Di chỉ khảo cổ học ở Nghệ An được phân bố rộng từ miền núi, trung du, đồng bằng ven biển, song tập trung đậm nhất là dọc triền sông Lam. Qua hệ thống di tích được phát hiện cho thấy, di chỉ khảo cổ học ở Nghệ An có niên đại thời kỳ đồ đá, thời kỳ đồ đồng và sơ kỳ đồ sắt với các di chỉ tiêu biểu nổi tiếng trong nước và trên thế giới.
Khi nghiên cứu những chiếc răng và xương động vật, răng của người vượn cổ hóa thạch, công cụ đá bằng thạch anh được ghè đẽo khá thô sơ thuộc thời kỳ Cách Tân được tìm thấy ở hang Thẩm Ồm bên suối bản Thắm, xã Châu Thuận, huyện Quỳ Châu, các nhà khảo cổ học khẳng định Nghệ An là một trong những nơi sinh ra của người vượn cổ cách ngày nay khoảng 20 vạn năm.
Một số hiện vật được khai quật tại khu di chỉ khảo cổ Làng Vạc
Các di chỉ khảo cổ học thuộc nền văn hóa Sơn Vi như Đồi Dùng, Đồi Rạng (Thanh Chương). Trong nhiều hang động ở các huyện Quế Phong, quỳ Châu, Quỳ Hợp, Tân Kỳ, Con Cuông, Tương Dương đã phát hiện được các di chỉ khảo cổ học thuộc văn hóa Hòa Bình. Cồn Sò Điệp (Quỳnh Văn, quỳnh Lưu) là di chỉ khảo cổ học tiêu biểu của thời kỳ đá mới có niên đại cách đây khoảng 4730 - 4785 năm. Phong phú và có mặt tương đối rộng rãi là các di tích khảo cổ học thuộc thời kỳ đồ đồng, có niên đại cách ngày nay trên dưới 3.000 năm (Đồi Đền ở Tương Dương, rú Trăn ở Nam Đàn, Bảo Thành – Yên Thành, Đồng Mõm – Diễn Châu, Đồng Trương – Anh Sơn…). Di chỉ khảo cổ học ở làng Vạc (Nghĩa Đàn) đã đạt đến đỉnh cao, ở vào thời kỳ phát triển rực rỡ nhất của nền văn hóa Đông Sơn…
Những di chỉ khảo cổ học ở Nghệ An vừa khẳng định vị trí của Nghệ An trong quá trình sinh trưởng và phát triển của người Việt cổ, đồng thời khẳng định vùng đất này có một nền văn hóa truyền thống lâu đời.
MC (Tổng hợp)