Ứng dụng của triết lý âm dương trong truyền thống văn hoá Việt

Việt Nam là một trong những “cái nôi” của nền văn minh lúa nước, nằm ở miền Đông của bán đảo Đông Dương, thuộc khu vực Đông Nam Á. Việt Nam được coi là một nước có nền văn hoá giá trị. Với chiều dài lịch sử và văn hoá truyền thống lâu đời, tuy phải trải qua nhiều cuộc chiến tranh gian khổ, đối diện với cái nghèo, cái đói… nhưng đất nước ta đã vượt lên trên tất cả và gìn giữ những nét truyền thống của dân tộc như: điêu khắc, hội hoạ, diễn xướng... Nhìn chung, đời sống con người Việt Nam được hình thành và phát triển từ lao động, sản xuất, học tập và chiến đấu. Trong bối cảnh toàn cầu hoá, ngoài tiếp thu những tinh hoa văn hoá nước bạn thì chúng ta vẫn luôn duy trì và bảo tồn nhiều tư tưởng triết lý tốt đẹp mà hiện vẫn đang được áp dụng. Nổi lên trong đó chính là triết lý âm dương trong đời sống văn hoá người Việt Nam được thể hiện trên nhiều lĩnh vực, đó là: ẩm thực, trang phục, kiến trúc, y học, tín ngưỡng, phong tục, âm nhạc...

1. Ứng dụng của triết lý âm dương trong đời sống vật chất của người Việt

Âm dương trong ẩm thực

Ảnh hưởng của Triết lý Âm Dương trong ẩm thực người Việt có những quan niệm và cách chế biến món ăn rất riêng. Với đặc trưng là quốc gia có nền kinh tế nông nghiệp gắn với lúa nước, nguồn lương thực chính của người Việt là lúa gạo. Cơ cấu bữa ăn của người Việt rất phong phú, các món ăn được kết hợp bởi rất nhiều loại gia vị khác nhau tạo nên hương vị đặc biệt cho từng món khác nhau. Việc lựa chọn đồ ăn và gia vị phù hợp sẽ giúp con người cân bằng sức khỏe và môi trường, sống hạnh phúc hơn, tuổi thọ kéo dài hơn. Cho rằng “có thực mới vực được đạo”, muốn làm việc trước tiên phải ăn no, hay “trời đánh tránh miếng ăn” tức là trong bữa ăn dù có chuyện gì cũng phải gác lại, không nên mang những điều bực tức, không tốt để nói khi đang ăn ...Với nhu cầu ăn, người Việt nhấn mạnh tính cộng đồng được phản ánh từ việc ăn tổng hợp, ăn chung; còn tính mực thước là biểu hiện của khuynh hướng quân bình âm dương. Nó đòi hỏi người ăn phải ăn bằng cả năm giác quan.

Mũi ngửi mùi thơm từ thức ăn; mắt nhìn màu sắc hài hòa của thức ăn được bày biện; lưỡi nếm vị ngon của thức ăn; tai nghe tiếng kêu giòn tan của thức ăn; tay sờ mó, cắn xé thức ăn ... Đó chính là quan niệm đã in sâu trong máu người Việt: “Ăn trông nồi, ngồi trông hướng”, ăn uống phải có ý tứ, không ăn quá nhanh hay quá chậm, không ăn quá nhiều hay quá ít, không ăn hết hay ăn còn. Lối giao tiếp tế nhị, ý tứ khác hẳn tính cách cực đoan, lối giao tiếp trực khởi của người phương Tây: Khách phải ăn kỳ sạch để t lòng biết ơn chủ nhà.

Triết lý Âm Dương – Ngũ Hành còn được thể hiện cả trong đồ uống, hút. Người Việt Nam có tục ăn trầu cau; ngoài ý nghĩa giáo dục, tình cảm anh em, vợ chồng trong gia đình qua câu chuyện cảm động “Sự tích trầu cau”, trong đó còn tiềm ẩn triết lý âm dương, tam tài. Cây cau vươn cao là biểu tượng của trời (dương), vôi đá là biểu tượng của đất (âm), dây trầu không mọc từ đất quấn quýt quanh thân cau là biểu tượng cho sự trung gian hòa hợp. Tính cộng đồng và tính mực thước trong bữa ăn thể hiện tập trung qua nồi cơm và chén nước mắm. Nồi cơm ở đầu mâm và chén nước mắm ở giữa mâm là biểu tượng cho cái đơn giản mà thiết yếu: Cơm gạo là tinh hoa của đất, mắm chiết từ cá là tinh hoa của nước – chúng giống như hành Thủy và hành Thổ là cái khởi đầu và cái trung tâm trong Ngũ Hành. Trong nghệ thuật ẩm thực của người Việt còn thể hiện khá rõ tính linh hoạt và tính biện chứng. Tính linh hoạt phản ánh trong dụng cụ ăn, đôi đũa... Theo đó, người Việt tuân thủ nghiêm ngặt luật âm dương bù trừ và chuyển hóa khi chế biến. Tính biện chứng ở quan hệ biện chứng âm dương gồm ba mặt: Sự hài hòa âm dương của thức ăn, sự quân bình âm dương trong cơ thể và sự cân bằng âm dương giữa con người với môi trường tự nhiên.

Để tạo ra những món ăn có sự cân bằng âm dương, người Việt phân biệt thức ăn theo năm thức âm và dương ứng với Ngũ Hành: Hàn (lạnh, âm nhiều = Thủy), Nhiệt (nóng, dương nhiều = Hỏa), Ôn (ấm, dương ít = Mộc), Lương (mát, âm ít =Kim), Bình (trung tính = Thổ). Điều đó lý giải tại sao chén nước chấm của người Việt dung hòa cả đủ cả Ngũ Hành: Vị mặn (thủy) của nước mắm, đắng (hỏa) của vỏ chanh, chua (mộc) của chanh, cay (kim) của tiêu ớt. Để tạo ra sự quân bình âm dương trong cơ thể, người Việt Nam sử dụng thức ăn như là các vị thuốc để trị bệnh. Theo quan niệm, mọi bệnh tật sinh ra là do cơ thể bị mất quân bình âm dương, thức ăn chính là vị thuốc để điều chỉnh sự mất quân bình âm dương ấy, giúp cơ thể khi bệnh... Chẳng hạn: Đau bụng nhiệt (dương) cần ăn những thứ hàn (âm) như chè đậu đen, trứng gà lá mơ. Đau bụng hàn (âm) cần dùng các thứ nhiệt dương như gừng, riềng.

