DẤU ẤN TÂM THỨC RỒNG CỦA NGƯỜI VIỆT QUA THÀNH NGỮ, TỤC NGỮ, CA DAO

Dấu ấn rồng, biểu tượng Rồng trong Lễ hội Kỷ niệm ngàn năm Thăng Long - Hà Nội vừa mới qua vẫn chưa phai trong lòng chúng ta. Nghĩ đến Thăng Long - Rồng bay, thiển nghĩ cần duyệt lại dấu ấn tâm thức Rồng của người Việt qua thành ngữ, tục ngữ, ca dao.

Theo cách tính dân gian của ông bà ta thì trong một “giáp” (địa chỉ) có 12 năm. Khởi đầu bằng “năm con chuột” (tí) và kết thúc bằng “năm con lợn” (hợi). Tri thức và sự hiểu biết của chúng tôi có hạn nhưng không thể không suy nghĩ đến mối liên hệ giữa 12 con vật được người xưa dùng để tính đến các năm trong một chu kỳ; việc 12 con vật đó qua thống kê ở một tài liệu khoa học gần đây cho thấy đó là những con vật có tần số xuất hiện cao và khá cao trên tư liệu thành ngữ, tục ngữ, ca dao. Trong số này thì chỉ có tên gọi các con vật như khỉ, dê, có vị thế thấp hơn, những con vật còn lại đều nằm ở vị thế cao (có tần suất xuất hiện cao).

Trong số 12 con vật được dùng vào hệ địa chi đó, rồng ở vị trí thứ 5. Rồng là con vật tuy chưa ai nhìn thấy diện mạo thật của nó nhưng trong lịch sử và nghệ thuật, trong văn học và đời sống của người Việt, nó là con vật xuất hiện nhiều hơn cả, xuất hiện một cách vừa thực vừa hư, vừa gần, vừa xa, vừa giản dị lại vừa linh thiêng. Có thể nói “Rồng” là một con vật huyền thoại. Hình tượng Rồng là một biểu tượng văn hóa, phương Tây thường đối lập với sức mạnh chính nghĩa và cuối cùng bị sức mạnh chính nghĩa đánh bại.

Trái lại, con Rồng ở phương Đông nói chung và Việt Nam nói riêng lại là một hình ảnh đẹp, là biểu tượng của sự cao cả, thiêng liêng và sức sống vĩnh hằng... Hình tượng con rồng rất quen thuộc trong tâm thức người Việt. Như chúng ta biết, người Việt có tục thờ cúng Lạc Long Quân, có tục xăm mình bằng hình rồng. Mỗi khi nói đến “Con Rồng cháu Tiên” cũng như hai tiếng “đồng bào”, người Việt đều cảm thấy hãnh diện và tự hào. Huyền thoại Lạc Long Quân đối với người Việt không ai lại không hiểu, không biết.

Trong suốt chiều dài của tháng năm dựng nước và giữ nước, hình tượng Rồng đã gắn chặt với đất nước Việt Nam, con người Việt Nam từ tên sông, tên núi, tên đất, tên người. Nào là vịnh Hạ Long - cảnh quan thiên nhiên được xếp hạng di sản văn hóa thế giới mới, thủ đô nước Việt từ năm 1010 đến nay vẫn được gọi là đất Thăng Long (Rồng bay). Con sông lớn nhất phía Nam đang chuyển tải phù sa, cấp nước cho vựa lúa Nam Bộ được gọi là “sông chín Rồng” (Cửu Long Giang); có hàng trăm địa danh gắn với tên Rồng trên khắp đất nước. Trong dân gian, Rồng tượng trưng cho thần linh và điềm lành, Rồng đi mây về gió, có thể đem lại sự tốt tươi cho cây cối, muôn vật.

“Rồng đen lấy nước thì nắng

Rồng trắng lấy nước thì mưa?

Người Việt ngày trước thường cầu khẩn Long Vương ban cho mưa thuận gió hòa, cho mùa màng bội thu. Hình tượng con Rồng muôn vàn dáng vẻ và màu sắc rực rỡ không chỉ xuất hiện trong các truyền thuyết, thơ ca, trên các sản phẩm mỹ nghệ, điêu khắc. Rồng còn được thể hiện trong nhiều phong tục tập quán, nhiều lễ hội dân gian... Nhiều người chọn đặt tên con trai là Long (Rồng) với mong muốn con mình thể hiện sự uy vũ, cương nghị của đấng nam nhi. Thời phong kiến, Rồng trở thành biểu tượng của quyền lực Thiên tử. Chỉ có Vua mới được mặc áo thêu Rồng. Hình tượng Rồng mang vẻ cao quý, tôn nghiêm, tượng trưng cho uy quyền “Long nhan”, “Long trượng”, “Long thể”... Rồng đứng đầu trong tứ linh Long, Ly, Quy, Phượng. Mặc dù chịu ảnh hưởng của nhà nước phong kiến, Rồng vẫn rất gần gũi với cuộc sống nhân dân. Nhiều khi Rồng được dân gian lấy nó làm vũ khí đấu tranh chống áp bức cường quyền, phê phán những thói hư tật xấu nịnh bợ trong xã hội.

