GIẢI PHÁP NÂNG CAO NĂNG LỰC CẢM THỤ NGHỆ THUẬT CHO SINH VIÊN CÁC NGÀNH HỌC Ở TRƯỜNG CAO ĐẲNG VĂN HÓA NGHỆ THUẬT NGHỆ AN

Đứng trước yêu cầu của sự nghiệp đổi mới, phát triển đất nước, một trong những nhiệm vụ hết sức quan trọng nhằm phát triển đời sống tinh thần của con người là nâng cao năng lực cảm thụ nghệ thuật của từng cá nhân, làm cho mỗi người có khả năng tiếp nhận được những giá trị xã hội mà nhân loại và dân tộc ta đã sáng tạo trong các loại hình, loại thể nghệ thuật khác nhau.
Nhìn chung, công chúng nghệ thuật ở nước ta nói chung, đặc biệt là đối tượng thanh niên, sinh viên ở các trường văn hóa nghệ thuật nói riêng có những mặt mạnh và hạn chế khác nhau khi tiếp xúc với các tác phẩm nghệ thuật thuộc các loại hình, loại thể nghệ thuật. Do đó, việc bồi dưỡng năng lực cảm thụ nghệ thuật phải thích hợp với từng đối tượng về nội dung, hình thức, mức độ, biện pháp, đặc biệt đối với đối tượng thanh niên, sinh viên văn hóa nghệ thuật. Để công tác đào tạo bồi dưỡng đạt hiệu quả, trên bình diện chung nhất, trên cơ sở vận dụng kiến thức mỹ học, bài viết của chúng tôi đưa ra một số giải pháp cơ bản nhằm mục đích nâng cao năng lực cảm thụ cho công chúng nghệ thuật nói chung, đặc biệt là đối tượng thanh niên, sinh viên văn hóa nghệ thuật nói riêng.

1. Thực trạng về năng lực cảm thụ thẩm mỹ của sinh viên Trường CĐ VHNT Nghệ An

Trường Văn hóa  Nghệ thuật Nghệ An được thành lập theo Quyết định số: 126/QĐ-UB ngày 01 tháng 6 năm 1967 của UBND tỉnh Nghệ An. Trường được nâng cấp thành Trường Cao đẳng Văn hóa - Nghệ thuật Nghệ An theo Quyết định số: 1507/QĐ-BGD&ĐT-TCCB ngày 23/3/2004 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục & Đào tạo. Chức năng, nhiệm vụ của trường là: Đào tạo và bồi dưỡng đội ngũ cán bộ ngành Văn hoá, Nghệ thuật và Du lịch; Giáo viên âm nhạc, mỹ thuật ngành giáo dục trình độ cao đẳng và các trình độ khác. Thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu khoa học góp phần phát triển sự nghiệp văn hoá - nghệ thuật và du lịch, giáo dục - đào tạo; bảo tồn, khai thác kho tàng di sản văn hoá các vùng miền, xây dựng đời sống văn hoá cơ sở, tham gia giải quyết những vấn đề kinh tế - xã hội của tỉnh, của khu vực và nhu cầu chung của cả nước.

Các loại hình đào tạo của nhà trường:

            - Hệ cao đẳng nghề: + 8 mã nghề cao đẳng chính quy: Thanh nhạc, Biểu diễn nhạc cụ truyền thống, Biểu diễn nhạc cụ phương Tây; Đồ hoạ, Hội hoạ; Quản lý văn hoá, Khoa học thư viện, Việt Nam học (Hướng dẫn viên du lịch);

            + Hệ cao đẳng ngành: Sư phạm Âm nhạc (trong đó có chuyên ngành: Sư phạm nhạc họa mầm non); Sư phạm Mỹ thuật.

      + 08 mã ngành cao đẳng liên thông chính quy: Quản lý văn hoá, Khoa học thư viện, Sư phạm âm nhạc, Sư phạm Mỹ thuật, Việt Nam học (Hướng dẫn viên du lịch), Biểu diễn nhạc cụ truyền thống, Thanh nhạc, Hội hoạ.

