Nghiệm thu đề tài khoa học “Sự vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về văn hoá trong việc giáo dục học sinh sinh viên ở Trường CĐ VHNT Nghệ An”

Thực hiện kế hoạch nghiên cứu khoa học năm 2021, sáng ngày 10 tháng 12 năm 2021, Hội đồng nghiệm thu đề tài khoa học khoa Lý luận đại cương đã tổ chức nghiệm thu đê tài Sự vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về văn hoá trong việc giáo dục học sinh sinh viên ở Trường CĐ VHNT Nghệ An của Th.S Nguyễn Thị Nguyệt, giảng viên khoa Lý luận đại cương. Trong đề tài của mình, Th.S Nguyễn Thị Nguyệt đã đề cập đến những vấn đề liên quan đến công tác giáo dục học sinh sinh viên nhà trường qua việc vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về văn hoá. Cụ thể nội dung của đề tài là:

- Cơ sở hình thành tư tưởng Hồ Chí Minh về văn hoá.

- Những nội dung cơ bản của tư tưởng Hồ Chí Minh về văn hoá, trong đó có nội dung trọng tâm là văn hoá giáo dục.

- Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về văn hoá trong giáo dục học sinh, sinh viên Trường CĐ Văn hoá Nghệ thuật Nghệ An.

Tư tưởng Hồ Chí Minh về văn hóa giáo dục bắt nguồn từ những truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc. Đó là truyền thống hiếu học, tôn sư trọng đạo,…đã tồn tại ngàn đời nay trong đời sống nhân dân ta. Bên cạnh đó, tư tưởng Hồ Chí Minh về văn hóa giáo dục còn ảnh hưởng sâu sắc từ những quan điểm mới mẻ của giáo dục phương Tây như tinh thần tự học là chính, quan niệm học đi đôi với hành.

Nguồn gốc quan trọng nhất trong tư tưởng Hồ Chí Minh về văn hóa giáo dục là chủ nghĩa Mác – Lê-nin. Chủ nghĩa Mác – Lê-nin là tấm gương soi sáng tư tưởng Hồ Chí Minh về văn hóa giáo dục. Mác và Ăng-ghen đã tuyên bố trong “Tuyên ngôn Đảng cộng sản” rằng: “Sự phát triển tự do của mỗi người là điều kiện cho sự phát triển tự do của mọi người”. Tại diễn đàn Đại hội giáo dục toàn Nga lần thứ nhất diễn ra vào ngày 28/8/1918, Lê-nin đã khẳng định vai trò to lớn của công tác giáo dục, coi đó là một điều kiện đảm bảo thắng lợi trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội. Lê-nin có khẩu hiệu nổi tiếng: “học, học nữa, học mãi” đã trở thành triết lý sống của hàng triệu con người từ thế hệ này sang thế hệ khác.

Thứ nhất: Mục tiêu của văn hóa giáo dục là nhằm phát triển toàn diện con người, xây dựng đất nước.

Trong thư gửi các học sinh nhân ngày khai trường đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định nền giáo dục mới sẽ “đào tạo các em nên những người công dân hữu ích cho nước Việt Nam, một nền giáo dục làm phát triển hoàn toàn những năng lực sẵn có của các em”. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lên án rất sâu sắc nền giáo dục dưới sự đô hộ của thực dân Pháp với chính sách ngu dân dễ trị, Người nhấn mạnh rằng: “Phải ra sức tẩy sạch ảnh hưởng của giáo dục nô dịch của thực dân còn sót lại, như: Thái độ thờ ơ đối với xã hội, xa rời đời sống lao động và đấu tranh của nhân dân; học để lấy bằng cấp, dạy theo lối nhồi sọ”.

Nền giáo dục mới phải thực hiện dạy và học theo hướng phục vụ Tổ quốc, phục vụ nhân dân. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nói rằng: “Học để làm việc, để làm người, làm cán bộ. Học để phụng sự đoàn thể, giai cấp và nhân dân, Tổ quốc và nhân loại”. Từ đó cho thấy, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất coi trọng việc dạy và học phải xuất phát từ nhu cầu của thực tiễn cuộc sống. Bên cạnh đó, giáo dục còn là để “cải tạo trí thức cũ”, “đào tạo trí thức mới”, thực hiện “công nông tri thức hóa”, xây dựng đội ngũ tri thức ngày càng đông đảo và có trình độ ngày càng cao. Nền văn hóa giáo dục còn phải đào tạo lớp người kế tục sự nghiệp cách mạng, xây dựng đất nước giàu mạnh sánh vai cùng các cường quốc năm châu.

Thứ hai: Giáo dục phải có tính toàn diện

Trong thư gửi các em học sinh nhân ngày mở trường (24/10/1955), Người nhắn nhủ việc giáo dục gồm có: Thể dục: Để làm thân thể mạnh khoẻ, đồng thời cần giữ vệ sinh riêng và vệ sinh chung; Trí dục: Ôn lại những điều đã học, học thêm những tri thức mới; Mỹ dục: Để phân biệt cái gì là đẹp, cái gì là không đẹp; Đức dục: Là yêu Tổ quốc, yêu nhân dân, yêu lao động, yêu khoa học, yêu trọng của công”.

