Lễ bảo vệ luận án tiến sĩ của nghiên cứu sinh Nguyễn Thị Thanh Đức

Vào lúc 08 giờ 00', ngày 24 tháng 4 năm 2021, tại phòng họp tầng 6, Nhà Điều hành, Trường Đại học Vinh (Số 182, đường Lê Duẩn, TP. Vinh, tỉnh Nghệ An), Trường Đại học Vinh đã tổ chức buổi đánh giá luận án tiến sĩ cấp trường cho NCS Nguyễn Thị Thanh Đức, giảng viên Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Nghệ An với luận án: Phong cách ngôn ngữ thơ Hàn Mặc Tử, Chuyên ngành: Ngôn ngữ Việt Nam. Đề tài được hướng dẫn bởi PGS.TS Phan Mậu Cảnh và TS Đặng Lưu.

Đến tham dự buổi lễ về phía cơ sở đào tạo có TS. Nguyễn Ngọc Hiền - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng trường; TS. Trần Bá Tiến - UV BTV, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Vinh; TS. Nguyễn Văn Thuận - Phó Trưởng phòng Đào tạo Sau đại học; TS. Lê Thế Cường – Phó Viện trưởng, Viện Sư phạm Xã hội. Về phía Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Nghệ An có Th.S Lê Vũ Anh - Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng nhà trường và đặc biệt đến dự buổi lễ còn có sự có mặt của PGS.TS Phan Mậu Cảnh – giáo viên hướng dẫn cùng nhiều đồng nghiệp, bạn bè, người thân của nghiên cứu sinh.

Dưới sự chủ trì của GS.TS. Mai Ngọc Chừ– Chủ tịch Hội đồng, Hội đồng đã thông qua lý lịch khoa học, quá trình học tập và kết quả nghiên cứu khoa học của NCS Nguyễn Thị Thanh Đức trong suốt quá trình thực hiện đề tài, các thành viên Hội đồng đánh giá cao những kết quả nghiên cứu học tập và những nỗ lực của NCS trong thời gian qua.

Trong 30 phút trình bày tóm tắt luận án, NCS Nguyễn Thị Thanh Đức đã trình bày một cách hệ thống, logic và khoa học những kết quả nghiên cứu của mình. Theo nhận xét của các thầy cô trong Hội đồng thì luận án là một công trình khoa học nghiêm túc, các kết quả thu được là mới, phong phú, mang giá trị khoa học và có ý nghĩa thực tiễn như sau:

1. Phong cách ngôn ngữ tác giả thể hiện qua tác phẩm là vấn đề đã được khẳng định về mặt lí thuyết. Phong cách học không chỉ nghiên cứu các phong cách chức năng, mà còn có nhiệm vụ khảo sát, nhận diện đặc điểm phong cách cá nhân, nhất là các tác giả văn học. Từ định hướng đó, luận án đã tổng thuật các công trình nghiên cứu về phong cách học, tạo nền tảng lí thuyết cho việc khảo sát, phân tích, khái quát những nét chính yếu về phong cách ngôn ngữ của Hàn Mặc Tử, qua tác phẩm thơ.

2. Luận án đã được triển khai trên một khối lượng tư liệu phong phú, bao hàm những khảo sát về từ ngữ và các biện pháp tu từ trong thơ Hàn Mặc Tử và một số tác giả tiêu biểu trong phong trào Thơ mới 1932 - 1945. Tư liệu này được xử lí trong luận án và tập hợp trong bản Phụ lục, phục vụ hữu ích cho việc nghiên cứu các phương diện khác của các tác giả này.

3. Đi sâu vào phân tích, đối sánh, luận án đã làm rõ những nét riêng, có giá trị thẩm mĩ cao thể hiện ở các trường từ vựng tiêu biểu trong thơ Hàn Mặc Tử (trường tôn giáo, trường thân xác con người, trường tình yêu). Từ đặc trưng của ngôn ngữ thơ, luận án đã khảo sát, nghiên cứu những kết hợp từ ngữ độc đáo (thể hiện ở trục ngang) và những lựa chọn từ ngữ đích đáng (thể hiện ở trục dọc) trong thơ Hàn Mặc Tử. Đó là những từ ngữ in “dấu vân tay” của một nhà thơ đặc biệt tài hoa.

