Tình trạng sinh viên tốt nghiệp ra trường không tìm được việc làm là vấn đề nan giải trong nhiều năm nay. Theo thống kê, Nghệ An là một trong những Tỉnh có nhiều sinh viên sau khi ra trường rơi vào tình trạng thất nghiệp hoặc làm việc không đúng chuyên ngành đào tạo. Sinh viên Trường Cao đẳng Văn hoá Nghệ thuật Nghệ An cũng nằm trong hoàn cảnh chung như trên. Việc nghiên cứu đánh giá thực trạng vấn đề việc làm và giải quyết việc làm cho sinh viên tốt nghiệp tại nhà trường là rất cần thiết, từ đó đề xuất các giải pháp góp phần giải quyết vấn đề việc làm cho sinh viên sau khi tốt nghiệp, đảm bảo an sinh xã hội, sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực trẻ các ngành văn hoá nghệ thuật trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
I.Thực trạng giải quyết việc làm cho sinh viên tốt nghiệp tại Trường Cao đẳng Văn hoá Nghệ thuật Nghệ An
1. Các ngành đào tạo của nhà trường
Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Nghệ An là đơn vị sự nghiệp công lập thuộc UBND tỉnh Nghệ An, có mục tiêu đào tạo lao động trong lĩnh vực văn hóa thông tin, nghệ thuật, du lịch, giáo viên âm nhạc, giáo viên mỹ thuật, nghiên khoa học - đào tạo; bảo tồn, khai thác kho tàng di sản văn hoá các vùng miền, xây dựng đời sống văn hoá cơ sở, đóng góp vào việc phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, của khu vực và nhu cầu chung của cả nước. Hiện nhà trường đào tạo các mã ngành sau:
12 mã ngành/nghề hệ cao đẳng chính quy: Quản lý văn hoá, Khoa học Thư viện, Hướng dẫn du lịch, Quản trị nhà hàng, Quản trị khách sạn, Quản trị lữ hành, Kỹ thuật chế biến món ăn, Sư phạm Âm nhạc, Sư phạm Mỹ thuật, Đồ hoạ, Hội hoạ, Biểu diễn nhạc cụ truyền thống, Biểu diễn nhạc cụ phương Tây, Thanh nhạc.
+ 06 mã ngành/nghề hệ Trung cấp: Thanh nhạc, Nghệ thuật biểu diễn dân ca, Biểu diễn nhạc cụ truyền thống, Biểu diễn nhạc cụ phương Tây, Nghệ thuật biểu diễn múa dân gian dân tộc, Hội họa.
+ Có 05 mã ngành/nghề đào tạo được công nhận là ngành/nghề trọng điểm cấp quốc gia: Thanh nhạc, Biểu diễn nhạc cụ truyền thống, Nghệ thuật biểu diễn múa dân gian dân tộc, Đồ hoạ, Nghệ thuật biểu diễn dân ca.
+ Bồi dưỡng giáo viên âm nhạc, mỹ thuật bậc tiểu học, THCS, THPT, bồi dưỡng kiến thức âm nhạc, mỹ thuật, múa cho giáo viên mầm non, bồi dưỡng cán bộ đoàn đội, cán bộ thư viện cho các trường phổ thông.
