Trẻ em từ nhỏ đã bộc lộ rất rõ nét năng khiếu tự nhiên, song để giúp trẻ phát triển các năng khiếu thành tài năng đòi hỏi vai trò to lớn của người thầy giáo thông qua phương pháp giảng dạy của mình. Một trong những biện pháp cụ thể có thể áp dụng hiệu quả trong dạy học học sinh có năng khiếu âm nhạc.
- Biện pháp cá nhân hóa và phân hóa thành nhóm trong nội bộ lớp học.
Cá nhân hoá dạy học được quy định bởi sự khác biệt lớn của những phẩm chất học sinh mà kết quả học tập phụ thuộc vào những phẩm chất ấy. ở đây bao gồm cả trình độ kiến thức, kỹ năng, kỹ xảo, kỹ năng học tập và năng khiếu.
Ngoài ra cũng cần tính đến những đặc điểm và trạng thái khác nhau ở mỗi học sinh, chúng luôn hoặc nhất thời có ảnh hưởng đến những học sinh đó và chúng được tính đến trong những trường hợp cá biệt.
Vì dạy học cá nhân hóa đòi hỏi sự chú ý đến những đặc điểm nêu trên nên mục đích dạy học đặc thù của nó thể hiện ở chỗ để hoàn thiện kiến thức, kỹ năng, kỹ xảo của học sinh, hiện thực hoá chương trình học tập bằng cách nâng cao trình độ kiến thức, kỹ năng, kỹ xảo nói riêng, chuyên sâu và mở rộng kiến thức cho học sinh, xuất phát từ lợi ích và những khả năng đặc biệt của học sinh bằng phương pháp "cá nhân hoá". Mục tiêu phát triển của phương pháp "cá nhân hoá" được thực hiện trong việc hình thành và phát triển tư duy lôgic, kỹ năng lao động học tập dựa vào sự phát triển gần đây nhất của học sinh.
Đặc điểm nổi bật của dạy học cá nhân hóa là chương trình học tập đa dạng, chú ý đến đặc điểm riêng của trẻ, phát huy tiềm năng sáng tạo của chúng và năng khiếu của chúng là một trong những yêu cầu của dạy học phân hoá.
- Biện pháp tăng tốc: Đây là biện pháp tăng tốc độ và nhịp độ làm việc của học sinh có năng khiếu cao. Nó thể hiện ở một số cách làm khác nhau và dựa trên các địa phương cụ thể có thể lựa chọn phương thức phù hợp: Cho trẻ có năng khiếu cao đến trường sớm trước tuổi học đường quy định. Cho trẻ tài năng học vượt một lớp so với bạn cùng lứa. Cho trẻ tài năng học nhanh toàn bộ nội dung chương trình dành cho một lớp và rút ngắn thời gian
- Biện pháp “cố vấn” thay thế giáo viên một cách linh hoạt: Cố vấn có thể là giáo viên rất có uy tín đối với học sinh tài năng hoặc giảng viên đại học nghiên cứu chuyên sâu về giáo dục trẻ tài năng. Người cố vấn có thể dạy một hoặc một vài tiết hay đơn thuần là nói chuyện với học sinh tài năng về các vấn đề mà các em quan tâm nhiều nhất.
- Biện pháp giảng dạy cho từng nhóm riêng của trẻ có năng khiếu cao. Đây là hình thức trong một hoặc vài ngày cố định trong tuần, trẻ sẽ được học tập theo các môn yêu thích riêng biệt do các em lựa chọn.
- Biện pháp tổ chức các lớp đặc biệt dành cho học sinh tài năng: Tại các lớp này có thể tăng thêm thời lượng giảng bài và tăng thêm dung lượng tri thức cho học sinh có tài năng. Cũng có thể đưa các phương pháp dạy học mới vào các lớp đặc biệt này.
Benjamin Bloom, đã phân ra ba kiểu giáo viên mà công việc của họ quan trọng như nhau đối với việc phát triển của trẻ tài năng. Đó là:
- Giáo viên biết đưa học sinh vào lĩnh vực môn học và tạo bầu không khí lôi cuốn về tình cảm, khơi dậy lòng say mê với môn học.
