Những ngày cuối tháng 11, họa sỹ trẻ Thái Văn An đã nhận giải thưởng trong Cuộc thi mỹ thuật “Về miền di tích danh thắng xứ Nghệ”. Họa sỹ Thái Văn An quê ở Nam Nghĩa, Nam Đàn, Nghệ An. Anh đã trải qua thời sinh viên ở Trường Cao đẳng Sư phạm Nhạc – Họa TW. Sau đó, anh học tiếp Đại học Mỹ thuật Việt Nam. Anh là thạc sỹ Mỹ thuật, hội viên hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Nghệ An, hiện công tác tại khoa Mỹ thuật, Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Nghệ An.
Lý do đến với nghề tranh sơn mài
Thời sinh viên, anh say mê học tập nghệ thuật tạo hình, phương pháp hội họa châu Âu nhưng luôn gắn liền với nghệ thuật truyền thống dân tộc. Tinh thần tự tôn dân tộc, đặc biệt là nền nghệ thuật truyền thống Việt Nam được anh tôn thờ và lấy làm “kim chỉ nam” cho hoạt động sáng tác nghệ thuật của mình. Tranh sơn mài dù khó rực rỡ như tranh sơn dầu, khó mềm mại như tranh lụa song tranh sơn mài Việt Nam là nét đẹp của hội họa Việt Nam, vẫn thu hút được người yêu nghệ thuật trong và ngoài nước bởi sự đằm thắm và sâu sắc.
Nếu như 50 năm trước, sơn mài được coi là một lĩnh vực sáng tác khó khăn và đầy bí hiểm trong hội họa Việt Nam, thì nay chất liệu này đã trở thành phổ biến, được nhiều họa sĩ trẻ ưa chuộng. Tranh sơn mài cũng được thế giới coi như là "quốc họa" của dân tộc Việt. Tuy nhiên để hoàn thành một bức tranh sơn mài là một điều gian khó mà không phải họa sĩ trẻ nào cũng dám đối mặt, chưa kể tới việc chuyên tâm đeo đuổi nó.
Nhọc nhằn làm tranh sơn mài
Người họa sĩ làm tranh sơn mài luôn phải đối mặt thường xuyên với “tai nạn nghề nghiệp”. Đó là các bệnh dự ứng do sơn ta gây nên. Có người bị phù sơn nhiều lần, lở loét khắp da và ngứa ngáy rất khó chịu, rất lâu lành. Tay chân mặt mũi bị sưng phù, phải mất nhiều tháng điều trị và nghỉ ngơi mới có thể hồi phục lại bình thường. Họa sĩ Thái Văn An thừa nhận dấn thân vào sáng tác sơn mài với chất liệu sơn ta là một việc làm nhọc nhằn, gian khổ. Tuy đã nhiều năm trong nghề, anh vẫn thường xuyên bị mẩn đỏ như trẻ mọc kê, ngứa và rất nóng trong người, đặc biệt ở mắt, mũi, miệng và phần dưới cơ thể. Những triệu chứng này thường xảy ra khi sáng tác sơn mài trong thời tiết quá khô hoặc khi sơn còn mới. “Lúc nào ngứa quá thì phải điều chỉnh lại chế độ ăn uống, bôi thuốc, nghỉ ngơi khoảng một tuần. Đặc biệt khi ngủ máy lạnh lại càng ngứa. Nhưng mê rồi thì vẫn cứ vẽ thôi," anh cười hiền hòa.
Anh cho biết, thời tiết ở Nghệ An khiến cho việc sáng tác tranh sơn mài bị cản trở đáng kể. Người họa sĩ chỉ có thể thuận tiện làm tranh sơn mài trong các mùa xuân, mùa thu, tránh mùa đông khô hanh. Trong quá trình làm tranh, Thái Văn An nhiều lúc phải sử dụng phương tiện hỗ trợ bằng phòng ẩm, máy phun sương và phòng ủ mới có thể sáng tác được quanh năm. Để vẽ tranh sơn mài, người nghệ sĩ phải phối hợp nhuần nhuyễn giữa kỹ thuật sơn mài và nghệ thuật vẽ tranh. Đây là hai yếu tố quan trọng và quyết định, nếu quá thiên về kỹ thuật và lạm dụng chất liệu, tác phẩm sẽ rơi vào "chất mỹ nghệ" còn nếu thiên về nghệ thuật thì tranh sơn mài cũng không đạt yêu cầu. Đương nhiên, chất liệu chỉ là phương tiện, nhưng phương tiện nào cũng phải có kỹ thuật sử dụng riêng của nó, chất liệu sơn mài cũng vậy, nhiều họa sĩ khi bắt đầu vẽ sơn mài, không quan tâm nhiều đến kỹ thuật và chất liệu, nên cũng mua vóc, mua sơn, mua màu, mua vàng bạc về vẽ, sau khi mài ra thì thất vọng vì nó đen sì, chỗ khô chỗ ướt, các mảng màu hiện ra không như ý.
