Nhà giáo trong thời chuyển đổi số phải như thế nào?

Người thầy của ngày nay phải tự học, tự đào tạo, tự hoàn thiện mình để thích ứng với thời cuộc", GS.TS HUỲNH VĂN SƠN (hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm TP.HCM) nhận định.

Thực tế cuộc sống có nhiều biến đổi, đòi hỏi người thầy cũng phải tự thay đổi để thích ứng với thời cuộc.

GS.TS HUỲNH VĂN SƠN (hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm TP.HCM): Mẫu mực nhưng phải hiện đại

Người thầy hiện đại phải như thế nào? Chắc chắn đây là câu hỏi không dễ trả lời bởi vẫn là một nhân cách đáng được tôn trọng và trân trọng khi có những năng lực về khoa học - môn học - hoạt động giáo dục; năng lực nghiệp vụ sư phạm - năng lực công nghệ và ứng dụng công nghệ trong dạy học - giáo dục... Song song đó là phẩm chất của một người giáo viên.

Người thầy, cô giáo phải hiện đại, không phải ở hình thức mà chính là phong cách. Sự mẫu mực vẫn còn nhưng không phải là sự khuôn phép hay tính mẫu mực lý tưởng, mà vẫn là mô phạm nhưng có hơi thở của thời đại. Nên thân thiện và có phong cách đời thường, thực tế; có thể có cái tôi dù rằng không nên quá khác biệt để góp phần thích ứng và dựng xây văn hóa học đường, văn hóa sư phạm; văn minh trong nhận thức, sẻ chia, đánh giá; nhân văn trong tiếp cận, ứng xử... Làm được những điều đó quả không đơn giản.

Người thầy của ngày nay phải tự học, tự đào tạo, tự hoàn thiện mình để thích ứng với thời cuộc, nhất là tam giác của nội lực nghề nghiệp như đã đề cập: khoa học về môn học; khoa học nghiệp vụ sư phạm; khoa học công nghệ và ứng dụng công nghệ trong dạy học và giáo dục.

Để có được những điều này cần quan tâm đến việc cập nhật tri thức, không ngừng rèn luyện kỹ năng không chỉ ở vị trí của người thầy mà có tầm nhìn và trải lòng từ góc nhìn để chuẩn bị cho học sinh dựa trên học sinh nghĩ gì, muốn gì, làm gì, cần gì... ở chúng ta. Có như thế, mỗi thầy cô không chỉ đứng vững trong nghề mà còn có thể dần chinh phục các thế hệ học trò khác nhau.

TS TRẦN NAM DŨNG (phó hiệu trưởng Trường phổ thông Năng khiếu - ĐH Quốc gia TP.HCM): Thích nghi với thay đổi

Thế giới hậu COVID-19 sẽ có những thay đổi mang tính cách mạng. Các hoạt động online, trong đó có dạy học online sẽ phát triển mạnh, kể cả khi COVID-19 được khống chế hoàn toàn và học sinh sẽ đến trường như trước. Vì thế, người giáo viên buộc phải thay đổi, thích nghi và sẽ tiếp tục bị cuốn vào vòng xoáy của sự thay đổi, cập nhật.

Bên cạnh vấn đề công nghệ (dù sao cũng chỉ là vấn đề thứ hai) thì việc triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới cũng sẽ là thách thức đối với giáo viên. Vấn đề không phải là nội dung (vì nội dung nếu có thêm có bớt, về cơ bản là nhẹ hơn chương trình cũ), mà ở triết lý dạy học và yêu cầu đầu ra.

Trước đây chỉ yêu cầu về kiến thức (nên chỉ có thi, thi và thi), còn bây giờ kiến thức được đặt chung và ngang hàng với kỹ năng và thái độ. Như vậy giáo viên chắc chắn sẽ phải thay đổi cách dạy, cách tổ chức lớp học, cách đánh giá, sẽ phải ghi nhật ký nhiều hơn, dùng Excel nhiều hơn để ghi lại các thay đổi, tiến bộ, đóng góp của từng học sinh.