+ Liên kết với các Trường Đại học Văn hóa Hà Nội, Học viện Âm nhạc Huế, Đại học Mỹ thuật, Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương… đào tạo các ngành trình độ đại học: Quản lí Văn hóa, Khoa học Thư viện, Sư phạm Mỹ thuật, Sư phạm Âm nhạc, …
2.Thực trạng công tác hướng nghiệp, khảo sát và tìm kiếm việc làm cho học sinh, sinh viên sau khi tốt nghiệp
Hiện nay, công tác hướng nghiệp cho HSSV ở Trường Cao đẳng Văn hoá Nghệ thuật Nghệ An có nhiều tiến bộ hơn so với trước. Việc chuyên môn hóa công tác tư vấn và hỗ trợ HSSV đã giúp cho hoạt động hướng nghiệp dần đi vào nề nếp, bài bản hơn. Hàng năm, nhà trường tổ chức cho học sinh sinh viên, tham gia các chương trình tư vấn hướng nghiệp do tỉnh tổ chức. Ngoài ra, trường tổ chức các diễn đàn và thường tham gia các chương trình tư vấn hướng nghiệp cho HSSV của Sở Lao động thương binh và Xã hội tổ chức; phối hợp với các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn. Nhà trường cũng đã thực hiện khảo sát đơn vị sử dụng lao động về chất lượng đào tạo và mức độ đáp ứng nhu cầu xã hội, thông qua đó, định hướng kế hoạch đào tạo cho thời gian tiếp theo. Bên cạnh việc khảo sát các đơn vị sử dụng lao động, hàng năm, nhằm nắm bắt tình hình việc làm của sinh viên sau khi tốt nghiệp, nhà trường thực hiện điều tra lần vết người tốt nghiệp để nắm bắt tốt tình hình việc làm và phản hồi của người học về môi trường đào tạo của trường, qua đó có những định hướng cho kế hoạch đào tạo trong thời gian tới.
Để thực hiện có hiệu quả hơn về công tác tư vấn hỗ trợ việc làm cho HSSV, nhà trường đã xây dựng đề án “Hỗ trợ HSSV khởi nghiệp đến năm 2025”, triển khai các hoạt động hợp tác đào tạo và liên kết đào tạo nhân lực cho một số đơn vị trên địa bàn tỉnh Nghệ An, góp phần giải quyết việc làm sau tốt nghiệp cho người học. Nhà trường cũng có các hoạt động như tham gia phối hợp tổ chức ngày hội việc làm cho HSSV; mời các công ty, nhà tuyển dụng đến tham dự và thẩm định các hoạt động báo cáo đề tài tốt nghiệp cuối khóa của HSSV; các thông tin việc làm được phổ biến đến HSSV qua bảng tin của trường, trong các buổi chào cờ đầu tháng và được đưa lên Website, Facebook của trường... góp phần giải quyết việc làm sau tốt nghiệp cho người học.
Thực hiện kế hoạch đảm bảo chất lượng hàng năm, Nhà trường thường xuyên có các hoạt động thu thập ý kiến của các doanh nghiệp liên kết với trường. Ghi nhận các đánh giá của doanh nghiệp về chất lượng học sinh sinh viên nhà trường đang thực tập và làm việc tại doanh nghiệp.
Hàng năm, để thu thập ý kiến đơn vị sử dụng lao động về mức độ đáp ứng của người tốt nghiệp, nhà trường giao phòng CTHSSV xây dựng và triển khai kế hoạch, khảo sát, lấy ý kiến những đơn vị có sử dụng sinh viên nhà trường có đào tạo giao phòng Đào tạo xây dựng nội dung phiếu khảo sát đúng với mục tiêu đặt ra: về chương trình đào tạo, về mức độ đáp ứng của HSSV đối với đơn vị sử dụng lao động.
