Một số điểm đổi mới của chương trình giáo dục nghệ thuật ở nhà trường phổ thông

Từ nội dung giáo dục nghệ thuật trong Dự thảo Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể đến đổi mới đào tạo ở các trường sư phạm thuộc khối ngành nghệ thuật

Những nội dung đổi mới của chương trình giáo dục nghệ thuật ở nhà trường phổ thông đã mang đến tin vui cho các trường đào tạo giáo viên nghệ thuật trên phạm vi cả nước. Đồng thời, đây cũng là một thách thức đối với các trường sư phạm nghệ thuật khi giáo dục nghệ thuật ở nhà trường phổ thông sẽ bao gồm nhiều loại hình nghệ thuật, không chỉ riêng 2 loại hình là Âm nhạc và Mỹ thuật như trong chương trình hiện hành.

Nhìn lại chương trình thay sách giáo khoa (năm 2002), 2 môn Âm nhạc và Mỹ thuật đã trở thành môn học bắt buộc từ lớp 1 đến hết học kỳ I lớp 9. Nội dung của chương trình, sách giáo khoa Âm nhạc và Mỹ thuật từ lớp 1 đến lớp 9 đã thể hiện được những tiêu chí giáo dục thẩm mỹ cụ thể, có sự đồng bộ, nội dung với hàm lượng kiến thức cơ bản đi từ dễ đến khó.

Âm nhạc và Mỹ thuật với chức năng giáo dục thẩm mỹ đã góp phần giúp học sinh thêm yêu quê hương đất nước, biết cảm nhận cái hay cái đẹp của nghệ thuật trong cuộc sống, đồng thời, phát hiện năng khiếu nghệ thuật của học sinh. Thông qua các môn học Âm nhạc và Mỹ thuật, học sinh được biết đến những giá trị văn hóa nghệ thuật của nhân loại và Việt Nam để từ đó có óc thẩm mỹ và rèn luyện bản thân hướng đến chân - thiện - mỹ, đến với cái thiện và xa rời cái ác. Điều đó cho thấy vai trò và ý nghĩa, tầm quan trọng của giáo dục nghệ thuật trong nhà trường phổ thông.

Tuy nhiên, khi nói đến nghệ thuật, chúng ta cần hiểu dưới nhiều góc độ, tiêu biểu như nghệ thuật là những hoạt động của con người cùng với các sản phẩm do những hoạt động đó tạo ra. Ví dụ, Nghệ thuật âm nhạc với các hoạt động hát, chơi nhạc cụ…nghệ thuật hội họa với các hoạt động vẽ tranh… Nghệ thuật cũng được sử dụng để chỉ một kỹ năng điêu luyện hay sự thông thạo của một việc nào đó như: nghệ thuật nấu ăn, nghệ thuật trang trí, nghệ thuật trình diễn… Hay Nghệ thuật là một lĩnh vực khi nó là tập hợp của các môn sáng tạo ra những tác phẩm nghệ thuật: âm nhạc, hội họa, văn chương, múa, sân khấu, kịch, điện ảnh, kiến trúc.

Do vậy, giáo dục nghệ thuật cho nhà trường phổ thông trong chương trình giáo dục phổ thông - chương trình tổng thể (bản dự thảo tháng 4 năm 2017) có tham vọng sẽ đưa vào môn Nghệ thuật nhiều loại hình nghệ thuật khác nhau dưới dạng các học phần (modun) để học sinh được lựa chọn, không chỉ có 2 loại hình như hiện nay là âm nhạc và mỹ thuật. Đồng thời, môn học Nghệ thuật sẽ được triển khai dạy và học ở cả bậc trung học phổ thông. Đây chính là những điểm nổi bật trong chương trình giáo dục phổ thông mới. Điều này chứng tỏ dự thảo đã rất quán triệt tinh thần đổi mới giáo dục căn bản và toàn diện của Nghị quyết số29 - NQ/TW ngày 4/11/2013 và Nghị quyết số 88/2014/QH13 nghị quyết của Quốc hội.

Nội dung giáo dục nghệ thuật ở chương trình phổ thông tổng thể (bản dự thảo 4/2017) đã cho thấy sự cần thiết phải nhanh chóng đổi mới ở các trường sư phạm có đào tạo giáo viên nghệ thuật, cỗ máy cái đào tạo đội ngũ giáo viên nghệ thuật cho nhà trường phổ thông Việt Nam.