“Vóc Rồng thì để hầu Vua

Vải thô, lụa xấu thì chừa cho dân”

(ca dao)

Truyền thuyết đặc sắc Lạc Long Quân lấy bà Âu Cơ đã đi vào ý niệm, tiềm thức đã làm cho người dân Việt tự hào mình là “con Rồng cháu Tiên”. Rồng đi vào trong tâm thức của người Việt từ trò chơi trẻ con “Rồng rắn lên mây”; Rồng được chạm khắc trên các đình làng, cổng xóm; trong tranh tết Đông Hồ, Hàng Trống mỗi dịp Tết đến Xuân về.

Trong ngôn ngữ dân gian, Rồng còn xuất hiện một tần số lớn trong ca dao, tục ngữ, thành ngữ, có đến trăm câu về Rồng. Rồng được xuất hiện trong dân gian ở nhiều trạng thái “Rồng đến nhà tôm” để mỉa mai những người hỡm mình, xa lánh. Trong hôn nhân vì nhiều lẽ, người con gái tài sắc bị gả ép lấy phải người chồng không ra gì, Rồng được viện dẫn ra so sánh như một sự nghịch lý trớ trêu:

“Rồng vàng tắm nước ao tù

Người khôn ở với người ngu bực mình”

Tư duy về Rồng trong thành ngữ, tục ngữ, ca dao của người Việt cũng khá phức tạp, không phải lúc nào cũng nhất quán trong các ý biểu đạt về hình tượng đó. Để chỉ người giàu sang đến người nghèo hèn còn có thành ngữ: “Rồng đến nhà tôm”, còn khi con người gặp hoàn cảnh thỏa mãn về mong ước cao sang nào đó lại nói: “Như Rồng gặp mây”. Phê phán những thói ba hoa, dân gian cũng viện dến Rồng:

“Trong lưng chẳng có một đồng

Lời nói như Rồng chúng chẳng thèm nghe”

Các từ trong tiếng Việt, kiểu kết hợp “Rồng - Phượng” cũng như trong thành ngữ, tục ngữ, ca dao thường được hiểu theo nghĩa đẹp. Ví như người có kiểu chữ viết phóng khoáng, không gò bó thì ứng với thành ngữ: “Rồng bay Phượng múa”. Các kết hợp “Rồng - mây”, “Rồng - Phượng”, “Rồng - vây” trong tiếng Việt đều được hiểu theo nghĩa tích cực, đẹp đẽ, được vận ?? vào trong những bối cảnh thuận lợi, phát triển. Còn các kết hợp “Rồng - Giun”, “Rồng - Liu điu” lại theo chiều hướng tiêu cực, tương phản. Ví như nói đến tình cảnh chung đụng vợ chồng mà một người chẳng ra gì làm mình bực bội lại có ý liên tưởng: “Rồng ở với giun”. Các kết hợp “Rồng - Phượng” có khi vẫn được dân gian dùng với ý nghĩa phê phán: “chạm Rồng trổ Phượng” (ngoài nghĩa đen còn có nghĩa phê phán sự tô điểm rườm rà thái quá ...)

Nói cho cùng hình ảnh “Rồng” được người Việt sử dụng khá đa dạng nhằm biểu đạt các quan điểm, nhận thức, tư tưởng phong phú về đời sống của mình:

“Một ngày dựa mạn thuyền Rồng

Còn hơn muôn kiếp nằm trong thuyền chài”

“Ăn như rồng cuốn

Làm như cà cuống lội sông”

Hoặc:

“Học chẳng biết chữ cu chữ cò

Nói những chữ như rồng như rắn”

“Ăn như Rồng cuốn

Nói như Rồng leo

Làm như Mèo mửa”

“Mượn màu một chút làm duyên

Mấy đời gỗ mục đóng nên thuyền Rồng”

Nhằm để phê phán lối sống thiếu trách nhiệm, đánh lừa người và đánh lừa cả chính mình.

Tâm thức về Rồng - hình ảnh con vật vừa thực vừa hư, vừa cao quý thiêng liêng vừa gần gũi là cách tiếp cận uyển chuyển, phóng khoáng đầy tự tin của người Việt để hướng vào tương lai. Sự biểu hiện tâm thức đó trong thành ngữ, tục ngữ, ca dao mới chỉ là một vùng sáng của tâm thức dân tộc chứ chưa phải là tất cả.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

 

1. Vấn đề tâm thức dân gian, VHNT số 6, Phan Bích Hà, 1999.

2. Kho tàng ca dao người Việt, Hà Nội, Văn Hóa, Nguyễn Xuân Kính, 1995

3. Minh triết phương Đông và triết học phương Tây, Tạp chí VH số 11, 1998

4. Tâm thức người Việt về hình ảnh các con vật, Nghệ An, Văn hóa, Lê Tài Hòe, 2002.

Liên kết hữu ích

TUYỂN SINH TRỰC TUYẾN

THƯ VIỆN ĐIỆN TỬ

THÔNG BÁO HỌC SINH, SINH VIÊN

VĂN BẢN

Điểm thi

Thiết kế website tại Vinh

công ty quảng cáo tại nghệ an