Nghiệm thu đề tài khoa học The difficulties in teaching English presenting skill for students of tourguide at Nghe An College of Culture and Arts

Thực hiện kế hoạch nghiên cứu khoa học năm 2020, sáng ngày 10 tháng 12 năm 2020, Hội đồng nghiệm thu đề tài khoa học khoa Lý luận đại cương, Trường CĐ VHNT Nghệ An tổ chức nghiệm thu đề tài khoa học The difficulties in teaching English presenting skill for students of tourguide at Nghe An College of Culture and Arts của Th.S Nguyễn Thị Thanh Yên, giảng viên khoa Lý luận đại cương. Trong đề tài của mình, Th.S Nguyễn Thị Thanh Yên đã đề cập đến những vấn đề sau:

Tiếng Anh chuyên ngành du lịch cũng như tiếng Anh chuyên ngành khác rất khó để dạy và học. Một số người nghĩ rằng chỉ cần giỏi tiếng Anh thông dụng là có thể học tiếng Anh chuyên ngành được. Đây là một ý nghĩ sai lầm. Để có thể dạy và học tốt môn tiếng Anh chuyên ngành du lịch thì cả đội ngũ giảng viên và sinh viên phải nỗ lực hết mình trau dồi kiến thức chuyên ngành và các kỹ năng học tiếng Anh. Tích cực luyện tập hàng ngày để nâng cao khả năng nói tiếng Anh đặc biệt là khả năng thuyết trình tại các tuyến điểm du lịch. Đề tài của tác giả Nguyễn Thị Thanh Yên đã đưa ra một số biện pháp để cải thiện việc dạy và học tiếng Anh chuyên ngành Hướng dẫn viên du lịch nhà trường.

Để đảm bảo việc dạy Tiếng Anh chuyên ngành du lịch cho sinh viên ngành Việt Nam học đạt hiệu quả đòi hỏi đội ngũ giảng viên phải giỏi Tiếng Anh thông dụng và có kiến thức chuyên môn về ngành du lịch. Nếu giảng viên chỉ biết ngoại ngữ, không có trình độ chuyên môn về văn hóa du lịch ở mức độ nhất định thì sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong quá trình dạy học. Khó khăn không phải ở chỗ giảng viên thiếu vốn từ vựng về văn hóa du lịch mà ở chỗ thiếu sự hiểu biết cần thiết về một ngành khoa học. Xuất phát từ mục đích sử dụng ngôn ngữ, việc dạy học Tiếng Anh chuyên ngành du lịch chủ yếu sử dụng phương pháp giao tiếp. Khác với giai đoạn dạy học tiếng Anh cơ bản, ở giai đoạn học tiếng Anh chuyên ngành du lịch phương pháp giao tiếp qua đối thoại đòi hỏi người học phải biết cách sử dụng Tiếng Anh để tham gia vào các cuộc thảo luận, đàm thoại về các vấn đề liên quan đến văn hóa du lịch như văn hóa ẩm thực, phong tục tập quán, làng nghề, lễ hội….
Theo các chuyên gia ngôn ngữ, trong quá trình giao tiếp dù ở mức độ nào cũng không thể thiếu lời độc thoại. Ở giai đoạn học tiếng Anh cơ bản, phương pháp dạy giao tiếp qua độc thoại đòi hỏi người học phải tiếp nhận và nắm vững được cách thành lập các loại câu từ đơn giản đến phức tạp. Ở giai đoạn dạy tiếng Anh chuyên ngành du lịch, phương pháp dạy giao tiếp qua độc thoại đòi hỏi người học phải biệt cách sử dụng tiếng Anh để báo cáo hay thuyết trình về một vấn đề văn hóa, xã hội hoặc thuyết minh đối tượng tham quan bằng Tiếng Anh.