Tất nhiên một bức tranh đẹp ngoài tinh thần, ý tưởng sáng tạo, cảm xúc, năng lực thẩm mỹ, còn phải mang đặc trưng của chất liệu, thông qua kỹ thuật chất liệu, đây là yếu tố không thể bỏ qua, cho nên họa sĩ sơn mài vừa có "chất thợ" vừa có "chất nghệ". Họa sĩ Thái Văn An cho biết: "Một bức sơn ta cũng mất cả tháng mới hoàn thiện được, tùy vào kỹ thuật và độ dày lớp lang của sơn. Sơn ta khô cần có độ ẩm trong không khí cao vì vậy chỉ vẽ được vào từng mùa. Hanh khô là sơn bị cháy mặt, bên trên đen lại se mặt nhưng dưới vẫn bùng nhùng”. Chúng tôi hỏi anh tại sao anh không dùng chất liệu sơn công nghiệp hay sơn nước ngoài vốn đang thịnh hành hiện nay. Anh tâm sự: Sơn công nghiệp khô nhờ thoáng gió nên về tính vật lý sẽ nhanh hơn sơn ta. Tuy nhiên cũng còn tùy vào kỹ thuật của họa sĩ. Vẽ lớp lang, nhiều lớp vẫn mất nhiều thời gian như sơn ta. Tuy vậy, với các kỹ thuật mới, nếu dùng trong sơn công nghiệp lại có phần đáp ứng được yêu cầu thể hiện tốt hơn sơn ta. Nhưng anh thừa nhận vẫn thích sơn ta hơn bởi độ trong và ánh sắc sâu, thẩm mỹ tốt hơn.
Anh cũng cho biết những khó khăn của các họa sĩ trẻ hiện nay khi dấn thân vào sáng tác sơn mài là việc kiến thức không đầy đủ về chất liệu, nguồn cung cấp họa phẩm không đảm bảo do điều kiện kinh tế và phương pháp vẽ chưa có tính hệ thống, chưa khoa học. Tuy nhiên bù lại, các họa sĩ trẻ cũng có những thuận lợi là nguồn vật liệu quá phong phú, nhiều sự lựa chọn để tha hồ thể nghiệm. Anh cũng chia sẻ kỷ niệm buồn khi bước vào nghề tranh sơn mài đã vẽ hỏng nhiều bức (kết quả sau nhiều tháng miệt mài) do không lường được độ của sơn cánh dán. Anh chia sẻ: "Kết quả là mấy bức tranh bị tối thui, chỉ còn thấy nét. Cảm giác lúc đó thật tệ. Tôi phải nghỉ vẽ hai ngày để suy nghĩ và không nhìn đến tranh vì nhìn vào chúng, tôi thất vọng về chính mình. Cuối cùng, tôi đã nghĩ ra cho mình kỹ thuật sơn mài phù hợp với cách mà mình thể hiện tác phẩm. Không thể rập khuôn với những gì mà tôi từng học ở trường, bởi đó chỉ là những bước cơ bản…".
Ngày nay kỹ thuật sơn mài đã được mở rộng rất nhiều so với thời điểm những năm 30 của các họa sỹ Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương và pha trộn các kỹ thuật sơn ta trong vùng Đông Á nhưng Thái Văn An vẫn trung thành với tranh sơn mài truyền thống, sử dụng chất liệu sơn ta.
Thành quả lao động
Đến nay Thái Văn An đã có hơn 30 tác phẩm tranh sơn mài, được nhiều nhà sưu tập đồng cảm, yêu mến. Chỉ hơn 2 năm tập trung sáng tác, anh đã cho ra đời một khối lượng tác phẩm khổng lồ. Triển lãm Tranh sơn mài Qua những miền quê của anh đã thành công rực rỡ. Tên gọi triển lãm này cũng là chủ đề của gần 30 bức sơn mài phong cảnh, tĩnh vật, chân dung mang đậm tình đất, tình người của những vùng đất nước mà anh từng sống, từng đến và trải nghiệm. Người xem như được cùng hành trình với tác giả. Với tác phẩm Trong lòng thành phố, vẫn còn đó xóm thuyền chài lều tranh lúp túp soi bóng nước, vẫn còn đó những Làng quê ngoại thành tường gạch vôi bong lở ngõ nhỏ nắng vàng hút sâu trong con hẻm; một Bến thuyền, Bến cũ vắng bóng người lên xuống; lên Châu Tiến xem Guồng nước của đồng bào Thái Quỳ Châu, phong cảnh miền núi bình minh vùng cao, Mai Châu ngày mới bản làng mờ chìm trong sương; Đường lên Yên Tử cheo leo thôi thúc hành hương... Ta lại cùng tác giả dừng chân lặng nhìn Rặng cây, Hoa dại, Mùa hoa dã quỳ, Mùa hoa Chăm, cùng thưởng thức Sen... Ta cùng tác giả lưu giữ Nét quê qua hình ảnh chiếc chổi tre đặt ở một góc nhà; chiếc giỏ mây treo trên cánh liếp, ván gỗ nứt nẻ, già nua níu kéo thời gian; rồi ta được gặp Em bé Mộc Châu, Đôi bạn vùng cao, Chân dung người miền núi hồn nhiên thân thiện.