Thứ nhất, đào tạo chuẩn trình độ giáo viên nghệ thuật cho nhà trường phổ thông ở cả TH, THCS và THPT.

Theo dự kiến, đến năm 2019-2020, môn học Nghệ thuật cũng sẽ được triển khai ở bậc trung học phổ thông (THPT). Vì vậy, con số giáo viên nghệ thuật sẽ cần bổ sung thêm khoảng trên 5000 giáo viên nữa. Điều này đòi hỏi các trường sư phạm cần thiết có phương án đào tạo và bồi dưỡng đội ngũ giáo viên nghệ thuật để có nguồn nhân lực dạy học.

Trước hết, các trường sư phạm cần xác định chuẩn trình độ giáo viên nghệ thuật ở trường phổ thông để đào tạo/bồi dưỡng lại cho các giáo viên còn chưa đạt chuẩn. Hiện nay, ngoài một số trường đặc thù có thâm niên đào tạo giáo viên âm nhạc/mỹ thuật cho nhà trường phổ thông như: Trường ĐHSP Nghệ thuật Trung ương, Trường đại học Nghệ thuật - Đại học Huế, Trường Đại học Văn hóa Thể thao và Du lịch Thanh Hóa… thì hầu hết các trường sư phạm đều có mã ngành đào tạo giáo viên âm nhạc/mỹ thuật.

Bên cạnh đó, do nhu cầu cần có giáo viên nghệ thuật cho các trường TH và THCS ở địa phương nên nhiều trường Văn hóa nghệ thuật của các tỉnh/thành phố trong cả nước cũng liên kết đào tạo giáo viên nghệ thuật với các cơ sở đào tạo có mã ngành này. Từ đó dẫn đến thực tế tình trạng đội ngũ giáo viên nghệ thuật không đồng đều về trình độ chuyên môn nghệ thuật.

Chính vì vậy, đào tạo lại và bồi dưỡng giáo viên là việc làm hết sức cần thiết của các trường sư phạm trong giai đoạn này. Đồng thời các trường sư phạm cần xây dựng nội dung chương trình đào tạo và bồi dưỡng giáo viên nghệ thuật dành riêng cho bậc trung học phổ thông bám sát với chương trình giáo dục phổ thông tổng thể mới để chuẩn bị về đội ngũ giáo viên cho nhà trường phổ thông đáp ứng chương trình giáo dục tổng thể mới.

Thứ hai, đổi mới nội dung, chương trình, phương pháp dạy học các môn thuộc ngành nghệ thuật.

Để đáp ứng yêu cầu của môn học nghệ thuật ở chương trình giáo dục phổ thông mới, các trường sư phạm phải nhanh chóng kiện toàn đội ngũ giảng viên dạy học các môn nghệ thuật. Đồng thời, phải đổi mới nội dung, chương trình và phương pháp dạy học theo hướng tiếp cận và phát triển năng lực phẩm chất cho người học.

Cụ thể, cần bổ sung nội dung học phần phương pháp dạy học âm nhạc và mỹ thuật mang tính liên cấp từ mầm non, TH,THCS, đến THPT trong môn Phương pháp dạy học chuyên ngành. Trong chương trình thực tập sư phạm, bổ sung thêm thực tập tại các trường THPT. Đối với đổi mới phương pháp dạy học âm nhạc và mỹ thuật ở các trường phổ thông, cần tập trung nghiên cứu phương pháp dạy học âm nhạc/mỹ thuật theo hướng phát triển phẩm chất và năng lực cho học sinh cả 3 cấp học.

Thứ ba, xây dựng đề án mở các mã ngành đào tạo sư phạm nghệ thuật khác ngoài 2 mã ngành có truyền thống lâu đời là âm nhạc và mỹ thuật.

Với nhà trường phổ thông, các loại hình nghệ thuật như múa, kịch…rất hay được nhà trường sử dụng dưới nhiều hình thức khác nhau, song do các loại hình nghệ thuật này chưa được đào tạo ở ngành sư phạm (sư phạm múa, sư phạm kịch), cho nên các trường sư phạm rất cần nghiên cứu để xây dựng đề án mở các mã ngành đào tạo vừa nêu.