Trong đề tài, tác giả đã đề nghị kết hợp sử dụng 2 nguyên tắc của phương pháp giao tiếp trong quá trình dạy học tiếng Anh du lịch đó là:
- Nguyên tắc dạy giao tiếp theo tình huống trong du lịch trên lớp. Sử dụng các bài tập tình huống, đặt sinh viên vào vị trí như một hướng dẫn viên du lịch thực thụ hoặc như người làm công tác du lịch tác nghiệp. Các bài tập tình huống có thể sử dụng khi dạy học tiếng Anh chuyên ngành du lịch là các bài tập hỏi – đáp, nhập vai hướng dẫn viên du lịch hoặc những người làm công tác du lịch.
- Nguyên tắc dạy giao tiếp ngoại khóa theo chủ đề: Quá trình dạy học tiếng Anh chuyên ngành ở đây được thực hiện trực tiếp tại nơi hướng dẫn viên hoặc đội ngũ những người làm du lịch tác nghiệp như các tuyến điểm du lịch, khách sạn. Để phương pháp này hiệu quả sinh viên cần chuẩn bị kỹ các kiến thức về ngôn ngữ cũng như các kiến thức về tuyến điểm du lịch thực tế mà họ sẽ trực tiếp đến thực hành thuyết minh như một hướng dẫn viên cụ thể. Nếu không hiểu sâu sắc về tuyến điểm du lịch thì dù sinh viên được trang bị kiến thức ngôn ngữ tốt cũng không thể thuyết minh một cách hiệu quả được bởi có rất nhiều thông tin về lịch sử, văn hóa ….của tuyến điểm du lịch cũng như các thuật ngữ chuyên ngành vì tiếng Anh du lịch cũng là một ngành khoa học.

Từ việc nghiên cứu những khó khăn trong học tiếng Anh chuyên ngành Hướng dẫn viên Du lịch ở trường CĐ Văn hóa Nghệ thuật Nghệ An, tác giả đề xuất một số yêu cầu đối với giảng viên và sinh viên như sau:

1. Yêu cầu đối với giảng viên Tiếng Anh du lịch
Đội ngũ giảng viên tiếng Anh chuyên ngành là một yếu tố không thể thiếu để nâng cao chất lượng dạy và học tiếng Anh chuyên ngành. Hầu hết giáo viên dạy tiếng Anh chuyên ngành ở các trường đại học, cao đẳng hiện nay đều là những giáo viên ngoại ngữ - đơn thuần dạy tiếng Anh. Vốn từ vựng tiếng Anh chuyên ngành nói theo thuật ngữ khoa học là những từ ngữ thuộc về lớp từ vựng nghề nghiệp. Nếu giảng viên không hiểu sâu về chuyên ngành mình giảng dạy thì không thể hiểu rõ ngọn ngành vấn đề để có thể truyền đạt tới sinh viên một cách hiệu quả nhất. Vì vậy giảng viên phải không ngừng học tập nâng cao trình độ, tích cực tham gia các lớp nghiệp vụ về du lịch và phải đi trải nghiệm thực tế nhiều để có nhiều kiến thức kinh nghiệm trong lĩnh vực du lịch.
2. Yêu cầu đối với người học
Người học là một yếu tố cốt lõi vô cùng quan trọng trong việc nâng cao chất lượng dạy và học. Để có thể học tập tốt môn tiếng Anh chuyên ngành du lịch sinh viên cần phải tìm ra các phương pháp học tập phù hợp nhất với mình. Các bạn sinh viên có thể tham khảo một số phương pháp sau:
- Trước hết phải nắm chắc cấu trúc ngữ pháp tiếng Anh cơ bản, phải thông thạo các kỹ năng đặc biệt là kỹ năng nói tiếng Anh bởi kỹ năng nói tiếng Anh không thể thiếu để trở thành một hướng dẫn viên du lịch. Khi học học phần tiếng Anh cơ bản sinh viên phải chăm chỉ ngay từ đầu, tích cực luyện phát âm thật chuẩn, luyện nghe nói nhiều. Có như vậy khi vào học tiếng Anh chuyên ngành mới có thể học tốt được bởi tiếng Anh chuyên ngành có rất nhiều thuật ngữ khó và đòi hỏi khả năng thuyết trình, thuyết minh cũng như khả năng giao tiếp bằng tiếng Anh rất cao. Nếu sinh viên không thông thạo tiếng Anh cơ bản, không có khả năng nghe nói tốt thì sẽ gặp rất nhiều khó khăn.
- Thứ hai, sinh viên cần tích lũy vốn từ vựng tiếng Anh thông dụng cũng như tiếng Anh chuyên ngành bởi nó rất hữu ích cho việc nói tiếng Anh. Không có vốn từ vựng các bạn sè gặp nhiều khó khăn khi giao tiếp thực tế tại các tuyến điểm du lịch cũng như trong nhiều môi trường khác.
- Thứ ba, sinh viên phải có kiến thức về cơ sở ngành trước khi học tiếng Anh chuyên ngành. Ngoài các học phần về cơ sở ngành được học trên lớp sinh viên phải tự học hỏi trau dồi kiến thức qua các phương tiện khác nhau và đặc biệt là qua các chuyến đi thực tế tại các tuyến điểm du lịch.
- Thứ tư, sinh viên cần được đi trải nghiệm thực tế nhiều. Các kiến thức thực tế về các tuyến điểm du lịch vô cùng quan trọng phục vụ tốt cho quá trình học tiếng Anh chuyên ngành. Bằng nhiều cách khác nhau sinh viên cố gắng tổ chức các chuyến đi thực tế để hiểu biết về các điểm du lịch cũng như tới đó thuyết trình tiếng Anh và có cơ hội để giao tiếp với khách nước ngoài. Đây là biện pháp vô cùng hữu ích để sinh viên thực hành nói tiếng Anh nâng cao trình độ bản thân.