Do vậy, tố chất quan trọng của người giáo viên cần có, bên cạnh kiến thức chuyên môn và năng lực sư phạm còn phải là khả năng thích nghi với sự thay đổi và tinh thần học tập suốt đời. Thích ứng thay đổi, học tập suốt đời là nhiệm vụ của người giáo viên. Nhưng xã hội phải hỗ trợ một cách mạnh mẽ cho việc này. Lương và các chế độ của giáo viên phải đủ để họ yên tâm làm việc và cống hiến, không giàu có nhưng cũng đủ sức để lo cho gia đình. Không làm được điều này đừng nên đòi hỏi quá cao từ người giáo viên.

ThS NGUYỄN THỊ HUỲNH GIAO (giảng viên Trường ĐH Ngoại thương cơ sở II tại TP.HCM): Gắn với thực tiễn

Thực tế đang đòi hỏi người thầy hiện đại cần có kiến thức tổng quát bên cạnh những kiến thức chuyên môn vì ngày nay sự kết nối đa lĩnh vực đã trở nên phổ biến. Việc lặp đi lặp lại một bài giảng được chuẩn bị sẵn trong giáo án đã không còn phù hợp mà cần được cập nhật thường xuyên gắn với thực tiễn.

Chính vì thế, người thầy cũng phải tự học thêm nhiều nội dung chuyên sâu để làm nền tảng vững chắc trong việc định hướng kiến thức cho học trò, vừa phải mở rộng kiến thức qua nhiều kênh học liệu, thông tin và cả kiến thức thực nghiệm.

Thực tế còn đòi hỏi giáo viên phải tự trau dồi năng lực ngoại ngữ để tiếp cận với nguồn học liệu của nhiều nước tiên tiến trên thế giới, đồng thời có khả năng sử dụng thành thạo công nghệ thông tin để có thể tổng hợp, hệ thống và kết nối tri thức mới, sẵn sàng thích ứng với dạy học trực tuyến để truyền tải kiến thức, định hướng cho người học có thể tự học, trải nghiệm.

Ông VĂN CHÍ NAM (phụ huynh ở TP.HCM): Giáo viên cũng cần bắt "trend"

Thực tế dịch COVID-19 vừa qua đòi hỏi đội ngũ giáo viên phải chủ động trong việc tiếp cận công nghệ, sử dụng công nghệ thành thạo để giảng dạy. Ngoại ngữ cũng là yêu cầu rất quan trọng đối với giáo viên trong thời đại hiện nay. Với năng lực ngoại ngữ tốt không đơn thuần để giáo viên sử dụng giao tiếp mà giúp họ có thể tự cập nhật kiến thức, tiếp cận công nghệ, bồi dưỡng phương pháp giảng dạy theo hướng hiện đại.

Phụ huynh chúng tôi còn quan tâm nhiều đến những chuyển đổi trong môi trường giáo dục hiện nay, đó là tâm sinh lý lứa tuổi. Giới trẻ ngày nay khác rất nhiều so với thế hệ học sinh hơn 10 năm trước. Trẻ con hiện tiếp cận công nghệ quá nhiều và từ rất sớm nên sự thay đổi tâm sinh lý của các con cũng rất nhanh qua từng lớp học, cấp học. Do đó, nếu giáo viên không có những tìm hiểu, nghiên cứu liên quan đến giới trẻ sẽ khó giảng dạy, đặc biệt trong bối cảnh dạy học online.

Khoảng cách thế hệ, khác biệt về hiểu biết giữa giáo viên và học sinh ngày càng lớn, chỉ cần giáo viên không hiểu và biết những "trend" đang có là đã tạo sự xa cách với học trò rồi. Đó là chưa kể trong xã hội hiện đại có không ít học sinh bị mắc bệnh tâm lý (trầm cảm, tăng động, lo lắng...) nên đòi hỏi giáo viên phải còn là người bạn của học sinh.

Nguồn: Tuổi trẻ online

Liên kết hữu ích

TUYỂN SINH TRỰC TUYẾN

THƯ VIỆN ĐIỆN TỬ

THÔNG BÁO HỌC SINH, SINH VIÊN

VĂN BẢN

Điểm thi

Thiết kế website tại Vinh

công ty quảng cáo tại nghệ an