Thanh Phong sinh ra trong một gia đình nghệ thuật. Bố mẹ đều là văn công trong quân đội. Đặc biệt là điệu hát ru ví, giặm xứ Nghệ của bà ngoại và mẹ, cùng tiếng hò xứ Huế của bà nội đã thấm vào tâm hồn cậu bé Phong ngay từ thuở ấu thơ...
Có thể nói, năm 2016, 2018 và 2019 được xem là thời vận tỏa sáng của nghệ sĩ trẻ Thanh Phong. Anh được nhận bằng khen sự nghiệp bảo tồn văn hóa do Hội Di sản Văn hóa Việt Nam trao tặng; Giải Nhất liên hoan hát Xẩm toàn quốc lần thứ nhất do Cục Văn hóa cơ sở tổ chức tại Ninh Bình (Đưa xẩm xứ Nghệ ra miền Bắc 2019).
Đặc biệt, Thanh Phong nhận được Huy chương Bạc tại Festival âm nhạc dân gian quốc tế tổ chức tại Uzbekitasn 2018 và Bằng khen do Đài Truyền hình Quốc tế Vân Nam - Trung Quốc trao tặng năm 2019.
Nghệ sỹ trẻ Thanh Phong đang là Trưởng đoàn nghệ thuật UNESCO Di sản dân ca xứ Nghệ tại Hà Nội, Biên tập viên phụ trách mảng Dân ca ví, giặm - Ban âm nhạc VOV3 - Đài Tiếng nói Việt Nam. Nghệ sỹ trẻ Thanh Phong sinh năm 1992 tại thành phố Vinh, Nghệ An. Thành phố bên dòng sông Lam - mạch nguồn văn hóa xứ Nghệ cùng với truyền thống nghệ thuật của gia đình đã đưa Thanh Phong ngấm chất dân ca từ thuở bé.
Khác với nhiều ca sỹ 9x theo phong cách nhạc trẻ, hiện đại, Thanh Phong chọn lối đi riêng là Dân ca ví, giặm gốc, bên cạnh đó là các ca khúc mang âm hưởng dân ca xứ Nghệ. Không chỉ hát mà Thanh Phong còn sưu tầm, phục dựng làn điệu, biên soạn lời mới cho Dân ca ví, giặm với nhiều tác phẩm được mọi người yêu thích. Thanh Phong có công trong việc đưa Dân ca ví, giặm đi biểu diễn nhiều nơi trong nước và quốc tế.
Thanh Phong sinh ra trong một gia đình nghệ thuật. Bố mẹ đều là văn công trong quân đội. Đặc biệt là điệu hát ru ví, giặm xứ Nghệ của bà ngoại và mẹ, cùng tiếng hò xứ Huế của bà nội đã thấm vào tâm hồn cậu bé Phong ngay từ thuở ấu thơ. Sinh ra và lớn lên ở thành phố Vinh, nhà của Phong ở dưới chân núi Dũng Quyết - Trung Đô, bên cạnh là dòng sông Lam xanh mát.
Chiều chiều, Phong thường lên núi ngắm non nước Hồng Lam rồi luyện thanh và tập hát. Có lẽ vì thế mà tâm hồn Phong rất phóng khoáng, yêu thiên nhiên, phong cảnh làng quê mình. Phong còn nhớ kỷ niệm khi thi tiếng hát Hoa phượng đỏ, nhạc sỹ Lê Hàm nhận xét là: “Tại sao nhiều bạn ở các huyện về lại không chọn ví, giặm để thi, chỉ có bạn Thanh Phong ở thành phố chắc không thể biết gì đến ruộng đồng, cấy lúa, chăn trâu thì lại hát ví giặm, mong các em học tập bạn Thanh Phong”.
Được nhạc sĩ động viên, Thanh Phong rất vui và càng quyết tâm theo đuổi dòng nhạc dân gian này. Phong kể, hè năm ấy Phong nhất quyết đòi bố cho đi học đàn bầu khi bố đã mua đàn Organ về. Thế là bố đành chấp nhận, đưa lên Nhà văn hóa Thiếu nhi Việt Đức đăng ký. Tiếc rằng nhà trường trả hồ sơ vì chỉ có một em đăng kí học đàn bầu nên không mở lớp được.
