Mỗi điệu múa dân gian Việt là một câu chuyện truyền tải triết lý nhân sinh quan hay bài học giáo dục về văn hóa hay đạo đức sống. Di sản văn hóa này được người Việt sáng tạo, lưu truyền qua nhiều thế hệ, phản ánh những giá trị tốt đẹp của mỗi dân tộc trong cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam.
Thông qua những điệu múa dân gian người xem nhận biết được khả năng sáng tạo và cảm thụ thẩm mỹ của các bậc tiền nhân; đồng thời, thấy được phong tục tập quán, những mối quan hệ xã hội đương thời. Đặc biệt là biểu đạt đời sống tín ngưỡng, đạo đức con người, có thể thấy qua các điệu múa xuất hiện trong các nghi lễ thờ cúng thần Phật, thánh Tản Viên, đạo Mẫu hay phong tục thờ cúng Hùng Vương.
Không gian thực hành múa dân gian rộng rãi, gần gũi, nơi để mọi người quây quần, đoàn kết nhau, không phân biệt độ tuổi, tầng lớp như các điệu xoè của dân tộc Thái, xòe chiêng dân tộc Tày, múa cờ lau hội Hoa Lư, Múa bài bông, múa Xuân Phả...
Trong di sản múa dân gian Việt, Nghệ An hiện vẫn lưu giữ khoảng 50 điệu múa cổ, ở các loại hình như múa dân gian, múa cung đình và múa tín ngưỡng, tôn giáo.
Các điệu múa cổ mang ý nghĩa giáo dục con người vươn tới cái đẹp, cái thiện. Việc bảo tồn và phát huy múa cổ không chỉ là nhằm bảo tồn nghệ thuật múa dân gian, mà còn có ý nghĩa tích cực đối với con người trong đời sống đương đại.