- Giáo viên đặt cơ sở (nền móng) công việc và cùng học sinh luyện cho thành thục kỹ thuật thực hiện công việc đó.
- Giáo viên biết dẫn dắt học sinh tới trình độ chuyên môn cao.
giáo viên dạy trẻ tài năng phải có trình độ nhất định trong lĩnh vực dạy trẻ.
Chính vì vậy người thầy giáo làm công tác bồi dưỡng tài năng cho trẻ tuổi tiểu học cần phải có những năng lực sau:
- Biết giáo dục nhu cầu và hứng thú trí tuệ của trẻ.
- Biết khuyến khích học sinh trong học tập và trong các hoạt động.
- Hình thành được cảm xúc và trí tưởng tượng bay bổng để trẻ xây dựng và nuôi dưỡng những ước mơ.
- Biết giáo dục tính kiên nhẫn và ham muốn hoạt động tinh thần như học tập hay nghiên cứu về thế giới xung quanh.
- Biết giáo dục năng lực cộng tác cho học sinh.
- Biết tổ chức những yêu cầu tăng dần lôi cuốn học sinh tài năng đến với những tri thức mới và phức tạp hơn.
Đào tạo, bồi dưỡng học sinh có năng khiếu âm nhạc không phải là truyền thụ có tính áp đặt những tri thức kỹ năng mà đơn giản là tạo cơ hội cho học sinh thể hiện tài năng bằng các hoạt động bổ sung, nâng cao, trong đó các em được động viên, khuyến khích, hỗ trợ để đương đầu với những thử thách ngày càng cao trong học tập hay luyện tâp. Do đó cần xây dựng cơ chế đặc thù trong đào tạo năng khiếu, nghệ thuật nói chung và năng khiếu âm nhạc nói riêng như chủ động xây dựng thời gian đào tạo; xây dựng chính sách cho đội ngũ cán bộ giáo viên trong lĩnh vực nghệ thuật; chính sách cho từng lĩnh vực văn học, hoạt động nghiên cứu sáng tác, biểu diễn, quy định bằng cấp… đối với cán bộ giáo viên trong đào tạo nghệ thuật.
Năng khiếu âm nhạc có cấu trúc nhiều mặt, nhiều yếu tố phức tạp do vậy cần xây dựng hệ thống các công cụ, các tài liệu phù hợp với từng yếu tố, từng mặt của cấu trúc đó để phát hiện và tuyển chọn, xây dựng chương trình phù hợp
Năng khiếu âm nhạc bộc lộ từ rất sớm và được phát triển bộc lộ ở nhiều độ tuổi. Do đó phát hiện năng khiếu âm nhạc cần tiến hành sớm thông qua các cấp học tức là xem xét nhiều lần đánh giá lâu dài chứ không chỉ qua 1 kỳ tuyển sinh duy nhất.
Năng khiếu âm nhạc chịu tác động của nhiều tố bao gồm những đặc điểm tư chất do bẩm sinh di truyền mang lại, môi trường, giáo dục và tính tích cực hoạt động của mỗi cá nhân do đó cần tính đến tất cả các yếu tố con đường đó
Người thầy là nhân vật không thể thiếu trong công tác bồi dưỡng và đào tạo năng khiếu, đặc biệt đối với năng khiếu âm nhạc vai trò của người thầy càng được thể hiện rõ rệt. Làm sao khơi gợi và phát triển được hứng thú của trẻ và dẫn dắt trẻ đến với tri thức thường đã là vô cùng khó khăn, song đối với trẻ có năng khiếu âm nhạc đòi hỏi người thầy phải là người thực sự có kinh nghiệm trong dạy học trẻ tài năng. Thầy giáo phải nắm được những đặc điểm và những thuộc tính nhân cách của học sinh có năng khiếu, nắm bắt được nhu cầu và hứng thú trí tuệ cao của trẻ, tính nhạy cảm, trí tưởng tượng bay bổng, năng lực làm việc thành công trong thời gian nhất định và năng lực của trẻ trong việc cộng tác với các bạn.