Để đảm bảo quân bình âm dương giữa con người với môi trường, người Việt có tập quán ăn uống theo mùa và vùng khí hậu. Chẳng hạn, mùa hè nóng (nhiệt – hành hoả) nên ăn các loại thức ăn hàn, lương (mát), nước (âm – hành Thủy), có vị chua (âm) thì vừa dễ ăn, vừa dễ tiêu hóa, vừa giải nhiệt. Mùa đông lạnh (hàn – âm) thì nên ăn các loại thức ăn khô, nhiều mỡ (dương), như các món xào, rán, kho... Đồng thời, tính chất dương của xứ nóng là điều kiện vô cùng thuận lợi cho các loại sản vật mang tính âm phát triển mạnh. Điều này chứng tỏ bản thân thiên nhiên cũng đã có sự cân bằng. Trong chế biến thức ăn, phải đảm bảo đủ ngũ chất gồm: bột, nước, khoáng, đạm, béo; đủ ngũ vị gồm: chua, cay, ngọt, mặn, đắng; đủ ngũ sắc gồm: trắng, xanh, vàng, đ, đen. Tất cả yếu tố đó được hội tụ ở món phở Việt Nam, đó là chất liệu, mùi, vị, màu sắc. Nó vừa có cái mềm của thịt bò tái hồng, cái dẻo của bánh phở trắng, cái cay dìu dịu của lát gừng vàng, hạt tiêu đen, cái cay xuýt xoa của ớt đỏ, cái thơm nhè nhẹ của hành hoa thơm nhạt, cái thơm hang hắc của rau thơm xanh đậm, vị chua thanh của chanh và hòa hợp tất cả lại là nước phở dùng được nấu từ xương… Trong đám cưới, cô dâu chú rể thường trao nhau một nắm đất và muối - như một lời thề minh chứng cho sự thuỷ chung gắn bó với câu ca dao: “Gừng cay muối mặn xin đừng quên nhau” hay bánh phu thê tượng trưng cho sự vẹn tròn, hoà hợp... Chính sự đủ đầy, cân bằng của món ăn, gia vị,.. đã gắn kết khẩu vị của mọi người với nhau. Từ văn hóa ẩm thực của người Việt xưa và nay, ta càng khẳng định vai trò của triết lý âm dương trong việc tổ chức vũ trụ và duy trì đời sống.

Âm dương trong trang phục

Ăn mặc không đơn thuần chỉ để đáp ứng nhu cầu thiết yếu của con người là mặc để che thân thể, mà còn mang ý nghĩa hết sức đặc biệt về văn hóa, thẩm mỹ và kinh tế. Suốt hơn một ngàn năm Bắc thuộc, người Việt vẫn giữ được nét đặc trưng trong trang phục của mình và chỉ thay đổi cùng với sự thay đổi của thời đại.

Chất liệu được sử dụng trong trang phục của người Việt hết sức phong phú, từ chất liệu vải tơ tằm mịn màng đến lông vũ siêu nhẹ, vải cotton và rất nhiều loại khác. Tính chất âm dương cũng có thể xác định qua màu sắc của trang phục. Trước đây, màu sắc chủ yếu được lựa chọn trong trang phục là màu tối, màu trầm (âm tính), giống như màu của đất, của gỗ, của bùn. Trong lễ hội, phụ nữ Việt mặc áo dài màu thâm hoặc nâu phản ánh phong cách sống tế nhị, kín đáo của truyền thống dân tộc. Ngày nay, màu sắc của trang phục có phần đa dạng hơn theo hướng “dương tính” do ảnh hưởng từ văn hóa phương Tây và quá trình hội nhập giao thoa văn hoá. Ví dụ, bộ sưu tập của nhà thiết kế thời trang Việt Nam không chỉ thể hiện hình thức mà còn ẩn chứa giá trị tinh thần. Màu trắng so với màu đỏ nghĩa là âm nhưng vẫn sắc trắng đó, so với màu đen thì lại là dương. Ngoài ra một số thiết kế nhấn nhá thêm chi tiết thêu đỏ đậm. Trong tiếng Phạn, màu đỏ có nghĩa là vận mệnh, giống như sợi chỉ đ kết duyên trong văn hoá Việt. Về hình thức, trải qua từng thời kỳ, trang phục của người Việt có những thay đổi khác nhau. Trước đây, phổ biến là con trai mặc quần thụng, ống rộng, có chun hoặc dây dải rút, kết hợp với áo dài ngang đầu gối và cài khuy chéo; con gái mặc yếm đào bên trong, khoác áo dài tay bên ngoài, kết hợp với chiếc váy đụp. Thường thấy, trong xã hội hiện đại đàn ông mặc comple, quần Tây, áo vest, giày da...thay vì áo thụng quần rộng lúc trước còn phụ nữ thì mặc áo, váy, đi giày cao gót...thay vì áo yếm tối màu. Có thể nói trong xã hội ngày nay, bất kỳ kiểu cách, màu sắc nào “bắt trend” chúng ta đều có thể tự do lựa chọn cho phong cách riêng của mình. Quá trình hội nhập đổi mới đã thay đổi phong cách chọn lựa trang phục của người Việt Nam nhưng triết lý âm dương vẫn được thể hiện trong một số loại trang phục điển hình như trang phục vovinam, áo dài... Nổi bật là Áo dài truyền thống đã bao trùm sắc nét về triết lý âm dương. Bên cạnh những cải tiến theo hướng phô trương cái đẹp hình thể một cách trực tiếp theo kiểu phương Tây (dương tính hóa) như: Bó eo, ôm sát thân, nổi ngực…. Áo dài tân thời đồng thời kế tục và phát triển chiều cao độ phong cách tế nhị, kín đáo cổ truyền (âm tính hóa). Về kiểu dáng của áo dài, phần thân trên gồm tay, lưng, ngực và vai được ôm sát để lộ rõ đường nét cơ thể (dương); phần thân dưới là mông, đùi và chân được che kín bởi hai tà áo và hai ống quần rộng (âm). Cấu trúc về đường nét cắt may áo dài hầu hết đều là đường thẳng ở tay, đường tà vạt áo, các đường nhấn ply thẳng ở ngực, eo tạo cảm giác trang trọng (thuộc dương) nhưng rất mềm mại, trở thành đường cong theo dáng vóc người mặc (thuộc âm). So với áo tứ thân thì áo dài mới còn có phần kín đáo hơn. Chính sự khêu gợi một cách nhuần nhị, kín đáo đã tô điểm tính cách “dương ở trong âm”. Vì lẽ đó, áo dài Việt Nam ngày càng phổ biến rộng rãi và trở thành biểu tượng cho y phục truyền thống dân tộc. Với sự kết hợp giữa truyền thống và hiện đại, giữa văn hóa phương Đông và phương Tây đã làm nên sự hài hòa âm dương trong cả trang phục truyền thống và hiện đại của người Việt Nam. Góp phần tạo nên nét đặc sắc trong văn hóa truyền thống của dân tộc.