       - Có 5 mã nghề  cao đẳng thuộc lĩnh vực du lịch: Quản trị nhà hàng, Quản trị khách sạn, Quản trị lữ hành, Hướng dẫn du lịch, Chế biến món ăn.

       - Hệ trung cấp chính quy (9 mã ngành): Nghệ thuật biểu diễn dân ca, Năng khiếu âm nhạc tuổi nhỏ, Năng khiếu mỹ thuật tuổi nhỏ, Năng khiếu múa tuổi nhỏ, Nghệ thuật biểu diễn múa dân gian dân tộc,  Thanh nhạc, Biểu diễn nhạc cụ truyền thống, Biểu diễn nhạc cụ phương Tây, Diễn viên múa,

        Liên kết với các trường Đại học đào tạo 5 mã ngành trình độ đại học: Quản lí văn hóa, Khoa học thư viện, Mỹ thuật,  Sư phạm âm nhạc, Sư phạm mỹ thuật (với các trường: Trường Đại học Văn hóa, Đại học  Sư phạm Hà Nội, Đại học Mỹ thuật Việt Nam, Đại học Sư phạm Nghệ thuật TW). Hiện đang đào tạo liên thông với Học viện Âm nhạc Hà Nội, Đại học Văn hóa Hà Nội, Đại học Nghệ thuật Huế…

            Hệ bồi dưỡng năng khiếu tuổi nhỏ:  Gồm các lớp học:  Nghiệp vụ sư phạm, Nghiệp vụ sư phạm mầm non, Văn thư lưu trữ, Hướng dẫn du lịch; Thanh nhạc, Nhạc cụ, Múa, Hội họa, Aerobic; Tin học; Ngoại ngữ, Thiết kế thời trang, Chụp ảnh, Kỹ năng sống… Các hệ này ngày càng phát triển, thu hút người học và tạo được uy tín lớn đối với nhân dân.  Trường trở thành một địa chỉ tin cậy, đáp ứng nhu cầu của xã hội, là vườn ươm tài năng trẻ của tỉnh nhà… 

Nhà trường đào tạo nhiều ngành nghề, hầu hết liên quan đến văn hóa nghệ thuật và xã hội nhân văn. Sinh viên của nhà trường phần lớn xuất thân từ nông thôn, miền núi nên các em không có điều kiện để hưởng thụ các giá trị văn hóa mới trên các phương tiện thông tin đại chúng. Phần lớn gia đình các em nghèo. Do vậy, các em không có kinh phí để mua đàn, mua bút vẽ...

Bên cạnh đó, năng lực tự học, tự nghiên cứu của các em chưa cao. Các em chưa dành thời gian để đọc thêm sách báo trên thư viện hay tiếp xúc với môi trường đẹp, nếp sống đẹp. Các em cũng ít có thời gian xem và thưởng thức các tác phẩm nghệ thuật hội họa hay các hoạt động biểu diễn chuyên nghiệp.

Do vậy, năng lực cảm thụ cũng như đánh giá thẩm mỹ của các em có phần hạn chế.

