Ngày 13/11/2024, Hội đồng khoa học của Trường CĐ VHNT Nghệ An đã nghiệm thu giáo trình Hình họa hệ TC 3 năm (giai đoạn 1) của Th.S Hồ Huy Hùng và Th.S Thái Văn An, giảng viên khoa Mỹ thuật.
Hội đồng đã đánh giá cao đóng góp của giáo trình, là tài liệu giảng dạy cho mô đun chuyên ngành Hội họa.
Mục tiêu của giáo trình: phù hợp với chương trình đào tạo chuyên ngành; nội dung:phù hợp và đúng với yêu cầu chương trình đào tạo.
Các tác giả đã thuyết minh đề cương giai đoạn 1 của giáo trình: về bố cục của giáo trình, hệ thống bài tập thực hành sau mỗi chương lý thuyết.
Qua phần giới thuyết của các tác giả, người nghe nhận thấy:
Trước hết hình họa không phải là một bức vẽ nói chung mà là một bài vẽ nghiên cứu cơ bản. Hình họa giúp người học có cách nhìn, cách vẽ có căn cứ khoa học và có phương pháp để dần hướng tới phối hợp một cách thống nhất nhịp nhàng giữa con mắt và bàn tay, nhằm diễn tả được đối tượng lên mặt giấy một cách chân thực và đạt giá trị thẩm mỹ.
Khái niệm đúng, giống, chân thực trong nghệ thuật hoàn toàn không đồng nhất với khái niệm đúng, giống, chân thực như trong một vài phạm trù khác. Các khái niệm này bao giờ cũng hàm trong đó chất lượng thẩm mỹ. Nghĩa là phản ánh không nguyên xi các sự kiện mà phải có chọn lọc được những nét đặc trưng, tiêu biểu đồng thời có tính khái quát của sự kiện.
Đối với người thầy hướng dẫn cần giúp các em sinh viên không sa đà vào các chi tiết vụn vặt, không tiêu biểu mà phải có cái nhìn khái quát, biết đưa vào bài các đường nét đã được chọn lọc và biết tổ chức chúng lại thành một bức tranh có chất lượng khá về các mặt. Tránh quan niệm sai lầm học vẽ tức là trông thấy sao vẽ thế ấy. Lối vẽ sẽ làm hạn chế khả năng vươn lên của các em. Mặt khác, phải phân tích cho các em hiểu chỗ yếu kém trong việc bịa đặt tùy tiện, cái lối làm ra vẻ sáng tạo, vẽ muốn khoe khoang nhưng lòe người xem bằng kĩ thuật. Mỗi bức vẽ cần đặt ra yêu cầu và nhiệm vụ từ thấp đến cao, từ đơn giản đến phức tạp.
Qua giáo trình, người học biết cách tiến hành một bài hình họa: Trước khi bắt tay vào vẽ thầy giáo kiểm tra tư thế đứng hoặc ngồi của sinh viên, sau đó là cách gọt bút chì, cầm bút, cách sử dụng dây dọi, que đo.
Khi chọn chỗ vẽ phải chú ý sao cho tầm mắt có chỗ bao quát được toàn bộ đối tượng, mà không phải quay đi quay lại ảnh hưởng đến vị trí của điểm trông theo luật thấu thị. Thông thường ta ngồi cách mẫu 2 lần chiều cao hoặc chiều rộng nhất của nó là vừa.
Không nên để bóng phía trước mặt che lấp vật mẫu mà phải để theo hình chữ V phía tay phải là bảng, phía tay trái là mẫu. Đặt như vậy có thể dễ dàng bao quát cả đối tượng vẽ cũng như bài vẽ. Riêng hững bài vẽ phải dùng bảng lớn thì không nên dùng ghế ngồi mà nên đứng, vì ngồi không thể bao quát được toàn bộ bài, tranh thông thường là đứng để vẽ,trừ những tranh nhỏ như khắc gỗ hoặc lụa, chân dung bán thân.
Không nên gọt bút chì tù quá khó vẽ, cách cầm bút không nên như cầm bút viết mà phải cầm gần như ngửa lòng bàn tay, cầm bằng ngón trỏ và ngón cái đỡ bằng ngón giữa, ngón út tì vào giấy.
Không quá phụ thuộc vào que đo dây dọi, nên đo những tỉ lệ lớn tránh đo những tỉ lệ quá nhỏ.
a. Tìm bố cục
Nhiều học sinh không ý thức được bố cục, tiện đâu vẽ đấy. Mà bố cục bao giờ cũng đóng vai trò đầu tiên về mặt thẩm mỹ, cho nên người thầy bày mẫu phải làm sao có nhiều góc đẹp cho người học vẽ, và sinh viên cũng cần tìm cho mình bố cục đẹp nhất, khi vẽ vào bài cần cân chỉnh sao cho không to quá hoặc nhỏ quá.
- Bố cục chân dung thì đầu phải là trung tâm của bố cục những phần khác chỉ là hỗ trợ
- Bố cục tĩnh vật phải tạo được sự cân đối và hài hòa giữa các mảng là chính
- Bố cục nội thất phải chọn được góc tiêu biểu có chính có phụ và tạo được không gian có ánh sáng đẹp.
- Bố cục ngoại thất cũng như phong cảnh, phong cảnh sinh hoạt thường có trung tâm, hoặc trọng tâm của bố cục, có gần có xa, to nhỏ, chính phụ phải hỗ trợ cho nhau.
Trong trường hợp có sinh viên tìm được bố cục phá cách, phá luật mà vẫn đẹp thì cần khuyến khích. Còn hướng dẫn chủ yếu là để các em nắm được bố cục cơ bản thông thường, không nên đòi hỏi quá cao như một sáng tác. Ngược lại bố cục quá tồi thì cần yêu cầu sinh viên tìm lại vì khi bố cục tồi thì những phần khác cũng khó mà bù lại được.
b, Dựng hình
Sau khi đã tìm được bố cục vừa ý có thể bắt đầu dựng hình. Phải tìm và phác thảo đường trục của tranh và hình. Đường trục của tranh và hình, đường trục của tranh gồm những đường dọc và ngang theo chiều của bảng để lấy đó làm cơ sở kiểm tra so sánh bằng que đo dây dọi. Có thể vẽ trục chính và những trục phụ hoặc chỉ cần một trục tùy theo tình hình cụ thể của bài. Đường trục của tranh phải căn cứ vào cấu trúc của hình dáng đối tượng mà phác.