Âm dương trong kiến trúc

Kiến trúc truyền thống của mỗi dân tộc luôn được hình thành và xây dựng từ chính điều kiện thiên nhiên, khí hậu, phong tục tập quán, tín ngưỡng, lối sống cũng như điều kiện kinh tế, công nghệ, vật liệu xây dựng... của dân tộc đó trong mỗi thời kỳ. Người Việt Nam với tập quán sinh hoạt phổ biến của nền văn minh lúa nước, trong truyền thống đã luôn biết ứng dụng phong thuỷ trong xây dựng nhà ở để mang lại may mắn, cầu lành tránh dữ. Với nhu cầu ở, người Việt đặc biệt chú trọng vấn đề “phong thủy”. Phong thuỷ có nhiệm vụ tìm kiếm để tạo ra một nơi cho việc sinh sống được quân bình, hài hoà, người ngụ cư được sức khoẻ dồi dào. Phong là gió (thuộc dương); thủy là nước, tĩnh hơn, thuộc âm. Trong nhà, nếu có gió quá nhiều hoặc nước từ quá đọng đều không tốt. Người ta vẫn xây dựng các bình phong để chắn gió hoặc dựng hòn non bộ để điều thủy (âm dương điều hòa) là vậy. Ngôi nhà của người Việt Nam gắn liền với môi trường sông nước. Nhà sàn mô phỏng hình thuyền, các đầu đao ở bốn góc đình chùa, cung điện cũng được làm cong vút như một con thuyền tạo gợi cảm giác bay bổng cho ngôi nhà... Trên cơ sở đặc trưng địa hình, khí hậu, có thể thấy cấu trúc “mái dốc” là cấu trúc phù hợp nhất với tự nhiên. Chính vì vậy mà sau này, mái nhà bình dân thường làm thẳng cho giản tiện, chỉ có những công trình kiến trúc lớn mới làm mái cong. Xét theo nguyên lý âm dương thì mái nhà chính là cấu trúc tượng trưng cho người chủ trong gia đình, cho truyền thống, lễ nghĩa và kiểu nhà rất phổ biến ở Việt Nam từ thời Đông Sơn, nó thích hợp cho cả miền sông nước lẫn miền núi. Nó không chỉ có tác dụng ứng phó với môi trường sông nước ngập lụt quanh năm, mà còn có tác dụng ứng phó với thời tiết mưa nhiều gây lũ rừng ở miền cao và ngập lụt định kỳ ở vùng thấp, khí hậu nhiệt đới có độ ẩm cao, hạn chế và ngăn cản côn trùng, thú dữ. Ngày nay, ở những vùng hay ngập nước (như đồng bằng sông Cửu Long) và các kho (nơi phải ứng phó với độ ẩm) vẫn duy trì kiến trúc nhà sàn. Kỉ niệm về thiên nhiên song nước mạnh đến mức ngôi nhà của người Việt Nam đã được làm với chức mái trật tự trong nhà. Bởi xét tổng thể thì mái nhà là âm và nóc - bộ phận cao nhất của mái nhà là dương (trong âm có dương và ngược lại trong dương có âm). Một cấu trúc mái thuận lý âm dương là phải biểu hiện được các đặc trưng của nguyên lý “âm phải đủ lớn để bao bọc được dương”. Nhìn lại nền kiến trúc truyền thống qua tục lệ làm lễ cất nóc, qua câu tục ngữ “con không cha như nhà không nóc” ta sẽ thấy cấu trúc mái luôn được các thế hệ cha ông đề cao trong xây dựng nhà ở và mái nhà cũng chính là nét đặc trưng không thể lẫn được của ngôi nhà trên mỗi vùng miền đất nước cho dù là nhà của người giàu hay dân nghèo, là mái làm bằng tre, lá hay mái ngói...

Để ứng phó với môi trường tự nhiên, tiêu chuẩn ngôi nhà Việt Nam về mặt cấu trúc mở để tạo không gian thoáng mát, giao hòa với tự nhiên. Cái “cao” của ngôi nhà Việt Nam bao gồm hai yêu cầu: Nhà sàn đáp ứng yêu cầu “cao” thứ nhất (sàn/nền cao so với mặt đất) và có tác dụng ứng phó với lụt lội, ẩm ướt, côn trùng... Nhà Việt Nam nay phần nhiều đã chuyển sang dạng nhà đất, nhưng nhà đất lí tưởng vẫn phải có nền cao, nhiều nơi hay ngập lụt, nền nhà cứ phải nâng cao dần. Còn yêu cầu “cao” thứ hai – mái cao so với sàn/nền – là nhằm tạo ra một khoảng không gian rộng, thoáng mát để ứng phó với nắng nóng. Mái cao còn tạo ra một độ dốc lớn để ứng phó với lượng mưa nhiều, khiến cho nước thoát nhanh, tránh dột, tránh hư mục mái.

Trong lịch sử kiến trúc truyền thống, nguyên tắc xây dựng nhà cửa dựa theo địa hình khí hậu luôn được người Việt đặt lên hàng đầu. Với khí hậu nhiệt đới nóng ẩm, thì hướng Nam luôn là lựa chọn tối ưu nhất: “Lấy vợ đàn bà, làm nhà hướng Nam” Vì Việt Nam ở gần biển, trong khu vực gió mùa, trong bốn hướng chỉ có hướng Nam (hoặc Đông Nam) là tối ưu – vừa tránh được cái nóng từ phía tây cái bão từ phía đông, và gió lạnh thổi về vào mùa rét từ phía bắc (gió bấc), lại vừa tận dụng được gió mát thổi đến từ phía nam (gió nồm) vào mùa nóng Cửa phía nam thường là cửa chính. Suốt chiều dài lịch sử, người Việt Nam không đặt quan điểm chọn hướng nhà theo mệnh tuổi lên hàng đầu như triết lý phong thuỷ phổ biến của người Trung Quốc hoặc một số trường phái phong thủy phát triển sau này. Đây chính là quan điểm tiến bộ và khoa học, thể hiện đúng và gần nhất với bản chất của phong thuỷ.

Ngoài ra, tất cả các chi tiết của ngôi nhà được liên kết với nhau bằng mộng. “Mộng” là cách ghép theo nguyên lý âm dương, nghĩa là: Phần lồi ra của bộ phận này phải khớp với chỗ lõm tương ứng của bộ phận khác. Kỹ thuật này tạo nên sự liên kết rất chắc chắn mà vẫn linh động giúp tháo dỡ dễ dàng. Khi cần cố định các chi tiết của ngôi nhà thì dùng động tre vuông tra vào các lỗ tròn (âm – dương). Khi lợp nhà, người Việt dùng ngói âm dương: Viên sấp, viên ngửa khác với ngói ống Trung Hoa.

Trong hình thức kiến trúc thường coi trọng bên trái và số lẻ. Theo quan niệm, số lẻ tượng trưng cho dương, số chẵn tượng trưng cho âm (tử). Cũng do truyền thống trọng bên trái, bàn thờ Thổ Công (ông Táo) - vị thần quan trọng nhất, cai quản cái bếp, cái nhà – được đặt ở gian bên trái, bài vị Táo quân vìthế được ghi là Đông Trù tư mệnh Táo phủ Thần quân. Cả bếp cũng được đặt bên trái (phía Đông), biệt lập và vuông góc với nhà chính, nhìn về hướng Tây. Biểu tượng tròn - vuông còn được thể hiện trong triết lý âm dương bởi người ta quan niệm tròn tượng trưng cho dương, vuông tượng trưng cho âm. Trong khi màu dương mang đến sự năng động, tươi trẻ thì màu âm đem lại cảm giác bình an thư giãn. Nghệ thuật phối màu âm dương được thể hiện qua các đình, chùa…trong đó là sự phối hợp của màu đỏ - vàng chủ đạo hay nó còn được thể hiện trong hội hoạ, tạo ra những tác phẩm đa dạng màu sắc như tranh đông hồ, tranh kinh hoàng...Tất cả đều từ triết lý âm dương mà ra, góp phần tôn vinh giá trị truyền thống mà vẫn dung hòa với vẻ đẹp hiện đại trong mỗi nếp nhà người Việt.