Cả bốn nội dung trên được chủ tịch Hồ Chí Minh khái quát trong 2 chữ “tài” và “đức”. Theo chủ tịch Hồ Chí Minh, sự tài giỏi và kiến thức vô cùng quan trọng nhưng đạo đức cũng quan

trọng không kém. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng dạy: “Có tài mà không có đức là người vô dụng, có đức mà không có tài thì làm việc gì cũng khó”. Nói chuyện với cán bộ sinh viên Trường Đại học Sư phạm Hà Nội (21/10/1964), Người chỉ rõ: “Dạy cũng như học phải chú trọng đến cả tài lẫn đức. Đức là đạo đức cách mạng. Đó là cái gốc, rất quan trọng. Nếu không có đạo đức cách mạng thì có tài cũng vô dụng”. Bên cạnh đó, Người cũng lưu ý, nội dung giáo dục được đưa vào giảng dạy phải theo nguyên tắc đó là “Quý hồ tinh bất quý hồ đa” (quý ở chất lượng, không quý ở số lượng).

Thứ ba: Phương pháp giáo dục

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đưa ra phương pháp học đi đôi với hành, kết hợp lý luận với thực tế. Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu cao cần chú trọng việc tự học, học suốt đời, học thực tiễn, học nhân dân, học lẫn nhau, học ở sách vở, học ở trường. Dạy và học không phải chạy theo kiến thức đơn thuần, mà chú trọng tư duy sáng tạo, tự do tư tưởng. Người học nên “Học ở mọi nơi, mọi lúc, học mọi người, học suốt đời, coi trọng việc tự học, tự đào tạo và đào tạo lại”.

Thứ tư: Giải pháp phát triển giáo dục

Trong những giải pháp phát triển giáo dục được Chủ tịch Hồ Chí Minh đề cập, vấn đề kết hợp giữa nhà trường, gia đình và xã hội có vị trí khá nổi bật. Người nói: “ Giáo dục trong nhà trường, chỉ là một phần, còn cần có sự giáo dục ngoài xã hội và trong gia đình để giúp cho việc giáo dục trong nhà trường được tốt hơn. Giáo dục trong nhà trường dù tốt mấy, nhưng thiếu giáo dục trong gia đình và ngoài xã hội thì kết quả cũng không hoàn toàn”; “ Nếu nhà trường dạy tốt mà gia đình dạy ngược lại, sẽ có những ảnh hưởng không tốt tới trẻ em và kết quả cũng không tốt”. Người yêu cầu trong việc giáo dục nhà trường phải liên hệ chặt chẽ với gia đình và xã hội.

Bên cạnh đó, để phát triển giáo dục, Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng cần có sự quan tâm và phối hợp của nhiều ngành, nhiều cấp và nhiều người. Người nhắc nhở rằng: “ Các đoàn thể thanh niên, phụ nữ, các cơ quan chính quyền và các cấp ủy Đảng phải thật sự quan tâm đến nhà trường, đến việc học tập của con em mình hơn nữa”. Người luôn luôn kêu gọi đồng bào đóng góp công sức của mình vào việc xây dựng giáo dục: “ Từ trước đến nay, đồng bào ta đã hết lòng giúp đỡ công việc giáo dục. Tôi mong rằng từ nay về sau, đồng bào sẽ cố gắng giúp đỡ nhiều hơn nữa cho trường học”.

Các thành viên Hội đồng đã tập trung thảo luận, đưa ra các ý kiến nhận xét về ưu điểm của đề tài đó là nhận diện được tình hình thực tế công tác giáo dục học sinh, sinh viên hiện nay ở nhà trường, từ đó đề xuất các biện pháp nhằm nâng cao hiệu quả của công tác này ở nhà trường. Đồng thời khẳng định đề tài đã được thực hiện nghiêm túc, công phu, có tính lý luận và thực tiễn cao, là tài liệu có giá trị tham khảo tốt cho nhà trường cũng như đội ngũ giảng viên. Bên cạnh đó, Hội đồng cũng chỉ ra một số vấn đề còn tồn tại, hạn chế của đề tài như lỗi đánh máy, in ấn.

Tại buổi nghiệm thu, Th.S Nguyễn Thị Nguyệt cũng đã trả lời, làm sáng tỏ những vấn đề mà Hội đồng yêu cầu, đồng thời trân trọng cảm ơn những ý kiến đánh giá khách quan, xác đáng của các thành viên Hội đồng nghiệm thu đã chỉ ra, giúp tác giả tiếp tục bổ sung, điều chỉnh để đề tài khoa học có chất lượng tốt hơn.

Hội đồng bỏ phiếu đánh giá xếp loại đề tài đạt loại xuất sắc. Kết luận phiên nghiệm thu, TS Phạm Thị Thanh Nga, Chủ tịch Hội đồng ghi nhận và đánh giá cao những kết quả đạt được của đề tài. TS Phạm Thị Thanh Nga yêu cầu tác giả tiếp thu đầy đủ những ý kiến đánh giá, nhận xét của Hội đồng để chỉnh sửa, bổ sung, hoàn thiện đề tài đạt chất lượng cao hơn và sớm đưa vào thực hiện, phục vụ hiệu quả cho công tác quản lý đào tạo, bồi dưỡng của nhà trường.

 

Bài viết mới

Tin tức nổi bật