Các thành viên Hội đồng đã tập trung thảo luận, đưa ra các ý kiến nhận xét về ưu điểm của đề tài đó là nhận diện được tình hình thực tế của việc dạy và học tiếng Anh ngành Hướng dẫn viên du lịch, từ đó đề xuất các biện pháp nhằm nâng cao hiệu quả của công tác dạy và học tiếng Anh ngành Du lịch. Đồng thời khẳng định đề tài đã được thực hiện nghiêm túc, công phu, có tính lý luận và thực tiễn cao, là tài liệu có giá trị tham khảo tốt cho nhà trường cũng như đội ngũ giảng viên giảng dạy các môn tiếng Anh chuyên ngành Du lịch. Bên cạnh đó, Hội đồng cũng chỉ ra một số vấn đề còn tồn tại, hạn chế của đề tài như lỗi đánh máy.

Tại buổi nghiệm thu, Th.S Nguyễn Thị Thanh Yên cũng đã trả lời, làm sáng tỏ những vấn đề mà Hội đồng yêu cầu, đồng thời trân trọng cảm ơn những ý kiến đánh giá khách quan, xác đáng của các thành viên Hội đồng nghiêm thu đã chỉ ra, giúp tác giả tiếp tục bổ sung, điều chỉnh để đề tài khoa học có chất lượng tốt hơn.

Hội đồng bỏ phiếu đánh giá xếp loại đề tài đạt loại xuất sắc. Kết luận phiên nghiệm thu, TS Phạm Thị Thanh Nga, Chủ tịch Hội đồng ghi nhận và đánh giá cao những kết quả đạt được của đề tài. TS Phạm Thị Thanh Nga yêu cầu tác giả tiếp thu đầy đủ những ý kiến đánh giá, nhận xét của Hội đồng để chỉnh sửa, bổ sung, hoàn thiện đề tài đạt chất lượng cao hơn và sớm đưa vào thực hiện, phục vụ hiệu quả cho công tác đào tạo, bồi dưỡng của nhà trường.


Bài viết mới

Tin tức nổi bật