Tác giả sử dụng nhuần nhuyễn kỹ thuật, chất liệu sơn mài truyền thống, màu sắc hài hòa. Nhận xét về các tác phẩm ở triển lãm này, họa sĩ Nguyễn Hữu Dỵ đã nói: “Thái Văn An đã thổi hồn mình vào tranh, tái hiện lại trong ta tình người, tình đất chân chất mộc mạc của cuộc sống muôn vàn yêu quý. Qua những miền quê lắng đọng tình cảm, tâm tư, nỗi niềm, khát vọng sáng tạo của tác giả”. Triển lãm tranh sơn mài này là một nỗ lực to lớn của người con đất Nghệ, với tinh thần làm việc nghiêm túc đầy tâm huyết, anh đã thổi hồn mình vào những tác phẩm với những gam màu êm ái nhẹ nhàng tình cảm, để lại trong người xem nhiều cảm xúc và thôi thúc tinh thần làm việc của người nghệ sĩ, để lại dư âm trong lòng của khán giả.
Có thể nói, trong những năm qua, Thái Văn An đã miệt mài sáng tác, là tấm gương cho nhiều họa sỹ trẻ Nghệ An vươn lên. Họa sỹ trẻ Hồ Huy Hùng, giảng viên Mỹ thuật Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Nghệ An tâm sự: “Tôi thường tìm đến xưởng nơi anh làm việc để tiếp thêm động lực cho bản thân mỗi khi cảm thấy nhụt chí hay hoài nghi. Anh luôn là ngọn lửa, người luôn sẵn sàng tiếp lửa cho tôi trên con đường sáng tác. Người ta bảo xem tranh là biết người quả đúng không hề nói quá. Tranh của họa sĩ Thái Văn An luôn mang đến cảm giác nhẹ nhàng, gần gũi thân thiết. Đó là cái se lạnh miên man nơi miền sơn cước, hay chút nắng đông ấm áp, dịu nhẹ rất đỗi hiếm hoi, là cảnh đẹp nơi những miền quê anh đã từng ghé qua, tôi mê mẩn trước những bức tranh với những góc nhỏ bình dị, thân quen đong đầy hoài niệm mà lòng người bộn bề có khi vô tình không để ý, lối tạo hình cô đọng mà không kém phần ý tứ đã làm nên sức hấp dẫn kỳ lạ cho các tác phẩm của anh- không ồn ào mà thấm đượm. Ngày hôm nay chiêm ngưỡng thành quả lao động miệt mài của anh trên chất liệu sơn mài truyền thống, chúng tôi thực sự nể phục anh rất nhiều”.
Ở mảnh đất Nghệ An, họa sĩ tranh sơn mài không nhiều và người thành công với tranh sơn mài cũng không có nhiều. Bằng chất liệu sơn ta truyền thống, Thái Văn An đã kế thừa, phát huy thành tựu nghề sơn của cha ông và các thế hệ họa sĩ bậc thầy đã mở đường cho giá trị độc đáo của nghệ thuật tranh sơn mài Việt Nam. Mặc dù tuổi còn trẻ, nhưng anh có một tinh thần say mê và thái độ dấn thân trong tìm tòi sáng tạo nhằm đóng góp thêm những giá trị mới cho thành tựu chung của nghệ thuật hội họa Việt Nam. Thái Văn An đã tham dự nhiều triển lãm quốc gia và khu vực, trong đó có dự một triển lãm chung với nhiều tác phẩm trưng bày tại Trung tâm Văn hóa Thành phố Vinh năm 2018. Những tác phẩm của anh đã tạo nên thương hiệu cho anh, tạo uy tín cho hội họa Nghệ An, góp phần quảng bá rộng rãi các giá trị văn hóa Nghệ An đến với bạn bè trong nước và quốc tế.