4. Xác định ngôn ngữ thơ là địa hạt đắc dụng của tu từ, luận án đã lựa chọn phân tích sáng tạo của Hàn Mặc Tử ở biện pháp so sánh, biện pháp nhân hóa và biện pháp điệp trong tương quan với Nguyễn Bính, Xuân Diệu, Bích Khê - những nhà thơ trong cùng một bối cảnh văn học. Những kết luận được rút ra từ sự phân tích, đối sánh trở nên đáng tin cậy hơn.

5. Đây là một đề tài có độ mở. Những nhiệm vụ đặt ra đã được giải quyết, đảm bảo cho việc nhận diện một phong cách ngôn ngữ thơ, song cũng mở ra những đường biên mới cho công việc nghiên cứu vấn đề ở những bình diện khác trong ngôn ngữ thơ Hàn Mặc Tử.

PGS. TS Phan Mậu Cảnh, đại diện cho tập thể giáo viên hướng dẫn khoa học của nghiên cứu sinh đã có nhận xét rất sâu sắc, mô tả những khó khăn và nỗ lực mà nghiên cứu sinh đã vượt qua. Giáo sư đánh giá rất cao năng lực nghiên cứu của nghiên cứu sinh và khẳng định kết quả nghiên cứu được trình bày hôm nay là những cố gắng không chỉ của nghiên cứu sinh mà còn nhờ sự hướng dẫn của giáo viên, những ý kiến góp ý của các nhà khoa học hàng đầu về ngôn ngữ học như: GS.TS Mai Ngọc Chừ, GS.TS Lê Quang Thiêm, GS.TS Đỗ Thị Kim Liên… và sự quan tâm của Lãnh đạo Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Nghệ An, Trường Đại học Vinh. Một lần nữa, PGS.TS Phan Mậu Cảnh muốn gửi gắm tới những nhà khoa học trẻ hãy luôn luôn đốt cháy ngọn lửa đam mê khoa học và tự tin để đóng góp sức mình vì sự phát triển của nền văn học nước nhà.

Sau khi nghe nghiên cứu sinh trình bày tóm tắt luận án và trả lời các câu hỏi của các thành viên Hội đồng và các khách mời tham dự, Hội đồng chấm luận án đã họp kín và bỏ phiếu. Với kết quả bỏ phiếu 7/7 phiếu Đạt yêu cầu, thay mặt Hội đồng, GS.TS Mai Ngọc Chừ chúc mừng nghiên cứu sinh Nguyễn Thị Thanh Đức bảo vệ xuất sắc luận án và chức mừng tập thể giáo viên hướng dẫn cùng Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Nghệ An đã có thêm một giảng viên có trình độ tiến sĩ.
Trong niềm vui và xúc động, NCS Nguyễn Thị Thanh Đức đã tri ân sự dìu dắt, chỉ bảo tận tình của tập thể giáo viên hướng dẫn, Lãnh đạo Trường Đại học Vinh, Viện Sư phạm Xã hội, Khoa Sau đại học, lãnh đạo Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Nghệ An; đồng nghiệp, bạn bè và đặc biệt là gia đình - nơi luôn là hậu phương, là nguồn động viên và cổ vũ lớn lao để NCS có thể bảo vệ thành công luận án và đạt được học vị tiến sĩ như ngày hôm nay./.

 

Liên kết hữu ích

TUYỂN SINH TRỰC TUYẾN

THƯ VIỆN ĐIỆN TỬ

THÔNG BÁO HỌC SINH, SINH VIÊN

VĂN BẢN

Điểm thi

Thiết kế website tại Vinh

công ty quảng cáo tại nghệ an