Biện pháp nâng cao hứng thú đối với hoạt động học tập các môn chuyên ngành cho sinh viên Trường CĐ VHNT Nghệ An

1. Trước hết, cần giúp sinh viên nhận thức đúng đắn tầm quan trọng của hứng thú học tập nói chung, hứng thú học các môn chuyên ngành nói riêng. Đây là một việc làm quan trọng, bởi có nhận thức đúng đắn thì khi đó mới có thái độ và hành vi đúng. Để giúp sinh viên nhận thức đúng về tầm quan trọng của hứng thú học tập các môn chuyên ngành, người giáo viên cần giúp người học xác định được mục đích và động cơ học tập: Học để làm gì? Làm thế nào để đạt được mục đích học tập? Giúp học sinh hiểu được lợi ích của việc học tốt các chuyên ngành nghệ thuật trong hiện tại và đối với nghề nghiệp tương lai của mình. Từ đó sinh viên sẽ có động lực học các môn chuyên ngành một cách tự giác với thái độ tích cực. Mỗi một môn học chuyên ngành cụ thể, giáo viên cần giúp người học nhận ra lợi ích của môn học đó đối với chương trình học hiện tại của họ và nghề nghiệp tương lai sau này của họ. Bởi vì khi biết được lợi ích và có hứng thú với một việc gì đó thì ta thường có động lực và niềm đam mê để làm điều đó tốt hơn. Để làm được điều đó sinh viên phải đặt mục tiêu rõ ràng và kế hoạch cụ thể trong học tập. Điều đó sẽ giúp bản thân họ tập trung hơn và có động lực hơn để hoàn thành nhiệm vụ, đạt được mục đích đã xác định

2. Tạo hứng thú học tập bằng cách tác động vào nội dung dạy học. Nội dung dạy học thông thường đã được quy định trong chương trình, kế hoạch đào tạo. Tuy nhiên, đối với các chuyên ngành nghệ thuật, nội dung dạy học được thiết kế theo hướng mở. Trong quá trình dạy học, người giáo viên cần phát huy tính tự giác, chủ động của người học, giúp họ khám phá những cái mới là cách tuyệt vời để tạo ra hứng thú. Chẳng hạn, tìm kiếm nội dung học tập, kỹ năng về chuyên ngành học thông qua tài liệu sách báo, internet, các khóa học online, tìm hiểu các sự kiện liên quan đến chủ đề ngành học mà mình đang quan tâm

3. Tạo hứng thú học tập bằng cách phối hợp các phương pháp và các hình thức dạy học linh hoạt như: Tổ chức các hội thi; Tổ chức các hoạt động học theo nhóm; Tổ chức dạy học ngoài trời( tham quan, dã ngoại..). Thường xuyên tổ chức các hoạt động học tập dưới nhiều hình thức để nâng cao hứng thú và hiệu quả của hoạt động học các môn chuyên ngành cho sinh viên: Tổ chức tập luyện theo nhóm; Tổ chức các hội thi; Sinh hoạt câu lạc bộ theo các chuyên ngành học; Giao lưu nghệ thuật giữa sinh viên các khoa trong trường, sinh viên giữa các trường... tạo sân chơi bổ ích để sinh viên được trải nghiệm vận dụng những kiến thức chuyên ngành vào thực tiễn. Việc thay đổi các hình thức dạy học sẽ tránh được sự nhàm chán, kích thích người học tham gia học tập một cách tích cực, say mê

Nâng cao chất lượng hoạt động học tập các môn chuyên ngành bằng cách cải tiến, đổi mới nội dung, hình thức, phương pháp… đảm bảo tính tích cực, sinh động và sáng tạo. Ngoài phương pháp dạy học lên lớp truyền thống, mỗi chuyên ngành nghệ thuật có những phương pháp dạy học chuyên biệt nhằm phát huy hứng thú của sinh viên trong quá trình học. Cụ thể: Đối với chuyên ngành Thanh nhạc, phương pháp dạy học chủ đạo là một kèm một. Có nghĩa là giáo viên thị phạm cho từng sinh viên, sửa lỗi cho từng người, theo sát sự tiến bộ của từng em. Ngoài ra, hình thức học nhóm cũng kích thích hứng thú cho sinh viên ngành Thanh nhạc. Các em được thực hành và luyện tập cùng nhóm nên có sự so sánh, rút kinh nghiệm từ các thành viên nhóm; Tổ chức cho sinh viên tham gia hoạt động giao lưu văn nghệ giữa các khoa, các khóa trong nhà trường và các Trường khác trên địa bàn; Đào tạo và luyện tập để sinh viên tham gia các cuộc thi ca hát ở các cấp... tạo sân chơi bổ ích và lý thú để sinh viên được trải nghiệm chuyên môn đã học