Tuy nhiên, đây là công việc lâu dài của các trường sư phạm. Thực tế đào tạo ở trường sư phạm nghệ thuật cho thấy, nếu để có được một mã ngành đào tạo sư phạm nghệ thuật mới (ngoài âm nhạc, mỹ thuật), các trường sư phạm nghệ thuật cũng cần phải có đội ngũ giảng viên trình độ cao ở các chuyên ngành đó, đảm bảo điều kiện về cơ sở vật chất trường học…thì mới có thể xin mở được mã ngành. Vì vậy, những trường đủ khả năng mở được mã ngành sư phạm nghệ thuật mớisớm nhất, nếu có tuyển sinh được từ năm 2017 thì cũng phải đến năm 2021 chúng ta mới có được lớp các giáo viên đầu tiên. Như vậy là đã chậm hơn 1 năm so với yêu cầu của chương trình giáo dục phổ thông tổng thể.

Có câu hỏi đặt ra là hiện nay chúng ta chưa có giáo viên dạy múa, hay kịch…được đào tạo ở các trường sư phạm, vậy nếu thực hiện theo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể mới (dự kiến vào năm học 2018-2029) thì các loại hình nghệ thuật này sẽ có giáo viên dạy không?

Có thể nói, chương trình giáo dục phổ thông tổng thể mới mang tính mở, do đó cũng cho phép tùy theo điều kiện của từng trường và địa phương để lựa chọn dạy học các modun, các chuyên đề học tập nghệ thuật. Đội ngũ giáo viên có thể là những người được đào tạo chính qui về sư phạm nghệ thuật, cũng có thể là các nghệ sĩ, nghệ nhân có hiểu biết và kinh nghiệm thực tiễn chuyên môn để giảng dạy.

Chính vì vậy, để có được đội ngũ giáo viên dạy các loại hình nghệ thuật khác ngoài âm nhạc/mỹ thuật trong trường phổ thông thì có thể tuyển dụng từ những người đã tốt nghiệp đại học ở các trường nghệ thuật chuyên nghiệp trên cả nước (ở các chuyên ngành như: diễn viên kịch-điện ảnh, diễn viên múa, biên đạo múa…) với điều kiện, các giảng viên này cần phải có chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm. Trong những năm đầu thực hiện chương trình, có thể cho phép một giáo viên giảng dạy ở nhiều trường phổ thông nếu có thể bố trí được thời gian phù hợp.

Trước những định hướng của chương trình giáo dục phổ thông mới, ngay cả số lượng giáo viên dạy âm nhạc và mỹ thuật để có thể đáp ứng đủ cho các trường THPT trên toàn quốc cũng còn gặp khó khăn, vì vậy, chúng ta có thể khắc phục bằng cách tuyển dụng thêm các nghệ sĩ, nhạc sĩ, họa sĩ chuyên nghiệp có bằng đại học thuộc các chuyên ngành âm nhạc/mỹ thuậtkhác ngoài sư phạm (như: thanh nhạc, biểu diễn các loại nhạc cụ, lý luận âm nhạc, thiết kế thời trang, thiết kế đồ họa, hội họa…) và có chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm để dạy học. Việc này có thể giúp cho bài toán lo lắng về giáo viên nghệ thuật cho THPT sắp tới sẽ giảm bớt rất nhiều và cũng sẽ giảm bớt áp lực tuyển sinh những ngành sư phạm thuộc khối nghệ thuật cho các trường, các cơ sở đào tạo giáo viên nghệ thuật. Đồng thời, đây sẽ là cơ hội việc làm tốt cho những người đã và đang học các mã ngành nghệ thuật khác ngoài sư phạm.

Nghệ thuật là tinh hoa của nhân loại, chính vì vậy dạy học các loại hình nghệ thuật ở phổ thông sẽ làm cho quá trình hình thành nhân cách và phát triển trí tuệ của học sinh được phong phú, tốt đẹp hơn. Mong rằng giáo dục nghệ thuật ở nhà trường phổ thông cũng như các trường sư phạm có đào tạo giáo viên nghệ thuật sẽ ngày càng khởi sắc, góp phần đào tạo con người mới Việt Nam phát triển toàn diện.

PGS.TS Trịnh Hoài Thu

Nguồn: CTTĐT Bộ Giáo dục và Đào tạo

Liên kết hữu ích

TUYỂN SINH TRỰC TUYẾN

THƯ VIỆN ĐIỆN TỬ

THÔNG BÁO HỌC SINH, SINH VIÊN

VĂN BẢN

Điểm thi

Thiết kế website tại Vinh

công ty quảng cáo tại nghệ an