Tìm giải pháp cho đào tạo nghề trong bối cảnh chuyển đổi số

Giải pháp để phát huy vai trò và tính hiệu quả của đào tạo trực tuyến trong bối cảnh chuyển đổi số giáo dục nghề nghiệp là vấn đề được nhiều chuyê gia, nhà quản lý quan tâm.

Sáng 30/11, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp tổ chức tọa đàm khoa học “Thực trạng và giải pháp đào tạo trực tuyến đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số trong giáo dục nghề nghiệp”.

Tọa đàm nhằm lấy ý kiến các chuyên gia, các nhà khoa học, nhà quản lý, các tổ chức quốc tế, các doanh nghiệp về vấn đề này.

PGS.TS Bùi Văn Hồng, Viện trưởng Viện Sư phạm Kỹ thuật, Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM cho rằng vai trò của dạy học trực tuyến là hết sức quan trọng trong giai đoạn dịch bệnh. Tuy nhiên, năng lực dạy học trực tuyến của phần đa nhà giáo trong hệ thống giáo dục nghề nghiệp còn yếu.

Theo ông Hồng, thực tế dạy học cho thấy, nhiều khó khăn gặp phải khi thực hiện chuyển đổi từ dạy trực tiếp sang dạy học trực tuyến. Nhà giáo và cán bộ quản lý phải đương đầu với nhiều thách thức khi cố gắng triển khai các khóa học trực tuyến một cách hiệu quả.

Đối với nhà giáo, phần lớn đều xem dạy học trực tuyến là hình thức dạy học hoàn toàn mới và chưa có kinh nghiệm thực tiễn, do đó gặp nhiều lúng túng khi thực hiện. Khả năng ứng dụng công nghệ thông tin và khai thác các nền tảng công nghệ số trong dạy học trực tuyến của nhà giáo còn nhiều hạn chế.

Nhiều nhà giáo còn gặp nhiều khó khăn trong lựa chọn và xây dựng học liệu số, tổ chức hoạt động dạy học và kiểm tra đánh giá trong môi trường dạy học trực tuyến.

“Phần lớn cơ sở GDNN tiếp cận với dạy học trực tuyến chậm và lúng túng, dẫn đến việc hiểu chưa đúng về hình thức này. Trong khi nhà giáo chưa chủ động trong tiếp cận hình thức dạy học này. Trong thời gian ảnh hưởng của Covid-19, nhà giáo chủ yếu sử dụng hình thức dạy học từ xa qua Zoom, Google Meeting,... mà chưa thiết kế và cấu trúc khóa học trên hệ thống quản lý học tập LMS. Điều này dẫn đến cơ sở GDNN và nhà giáo chưa quan tâm đến việc bồi dưỡng phát triển năng lực dạy học trực tuyến”, ông Hồng chia sẻ.

 

Do đó, theo ông Hồng, việc phát triển năng lực dạy học trực tuyến cho nhà giáo giáo dục nghề nghiệp là cần thiết và có ý nghĩa thực tiễn.

Về giải pháp, ông Hồng cho rằng, để triển khai dạy học trực tuyến bài bản và đúng nghĩa, các cơ sở GDNN cần phải xây dựng nền hệ thống quản lý học tập LMS song song với khai thác các nền tảng Zoom, Google meeting, ....

Thông qua dạy học trực tuyến trên LMS, nhà giáo sẽ có cơ hội tiếp cận, khai thác nền tảng lớp học số, giúp từng bước nâng cao năng lực dạy học trực tuyến.

Tìm giải pháp cho đào tạo nghề trực tuyến trong bối cảnh chuyển đổi số.

PGS.TS Đỗ Văn Dũng (giảng viên Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP Hồ Chí Minh) cho rằng, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp hiện mới chỉ quan tâm đến Digital Learning (bài giảng điện tử) mà chưa chú trọng đến các yếu tố khác như Big Data để lưu trữ dữ liệu, Digital Media để kết nối với các mạng xã hội hay Digital Campus để tối ưu hóa quá trình giảng dạy vào thực tiễn,...