Từ năm học 2019-2020, phòng Công tác HSSV xây dựng và triển khai kế hoạch khảo sát ý kiến ít nhất 10 đơn vị sử dụng lao động về mức độ đáp ứng của người tốt nghiệp đang làm việc tại đơn vị sử dụng lao động và sự phù hợp của chương trình đào tạo đối với thực tiễn. Theo thống kê đơn vị khảo sát đã thu được 100% ý kiến phản hồi, hầu hết đơn vị sử dụng lao động đều đưa ra ý kiến ở mức 4 (Đồng ý) và mức 5 (Hoàn toàn đồng ý). Điều đó cho thấy chất lượng, hiệu quả của các hình thức, phương thức đào tạo; chất lượng dịch vụ, giảng dạy và việc thực hiện chính sách liên quan đến người học của Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Nghệ An đang đi đúng hướng, hoạt động có hiệu quả và được sinh viên các khóa trong Trường đánh giá cao về chất lượng, chất lượng của sinh viên tốt nghiệp tại Cao đẳng Văn hoá Nghệ thuật Nghệ An đã và đang đáp ứng nhu cầu xã hội, góp phần nâng cao chất lượng hoạt động đảm bảo chất lượng của Nhà Trường. Tuy nhiên, khi khảo sát, vẫn còn tỷ lệ ý kiến ở mức 2 (không đồng ý) và mức 3 (không ý kiến) liên quan đến kỹ năng mềm và tin học ngoại ngữ. Vì vậy, khi xây dựng chương trình đào tạo Nhà trường cần chú trọng hơn đến những kỹ năng này.
Hàng năm, sau khi có Quyết định công nhận tốt nghiệp và danh sách HSSV tốt nghiệp, thực hiện chức năng nhiệm vụ được giao, phòng CTHSSV lập kế hoạch và tiến hành tổ chức lấy ý kiến khảo sát tình hình việc làm của sinh viên sau khi tốt nghiệp. Qua kết quả tổng hợp khảo sát cựu HSSV sau tốt nghiệp có phản hồi về việc làm trên tổng số HSSV tốt nghiệp đạt 68,6%. Trong đó chỉ có 55,3% người học có việc làm phù hợp với chuyên ngành hoặc nghề đào tạo sau 6 tháng kể từ khi tốt nghiệp. Riêng ngành sư phạm mầm non 100% sinh viên ra trường có việc làm phù hợp với chuyên ngành. Qua kết quả tổng hợp khảo sát năm 2020 của cựu HSSV cho thấy: người học ra trường đang có việc làm đạt 37.5 %, người học chưa có việc làm 43,7% và người học đang học lên là 18,7%. .
Năm học 2021-2022, Phòng công tác HSSV triển khai khảo sát tình hình việc làm của sinh viên sau 6 tháng tốt nghiệp. Tuy nhiên, do tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nên dẫn đến việc HSSV tốt nghiệp muộn so với dự kiến và ảnh hưởng đến kết quả tìm kiếm việc làm của HSSV. Vì vậy dẫn đến 66% HSSV nhà trường tốt nghiệp trong vòng 6 tháng chưa có việc làm. Bên cạnh đó, do đặc trưng của trường là đào tạo ngành/nghề bậc cao đẳng và trung cấp, nên một số HSSV tiếp tục học lên cấp cao hơn sau khi tốt nghiệp tại trường nên dẫn đến khó đánh giá trong việc khảo sát việc làm của sinh viên sau tốt nghiệp.
