Một số phương pháp dạy học thanh nhạc

Xu thế của phương pháp dạy Thanh nhạc nói chung có thể nói bao gồm 3 phương pháp lớn:

1. Chú ý phát triển ở người học tính tích cực, sáng tạo, phát huy sự hứng thú, động cơ, ý chí, sức mạnh nội tâm, tinh thần của người học. Hướng cho học sinh, sinh viên tích cực vỡ bài từ trường độ, cao độ, phân đoạn lấy hơi, tìm các đoạn, cao trào, nhả chữ và tìm hiểu ý nghĩa văn học của ca từ, thể hiện tình cảm sau khi đã hoàn thành tác phẩm với người đệm đàn và ý thức tự chủ khi biểu diễn ở kỳ kiểm tra, thi hoặc biểu diễn trước công chúng, thu thanh và thu hình. “Tâm lý của người ca sĩ (học sinh, sinh viên - tác giả) được hình thành qua một quá trình rèn luyện không ngừng với sự lao động thông minh, sáng tạo”, “Người ca sĩ quý trọng một quyển sách không kém một tổng phổ nhạc kịch hay một tuyển tập ca khúc nghệ thuật” (Nguyễn Trung Kiên - Nghiên cứu nội dung tác phẩm rèn luyện khả năng sáng tạo của người ca sĩ).

2. Người giảng viên trong dạy học Thanh nhạc phải giải phóng cho học sinh, sinh viên với phương châm “Tất cả vì học sinh thân yêu” hay “Dạy học lấy học sinh, sinh viên làm trung tâm”.

3. Giảng viên phải biết sử dụng khoa học công nghệ, thiết bị trong dạy học Thanh nhạc để làm phong phú cho bài giảng của mình. Chính điều đó cũng làm thay đổi bản chất quá trình dạy học mà lâu nay ta vẫn áp dụng là chỉ học ở thầy, bắt chước thầy và chỉ học ở lớp. Văn học, thơ ca, lịch sử, ngoại ngữ đều có tác dụng làm phong phú thêm, sâu sắc thêm cho học sinh, sinh viên trong quá trình học hát và biểu diễn.

Bản chất của quá trình dạy học Thanh nhạc chính là cấu trúc, tính chất, mối liên hệ quy luật động lực mâu thuẫn của dạy học mà trong đó ba yếu tố nội dung tác phẩm âm nhạc (Ca khúc, Romance, Aria, Ca khúc nghệ thuật…), hoạt động của thầy giáo từ việc xác định giọng, cho bài, phân tích tác phẩm, hiểu biết xuất xứ tác phẩm, tác giả, ý văn học, âm nhạc và tiến hành lý luận dạy học theo phương pháp và hoạt động của trò bao gồm nhận bài, vỡ bài, phân câu, phân chỗ lấy hơi, xử lý tác phẩm, giải quyết cao trào và các yếu tố kỹ thuật hơi thở, khẩu hình, khoảng vang, nhả chữ và diễn xuất là rất quan trọng.

Ba yếu tố trên tồn tại trong mối liên hệ hữu cơ giữa mục tiêu, nội dung, phương pháp, phương tiện, kết quả. Tất cả các yếu tố này tồn tại trong mối liên hệ chặt chẽ, có ảnh hưởng sâu sắc đến quá trình dạy học. Vị trí của người thầy hiểu theo một nghĩa rộng hơn đó là nhà chiến lược, nhà khoa học. Giảng viên ở lớp học, là người đại diện cho xã hội truyền đạt hệ thống tri thức và kinh nghiệm cho thế hệ đang lớn lên.

Quá trình dạy hát còn cần phải kích thích động cơ học của học sinh, sinh viên bằng việc tổ chức các hoạt động ở lớp, ở khoa và ngoài xã hội, các buổi công diễn trên các hệ thống thông tin đại chúng...

Quá trình dạy Thanh nhạc còn làm cho học sinh, sinh viên lĩnh hội được những kinh nghiệm của loài người đã được tích lũy qua nhiều thế kỷ một cách có chọn lọc như các hệ thống ghi âm, hòa thanh, các kỹ thuật sử dụng nhạc cụ, các kỹ thuật của các Trường phái Thanh nhạc để học tác phẩm và có khả năng nghiên cứu khoa học dưới sự hướng dẫn của giảng viên.