Buồn quá, về nhà Phong tự học và quyết tâm sẽ theo đuổi dân ca lâu dài. Phong hiểu rằng mình phải cố gắng, nỗ lực cho đam mê Dân ca ví, giặm. Học xong cấp 3 với thành tích học sinh giỏi tỉnh Nghệ An môn lịch sử, có rất nhiều sự lựa chọn các trường đại học khác, nhưng Phong lại chọn Đại học Văn hóa Hà Nội để thi.
Những ngày ra Hà Nội học tập, nỗi nhớ nhà, nhớ bố mẹ và quê hương da diết thì chính Dân ca ví, giặm đã sưởi ấm tâm hồn Phong. Phong rủ các bạn cùng quê tập luyện và biểu diễn dân ca cho các chương trình Văn nghệ của trường mình. Lâu dần, cả nhóm mới quyết định thành lập câu lạc bộ “Dân ca ví, giặm” vào năm 2010. Rất nhiều bạn học ở các trường nghệ thuật khác cũng xin tham gia vào câu lạc bộ do Thanh Phong chủ nhiệm.
Sau 10 năm Câu Lạc bộ thành lập đã trở thành “Đoàn nghệ thuật UNESCO dân ca xứ Nghệ”, một đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp với hơn 50 nghệ sĩ, diễn viên tham gia. Thanh Phong chia sẻ, những buổi thực hành diễn xướng của Đoàn tại sân đình Xuân Tảo ở Hồ Tây, thật xúc động vì rất đông bà con nhân dân, khách du lịch dừng lại xem.
Phong nhận ra rằng phải nâng Đoàn lên một tầm khác, đào tạo đội ngũ ca sĩ, nghệ sĩ hát dân ca phải chuyên nghiệp hơn. Bản thân Phong cũng phải thay đổi trước tiên. Thanh Phong tiếp tục đăng ký thi văn bằng 2 tại Học viện Âm nhạc Huế, ngành Âm nhạc di sản đào tạo tại Trung tâm Phát triển nghệ thuật âm nhạc Việt Nam.
Tại đây, nhạc sỹ Thao Giang đã dạy và chỉ bảo cho Thanh Phong nhiều cách để thành lập và quản lý một tổ chức nghệ thuật. Trải qua hai năm, Đoàn nghệ thuật thực nghiệm được sự bảo trợ của Trung tâm UNESCO, Phong mời các nghệ sỹ, các thầy cô giáo của Kịch hát dân tộc về đoàn để đào tạo cho các bạn, các diễn viên có kỹ năng diễn xuất hơn, đẹp về cả thanh lẫn sắc.
Năm 2017, Đoàn nghệ thuật chính thức gia nhập vào Hội di sản văn hóa Việt Nam do nhạc sỹ Hồ Hữu Thới trực tiếp chỉ đạo và tư vấn. Từ đó đến nay, Đoàn đã đi diễn rất nhiều, tiêu biểu như vở diễn “Xuân qua miền ví, giặm” năm 2017, “Dòng sông chở những câu hò” năm 2019, phục vụ hàng trăm suất diễn mỗi năm. Các chương trình biểu diễn tại Fesival âm nhạc thế giới tại Uzbekistan 2017, liên hoan âm nhạc tại Trung Quốc 2019 được bạn bè quốc tế đón nhận, cổ vũ và ca ngợi.
Khi được giãi bày những trăn trở với nghề, Thanh Phong đã lấy ý kiến của cố Giáo sư Trần Văn Khê rằng “Đừng nghĩ rằng dân ca do người già hát, mà cách đây hàng chục, hàng trăm năm trước là do người trẻ sáng tạo và hát lên. Nhưng rồi trải qua nhiều biến động lịch sử, đất nước phải lo những việc lớn khác, những người trẻ xưa nay đã già, trở thành những nghệ nhân”. Do vậy trách nhiệm của người trẻ hôm nay phải tiếp tục hát và sáng tạo thêm.