II. Đề xuất một số giải pháp
Hiện nay, Trường Cao đẳng Văn hoá Nghệ thuật Nghệ An chủ yếu đào tạo hệ trung cấp, trên 80% là học sinh phổ thông. Các ngành nghề Cao đẳng, số sinh viên tuyển được không nhiều. Nhà trường đang cố gắng phối hợp với các trường phổ thông làm tốt công tác tư vấn hướng nghiệp cho học sinh trong việc chọn các ngành nghề văn hoá nghệ thuật là nghề chính của bản thân và tìm kiếm việc làm cho sinh viên tốt nghiệp hệ CĐ. Một số giải pháp đề xuất để nâng cao hiệu quả công tác giải quyết việc làm cho sinh viên tốt nghiệp các ngành học văn hoá nghệ thuật tại Trường Cao đẳng Văn hoá Nghệ thuật tỉnh Nghệ An là:
1. Tăng cường sự kết nối giữa nhà trường với DN nhằm nâng cao chất lượng đào tạo đáp ứng chuẩn đầu ra
Nhà trường cần kết nối với DN Du lịch, Công nghiệp Văn hoá, Truyền thông, Trường học… để phát triển chương trình, tổ chức đào tạo, đánh giá sinh viên đạt chuẩn đầu ra trước khi các em tham gia vào thị trường lao động; Rà soát cập nhật xây dựng lại nội dung chương trình đào tạo sát với thực tiễn nhu cầu xã hội, gắn đào tạo với nhu cầu của thị trường lao động. Tạo điều kiện cho sinh viên có nhiều cơ hội để giao lưu, làm việc với các DN để họ có dịp tiếp xúc với các nhà tuyển dụng học hỏi kinh nghiệm, kiến thức nghề nghiệp, xác định mục tiêu phấn đấu rõ ràng hơn. Việc kết nối được với nhiều DN liên quan đến các chuyên ngành đào tạo của từng trường, sẽ là nguồn đầu ra ổn định và bền vững cho nhà trường. Qua đó, góp phần giảm tải áp lực về nguồn nhân lực, cũng là động lực để nhà trường nâng cao hơn nữa chất lượng nguồn lao động, góp phần đáp ứng đòi hỏi ngày càng cao của DN…
2. Phối hợp với các ngành, tổ chức trong giải quyết việc làm cho sinh viên tốt nghiệp
Trung tâm hỗ trợ sinh viên thuộc Phòng Công tác Học sinh Sinh viên phải thực sự là cầu nối giữa nhà trường và DN, giúp nhà trường thường xuyên dự báo và cập nhật đúng nhu cầu nhân lực của DN và tổ chức trong ngắn hạn và dài hạn. Nhà trường cần chủ động phối hợp với DN, nhà đầu tư tổ chức các buổi phỏng vấn, tuyển dụng sinh viên tốt nghiệp ra trường vào làm việc. Tiếp tục rà soát lại biên chế các cơ quan, đơn vị, địa phương để tham mưu, đề xuất phương án tuyển dụng những sinh viên có năng lực và đủ điều kiện vào làm việc trong các cơ quan, đơn vị, đặc biệt là bổ sung đội ngũ cán bộ có năng lực cho cơ sở.
Thời gian qua, nhiều sinh viên của nhà trường sau khi tốt nghiệp đã đi xuất khẩu lao động. Nhà trường cũng cần phải hỗ trợ, phối hợp với các DN xuất khẩu lao động trong tư vấn cho các em các ngành nghề mà bản thân các em đã từng học ở trường phổ thông và Trường Cao đẳng Văn hoá Nghệ thuật. Phối hợp với Ngân hàng Chính sách Xã hội thực hiện chính sách hỗ trợ lao động vay vốn đi xuất khẩu lao động.
Tiếp tục triển khai có hiệu quả chương trình “Thanh niên khởi nghiệp giai đoạn 2017-2022", trong đó: Tập trung vào hỗ trợ sinh viên có các sáng kiến, ý tưởng sáng tạo khởi nghiệp). Các cấp cán bộ Đoàn làm việc với các Ngân hàng tạo điều kiện cho sinh viên tốt nghiệp vay vốn phát triển sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu lao động…
3. Đẩy mạnh phát triển hệ thống các loại hình giới thiệu việc làm
Để làm được điều này, nhà trường cần phát triển mạnh hệ thống các loại hình giới thiệu việc làm để trở thành cầu nối quan trọng giữa người lao động và người sử dụng lao động, giữa đào tạo và sử dụng, giúp định hướng ban đầu cho sinh viên trong việc lựa chọn ngành nghề đào tạo và cơ hội việc làm. Việc tổ chức giới thiệu việc làm cho sinh viên phải được chuẩn bị kỹ, các thông tin phải trung thực, rõ ràng và đầy đủ theo quy định của pháp luật; khi giới thiệu việc làm cần hỗ trợ từ khâu đăng ký dự tuyển, cung cấp những kỹ năng cơ bản trong việc tham gia dự tuyển, nhất là khi phỏng vấn và thương thảo với người sử dụng lao động. Trung tâm phải đứng ra bảo đảm việc giới thiệu và hỗ trợ các điều kiện tham gia dự tuyển. Khi lao động thanh niên được tuyển dụng vào làm việc cho các DN, tổ chức, trung tâm cần phải thực hiện theo dõi tình trạng việc làm và hỗ trợ những khó khăn của người lao động khi làm việc.