Theo ông Dũng, việc thay đổi tư duy của người giáo viên rất khó. Thầy cô giáo rất bảo thủ và quen cách dạy truyền thống hàng chục năm nay nên để có sự chuyển đổi rất khó.

“Chúng ta dạy qua zoom,... nhưng đó chỉ là dạy từ xa chứ không phải là đào tạo trực tuyến. Đào tạo trực tuyến phải được thiết kế và sử dụng sư phạm số để hình thành các khóa học trên nền mạng toàn cầu”, ông Dũng nói.

Bên cạnh đó, theo ông Dũng, cơ sở vật chất của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp hiện cũng chưa đáp ứng được nhu cầu đào tạo trực tuyến.

PGS.TS Lưu Bích Ngọc, Chánh văn phòng Hội đồng Quốc gia Giáo dục và Phát triển nhân lực cũng đồng tình với các giải pháp như xây dựng cơ sở dữ liệu học liệu số, bồi dưỡng kỹ năng số cho các nhà quản lý, đội ngũ giáo viên, sinh viên...

Bà Ngọc đặc biệt nhấn mạnh trong giáo dục nghề nghiệp cần đầu tư xây dựng, phát triển mạnh các xưởng thực hành “ảo” để đáp ứng nhu cầu. “Thiết nghĩ chỉ xưởng thực hành, phòng thí nghiệm ảo mới giúp giải quyết được bài toán thực hành như thế nào”, bà Ngọc nói.

Đại diện Công ty Cổ phần Công nghệ thông tin Đông Nam Á đề xuất các cơ sở trong hệ thống giáo dục nghề nghiệp tính đến việc thống nhất xây dựng những môn học, học phần trực tuyến dùng chung, liên thông kèm theo tính công nhận ở tất cả các cơ sở. Bởi việc này tạo thuận lợi cho người học và tiết kiệm chi phí.

Về mặt kỹ thuật và thiết bị hỗ trợ, TS Lê Lâm, Hiệu trưởng Trường CĐ Đại Việt Sài Gòn đề xuất Tổng cục đề nghị tới các cấp việc nâng mức hỗ trợ mua thiết bị học trực tuyến cho học viên giáo dục nghề nghiệp, lên từ 10- 15 triệu đồng, thay vì chỉ 7 triệu đồng như hiện nay.

Tại tọa đàm, ông Phạm Vũ Quốc Bình, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp cho rằng, việc phát triển đào tạo trực tuyến, chuyển đổi số trong giáo dục nghề nghiệp trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 là hết sức cần thiết.

Theo ông Bình, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp xác định chuyển đổi số là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu, là giải pháp bao trùm trong quá trình đổi mới và phát triển GDNN, là yếu tố then chốt hình thành hệ thống giáo dục mở, linh hoạt, đáp ứng nhu cầu học tập suốt đời của người dân và yêu cầu tăng nhanh số lượng, nâng cao chất lượng GDNN phục vụ phát triển đất nước.

Do đó, toàn hệ thống cần hướng tới những giải pháp để chuyển đổi số một cách hiệu quả như: Xây dựng hoàn thiện thể chế, cơ chế chính sách phục vụ chuyển đổi số trong lĩnh vực GDNN; Chỉnh sửa, cập nhật nội dung đào tạo các cấp trình độ GDNN phù hợp với yêu cầu của chuyển đổi số trong nền kinh tế và hội nhập quốc tế; Thay đổi phương pháp dạy và học các cấp trình độ GDNN; Phát triển hạ tầng, nền tảng, thiết bị và học liệu số; Phát triển nhà giáo số và học viên số;...

Thanh Hùng

Nguồn: Viet Nam net

Liên kết hữu ích

TUYỂN SINH TRỰC TUYẾN

THƯ VIỆN ĐIỆN TỬ

THÔNG BÁO HỌC SINH, SINH VIÊN

VĂN BẢN

Điểm thi

Thiết kế website tại Vinh

công ty quảng cáo tại nghệ an