Đối với chuyên ngành Nhạc cụ, ngoài những phương pháp trên, cần lựa chọn nội dung dạy học phù hợp lứa tuổi, tâm sinh lý và thị hiếu thời đại để kích thích hứng thú cho người học; Các phương tiện dạy học hiện đại, âm thanh tốt ảnh hưởng đến chất lượng và thái độ học tập của người học Khuyến khích và tạo điều kiện để sinh viên giao lưu, tham gia các cuộc thi thể hiện tài năng nghệ thuật các cấp

Đối với chuyên ngành Múa, học nhóm là phương pháp chủ đạo song giáo viên cũng cần chuyên môn hóa và cá biệt hóa trong dạy học. Việc trang bị các điều kiện học tập như phòng học, trang phục, hệ thống âm thanh ánh sáng, sàn tập, máy chiếu...cũng tạo hứng thú học tập cho các em; Ngoại hình, thái độ và kỹ thuật chuyên môn của giáo viên ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng dạy học và hứng thú cho người học; Tổ chức các hoạt động giao lưu văn hóa văn nghệ, các ngày lễ hội... để các em được tham gia biểu diễn; Tạo điều kiện để sinh viên được tham gia các cuộc thi ở các cấp độ và phạm vi khác nhau.

Đối với chuyên ngành Mỹ thuật, để tạo hứng thú cho người học, trước hết giáo viên cần lựa chọn nội dung dạy học mới lạ, hấp dẫn, phù hợp sở thích và năng lực người học. Ngoài nội dung cứng được quy định trong chương trình, người dạy có thể tìm kiếm những kiến thức, chi tiết mới từ nhiều nguồn để làm phong phú nội dung bài dạy. Hình thức dạy học thay đổi linh hoạt để tránh sự nhàm chán đơn điệu. Khuyến khích sinh viên sáng tác, tham gia các cuộc triển lãm tranh các cấp; Nhân các ngày lễ hội tổ chức trên địa bàn, cho các em sinh viên tham gia vẽ tranh dạo, viết thư pháp, vẽ truyền thần...

4. Ngoài ra, cần tham mưu xây dựng cơ chế chính sách, chương trình, kế hoạch nhằm khai thác nguồn lực tạo điều kiện về cơ sở vật chất, phương tiện, kinh phí đầu tư cho hoạt động giáo dục của nhà trường. Chăm lo đến lợi ích vật chất cho sinh viên, xây dựng và mở rộng các quỹ khuyến học, khuyến tài nhằm hỗ trợ giúp đỡ các sinh viên nghèo, Chăm lo đến lợi ích tinh thần của sinh viên thông qua tổ chức các hoạt động văn nghệ, thể thao, hoạt động ngoại khóa, cắm trại, các buổi trao đổi kinh nghiệm, các hoạt động tập thể khác phù hợp với nguyện vọng và sở trường của sinh viên từng chuyên ngành ... Thông qua đó mà hình thành ở họ các kỹ năng nghệ nghiệp cần thiết trong cuộc sống, trong học tập.

Những biện pháp này chỉ có thể mang lại hiệu quả thiết thực thông qua sự quan tâm sâu sắc của Đảng uỷ, Ban giám hiệu nhà trường, sự chủ động sáng tạo và điều quan trọng nhất đó là sự tự giác nhận thức, thái độ của từng sinh viên trong nhà trường. Mỗi sinh viên cần phấn đấu tu dưỡng tốt để trở thành nguồn nhân lực trẻ, các tri thức trẻ vừa "hồng" vừa "chuyên" đáp ứng yêu cầu cao của sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước

 

 

Liên kết hữu ích

TUYỂN SINH TRỰC TUYẾN

THƯ VIỆN ĐIỆN TỬ

THÔNG BÁO HỌC SINH, SINH VIÊN

VĂN BẢN

Điểm thi

Thiết kế website tại Vinh

công ty quảng cáo tại nghệ an