Nghiệm thu đề tài khoa học "A Study on warm up activities for English speaking class"

Thực hiện kế hoạch nghiên cứu khoa học năm 2018, sáng ngày 25 tháng 12 năm 2018, Hội đồng nghiệm thu đề tài khoa học Khoa Lý luận đại cương, Trường CĐ VHNT Nghệ An tổ chức nghiệm thu đề tài "A Study on warm up activities for English speaking class" của Th.S Trần Thị Kim Thanh, giảng viên Tiếng Anh, khoa Lý luận đại cương.

Hội đồng đã nghe  Th.S Trần Thị Kim Thanh, Chủ nhiệm đề tài - trình bày tóm tắt báo cáo kết quả thực hiện đề tài.

Có thể nói, mục đích của giáo dục nói chung và giảng dạy ngoại ngữ nói riêng là biến quá trình giáo dục thành quá trình tự giáo dục để người học có thể tự học suốt đời. Do đó, hiệu quả của giáo dục phụ thuộc rất nhiều vào việc làm thế nào để người học tham gia một cách chủ động và tích cực vào quá trình đó, mà hứng thú là một trong những gốc rễ quan trọng tạo nên tính tích cực đó.

Hứng thú kích thích hoạt động của con người, làm cho con người say mê, đem lại hiệu quả cao trong hoạt động của mình. Hoạt động nào có hứng thú cao hơn, người thực hiện nó một cách dễ dàng, có hiệu quả cao, tạo ra xúc cảm dương tính mạnh mẽ đối với người tiến hành hoạt động đó. Họ sẽ tìm thấy niềm vui trong hoạt động, hoạt động sẽ trở nên nhẹ nhàng, ít tốn công sức hơn, có sự tập trung cao. Ngược lại, người ta cảm thấy gượng ép, hoạt động trở nên nặng nhọc, khó khăn làm cho người ta mệt mỏi, chất lượng hoạt động giảm rõ rệt. Hứng thú học tập có ý nghĩa rất lớn đến thành tích kết quả học tập của sinh viên. Usinxki cho rằng: “Trong học tập không có hứng thú mà chỉ dùng sức mạnh của sự cưỡng ép, nó sẽ làm cho óc sáng tạo của người ta ngày thêm mai một, nó sẽ làm cho người ta ngày một thờ ơ với loại hình hoạt động này”.

Ngoại ngữ là môn học không dễ đối với phần lớn sinh viên, trong đó có sinh viên trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Nghệ An, vì sự phức tạp trong phát âm, khó khăn trong việc ghi nhớ từ vựng, ngữ pháp và học các kỹ năng ngôn ngữ. Do vậy, để việc học ngoại ngữ đối với sinh viên trở nên bớt ‘gian khổ’, bớt mang tính bắt buộc, cưỡng ép, thì việc quan trọng trước tiên cần làm đó là khơi gợi sự hứng thú và say mê học tập trong họ - biểu hiện ở không nhiều sinh viên nhà trường.

Từ những đánh giá và phân tích trên, Th.S Trần Thị Kim Thanh đã nhận thấy các hoạt động khởi động vô cùng cần thiết trong các giờ học tiếng Anh nói chung và giờ học nói nói riêng. Tác giả đã tìm ra các yếu tố khách quan, chủ quan có tác động đến hứng thú học ngoại ngữ của người học, để từ đó có thể đề xuất các giải pháp phù hợp, khả thi nhằm tạo hứng thú học ngoại ngữ cho sinh viên, góp phần cải thiện chất lượng và nâng cao trình độ ngoại ngữ của họ.

 Các thành viên Hội đồng đã tập trung thảo luận, đưa ra các ý kiến nhận xét về ưu điểm của đề tài. Bên cạnh đó, Hội đồng cũng chỉ ra một số vấn đề còn tồn tại, hạn chế của đề cương chi tiết như lỗi đánh máy, in ấn, bổ sung Danh mục chữ viết tắt...

 Th.S Trần Kim Thanh đã trả lời, làm sáng tỏ những vấn đề mà Hội đồng yêu cầu, đồng thời trân trọng cảm ơn những ý kiến đánh giá khách quan, xác đáng của các thành viên Hội đồng nghiêm thu đã chỉ ra, giúp tác giả  tiếp tục bổ sung, điều chỉnh để đề tài có chất lượng tốt hơn.

Hội đồng bỏ phiếu đánh giá xếp loại đề tài đạt loại xuất sắc. Kết luận phiên nghiệm thu, Th.S Phạm Thị Hòa, Chủ tịch Hội đồng ghi nhận và đánh giá cao những kết quả đạt được của giáo trình. Th.S Phạm Thị Hòa yêu cầu tác giả tiếp thu đầy đủ những ý kiến đánh giá, nhận xét của Hội đồng để chỉnh sửa, bổ sung, hoàn thiện đề tài đạt chất lượng cao hơn và sớm đưa vào thực hiện, phục vụ hiệu quả cho công tác đào tạo, bồi dưỡng của nhà trường.

 

 

 

 

Bài viết mới

Tin tức nổi bật