2. Một số biện pháp nhằm nâng cao năng lực cảm thụ thẩm mỹ của sinh viên Trường CĐ VHNT Nghệ An

a. Nâng cao tình cảm thẩm mỹ của người cảm thụ thông qua việc bồi dưỡng tình yêu đối với cái đẹp. Điều đó có nghĩa làm cho tình yêu đối với cái đẹp của mỗi người khi tiếp xúc với tác phẩm nghệ thuật sống dậy. Những xúc cảm sâu sắc đối với cái đẹp nghệ thuật và từ cái đẹp nghệ thuật mà liên tưởng đến cái đẹp của đời sống xã hội, của nhân dân. Và một khi tình cảm thẩm mỹ được nảy nở và phát triển, con người càng cảm thụ tác phẩm nghệ thuật một cách tinh tế và càng gắn với ý thức trách nhiệm của mình đối với công việc hằng ngày, rộng hơn là đối với sự nghiệp đổi mới của đất nước hiện nay. Đống thời đó cũng là quá trình vừa tăng cường khả năng cảm thụ nghệ thuật, vừa tạo điều kiện cho mỗi người sáng tạo ra những cái đẹp trong học tập, công tác, lao động, sáng tạo...
b. Nâng cao thị hiếu thẩm mỹ của công chúng nghệ thuật thuộc các đối tượng khác nhau. Điều đó có nghĩa bồi dưỡng khả năng lựa chọn đối tượng theo yêu cầu thẩm mỹ của cá nhân, biểu hiện ở thái độ thích hay không thích, khen hay chê, đồng tình hay phản đối... đối với một hiện tượng xã hội- thẩm mỹ trong cuộc sống hay một tác phẩm nghệ thuật nào đó một cách đúng đắn, nhạy bén, như là sự phản ứng của một thói quen.
Bởi vì, một sự lựa chọn thẩm mỹ nói chung, tác phẩm nghệ thuật nói riêng bao giờ cũng gắn với những giá trị và kinh nghiệm thẩm mỹ của bản thân mỗi người, đồng thời nó luôn chịu sự chi phối của nhu cầu thực tiễn trong một môi trường văn hóa- xã hội nhất định. Do đó, để có phản ứng thẩm mỹ đúng, bản thân mỗi người cần phải trang bị và làm giàu thêm, làm sâu sắc hơn những giá trị, kinh nghiệm thẩm mỹ của dân tộc và nhân loại.
c. Cần nâng cao lí tưởng thẩm mỹ cho chủ thể cảm thụ nghệ thuật. Đó là việc bồi dưỡng cho mỗi người một hệ thống những quan điểm, quan niệm có tính chất hoàn thiện về cái đẹp- cái không chỉ có ở hiện tại mà ở cả tương lai. Một quan niệm thẩm mỹ hoàn chỉnh bao giờ cũng là một chỉnh thể chân- thiện- mỹ. Chính vì vậy, bản thân mỗi người phải không ngừng làm giàu những tri thức khoa học, những giá trị văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc của dân tộc và của thời đại. Chính sự thống nhất giữa lý tưởng cá nhân và lý tưởng xã hội sẽ là nhân tố tích cực của sự cảm thụ nghệ thuật có hiệu quả, đồng thời là mục tiêu phấn đấu của mỗi chủ thể thẩm mỹ trong quá trình học tập, lao động, công tác và thực hiện công bằng, tiến bộ xã hội.
d. Cần nâng cao tri thức thẩm mĩ của chủ thể cảm thụ nghệ thuật. Thông qua đó làm cho kiến thức thẩm mỹ - nghệ thuật của mỗi cá nhân ngày càng sâu, càng rộng để bản thân người đó có đủ sức cảm thụ tác phẩm nghệ thuật với mọi góc cạnh phong phú đa dạng của nó trong quan hệ với nhiệm vụ, công việc cụ thể của mình.
Từ thực tiễn hiện nay, về trình độ thẩm mỹ của công chúng nghệ thuật nói chung, đặc biệt là đối tượng thanh niên, sinh viên văn hóa nghệ thuật nói riêng, việc nâng cao trình độ văn hóa nghệ thuật của chủ thể thẩm mỹ phải đảm bảo tính toàn diện.
 + Trước hết, nâng cao và mở rộng trình độ học vấn của mỗi cá nhân, làm cho chủ thể thẩm mỹ nghệ thuật ngày càng tiếp thu được nhiều kiến thức mà loài người và nhân dân ta đã sáng tạo ra, đủ sức làm cơ sở cho sự phát triển văn hóa nghệ thuật riêng của bản thân. Bởi vì, học vấn chính là tri thức nền tảng để con người tiếp thu các giá trị độc đáo của nghệ thuật.
