm nhận những giá trị của lao động khi được đi thực tế ở bảo tàng, cơ sở thờ tự (một số chùa cưu mang người già, trẻ mồ côi, khuyết tật…), bản làng, làng nghề truyền thống... Cảm nhận sâu sắc những giá trị văn hóa trong cuộc sống, niềm vui bình dị thông qua nụ cười hồn nhiên của những người nông dân khi mùa màng bội thu, thu hoạch trái cây… Tất cả chỉ thực sự có được thông qua học tập thực tế môn học. Nếu triển khai được việc đi thực tế do các giáo viên khoa Lý luận địc cương tổ chức, một số kết quả được chúng tôi dự kiến như sau:
- Phần lớn sinh viên sẽ nhận thấy được vai trò và ý nghĩa của việc học tập từ thực tế của các môn. Nhiều sinh viên rất hào hứng khi học tập từ các chuyến đi thực tế bảo tàng, cơ sở thờ tự, làng nghề truyền thống…
- Các giảng viên cần phải tích cực khơi gợi những ý tưởng cho sinh viên trong quá trình hướng dẫn thực tế vào nội dung bài giảng, cụ thể là qua các đề tài giảng viên thiết kế phù hợp từng chương cho sinh viên làm và thuyết trình.
- Giúp sinh viên tự tìm hiểu kiến thức và rèn luyện khả năng làm việc tập thể trong quá trình đi thực tế.
- Qua việc học tập thực tế, sinh viên thấy được vai trò của mình đối với tập thể, đối với nghề nghiệp mình chọn bước đầu thành thạo được nhiều kỹ năng. Quá trình học tập thực tế đã tạo cơ hội cho các thành viên được thể hiện mình nên các bạn trở nên mạnh dạn hơn, tự tin hơn, có trách nhiệm hơn ...
- Học tập từ thực tế đã tạo ra nhiều sản phẩm trí tuệ rất phong phú và chất lượng được thầy cô ghi nhận, đánh giá cao. Các bài đề tài thuyết trình và thu hoạch sau khi đi thực tế của sinh viên có nhiều sáng kiến, nội dung sát thực tại đã có nhiều ý kiến đề xuất …
3. Một số hạn chế của hình thức học tập từ thực tế
Chúng tôi cũng dự kiến một số hạn chế nếu tổ chức các hoạt động thực tế, trải nghiệm:
- Hiệu quả của hoạt động học tập thực tế sẽ không cao, phần lớn hoạt động sinh viên còn mang tính hình thức, chủ quan nghĩ đây chỉ là môn chung nên thái độ làm việc trong nhóm chưa hết mình, do đó chỉ chú trọng tạo ra sản phẩm để nộp thầy cô mà ít chú trọng đến quá trình học tập, tích lũy kiến thức, sáng tạo từ đi thực tế để tạo ra sản phẩm nếu không có sự quán triệt tư tưởng ngay từ trước khi đi thực tế của thầy cô.
- Hầu hết sinh viên đều thiếu và yếu về các kỹ năng trong quá trình đi thực tế, đặc biệt là kỹ năng quan sát, giải quyết xung đột trong quá trình thực tế, kỹ năng chia sẻ trách nhiệm, kỹ năng tự kiểm tra - đánh giá…
- Ý thức tham gia, đóng góp ý kiến của sinh viên còn chưa cao phải cần sự gợi ý của giảng viên, một số sinh viên còn mang tâm lý trông chờ, ỷ lại...
4. Biện pháp khắc phục những hạn chế trên:
- Các thầy cô giáo cần thường xuyên trao đổi, hướng dẫn, cung cấp cho sinh viên những kỹ năng và phương pháp học từ thực tế. Sinh viên chỉ biết nhận nhiệm vụ là hoàn thành các đề tài nghiên cứu văn hóa mà giảng viên giao, bằng cách tham gia chuyến đi thực tế mà chưa biết phải làm việc như thế nào để hoàn thành đề tài qua đi thực tế một cách tốt nhất.