Là người đang đi theo dòng dân ca cổ, Phong đang tiếp tục hát nhưng phải sáng tạo đổi mới cho phù hợp với hơi thở cuộc sống hôm nay. Quan họ, chèo như viên ngọc sáng có khúc thức, bài bản, kết cấu rất chặt nên hát phải đúng, phải chuẩn. Còn ví giặm được ví như khúc tre, khúc gỗ ai muốn chế tác thế nào thì theo cảm xúc để hát và ứng tác lời. Phong vẫn vận dụng những làn điệu ví, giặm cổ bên cạnh còn có nhiều làn điệu cải biên như “Làn Khuyên”, “Tứ Hoa”, “Ví giận thương”.
Phong soạn lời mới đề tài về tình yêu, cuộc sống đương đại. Đông đảo khán giả, nhất là người trẻ yêu thích như bài “Tình em câu ví, mùa xuân”, “Những cô gái làng Sen” hay tác phẩm “Xe kế trăng vàng”. Đặc biệt, Phong đã đưa điệu tứ hoa lồng vào một ca khúc âm hưởng đương đại, Phong tạm gọi là “Tân cổ Tứ hoa Nghệ Tĩnh”. Lần đầu Phong viết và biểu diễn bài tân cổ tứ hoa “Câu hát quê hương”, lời thơ Nguyễn Trọng Tạo, nhạc Hồ Hữu Thới tại hội thảo “Âm nhạc dân tộc với cuộc sống hôm nay” do Trung tâm Nghiên cứu bảo tồn và phát huy âm nhạc dân tộc và Ủy ban nhân dân tỉnh Nghệ An tổ chức.
Khi hát đến đoạn tứ hoa do Phong viết, hội đồng vỗ tay đồng tình và nhiều lời khen tích cực, Phong cảm thấy rất xúc động. Từ đó Phong đã viết thêm điệu tứ hoa cho bài hát “Ca dao em và tôi” của cố nhạc sỹ An Thuyên, NSƯT Phạm Phương Thảo hát trong liveshow “Mơ Duyên” đã được khán giả hưởng ứng và khen ngợi.
Bên cạnh đó, việc hòa âm phối khí cho các tiết mục ví giặm cũng được Phong rất chú trọng. Muốn có một chất liệu nền mới, dễ cảm, dễ nghe và dễ hát hơn cho các nghệ sỹ trẻ, Phong thường nhờ những nhạc sỹ trẻ về viết nhạc cho đoàn. Có những chương trình thu thanh, Phong mời các nhạc sỹ ở Nghệ An ra Hà Nội cùng hòa nhạc. Phong vẫn thường xuyên đánh đàn bầu cho các nghệ sĩ hát, tạo sự gần gũi với nghệ sĩ và công chúng.
Từ khi thành lập Đoàn nghệ thuật đến nay, với cương vị là Trưởng đoàn, Phong cảm thấy trách nhiệm rất lớn. Nào là phải lo các chương trình, các ấn phẩm chung cho đoàn, dựng bài cho các bạn đi thi, nhiều ca sĩ đã giành giải cao ở cuộc thi Sao mai toàn quốc. Điều đó khiến cho Phong thực sự hạnh phúc, ấm lòng.
Sắp tới, Thanh Phong sẽ hoàn thiện chuỗi Mv “Tân cổ tứ hoa” và Album “Dâng Người câu ví làng Sen”. Việc hòa âm phối khí sử dụng toàn bộ dàn nhạc dân tộc do các nhạc sỹ ở nhà hát Đài Tiếng nói Việt Nam và Nhà hát Dân ca Nghệ An thực hiện. Hy vọng, với sự đầu tư nghiêm túc này, nghệ sĩ Thanh Phong sẽ được quý khán giả đón nhận. Mong nghệ sĩ Thanh Phong luôn sáng tạo và cống hiến, tiếp tục giữ ngọn lửa đam mê với Dân ca ví, giặm quê nhà.