+ Hai là, nâng cao tri thức văn hóa nghệ thuật cho người cảm thụ nghệ thuật. Một mặt, trang bị cho người cảm thụ những tri thức khoa học về nghệ thuật, biết vận dụng chúng vào quá trình cảm thụ, sáng tạo nghệ thuật và hoạt động sống; đồng thời có khả năng cảm nhận sâu sắc tác phẩm nghệ thuật trong quan hệ với những mảng hiện thực tương đồng trong cuộc sống. Mặt khác, bồi dưỡng vốn thực tiễn văn hóa nghệ thuật cho công chúng nghệ thuật sẽ mang lại cho người cảm thụ những giá trị, những hình mẫu, kinh nghiệm của nghệ thuật, lôi cuốn họ tham gia vào hoạt động nghệ thuật, cũng như vận dụng những phương thức sống điển hình trong nghệ thuật vào cuộc sống của bản thân mình, làm cho sinh hoạt văn hóa nghệ thuật ngày càng trở thành nhân tố quan trọng trong đời sống tinh thần của mỗi người.
Đồng thời, cần trang bị vốn lý luận văn hóa nghệ thuật cho công chúng nghệ thuật để họ am hiểu được nét đặc thù của từng trường phái, loại hình, loại thể nghệ thuật với ngôn ngữ, bút pháp và kỹ xảo nghệ thuật, cũng như am hiểu lịch sử phát triển nghệ thuật của dân tộc ta và nhân loại. Chính cái vốn này sẽ làm cho tác phẩm nghệ thuật được cảm thụ trong sự thống nhất văn hóa dân tộc và nhân loại; liên kết các hình tượng nghệ thuật lại với nhau, làm cho mỗi hình tượng trở thành chất men kết dính giữa quá khứ, hiện tại và tương lai; phát hiện được cái độc đáo của từng tác phẩm nghệ thuật, mở rộng phạm vi cảm thụ, chiếm lĩnh được những tác phẩm nghệ thuật có giá trị, hình thành được hình tượng điển hình cho bản thân, làm công cụ để nhận thức những vấn đề của cuộc sống trong tính đa dạng và vô cùng phức tạp của nó.
Do vậy, sự thống nhất giữa lý luận và thực tiễn nghệ thuật ở mỗi người càng cao, càng tạo điều kiện để bản thân họ cảm thụ rộng rãi và sâu sắc tác phẩm nghệ thuật. Chính vì vậy, bằng những hình thức và biện pháp khác nhau, cần có sự kết hợp chặt chẽ giữa bồi dưỡng lý luận kinh nghiệm với bồi dưỡng lý luận văn hóa nghệ thuật trong công tác giảng dạy và đào tạo, làm cho hai mặt này thống nhất với nhau thành một chỉnh thể trong sự phát triển trình độ văn hóa nghệ thuật của mỗi người cảm thụ tác phẩm.
Cùng với việc nâng cao trình độ văn hóa nghệ thuật của chủ thể thẩm mỹ cần phải xác định tính mục đích cảm thụ nghệ thuật của công chúng cảm thụ nghệ thuật trong đời sống tinh thần và văn hóa- xã hội hiện nay. Đây chính là làm cho quá trình cảm thụ nghệ thuật của mỗi người luôn hướng tới mục tiêu đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ xã hội và phát triển nhân cách của bản thân.
Thứ nhất, nâng cao nhận thức của người cảm thụ về vai trò của nghệ thuật đối với sự nghiệp đổi mới, phát triển đất nước làm cho mỗi chủ thể cảm thụ nghệ thuật nhận thức ngày càng đầy đủ hơn sức mạnh của nghệ thuật đối với sự phát triển của xã hội, đất nước ta trong sự nghiệp dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Đồng thời đem lại nhận thức sâu sắc cho mỗi người rằng, nghệ thuật là một trong những phương thức hiện thực hóa lý tưởng của loài người.