Đối với vấn đề tâm lý trong dạy học thì giảng viên hướng học sinh, sinh viên đến sự phát triển của tương lai, gắn bó với nghề nghiệp, trên cơ sở tương tác giữa thầy và trò, con người với xã hội, theo nhu cầu của xã hội. Để điều khiển quá trình dạy học nói chung và dạy hát nói riêng, giảng viên phải thể hiện là tấm gương về lao động nghệ thuật và cuộc sống. Ngoài dạy kỹ thuật, dạy nghề thì cần phải dạy người cho học sinh, sinh viên.

Khuyến khích sự sáng tạo của học sinh, sinh viên, không nên chấp nhận học sinh, sinh viên hát một cách chung chung, vô hồn kể cả ngay khi tập các bài Vocalize.

Giảng viên chính là người hướng dẫn một cách toàn diện cho học sinh, sinh viên vì vậy đòi hỏi ở giảng viên một khả năng phong phú về kỹ thuật, lịch sử, văn hóa, triết học, sử dụng nhạc cụ, hòa âm...

Như vậy giảng viên phải nghiên cứu, học tập một cách nghiêm túc nhiều tài liệu, tư liệu liên quan đến Thanh nhạc, âm nhạc, văn học, nhạc cụ... để tích lũy và để có cơ sở truyền đạt cho học sinh, sinh viên. Không khuyến khích học sinh, sinh viên sự bắt chước một cách thô thiển mà khơi dậy bản chất riêng của từng học sinh, hướng dẫn sự sáng tạo của họ để tạo ra những nghệ sĩ, ca sĩ có những nét riêng trên nền cơ bản của kỹ thuật.

Đối với việc dạy hát cho học sinh, sinh viên các vùng miền thì ngoài các nguyên tắc, phương pháp sư phạm chung như đã nêu, giảng viên còn cần chú ý đến các yếu tố sau đây:

- Yếu tố tâm lý của học sinh miền Trung nói chung là rụt rè e lệ, thường thụ động nên giảng viên cần luôn khuyến khích động viên họ trong thời gian dạy học về mọi mặt.

- Yếu tố ngôn ngữ cũng hạn chế rất lớn đến phát âm, nhả chữ và làm giảm hiệu quả khi học, thi, thu thanh và biểu diễn... Vì vậy giảng viên phải kiên trì sửa chữa và nghiêm khắc bắt buộc học sinh khi hát phải dùng tiếng miền Bắc (mặc dù tiếng miền Bắc cũng có một số nhược điểm), trừ khi hát dân ca các vùng miền.

- Nên tăng số lượng bài hát dân ca các vùng miền Trung như Nghệ Tĩnh để học sinh có những vốn liếng nhất định phục vụ cho vùng đất đã từng gắn bó với họ sau khi ra trường.

Trong quá trình dạy học nói chung và phương pháp dạy hát nói riêng giảng viên nhất thiết phải thực hiện những phương pháp sư phạm có tính nguyên tắc đó là :

- Nguyên tắc thống nhất phát triển nghệ thuật và kỹ thuật của học sinh,sinh viên.

- Nguyên tắc từng bước và liên tục nắm vững nghệ thuật hát.

- Nguyên tắc tiếp cận với đặc điểm cá nhân của từng học sinh, sinh viên.

Đội ngũ ca sĩ, thầy giáo dạy hát trong tương lai tốt hay xấu phụ thuộc rất lớn đến khả năng và phương pháp hiện tại của giảng viên trong Nhà trường. Nắm vững, vận dụng các nguyên tắc dạy học nói chung và dạy hát nói riêng là nhiệm vụ chủ yếu của giảng viên để đào tạo cho khu vực, đất nước các thế hệ học sinh, sinh viên có đủ khả năng đảm nhận trọng trách trong lĩnh vực Âm nhạc nói chung và ca hát nói riêng để cùng với các lĩnh vực khác đưa nước ta sánh vai với khu vực và thế giới./.


Liên kết hữu ích

TUYỂN SINH TRỰC TUYẾN

THƯ VIỆN ĐIỆN TỬ

THÔNG BÁO HỌC SINH, SINH VIÊN

VĂN BẢN

Điểm thi

Thiết kế website tại Vinh

công ty quảng cáo tại nghệ an