Âm dương trong Y học

Đông y bắt nguồn từ lưu vực sông Hoàng Hà - Trung Quốc, hình thành hệ thống học thuật về nhận thức lý luận trong nền y học Phương Đông: Âm dương, Ngũ hành. Với ảnh hưởng mạnh mẽ của tác phẩm "Hoàng đế Nội kinh" giữa thời Chiến quốc – Tần Hán, thuyết Âm dương - Ngũ hành ngày càng được các nhà tư tưởng phát triển và vận dụng vào lĩnh vực Y học. Y học cổ truyền Phương Đông đã dựa trên cơ sở lý luận thuyết Âm dương – Ngũ hành để phòng trị bệnh và nâng cao sức khỏe cho con người. Âm dương, Ngũ hành cân bằng thì cơ thể khoẻ mạnh, việc chữa bệnh nhằm lập lại trạng thái cân bằng của các yếu tố đó. Các nhà y học Phương Đông dựa vào hai học thuyết Âm dương và Ngũ hành đã đưa ra 3 học thuyết sau: Học thuyết vận khí, học thuyết tượng tạng, học thuyết kinh lạc. Thông qua những biểu hiện này, có thể chẩn đoán bệnh tật tạng phủ trong cơ thể.

Âm dương phải được xem xét trong một thể thống nhất, đối lập và liên hệ với nhau. Ví như trời - đất, trời ở trên là dương, đất ở dưới là âm, nếu không có trời thì cũng không có đất.

+ Dương: trên, ngoài, sáng, mùa xuân hạ, ôn nhiệt, can táo, nhẹ, thượng thẳng, động, hưng phấn.

+ Âm: dưới, trong, tối, mùa thu đông, hàn lương, thấp nhuận, nặng, hạ giáng, tĩnh, ức chế.

Âm dương và cơ thể

Trên là Âm, dưới là Dương: Theo cách phân chia này thì đầu là “Âm” và chân là “Dương”. Theo các nhà nghiên cứu: Ở tư thế nằm, đầu thấp, chân cao sẽ dễ nhớ và tiếp thu nhanh hơn, họ cho rằng vì máu dồn về não giúp não làm việc tốt hơn. Người khỏe mạnh, trên mát (âm), dưới ấm (dương), tức Thủy giao xuống dưới, Hỏa giao lên trên, gọi là Thủy hỏa ký tế. Ngược lại, khi bị bệnh thì trên nóng (dương) dưới lạnh (âm), tức là Thủy hỏa không tương giao với nhau gọi là Thủy hỏa vị tế.

Bên trái là Dương, bên phải là Âm: Một cách tự nhiên, hầu như bao giờ chân trái cũng khởi động trước. Theo các nhà nghiên cứu, khi chuyển động trái đất tạo nên một dòng điện gọi là địa từ lực lôi cuốn mọi vật - địa từ lực này mang đặc tính âm. Theo nguyên tắc vật lý, hai vật cùng cực đẩy nhau, khác cực hút nhau. Lực của trái đất là Âm, do đó sẽ hút lực Dương, vì thế có thể coi như chân trái mang đặc tính Dương, điều này rất có giá trị trong việc điều trị bằng châm cứu khi phải chọn huyệt để châm.

Trong (bụng, ngực) là Âm, ngoài (lưng) là Dương: “Thiên Ngũ Tạng Sinh Thành Luận” ghi: "Phù ngôn chi Âm dương, Nội vi Âm, ngoại vi Dương, Phúc vi Âm, Bối vi Dương" (Nói về Âm dương, trong thuộc Âm, ngoài thuộc Dương, bụng thuộc Âm, lưng thuộc Dương). Ví dụ ở bào thai nam, dương khí tụ ở lưng nên thường quay lưng ra, do đó bụng người mẹ thường có dạng tròn và cứng. Trái lại, bào thai nữ: Âm khí tụ ở ngực nên thường quay mặt ra ngoài, do đó bụng người mẹ thường có dạng hình bầu dục (gáo nước) và mềm.

Âm dương và tạng Phủ

“Thiên Âm Dương Ứng Tượng Đại Luận" ghi: "Lục phủ giai vi dương, Ngũ tạng giai vi âm" (Lục phủ thuộc dương, Ngũ tạng thuộc âm). Như thế Tâm, Can, Tỳ, Phế, Thân thuộc Âm, còn Tiểu Trường, Đởm, Vị, Đại Trường Tam Tiêu thuộc dương. Tâm Bào được coi như một tạng mới nên thuộc âm.

Âm dương và sinh lý

Sự thay đổi của Âm khí và Dương khí trong cơ thể con người phụ thuộc vào thiên nhiên. Tình trạng sức khỏe của con người sẽ bị ảnh hưởng nhiều nhất vào thời điểm giao mùa, đặc biệt là những người mang sẵn bệnh tật trong cơ thể trở nên yếu ớt, bệnh dễ phát tán hơn.

- Về thay đổi bệnh lý: Quá trình phát sinh bệnh: Mỗi hiện tượng đều có 2 mặt: một Dương (hưng phấn) và một Âm (ức chế). Nếu một trong hai tác động trên mạnh hoặc suy kém khác thường làm cho mất trạng thái quân bình, âm dương sẽ dẫn tới tình trạng bệnh lý gọi là thiên suy hoặc thiên thắng

- Thiên Thắng: Dương thắng quá, gây chứng nhiệt (sốt, tiểu đỏ). Âm thắng gây chứng hàn (lạnh, tiêu chảy).

- Thiên Suy: Dương hư (lão suy, hưng phấn, thần kinh giảm). Âm hư (mất nước, ức chế thần kinh giảm).

Khi một mặt Âm hay Dương ngày càng thịnh và không ngừng phát triển về một phía đối lập, bệnh sẽ diễn biến theo hướng: Nhiệt quá hóa Hàn (nhiệt cực sinh hàn) như sốt cao kéo dài gây mất nước Hoặc Hàn quá hóa nhiệt (Hàn cực sinh nhiệt) như tiêu chảy, nôn mửa kéo dài gây mất nước, điện giải làm nhiễm độc thần kinh gây sốt.- Về chẩn đoán bệnh tật

Việc chẩn đoán bệnh tật: cần phải dựa vào sự biến hoá của âm dương vì âm dương mất điều hoà là gốc của sự biến hoá bệnh lý quy về bát cương là biểu, lý, hàn, nhiệt hư, thực và âm dương (tổng cương). Biểu chứng, nhiệt chứng, thực chứng đều thuộc về dương. Lý chứng, hàn chứng, hư chúng đều thuộc về Âm. Cho nên bệnh tình tuy thiên biến vạn hoá song không ra ngoài phạm vi của Âm dương. Hiểu biết Âm dương là mấu chốt chủ yếu của việc chẩn đoán. Trên cơ sở chẩn đoán, phải điều trị theo nguyên tắc trị bệnh cần tìm cái gốc của nó. Thiện chí chân yếu đại luận sách Tố Vấn Thiên 74 nói: "Cẩn thận tìm xem âm dương mất cân bằng ở đâu để điều hoà cho thăng bằng ở đó là được", có thể thấy điều hoà Âm dương là nguyên tắc chung của việc chữa bệnh, theotinh thần bệnh dương chữa âm, bệnh âm chữa dương. Đó là phép chữa thẳng vào mặt âm, mặt dương để khôi phục lại thăng bằng âm dương cho bệnh nhân. Âm dương và Điều trị Điều trị bệnh là lập lại sự quân bình Âm dương bằng nhiều phương pháp khác nhau, các y sĩ thường dùng châm cứu và cho thuốc uống để chữa bệnh.