Thứ hai, nâng cao nhận thức về vai trò của nghệ thuật đối với sự phát triển của chủ thể đáp ứng yêu cầu sự nghiệp đổi mới, phát triển đất nước. Điều đó có nghĩa là làm cho công chúng nghệ thuật hiểu sâu sắc nghệ thuật là một nhân tố độc đáo trong sự hình thành và phát triển nhân cách con người theo yêu cầu của thời đại. Điều đó có ý nghĩa quan trọng đặc biệt là làm cho mỗi người nhận thức sâu sắc rằng nghệ thuật là một trong những phương thức đạc thù phát triển nhân cách của bản thân theo yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước hiện nay.
Thứ ba, nâng cao nhu cầu cảm thụ nghệ thuật của công chúng thẩm mỹ, tức là làm cho bản thân mỗi người thấy việc cảm thụ nghệ thuật là cần thiết để nâng cao hiệu quả công việc và phát triển những phẩm chất tốt đẹp của mình. Bởi vì, cảm thụ nghệ thuật là sự tiếp thu tri thức và kinh nghiệm phong phú của nhân loại phục vụ cho hoạt động cá nhân của mỗi người. Nó giúp bản thân mỗi người nắm bắt tất cả các mối quan hệ xã hội, phục vụ cuộc sống của mỗi cá nhân trong xã hội. Đồng thời, cảm thụ nghệ thuật để nắm bắt các khía cạnh tinh thần của quy luật vận động xã hội, thực hiện nhiệm vụ xã hội, biểu hiện cụ thể trong việc nắm bắt tâm tư, tình cảm, ước mơ và khát vọng của nhân dân để công việc của mình ngày càng đáp ứng được những đồi hỏi thiết thực đó.
Mặt khác, cảm thụ nghệ thuật để phát triển những phẩm chất của chính bản thân mình, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong công tác lãnh đạo xem nghệ thuật là tấm gương phản chiếu của hiện thực xã hội, của chính mình. Do đó, khi cảm thụ nghệ thuật luôn tự ngắm nghía, tự điều chỉnh, tự rèn luyện, tự phát triển những phẩm chất của chính mình một cách tự nhiên, tự giác theo yêu cầu của từng giai đoạn trong quá trình đổi mới, phát triển đất nước hiện nay.
Từ sự phân tích trên, để quá trình đào tạo, bồi dưỡng năng lực cảm thụ nghệ thuật cho đối tượng là sinh viên Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Nghệ An đạt được nhiệm vụ yêu cầu và mục tiêu đề ra trong giáo dục thẩm mỹ nhằm đào tạo những chủ thể thẩm mỹ, chủ thể nghệ thuật ngoài năng lực và trình độ thẩm mỹ, nghệ thuật riêng của cá nhân, còn có khả năng hướng dẫn, định hướng cho hoạt động văn hóa nghệ thuật cho công chúng, cho xã hội. Chúng tôi thiết nghĩ, tập thể Ban giám hiệu và lãnh đạo các Khoa chuyên môn của Trường cần thiêt cập nhật, bổ sung nội dung đào tạo mĩ học chuyên ngành như: Mỹ học âm nhạc, Mỹ học sân khấu, Mỹ học thời trang, Mỹ học nhiếp ảnh, Mỹ học trong du lịch... bên cạnh môn Mỹ học đại cương đang được giảng dạy ở nhiều ngành đào tạo của Trường.
Tóm lại, sự phát triển năng lực cảm thụ nghệ thuật của con người không chỉ là tỉ lệ thuận với chất lượng cảm thụ nghệ thuật, mà còn tỉ lệ thuận với sự phát triển của nền văn hóa nghệ thuật xã hội. Chính vì lẽ đó, mỗi con người chúng ta, người nào có tầm nhìn bao quát càng rộng, càng tiếp xúc nhiều với đời sống xã hội, với những mục tiêu nhiệm vụ kinh tế- xã hội, với văn hóa, nghệ thuật của dân tộc- thế giới và đặt ra cho bản thân mình những nhu cầu phát triển nhân cách cao đẹp thì người đó càng có nhu cầu to lớn đối với cảm thụ nghệ thuật./.

 

QUY ĐỊNH THỜI GIAN THỰC HIỆN THỦ TỤC NHẬP HỌC - THÍ SINH TRÚNG TUYỂN ĐỢT 1 - Từ 07/8/2017 đến 18/8/2017

Bài viết mới

Tin tức nổi bật