- Cán bộ các lớp thực sự phải phát huy vai trò của mình trong việc tham mưu cho giảng viên thiết kế nhóm, tự quản và thúc đẩy các hoạt động nhóm…
- Tăng quỹ thời gian cho chuyến đi thực tế để không gây khó khăn, mệt mỏi cho giảng viên lẫn sinh viên trong tổ chức hoạt động học tập thực tế vì phải làm việc quá tải, sợ tốn kinh phí phát sinh (vì đi bảo tàng hoặc các chuyến thực tế ngoại thành cần có kinh phí vé, phương tiện đi lại…).
- Các học phần lý luận đại cương có đối tượng học là sinh viên năm thứ nhất, khi tổ chức các chuyến đi thực tế các em mới rời ghế nhà trường phổ thông lên học cao đẳng, đã quen với kiểu có giáo viên bao bọc, lo hết mọi việc, vì thế còn nhiều bỡ ngỡ khi phải tiếp cận một phương pháp học mới đòi hỏi rất lớn sự tích cực, tự giác tìm hiểu và chiếm lĩnh tri thức trên cơ sở tiếp thu từ kiến thức quá trình đi thực tế.
- Một số sinh viên chưa hình thành cho mình ý thức tích cực và tự giác trong học tập, làm việc trong chuyến đi. Sinh viên chưa chịu khó tìm hiểu để có thể tự trang bị cho mình những kĩ năng và phương pháp học có hiệu quả như thiếu mục tiêu cụ thể, thiếu kế hoạch, thiếu nội quy- nguyên tắc, phân công nhiệm vụ chưa phù hợp v.v...
- Nhiều sinh viên có thể còn chưa biết cách lắng nghe, quan sát học tập, chưa khẳng định mình, còn e dè khi thảo luận và phát biểu ý kiến trong quá trình thực tế. Từ đó dẫn đến tình trạng một số thành viên lười, buông xuôi, phó mặc chỉ tham gia một cách chiếu lệ, đối phó. Vì vậy chưa thực sự phát huy hết năng lực của mình.
- Việc phân nhóm trưởng phải thực sự phát huy được vai trò của mình, phải có năng lực và kỹ năng trong việc điều hành nhóm.
- Nguồn kinh phí nhà trường cấp cho các chuyến đi thực tế cho sinh viên có thể rất hạn chế hoặc không có, gây khó khăn cho vấn đề tổ chức những chuyến đi học tập thực tế, kiến tập. Bên cạnh sinh viên đa phần từ các tỉnh lên học nên rất đắn đo khi chi tiền đi tham gia thực tế.
- Tâm lý một số giảng viên có thể e dè khi hướng dẫn sinh viên đi thực tế vì phải mất thời gian làm kế hoạch thông qua Bộ môn -> cấp Khoa -> Trường, nhất là khâu xin kinh phí từ Trường. Thời gian hướng dẫn sinh viên đi thực tế bỏ ra khá nhiều như phải đi tiền trạm liên hệ trước địa điểm đến thực tế, rồi sắp đặt mọi việc ổn định tại điểm thực tế trước mới dẫn sinh viên đi thực tế, bên cạnh tốn khá nhiều phí cá nhân… Đặc biệt là lo ngại sẽ có sự cố không mong muốn xảy đến ví dụ tai nạn, sinh viên ốm đột xuất…
Học từ thực tế sẽ phát huy tối đa hiệu quả là hết sức cần thiết bởi đây là dịp sinh viên ứng dụng những kiến thức đã học vào thực tế đời sống. Muốn vậy, cần có sự quan tâm và vai trò chỉ đạo sát sao của các thầy cô hướng dẫn thực tế, cũng như sự chuẩn bị đầy đủ và kỹ lưỡng của giảng viên và sinh viên trước khi đi thực tế. Kế hoạch cụ thể cũng như các phương án của một đợt thực tế cần được giảng viên và học sinh lên kế hoạch trước khi đi thực tế và tuân thủ một cách nghiêm túc trong suốt quá trình thực tế thì mới phát huy dược hiệu quả… Cụ thể khi dẫn sinh viên tham quan bảo tàng, giảng viên cần có 1 chương trình cuộc thi vận động tìm hiểu bảo tàng qua các hiện vật văn hóa để kích thích, gây hứng thú sinh viên, ví dụ sau khi sinh viên được tham quan và nghe thuyết minh hết các phòng trưng bày hiện vật tại bảo tàng. Trước đó giảng viên đã thiết kế bài trắc nghiệm tìm hiểu bảo tàng và cho sinh viên làm bài theo nhóm (đã phân nhóm ngay buổi đầu học môn học). Các trưởng nhóm sẽ phân công các thành viên thực hiện các câu hỏi trắc nghiệm theo đúng thời gian qui định của giảng viên. Hoạt động nhóm rất sôi động có bạn chạy đi tìm hiểu hiện vật ở tầng này, có bạn chạy hỏi thêm các cán bộ thuyết minh tại bảo tàng… không khí làm việc theo nhóm các bạn sinh viên rất hào khởi, vui nhộn. Kết quả khảo sát thấy các bạn rất thích chương trình tham quan bảo tàng và tích lũy khối kiến thức nhiều qua hoạt động thực tế, cuộc thi này. Biến buổi tham quan thực tế tại bảo tàng theo quan niệm của khá nhiều sinh viên là nhàm chán thành cuộc thi vận động vui nhộn.