- Nguyên tắc chung: Bệnh do dương thịnh phải làm suy giảm phần dương (Tả dương), bệnh do âm thịnh phải làm suy giảm phần âm (Tả âm).

- Về thuốc: Bệnh về Âm dùng thuốc Dương (ôn, nhiệt) để chữa, bệnh về Dương, dùng thuốc Âm (Hàn, lương) để chữa.

- Về châm cứu: Bệnh nhiệt dùng châm, Bệnh hàn dùng cứu, bệnh thuộc Tạng (âm) dùng các Du huyệt ở lưng (dương) để chữa, bệnh thuộc Phủ (dương), dùng các huyệt Mộ ở ngực, bụng (âm) để chữa.

Âm dương và phòng bệnh

Dương sinh dương, cơn nóng giận, tức tối sẽ sinh nóng giận tức tối khác, cần làm âm hóa chúng bằng những tư tưởng và hành động âm như nghĩ đến những sự yên tĩnh, hoà bình, dùng những lời nói êm dịu, nhẹ nhàng, đến những nơi thanh tĩnh, yên lặng. Âm sinh âm, sự chán nản, buồn phiền, sẽ dẫn đến chán nản buồn phiền khác. Cần làm dương hóa chúng bằng những tư tưởng và hành động dương như hoạt động tích cực, hăng say, dùng những lời nói quyết đoán phấn khởi…

Văn hóa Việt Nam là loại hình văn hóa gốc nông nghiệp nên chứa những đặc trưng âm tính là chủ yếu: ở thì muốn yên ổn một nơi, với thiên nhiên thì muốn hòa hợp, với con người thì nặng về tình cảm, với môi trường xã hội thì bao dung… Còn văn hóa gốc du mục thì lại chứa những đặc trưng dương tính là chủ yếu: ở thì nay đây mai đó, với thiên nhiên thì muốn chinh phục, với mọi người thì thiên về bạo lực, với môi trường xã hội thì ưa độc tôn… Xét về gốc độ triết lí âm dương, có thể gọi văn hóa gốc nông nghiệp là loại văn hóa trọng âm, còn văn hóa gốc du mục là loại văn hóa trọng dương.

2. Ứng dụng của triết lý âm dương trong đời sống tinh thần của người Việt

Âm dương trong nhận thức, tư duy

Như đã nói, triết lí âm dương là sản phẩm trừu tượng hóa từ ý niệm và ước mơ của cư dân nông nghiệp về sự sinh sản của hoa màu và con người. Từ hai cặp đối lập gốc “mẹ-cha” và “đất- trời”, người xưa dần dần suy ra hàng loạt cặp đối lập như những thuộc tính của âm dương. Lối tư duy đó tạo ra một quan niệm lưỡng phân lưỡng hợp có phần chất phát và thô sơ về thế giới ở người Đông Nam Á cổ đại.

Từ tư duy lưỡng phân lưỡng hợp, trên cơ sở các cặp đối lập rõ nét, người Đông Nam Á xưa đã mở rộng ra để tìm cách xác lập bản chất âm dương cho những khái niệm, sự vật biệt lập. Có lẽ từ quá trình này dẫn đến chỗ cảm nhận được tính hai mặt của âm dương và quan hệ chuyển hóa lẫn nhau giữa chúng. Và cũng từ những ý niệm còn hồn nhiên và chất phát này là tiền đề cho tổ tiên người Hán phạm trù hóa và hệ thống hóa thành triết lí âm dương.

Đối với người Việt Nam, tư duy lưỡng phân lưỡng hợp bộc lộ rất đậm nét qua khuynh hướng cặp đôi ở khắp nơi: từ tư duy đến cách sống, từ các dấu vết cổ xưa đến những thói quen hiện đại:

Đa số các quốc gia trên thế giới, biểu tượng vật tổ của các dân tộc thường là một loài động vật cụ thể (sư tử, chim ưng, đại bang…) trong khi đó vật tổ của người Việt Nam lại là một cặp đôi trừu tượng Tiên- Rồng. Kể cả những dân tộc thiểu số cũng có khái niệm truyền thuyết mang tính cặp đôi: người Mường (chim Ây-cái Ứa); người Thái (nàng Kè- Tạo Cặp) … đây là những dấu vết của tư duy âm dương thời xa xưa.

Ở Việt Nam, mọi thứ thường đi đôi từng cặp theo nguyên tắc âm dương hài hòa: ông Đồng- bà Cốt, đồng Cô- đồng Cậu… Khi sinh âm dương (xin keo) thì hai đồng tiền phải một ngửa một sấp; ngói âm dương lợp nhà phải viên ngửa viên sấp; khi ghép gỗ thì phải một tấm gờ lồi ra khớp với tấm kia có rãnh lõm vào… Lối tư duy âm dương khiến người Việt khi nói đất, núi liền nghĩ ngay đến nước, nói đến cha là nghĩ ngay đến mẹ: “Công cha như núi Thái Sơn, Nghĩa mẹ như nuoc trong nguồn chảy ra”.

Đối với người Viện Nam tổ quốc là một khối âm dương đất nước: “đất- nước”, “núi- nước”, “non- nước”, “nước - lửa”… là những cặp khái niệm thường trực. Ngay cả ở Tây nguyên phần lớn tên gọi các địa danh đều bắt đầu bằng chư (núi) và krông hay dak (sông hay nước), ví dụ: Chư Sê, Kroong Pa, Dak B’la…

Thông qua việc giao lưu văn hóa, một số khái niệm vay mượn đơn độc khi du nhập vào Việt Nam lại được nhân đôi thành cặp, ví dụ: ở Trung Hoa, thần mai mối là ông Tơ Hồng thì vào Việt Nam lại trở thành ông Tơ- bà Nguyệt; ở Ấn Độ chỉ có Phật ông, nhưng khi vào Việt Nam lại xuất hiện Phật ông- Phật bà…

Biểu tượng âm dương (hình thái cực) chỉ được đặt ra từ sau Công nguyên và được dùng phổ biến hiện nay, nhưng trước đó thì người Việt đã có biểu tượng âm dương lâu đời hơn đó là biểu tượng vuông tròn. Theo quan niệm của người Việt Nam, nói đến vuông tròn là nói đến sự hoàn thiện, có vuông có tròn tức là có âm có dương: trời tròn- đất vuông. Thành ngữ có câu: mẹ tròn con vuông, ba vuông bảy tròn… Ca dao có câu: “Ba vuông sánh với bảy tròn, Đời cha vinh hiển, đời con sang giàu…”, “Lạy trời cho đặng vuông tròn, trăm năm cho trọn lòng son với chàng” …

Trống đồng Yên Bồng và trống Thôn Mống có hình biểu tượng âm dương vuông-tròn và tròn- vuông lồng vào nhau, hay các đồng tiền cổ Việt Nam qua các thời đại với lỗ vuông ở giữa chính là dấu vết truyền thống của biểu tượng âm dương.

