Một số hiểu biết về giáo dục phát triển năng lực, phẩm chất người học

Trong đổi mới chương trình giáo dục phổ thông, phương pháp dạy học hiện nay đòi hỏi ngành giáo dục chuyển từ chủ yếu trang bị kiến thức sang phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất người học. Tuy nhiên, để giáo dục phát triển năng lực phẩm chất người học đi vào thực chất mang lại hiệu quả thiết thực cần hiểu đúng và có giải pháp triển khai phù hợp.

Theo TS Nguyễn Vinh Hiển, nguyên Thứ trưởng Giáo dục và Đào tạo (GD và ĐT), sự thay đổi quan trọng nhất trong đổi mới giáo dục hiện nay là trong chương trình, sách giáo khoa mới (CT, SGK) chuyển từ coi trọng truyền thụ kiến thức sang giáo dục nhân cách công dân, đồng thời phát huy tốt nhất tiềm năng của người học. Thực tế trước đây, trong giáo dục, chủ yếu cố gắng đưa thật nhiều tri thức khoa học vào nội dung cần dạy và người dạy “truyền thụ một chiều” để trong thời gian hạn chế vẫn chuyển tải được nhiều kiến thức đến người học, dẫn đến việc học trở thành nặng nề, quá tải. Vì vậy, trong đổi mới hiện nay, nhất là trong việc xây dựng CT, SGK đòi hỏi nội dung dạy học thật tinh giản, cơ bản, hiện đại và thiết thực.

Quá trình dạy học cần coi trọng đồng thời cả hoạt động dạy học và hoạt động trải nghiệm để hình thành và phát triển ở người học năng lực tư duy độc lập, vận dụng tổng hợp và linh hoạt tri thức để giải quyết có hiệu quả các vấn đề trong học tập và cuộc sống. Hoạt động dạy của giáo viên và hoạt động học của học sinh phải bảo đảm sự thống nhất, tương tác. Trong đó, giáo viên giữ vai trò chỉ đạo, hướng dẫn, trọng tài; học sinh không chỉ là đối tượng của hoạt động dạy mà cũng chính là chủ thể của hoạt động học.

Theo Bộ GD và ĐT, ở cấp tiểu học và trung học cơ sở (THCS) những năm qua, việc triển khai mô hình trường học mới góp phần tích cực tạo tiền đề cho việc đổi mới giáo dục theo hướng phát triển năng lực, phẩm chất học sinh. Trong đó, tài liệu triển khai trường học mới được thiết kế theo hướng SGK mô hình hoạt động, chú trọng hướng dẫn học sinh tự học; giáo viên gợi ý, hướng dẫn, hỗ trợ và là trọng tài để thảo luận, kiểm soát quá trình và kết quả học. Với khoảng hơn 5.000 trường tiểu học và THCS trên cả nước đang triển khai phương pháp dạy học tích cực theo mô hình mới cho thấy, giáo viên đã thay đổi từ truyền thụ kiến thức một chiều sang tổ chức, hướng dẫn học sinh cách học, tự học, thúc đẩy các nhóm và từng cá nhân học sinh hoạt động tích cực.

Hoạt động dạy học theo mô hình trường học mới cũng tạo môi trường sư phạm thân thiện, dân chủ, hợp tác giữa các thành viên trong lớp học, nhà trường và cộng đồng nhằm phát triển các phẩm chất, năng lực người học. Học sinh được phát huy vai trò chủ thể của quá trình học tập, biết cách học; chủ động, tự tin trong tương tác, giao tiếp với giáo viên và bạn bè; biết tương trợ nhau trong học tập để cùng tiến bộ. Đáng chú ý, khi đổi mới theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực, trong dạy học của mô hình trường học mới còn giúp nhận thức của nhiều cha mẹ học sinh về vai trò và trách nhiệm của mình trong việc giáo dục con cái được thay đổi.

Theo Vụ trưởng Giáo dục Trung học Vũ Đình Chuẩn, không chỉ triển khai những hoạt động đổi mới chung trong toàn ngành mà hình thức tổ chức dạy học ở các địa phương đã chú trọng các hoạt động trải nghiệm sáng tạo, gắn với thực tiễn nhằm nâng cao phẩm chất, năng lực người học. Việc tổ chức các hoạt động học của học sinh trong mỗi bài học hay chủ đề đã được thực hiện cả ở trong và ngoài lớp học thành một chuỗi thống nhất. Một số địa phương đã triển khai thí điểm hình thức dạy học trải nghiệm sáng tạo gắn với sản xuất, kinh doanh và dịch vụ như tại Tuyên Quang đã thí điểm mô hình nhà trường gắn với nông trường chè, nông trường mía, nông trường cam; Lào Cai thí điểm mô hình nhà trường gắn du lịch… mang lại hiệu quả thiết thực.

Để giáo dục phát triển phẩm chất, năng lực học sinh thật sự phát huy hiệu quả, một số chuyên gia giáo dục cho rằng, CT, SGK mới cần được biên soạn theo hướng hỗ trợ đồng thời cho cả giáo viên và học sinh. Nhất là thay đổi từ SGK theo mô hình thuyết trình (mỗi bài học được trình bày dưới dạng một văn bản thuyết trình hoàn chỉnh, cuối bài có câu hỏi hoặc bài tập để hình thành, củng cố, vận dụng kiến thức và rèn luyện kỹ năng) sang mô hình hoạt động. Đổi mới mỗi bài học được trình bày dưới dạng kịch bản hoạt động (có phần hướng dẫn hoạt động học của học sinh và có tác dụng gợi ý hoạt động dạy của giáo viên). Đối với các cơ sở giáo dục phổ thông cần tích cực đổi mới nội dung, phương pháp dạy học, đánh giá học sinh; xây dựng kế hoạch dạy học và thực hiện chương trình giáo dục một cách linh hoạt, phù hợp với thực tiễn địa phương và nhà trường.

Theo Thứ trưởng GD và ĐT Nguyễn Hữu Độ, để dạy học theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực học sinh, ngay trong năm học 2017 - 2018, ngành giáo dục cần tăng cường tập huấn, hướng dẫn giáo viên về hình thức, phương pháp, kỹ thuật dạy học tích cực; phát huy tính chủ động, tự học của học sinh. Đối với các cơ sở giáo dục cần dành nhiều thời gian trên lớp cho học sinh luyện tập, thực hành, trình bày, thảo luận, bảo vệ kết quả học tập của mình; từ đó, giáo viên tổng hợp, nhận xét, đánh giá, kết luận để học sinh tiếp nhận và vận dụng. Các trường xây dựng kế hoạch kiểm tra, đánh giá kết quả học tập của học sinh phù hợp với kế hoạch giáo dục từng môn học, hoạt động giáo dục của nhà trường theo định hướng phát triển năng lực, phẩm chất của học sinh.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Bài viết mới

Tin tức nổi bật