Trên lớp, hãy tạo nên một không khí lớp học thật sôi nổi và thoải mái bằng cách tăng cường sự đối thoại giữa giảng viên và sinh viên. Người giảng viên bên cạnh việc cung cấp những kiến thức từ sách vở, cần cung cấp cho sinh nhiều kiến thức thực tế. Trong các giờ học cần tiến hành lồng ghép những kiến thức thực tế thu thập được từ internet, tivi, clip …sách báo cho sinh viên. Việc cung cấp những kiến thức như vậy sẽ giúp cho các em cảm thấy hứng thú hơn trong việc học. Như trong phần tìm hiểu vùng văn hóa Bắc Bộ có phần nội dung đề cập đến một số loại hình nghệ thuật như dân ca Quan họ, ca trù, hát xẩm- thực tế giới trẻ tuổi teen ngày nay ít biết đến. Nhưng khi trên đài truyền hình “hot” nhất nay đó là chương trình Gương mặt thân quen, nhắc đến ca sỹ Hoài Lâm, thi trong chương trình này giới trẻ ai cũng biết đến qua bài hát xẩm, giả nghệ nhân Hà Thị Cầu- nghệ nhân cuối cùng nghệ thuật hát xẩm. Giảng viên sẽ cho sinh viên xem 1 đoạn clip về cố nghệ nhân Hà Thị Cầu và 1 clip về Hoài Lâm hát thi trong chương trình Gương mặt thân quen, qua đó giảng viên sẽ đặt câu hỏi liên quan vấn đề nghệ thuật hát xẩm thuộc vùng văn hóa Bắc Bộ, ví dụ như nguồn gốc hát xẩm như thế nào? Ngày nay loại hình nghệ thuật này đối với giới trẻ cảm nhận như thế nào? Ngoài hát xẩm trong văn hóa vùng Bắc bộ còn có những loại hình nghệ thuật nào khác và có được UNESCO công nhận không…cho sinh viên phát biểu trả lời. Tạo cho lớp học sôi động và thoải mái mà sinh viên tiếp thu bài học tốt.
Người giảng viên cần tạo các đề tài cho sinh viên trong quá trình thực tế môn học. Sau khi thực tế môn học, sinh viên sinh viên phải có được một khối lượng nhất định tài liệu ghi chép kết quả của đợt thực tế đó. Những ghi chép này được dùng để xây dựng đề tài giảng viên giao, thu thập những kiến thức quá trình thực tế sau đó trình bày thuyết trình theo nhóm sau quá trình thực tế. Sau đó, giảng viên vẫn phải có một nhiệm vụ quan trọng là tổng kết lại các vấn đề đã thảo luận, đánh giá những ý kiến đúng sai và giải quyết mọi thắc mắc của sinh viên xung quanh vấn đề đó. Việc tổng kết này rất quan trọng vì sẽ giúp cho sinh viên nắm được những kiến thức cơ bản cần thiết. Bên cạnh đó, để sinh viên có thể làm tốt được vai trò của mình thì giảng viên cần phải cung cấp đầy đủ các tài liệu tham khảo cho sinh viên, để các em có thể tự học tập và nghiên cứu.