Sự nhận thức về quy luật “trong dương có âm và trong âm có dương” được thể hiện cụ thể qua những quan niệm nhân gian như: “trong rủi có mai, trong dở có hay, trong họa có phúc”; “chim sa cá nhảy chớ mừng, nhện sa xà đón xin đừng có lo”.

Còn sự diễn đạt cụ thể về nhận thức quy luật “âm dương chuyển hóa” được thể hiện qua những quan niệm về nhân quả như sau: “trèo cao ngã đau”; “yêu nhau lắm cắn nhau đau” …

Người Việt Nam có triết lí sống quân bình là do lối tư duy âm dương đã thấm sâu vào máu thịt. Với triết lí này dẫn đến hình thành tính cách người Việt: trong cuộc sống gắng không làm mất lòng ai, trong việc ăn ở gắng giữ sự hài hòa âm dương trong cơ thể và hài hoà với môi trường thiên nhiên… Và triết lí này không chỉ vận dụng cho người sống mà cho cả người chết: Trong các ngôi mộ cổ ở Lạch Trường (Thanh Hóa) có niên đại vào thế kỉ thứ 3 trước Công Nguyên được gióng theo hướng nam- bắc, các đồ vật bằng gỗ (dương) được đặt ở phía bắc (âm), ngược lại các vật bằng gốm đất (âm) lại được đặt ở phía nam (dương). Cách sắp xếp âm dương bù trừ này rõ ràng là để tạo ra sự quân bình. Ngay cả hộ pháp ở chùa cũng có ông Thiện và ông Ác do triết lí âm dương này.

Chính triết lí quân bình âm dương này tạo ra ở người Việt một khả năng thích nghi cao với mọi hoàn cảnh (lối sống linh hoạt), không chán nản dù khó khăn, tinh thần lạc quan: thời trẻ khổ thì tin rằng về già sẽ sướng, suốt đời khổ thì tin rằng đời con mình sẽ sướng (không ai giàu ba họ, không ai khó ba đời…).

Nghề nông rất cần biết về thời tiết, khí hậu, vòng quay bốn mùa, cho nên trên thế giới này, mọi nền lịch pháp đều là sản phẩm của các vùng văn hóa nông nghiệp. Có ba loại lịch cơ bản: lịch thuần dương, lịch thuần âm, và lịch âm dương. Lịch của Á Đông mà ta thường gọi là lịch “lịch âm” thực chất là một thứ lịch âm dương. Là sản phẩm của lối tư duy tổng hợp, nó đã kết hợp được cả chu kì mặt trăng lẫn mặt trời.

Âm dương trong tín ngưỡng

Duy trì và phát triển sự sống đã là một nhu cầu thiết yếu nhất của con người. Đối với văn hóa nông nghiệp, để duy trì cuộc sống, cần cho mùa màng tươi tốt. Để phát triển sự sống, cần cho con người sinh sôi. Hai hình thức sản xuất lúa gạo (để duy trì sự sống) và sản xuất con người (để kế tục dòng giống) này có bản chất giống nhau, đó là sự kết hợp của hai yếu tố khác loại (đất và trời, mẹ và cha).

Từ đó, tư duy cư dân nông nghiệp Nam- Á phát triển theo hai hướng: những trí tuệ sắc sảo đi tìm quy luật khách quan để lí giải hiện thực, kết quả là tìm được triết lí âm dương. Còn những người có trình độ hạn chế thì tìm thấy ở hiện thực một sức mạnh siêu nhiên, dẫn đến sùng bái nó như thần thánh, kết quả là xuất hiên tín ngưỡng phồn thực. Triết lí âm dương và tín ngưỡng phồn thực chỉ là hai mặt của một vấn đề. Hình thái đơn giản của tín ngưỡng này là thờ sinh thực khí. Bên cạnh đó còn thờ hành vi giao phối, có tục “giã cối đón dâu”.

Âm dương trong phong tục

Trong lễ vật cưới có một loại bánh đặc biệt rất có ý nghĩa là bánh su sê (tên đọc chệch đi của bánh phu thê): bánh phu thê hình tròn bọc bằng hai khuôn hình vuông úp khít vào nhau. Đó chính là biểu tượng của triết lí âm dương (vuông tròn) và ngũ hành (ruột dừa trắng, nhân đậu vàng, rắc vừng đen, khuôn lá xanh, buộc lạt đỏ), biểu tượng cho sự vẹn toàn hòa hợp - hòa hợp của đất trời và của con người.

Phong tục tang lễ của người Việt Nam thấm nhuần sâu sắc tinh thần triết lí Âm Dương Ngũ hành. Về sắc, tang lễ truyền thống dùng màu trắng là màu của hành Kim (hướng Tây) theo Ngũ hành, mọi thứ liên quan đến hướng Tây đều được xem là xấu, nơi để mồ mả thường là hướng Tây của làng. Sau màu trắng là màu đen của hành Thủy. Chỉ khi chắt chút để tang cụ, kị (là tốt, bởi đó là bằng chứng cho thấy các cụ sống lâu) thì mới dùng các màu tốt như màu đỏ và vàng. Tất cả đều theo đúng trình tự ưu tiên của Ngũ hành.

Theo triết lí âm dương, âm ứng với số chẵn, dương ứng với số lẻ, vì vậy mọi thứ liên quan đến người chết (âm) đều ứng với số chẵn: Lạy trước linh cữu thì phải lạy hai hoặc bốn lạy, ở nhà mồ các dân tộc miền núi số bậc than phải là số chẵn. Khác với người sống (dương) mọi thứ phải theo số lẻ: lạy người sống phải là 1 hoặc 3 lạy, cầu thang lối lên nhà phải có số lẻ.

Cũng theo luật âm dương, việc phân biệt tang cha với tang mẹ: khi con trai chống gậy để tang thì cha gậy tre, mẹ gậy vông (vì thân tre tròn- dương, cành vông đẽo thành hình vuông- âm). Đưa tang và để tang còn có tục cha đưa mẹ đón, và tục mặc áo tang cha thì trở bằng sống lưng ra, tang mẹ thì trở bằng sống lưng vô, điều này thể hiện triết lí âm dương qua cặp nghĩa hướng ngoại (dương- cha), hướng nội (âm- mẹ).

