Chiều ngày 30 tháng 10 năm 2023, Hội đồng khoa học Trường Cao đẳng Văn hoá Nghệ thuật Nghệ An đã tổ chức nghiệm thu đề tài Giải pháp phát triển Du lịch Biển Nghệ An đảm bảo tính bền vững đến năm 2030 của Th.S Nguyễn Thị Lương, giảng viên khoa Nghiệp vụ Văn hoá và Du lịch.
Nghệ An là tỉnh giàu tiềm năng và có nhiều thế mạnh để phát triển ngành Du lịch. Tuy nhiên, trong nhiều năm qua ngành Du lịch Nghệ An phát triển chưa tương xứng với các thế mạnh vốn có. Đánh giá thực trạng phát triển ngành Du lịch tỉnh Nghệ An thời gian qua, chỉ ra các tồn tại, đề tài đề xuất nhóm giải pháp thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ của du lịch tỉnh Nghệ An đến năm 2030..
Phát triển được xem là một quá trình tăng trưởng bao gồm nhiều yếu tố cấu thành khác nhau về kinh tế, chính trị, xã hội… Phát triển là xu hướng tự nhiên tất yếu của thế giới vật chất nói chung, của xã hội loài người nói riêng. Có khá nhiều quan điểm khác nhau về phát triển bền vững, trong nghiên cứu này, phát triển bền vững được định nghĩa là sự phát triển hài hòa về cả 3 mặt kinh tế - xã hội – môi trường để đáp ứng những nhu cầu về đời sống vật chất, văn hóa, tinh thần của thế hệ hiện tại nhưng không làm tổn hại, gây trở ngại đến khả năng cung cấp tài nguyên để phát triển kinh tế xã hội mai sau, không làm giảm chất lượng cuộc sống của thế hệ trong tương lai.
Khái niệm phát triển du lịch bền vững xuất hiên vào khoảng những năm 1990 và được nhiều quốc gia và các hiệp hội du lịch trên thế giới ủng hộ. Dưới góc độ kinh tế, du lịch bền vững được hiểu là quá trình hoạt động du lịch mà ở đó có thể duy trì được mức độ tăng trưởng liên tục của các chỉ tiêu kinh tế trong một khoảng thời gian nhiều năm, hoặc trong một giai đoạn không nhất định. Tuy nhiên, quan niệm này chịu nhiều sự chỉ trích, phê phán của các nhà khoa học, đặc biệt là các nhà nghiên cứu về môi trường và tài nguyên.
Trên cơ sở thực trạng phát triển ngành du lịch tỉnh nghệ An giai đoạn vừa qua, để đẩy mạnh phát triển du lịch tỉnh Nghệ An giai đoạn 2020-2030, tác giả đề xuất một số giải pháp cần tập trung thực hiện gồm:
Một là, nâng cao chất lượng công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch phát triển du lịch.
Bổ sung, điều chỉnh Quy hoạch tổng thể phát triển Du lịch Nghệ An đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 phù hợp đặc điểm tài nguyên du lịch của tỉnh trong giai đoạn mới. Tập trung xây dựng và triển khai quy hoạch chi tiết các khu du lịch ven biển, đảo Ngư, các khu du lịch hồ vực Mồng, hồ Tràng đen, hồ Khe Gỗ, hồ sông Sào, hồ Xuân Dương, hồ Bản Mồng, vườn quốc gia Pù Mát..., gắn với thực hiện Đề án phát triển du lịch biển đảo, phát triển lịch miền Tây Nghệ An.
Có cơ chế chính sách, tạo môi trường thông thoáng để thu hút đầu tư và phát triền du lịch; Lựa chọn để tập trung đầu tư, từng bước hình thành một số khu, điểm, cơ sở du lịch chất lượng cao, hiện đại có tính đột phá để thu hút du khách trong nước và quốc tế; Đẩy nhanh tiến độ xây dựng cảng nước sâu Cửa Lò, nâng cấp sân bay Vinh mở thêm các tuyến bay trong nước và quốc tế ưu tiên hỗ trợ các dự án phát triển các loại hình du lịch mới (du lịch tàu biển, du lịch trên sông Lam, du lịch nghỉ dưỡng, du lịch chữa bệnh, du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng…).
Hai là, đẩy mạnh xã hội hóa và tăng cường đầu tư xây dựng.
Nghệ An cần bảo tồn và tôn tạo khu di tích Kim Liên, khu lưu niệm cố Tổng Bí thư Lê Hồng Phong, khu tưởng niệm liệt sĩ Xô Viết Nghệ Tĩnh, đền thờ những người thân của Bác Hồ, khu di tích lịch sử Truông Bồn, khu lưu niệm cụ Phan Bội Châu, đền Cỡn, đền ông Hoàng Mười, đền Quả Sơn, đền Bạch Mã, chùa Đại Tuệ, Văn miếu Vinh, di chỉ văn hóa làng Vạc… Xây dựng Vinh - Cửa Lò - Nam Đàn trở thành cụm du lịch gắn với du lịch quốc gia, quốc tế; Cửa Lò thành đô thị du lịch có môi trường xanh, sạch, dịch vụ đa dạng, hấp dẫn; Vinh trở thành trung tâm lưu trú và trung chuyển khách du lịch. Bên cạnh đó, cần lập hồ sơ đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét đệ trình UNESCO công nhận hát ví dặm Nghệ Tĩnh là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.
Ba là, tăng cường liên kết, khai thác có hiệu quả các tuyến du lịch hiện có và mở các tuyến du lịch mới.
Tập trung khai thác các tuyến du lịch hiện có và phát triển mới các tuyến du lịch nội tỉnh để phát huy thế mạnh tiềm năng du lịch; Ưu tiên phát triển các tuyến du lịch đường bộ liên tỉnh, liên vùng, nhất là các tuyến du lịch từ Vinh tới Hà Nội, Huế, Đà Nẵng, TP. Hồ Chí Minh, Lào, Thái Lan, Malaysia, Singapore; tăng cường liên kết tổ chức các tour caraval; Từng bước khai thông tuyến du lịch hàng không để tổ chức đón khách du lịch nước thứ 3 đến từ Lào, Trung Quốc; Chuẩn bị lộ trình khai thác tuyến du lịch quốc tế qua cửa khẩu Thanh Thuỷ khi có đủ điều kiện.
Cách tiếp cận và phương pháp nghiên cứu: Phương pháp sưu tầm, thu thập tài liệu; Phương pháp phân tích, tổng hợp; Phương pháp phỏng vấn; phương pháp khảo sát thực tế.
Tại buổi nghiệm thu, tác giả đề tài đã lắng nghe và tiếp thu ý kiến của các thành viên khác của hội đồng. Tổng kết buổi nghiệm thu, thay mặt hội đồng, TS. Nguyễn Thị Thanh Đức, Chủ tịch hội đồng đã đánh giá cao chất lượng của đề tài và đề nghị tác giả tiếp thu ý kiến của các thành viên để chỉnh sửa, hoàn thiện. Đề tài được xếp loại Xuất sắc.