Một yêu cầu nữa là trong quá trình hướng dẫn sinh viên đi thực tế giảng viên phải am hiểu sâu sắc nội dung dạy học, làm chủ kiến thức, biết chế biến nó theo ý đồ sư phạm và biết cách truyền tải nó đến với sinh viên bằng các chủ đề nghiên cứu thực tế cuộc sống cho sinh viên ứng dụng vào môn học. Chẳng hạn như đề tài giảng viên giao cho sinh viên làm “ảnh hưởng làn sóng văn hóa Hàn Quốc vào giới trẻ Nghệ An”. Đây là đề tài nóng bỏng mà giới trẻ ngày nay quan tâm chú ý, diễn ra ngay cuộc sống thực tế sinh viên. Qua vài lớp sinh viên thực hiện đề tài này, hầu hết sinh viên rất hào hứng, tiếp thu kiến thức nhanh chóng và sinh viên đã đúc kết và phân tích được những thực trạng đời sống văn hóa giới trẻ ngày nay. Qua các đề tài ứng dụng thực tế, giảng viên ngoài truyền đạt kiến thức mang đặc điểm văn hóa truyền thống đã hình thành mà lồng ghép những kiến thức văn hóa hiện đại, sự biến đổi của các giá trị văn hóa đó theo thời gian, đặc biệt là những giá trị văn hóa hiện đại.
Giảng viên phải ngoài khả năng giảng dạy còn có lòng nhiệt thành. Phải biết không ngừng cập nhật thông tin mới và biết vận dụng nó vào công tác giảng dạy của mình. Có như vậy, giảng viên mới có thể giúp sinh viên tích cực, chủ động, phát huy khả năng sáng tạo trong quá trình học tập. Giảng viên có nhiều kiến thức, có nhiều cách tổ chức và trình bày ngắn gọn, sáng tỏ cùng với sự nhiệt tình trong thảo luận nhóm sẽ tạo điều kiện truyền đạt kiến thức cho sinh viên một cách hiệu quả và thành công.
Tóm lại, quá trình dạy học ngày nay xác định nhà trường phải chú trọng tập trung vào việc tạo ra những cơ hội và điều kiện học tập thuận lợi cho người học qua các hoạt động thực tế, yêu cầu này một mặt kích thích người người học phát huy cao độ tính tích cực học tập, mặt khác yêu cầu người giảng viên phải khuyến khích, hướng dẫn và tổ chức học tập cho người học phải chủ động trong việc chiếm lĩnh tri thức, kinh nghiệm và giá trị cần thiết cho bản thân để họ có khả năng thích ứng cao trong việc tiếp cận xu hướng dạy học mới.
Kết luận
Đổi mới phương pháp dạy học là nhằm nâng cao chất lượng giáo dục hiện nay. Một trong những phương pháp đổi mới hiện được các trường Đại học, cao đẳng đánh giá mang lại hiệu quả cao là tăng cường giờ học khi đi thực tế, dù là phục vụ cộng đồng hay nghiên cứu, đều có thể là một công cụ rất mạnh để nâng cao cả động cơ học tập lẫn quá trình học. Hiện nay, học từ thực tế cụ thể qua môn học lý luận đại cương là một yêu cầu vừa là một phương pháp học được khuyến khích áp dụng rộng rãi. Nhất là đối với sinh viên năm nhất tập làm quen phương pháp học đại học để làm tiền đề cơ bản cho các môn chuyên ngành sau này liên quan đến kỹ năng học tập thực tế sâu hơn. Trong xu thế hội nhập của đất nước, vai trò của phương pháp học này càng trở nên quan trọng trong việc góp phần nâng cao hiệu quả học tập của người học nói riêng và chất lượng giáo dục nói chung.
Bên cạnh học lý thuyết, việc học trong quá trình đi thực tế có nhiều hiệu quả tích cực trong việc nâng cao chất lượng giảng dạy, đào tạo ở bậc đại học, cao đẳng. Tuy nhiên, việc học từ thực tế sẽ gặp nhiều khó khăn. Để cải thiện chất lượng đào tạo đại học hiện nay, bản thân mỗi giảng viên, Bộ môn, Khoa, Nhà trường cần kết hợp, nhất là lãnh đạo trường cần tạo điều kiện giúp cho các khoa, bộ môn, giảng viên thực hiện các chuyến thực tế giúp cho sinh viên cơ hội tiếp cận kiến thức văn hóa trong đời sống thực tế ứng dụng cho công việc và cuộc sống sau khi ra trường.