Giống như ngôn từ, tính biểu trưng của nghệ thuật thanh sắc Việt Nam thể hiện trước hết nguyên lí đối xứng hài hòa, nghệ thuật múa tuân thủ chặc chẽ luật âm dương với các đội hình phổ biến: hình tròn và hình vuông; với nguyên lí xây dựng trên cơ sở những tương quan cặp đôi giữa các bộ phận của cơ thể, các phần của động tác.

Tục ăn trầu tìm ẩn triết lí về sự tổng hợp của nhiều chất khác nhau: cây cau vươn cao là biểu tượng của trời (dương), vôi chất đá là biểu tượng của đất (âm), dây trầu mọc từ đất quấn lấy thân cây, biểu tượng cho sự trung gian hòa hợp. Đó là sự tổng hợp của biện chứng âm- dương, tam tài.

Biểu hiện quan trọng hơn cả của tính biện chứng trong việc ăn là ở chỗ người Việt Nam đặc biệt chú trọng đến quan hệ biện chứng âm dương. Bao gồm ba mặt liên quan mật thiết với nhau: sự hài hòa âm dương của thức ăn, sự quân bình âm dương trong cơ thể, sự cân bằng âm dương giữa con người với môi trường tự nhiên.

Để tạo nên những món ăn có sự cân bằng âm dương, người Việt phân biệt thức ăn theo năm mức âm- dương ứng với Ngũ hành: lạnh (âm nhiều- Thủy), nóng (dương nhiều- Hỏa), ấm (dương ít- Mộc), mát (âm ít- Kim), trung tính (Thổ). Theo đó tuân thủ nghiêm ngặt luật âm- dương bù trừ và chuyển hóa khi chế biến.

Để tạo sự quân bình âm dương trong cơ thể, ngoài việc ăn các món chế biến có tính đến sự quân bình âm dương, người Việt còn sử dụng thức ăn như những vị thuốc để điều chỉnh sự mất quân bình âm dương trong cơ thể. Người bị ốm do quá âm cần ăn đồ dương và ngược lại, người bị ốm do quá dương cấn ăn đồ âm.

Để đảm bảo quân bình âm dương giữa con người với môi trường, người Việt có tập quán ăn uống theo vùng khí hậu, theo mùa. Việt Nam xứ nóng nên thức ăn phần lớn đều thuộc loại trung tính, âm. Mùa hè nóng, người Việt thích ăn rau quả, tôm cá những thức ăn âm tính, chế biến: luộc, nấu canh… Mùa đông lạnh, tỉnh ở phía Bắc, thích ăn thịt mỡ là những thức ăn dương tính, chế biến khô: xào, rán, kho…

Cuộc sống của con người nông nghiệp gắn bó mật thiết với thiên nhiên, cho nên con người được xem là nằm trong một thể thống nhất, cho nên vũ trụ làm sao con người làm vậy- con người là một “tiểu vũ trụ”, từ đó suy ra rằng các mô hình nhận thức đúng với vũ trụ cũng sẽ đúng cho lĩnh vực con người.

Trong vũ trụ có âm dương con người cũng vậy: theo quan hệ trên dưới, từ ngực trở lên là phần dương, từ bụng trở xuống là âm; trán là dương, cằm là âm; mu bàn tay, mu bàn chân là dương, lòng bàn tay lòng bàn chân là âm. Theo quan hệ trước sau: bụng là âm, lưng là dương… Cứ như vậy có thể phân biệt âm dương tới từng bộ phận cơ thể.

Với cơ chế Ngũ hành trong cơ thể người cho phép chúng ta nhìn thấy, một mặt các quan hệ hàng ngang các yếu tố cùng loại qua luật tương sinh- tương khắc, mặt khác là quan hệ hàng dọc giữa các yếu tố khác loại nằm trong cùng cột, ứng với cùng một hành. Những mối liên hệ hệ thống ấy chính là cơ sở của cách chuẩn đoán và chữa bệnh Đông y.

3.Tác động của triết lý âm dương trong giai đoạn hiện nay

Tác động tích cực

Học thuyết Âm dương, Ngũ hành đã ảnh hưởng đến văn hoá của người Việt trong mọi mặt của đời sống từ văn hóa giao tiếp, văn hóa ăn ở, lối suy nghĩ, tín ngưỡng cho đến tư duy hình khối… Trên cơ sở tiếp thu có chọn lọc, người Việt đã kế thừa và ứng dụng một cách linh hoạt, phù hợp với điều kiện kinh tế, văn hóa, xã hội, tạo nên một nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Trong văn hóa giao tiếp, người Việt sống trọng tình cảm, trong ứng xử họ luôn coi trọng cái tình. Có thể nói triết lý sống quân bình đã thấm nhuần trong máu thịt họ. Học thuyết Âm dương, Ngũ hành đã tạo cho người Việt một lối sống linh hoạt với khả năng thích nghi cao trong mọi hoàn cảnh. Dù khó khăn đến đâu họ cũng không chán nản, họ sống bằng tinh thần lạc quan và hướng đến tương lai. Thêm vào đó, tính hiếu khách giúp người Việt xây dựng được nhiều mối quan hệ thân thiết, tạo được sự gắn bó trong cộng đồng. Ngoài ra, trước đây, triết lý âm dương đã lý giải nhiều mặt trong đời sống mà khoa học thực nghiệm chưa làm được, khiến con người ta củng cố lòng tin, là một nét đẹp trong đời sống văn hóa tinh thần, tạo nên bản sắc riêng cho dân tộc Việt Nam.

Tác động tiêu cực

Trong đời sống xã hội hiện nay, một thực tế không thể phủ nhận đó là sự xuất hiện nhiều hiện tượng văn hóa tâm linh lệch lạc trong đời sống văn hóa tinh thần người Việt. Một bộ phận người Việt Nam đã tiếp thu học thuyết Âm dương, Ngũ hành một chiều, phiến diện dẫn đến truyền bá những tư tưởng sai lầm, làm phức tạp, thần bí hóa một học thuyết vốn có nhiều điểm tích cực của nó. Thêm nữa, việc người Việt thích sự ổn định có thể dẫn đến chỉ biết hài lòng với những gì mình đang có, thiếu tinh thần cầu tiến. Ngoài ra tính nhẫn nhịn của người Việt, nếu bị áp dụng sai có thể dẫn đến sự nhẫn nhục, tức là âm thầm chịu đựng mà không dám phản kháng để đòi quyền lợi cho bản thân.

Trong bối cảnh đất nước ta đang hội nhập quốc tế, nhiều điều trong nhận thức và ứng xử của người Việt – vốn trước đây là ưu điểm, nay cũng đã bộc lộ những hạn chế. Tính trọng tình nhiều khi dẫn đến nguy cơ nhìn nhận và xử lý công việc một cách cảm tính, thiếu khách quan, không hiệu quả. Tính lịch sử, tính nhất quán và hợp lý trong nội dung, tính phản ánh thực tại khách quan đều không thể thỏa mãn về giá trị khoa học. Cho đến nay, toàn bộ những di sản của thuyết Âm Dương Ngũ hành có nguồn gốc từ cổ thư chữ Hán chưa có sự phát triển mới.