4. Thực hiện tốt chính sách hỗ trợ vốn, phát triển ngành nghề của công nghiệp văn hoá gắn với phát triển du lịch, bảo tồn văn hoá địa phương và dịch vụ - thương mại.
Nhà trường cũng cần làm việc với các cơ quan liên quan nhằm đổi mới cơ chế, chính sách thuế, chính sách tín dụng phù hợp để tạo điều kiện hỗ trợ các cơ sở sản xuất kinh doanh của sinh viên nhà trường trong lĩnh vực công nghiệp văn hoá gắn với phát triển du lịch, bảo tồn văn hoá địa phương và dịch vụ - thương mại. Trước hết, áp dụng các chính sách ưu đãi thuế, giảm thuế cho các đối tượng sinh viên lập nghiệp: Cơ sở thu âm, Cơ sở biểu diễn nghệ thuật, Công ty du lịch, lữ hành, Nhà hàng…
5. Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng với nhu cầu của thị trường lao động.
Bên cạnh việc không ngừng xây dựng và đổi mới chương trình đào tạo gắn với thực tiễn, nhà trường cần chú trọng việc theo dõi, dự báo phát triển và nhu cầu của thị trường, tích cực đổi mới đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động đào tạo, thường xuyên tổ chức câu lạc bộ tuổi trẻ sáng tạo, chú trọng giáo dục cho sinh viên những kỹ năng mềm về giao tiếp, xử lý tình huống, ngoại ngữ, tin học, khuyến khích sinh viên tham gia nghiên cứu khoa học... Qua đó, đảm bảo sinh viên ra trường có hầu hết các kỹ năng về chuyên môn, kỹ năng mềm, kỹ năng về công nghệ thông tin để tự tin tham gia vào thị trường lao động.
Tài liệu tham khảo:
1. Báo cáo Tự đánh giá Hệ thống bảo đảm chất lượng nhà trường năm học 2022, Trường Cao đẳng Văn hoá Nghệ thuật Nghệ An
2. Quốc hội (2016), Bộ luật Lao động năm 2016;
3. Quốc hội (2016), Luật Giáo dục đại học;
4. Quốc hội (2016), Luật Việc làm;
5. Ngân hàng Thế giới (2016), Báo cáo phát triển Việt Nam, Phát triển kỹ năng: Xây dựng lực lượng lao động cho một nền kinh tế thị trường hiện đại ở Việt Nam;
6. UBND tỉnh Nghệ An (2010), Báo cáo tổng hợp quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Nghệ An giai đoạn 2010 – 2020;
7. UBND tỉnh Nghệ An (2015), Đề án giải quyết việc làm giai đoạn 2015-2020 và dự báo đến năm 2030;
8. UBND tỉnh Nghệ An (2002), Quyết định số 39/2003/QĐ-UB ngày 14/4/2003 về một số chính sách khuyến khích về xuất khẩu lao động nhằm đẩy mạnh công tác xuất khẩu lao động thực hiện mục tiêu chương trình giải quyết việc làm – xóa đói giảm nghèo thời kỳ 2015-2020 của tỉnh Nghệ An;
9. Cục Thống kê tỉnh Nghệ An (2016), Niên giám thống kê tỉnh Nghệ An 2017, NXB Thống kê, Nghệ An;
10. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Nghệ An (2011 - 2016), Điều tra lao động - việc làm hàng năm 2011 - 2016 của tỉnh Nghệ An.