4. Giải pháp phát huy giá trị tích cực, hạn chế tiêu cực của triết lý âm dương

- Nhóm giải pháp phát huy tính tích cực:

- Phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền để nhân dân hiểu được những giá trị tích cực của triết lý Âm dương, qua đó nâng cao lòng tự hào về những giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc của cha ông, từ đó tự giác tham gia các hoạt động văn hóa cộng đồng.

- Thứ hai, phải bảo tồn, gìn giữ và phát huy những giá trị văn hóa của triết lý Âm dương trong đời sống tinh thần người Việt: phong tục, tín ngưỡng, nghệ thuật, lối sống... giữ gìn bản bản sắc văn hóa dân tộc, đấu tranh với sự xâm nhập của văn hóa ngoại lai, phản tiến bộ.

- Nhóm giải pháp hạn chế ảnh hưởng tiêu cực:

Bên cạnh các giải pháp nhằm phát huy các giá trị tích cực của triết lý Âm dương thì việc xây dựng các giải pháp để hạn chế những ảnh hưởng tiêu cực của triết lý này cũng như phát huy giá trị văn hóa tinh thần, bản sắc văn hóa dân tộc, chống lại lối sống thực dụng, mê tín để “bòn rút” tiền của dân làm đời sống nhân dân “mê muội” là nhiệm vụ cấp thiết, lâu dài. Thứ nhất, phải nâng cao dân trí, nâng cao trình độ nhận thức của nhân dân; tích cực xây dựng chuẩn mực nếp sống đạo đức, đời sống tinh thần mới trên cơ sở đấu tranh việc lợi dụng triết lý âm dương để truyền bá tệ nạn mê tín dị đoan trong đời sống văn hóa tinh thần nhân dân. Thứ hai, kế thừa những giá trị tích cực của triết lý và văn hóa truyền thống dân tộc, tiếp thu các giá trị tinh hoa văn hóa nhân loại:

Một là, kế thừa có tính phê phán, chọn lọc. Trong triết lý Âm dương và văn hóa truyền thống có những mặt giá trị và phi giá trị. Chính vì vậy, phải nhận thức rõ và xác định cho đúng những giá trị văn hóa truyền thống Việt Nam đích thực. Với những nét giá trị truyền thống mang đậm bản sắc dân tộc, đã được kiểm nghiệm, đánh giá của lịch sử, thời gian, được cộng đồng thừa nhận thì cần kế thừa và phát huy. Trái lại, đối với những mặt lạc hậu, lỗi thời, cản trở sự tiến bộ thì phải khắc phục hoặc kiên quyết loại bỏ. Ví dụ như: các hình thức bói toán, gieo quẻ âm dương, tư tưởng tiểu nông (cục bộ địa phương “phép vua thua lệ làng”, bình quân chủ nghĩa…).

Hai là, kế thừa phải gắn với quá trình xây dựng xã hội mới, nền văn hóa mới và con người mới. Các giá trị trong triết lý Âm dương và văn hóa truyền thống không có nghĩa là bất biến, trái lại, nó liên tục được bổ sung cho phù hợp với cuộc sống đang diễn ra. Việc kế thừa và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống trong bối cảnh toàn cầu hóa ở nước ta vừa có tính cấp bách, trước mắt, vừa mang tính chiến lược, lâu dài nhằm xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, dậm đà bản sắc dân tộc, góp phần xây dựng nhân cách con người Việt Nam phù hợp với yêu cầu của sự nghiệp đổi mới, để văn hóa thực sự là nền tảng, là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Ba là, kế thừa và phát huy bản sắc dân tộc, các giá trị văn hóa truyền thống gắn với tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại. Bảo vệ bản sắc dân tộc phải gắn kết với mở rộng giao lưu quốc tế, tiếp thu có chọn lọc cái hay, cái tiến bộ trong văn hóa các dân tộc khác. Giao lưu văn hóa như là một tất yếu khách quan bởi chính nhờ giao lưu hội nhập mà bản sắc văn hóa dân tộc được bổ sung những yếu tố ngoại lai để làm phong phú bản sắc của mình. Đồng thời, qua đó, cũng góp phần làm phong phú văn hóa thế giới khi chính các nền văn hóa ngoại lai cũng tiếp nhận những giá trị tinh hoa văn hóa Việt Nam.

Bốn là, kế thừa, bảo tồn các giá trị của triết lý Âm dương và văn hóa truyền thống một cách tích cực, chống thái độ bảo thủ. Kế thừa, bảo tồn các giá trị của triết lý âm dương và văn hóa truyền thống là việc cần làm nhưng không sa vào bảo thủ khi đề cao quá văn hóa dân tộc mà coi nhẹ và không chịu tiếp thu tinh hoa văn hóa thế giới. Tự khép kín là làm trái quy luật phát triển, làm cho nền văn hóa trở nên nghèo nàn, đơn điệu. Tôn sùng chủ nghĩa dân tộc thái quá dễ dẫn đến những thái độ cực đoan, sai lầm, bảo thủ và lạc hậu. Điều này sẽ dẫn đến sự kìm hãm, níu kéo, làm chậm sự phát triển. Cần thay đổi lối sống bảo thủ, thực dụng, tư duy quân bình, trông chờ, ỷ lại, thiếu ý thức tổ chức kỷ luật, kỷ cương trong đời sống văn hóa người Việt. Trong không gian của đời sống văn hóa phương Đông nói riêng, việc nhận diện tư tưởng bảo thủ, trông chờ, ỷ lại cần được nhìn nhận trong mối quan hệ đa chiều trong đó đặc biệt chú ý các yếu tố kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội. Điều này vừa giúp tìm ra cơ sở hình thành đồng thời tránh được những biểu hiện nhận thức theo cách tiếp cận chủ quan, phiến diện. Giữ gìn thuần phong mỹ tục và xây dựng đời sống văn hóa tâm linh lành mạnh. Thuần phong mỹ tục một khi được xây dựng tốt sẽ nuôi dưỡng tính thiện với tính chất là cái gốc của con người trong thời kinh tế thị trường và đồng thời nuôi dưỡng bản sắc văn hoá dân tộc với tính chất là cái gốc của công nghiệp hóa, hiện đại hóa và kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa.


Trong dân gian có nhiều món ăn tuy đơn giản, nhưng chứng tỏ ý thức về nguyên lý âm dương của dân tộc ta rất sâu sắc vững vàng, điều đó thể hiện trong các món ăn thường được đi kèm với nhau như canh chua (âm) thường được ăn với cá kho tộ (dương) hay ăn trứng vịt lộn (âm) với rau răm, muối tiêu (dương)…

Cháo tía tô dùng để giải cảm lạnh

Liên kết hữu ích

TUYỂN SINH TRỰC TUYẾN

THƯ VIỆN ĐIỆN TỬ

THÔNG BÁO HỌC SINH, SINH VIÊN

VĂN BẢN

Điểm thi

Thiết kế website tại Vinh

công ty quảng cáo tại nghệ an