Nhân kỷ niệm 85 năm ngày thành lập Đoàn TNCS HCM, sáng ngày 19/3/2016, Chi Đoàn Cán bộ giáo viên (CBGV) trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ Thuật Nghệ An đã tổ chức hành trình về nguồn tại khu di tích lịch sử Truông Bồn và Khu Di tích Mộ Bà Hoàng Thị Loan. Ngoài ra, Chi đoàn CBGV còn tham gia giao lưu và tặng 5 suất quà cho 5 cựu Thanh niên xung phong có hoàn cảnh khó khăn tại xã Mỹ Sơn, Huyện Đô Lương, Nghệ An.
Truông Bồn là một đoạn đèo dốc như thế có chiều dài 5km, độ cao gần 70m trên dãy núi Thung Nưa có đỉnh cao nhất là 450m so với mực nước biển. Nằm trên tuyến đường chiến lược 15A hay còn gọi là đường 30 chạy qua địa phận xã Mỹ sơn, huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An - Truông Bồn đã trở thành địa danh Huyền thoại trong cuộc đấu tranh vệ quốc vĩ đại của dân tộc ta trong thế kỷ 20, bởi Truông Bồn có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng, là “Tuyến đường độc đạo”, nơi kết nối các huyết mạch giao thông từ hậu phương lớn miền Bắc chi viện sức người, sức của cho chiến trường miền Nam. Nơi đây, chứng tích hào hùng, bất hủ ghi dấu những chiến công oanh liệt của các lực lượng của quân và dân ta, trong đó có 1.500 cán bộ, chiến sĩ của 9 Đại đội Thanh niên xung phong (TNXP) thuộc Tổng đội TNXP chống Mỹ cứu nước, tỉnh Nghệ An. Đặc biệt là những chiến công và sự hy sinh oanh liệt của 13 chiến sỹ “Tiểu đội thép”, “Tiểu đội cảm tử” thuộc Đại đội TNXP 317 ngày 31/10/1968 trong khi đang làm nhiệm vụ nối liền mạch máu giao thông.
Khu di tích lịch sử Truông Bồn được xây dựng, bảo tồn, tôn tạo trên diện tích 217.327m2, bao gồm: Khu mộ - nhà che mộ 14 anh hùng liệt sĩ TNXP 110m2, nhà tưởng niệm 1.240 anh hùng liệt sĩ 290m2, phục hồi 03 hố bom gần khu mộ, tháp chuông, nhà trưng bày truyền thống 942m2, sân nhà trưng bày truyền thống 6.428m2, hồ điều hòa cảnh quan - môi trường 10.588m2, sân lễ hội (khu vực quảng trường) 11.300m2, Khu đài tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ 5.500m2, 4 chòi nghỉ chân, trụ biểu ghi tên di tích, các hạng mục trong khu bảo tồn nhà dân xóm 9 - xã Mỹ Sơn, bức phù điêu ghi danh các anh hùng liệt sĩ, hai nhóm tượng, 6 trụ huyền thoại, nhà điều hành và đón tiếp khách của Ban Quản lý Khu di tích, nhà bán hàng lưu niệm, khu nhà ở công vụ, 2 nhà phục vụ thuyết minh, nhà dịch vụ phía nam, nhà dịch vụ phía Bắc...
Chuyến tham quan, học tập tại khu di tích lịch sử Truông Bồn nhằm mục đích đưa đoàn viên thanh niên đến với cội nguồn lịch sử, nâng cao nhận thức chính trị, lòng yêu nước và tự hào dân tộc đồng thời ghi nhớ công lao vô cùng to lớn của các lực lượng của quân và dân ta.
Chi đoàn Cán bộ-Giáo viên dâng hương tại nhà tưởng niệm
Sau khi dâng hương và tham quan tại Khu di tích lịch sử Truông Bồn.Tại đây, Chi đoàn CBGV đã trao tặng 5 suất quà cho 5 Cựu Thanh niên xung phong có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.
Trao quà cho các Cựu Thanh niên xung phong tại khu Di tích Truông Bồn
Tiếp tục cuộc hành trình, Chi đoàn CBGV đã lên đường về với làng Sen, xã Kim Liên, huyện Nam Đàn để tham quan và dâng hương làm lễ tại Khu di tích Mộ Bà Hoàng Thị Loan (Thân sinh ra vị lãnh tụ đáng kính, Chủ tịch Hồ Chí Minh).
Khu di tích lịch sử Kim Liên là khu di tích tưởng niệm chủ tịch Hồ Chí Minh tại xã Kim Liên, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An thuộc vùng duyên hải miền Trung Việt Nam, cách thành phố Vinh khoảng 15 km theo tỉnh lộ 49.Là địa danh gắn liền với nơi sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh ở quê ngoại là làng Hoàng Trù, xã Kim Liên, Nam Đàn, Nghệ An; nơi Hồ Chí Minh đã sống những năm 1901 - 1906 ở quê nội làng Kim Liên; khu mộ bà Hoàng Thị Loan (mẹ Chủ tịch Hồ Chí Minh); Bà Hoàng Thị Loan (1868 - 1901) là người mẹ Việt Nam tiêu biểu có công nuôi dạy nên những người con yêu nước, trong đó có cậu bé Nguyễn Sinh Cung, sau này là Chủ tịch Hồ Chí Minh.Từ chân núi Động Tranh, lối lên phần mộ Bà nằm ở bên trái phần mộ có 269 bậc (con số 69 là năm Bác Hồ mất - 1969), lối xuống bên phải phần mộ có 242 bậc (con số 42 là năm cậu Khiêm;đưa hài cốt mẹ về đây - 1942). Trước phần mộ xuống sân bia 33 bậc, con số 33 là tuổi đời của Bà. Phía trên mộ là dàn hoa cách điệu hình khung cửi. Hai cụm cây hoa giấy che mát phần mộ Bà được lấy giống từ Huế - nơi bà mất và khu lăng mộ của ông Nguyễn Sinh Sắc ở Đồng Tháp. Khe trước phần mộ trồng nhiều cây quí từ nhiều miền đất nước.
Chi đoàn Cán bộ-Giáo viên dâng hương tại Khu di tích Mộ Bà Hoàng Thị Loan
Chuyến tham quan, học tập đã kết thúc tốt đẹp sau 1 ngày, tuy ngắn ngủi nhưng có ý nghĩa giáo dục sâu sắc về truyền thống uống nước nhớ nguồn của Đoàn viên, thanh niên đối với Bác Hồ kính yêu đối với những người có công với Tổ quốc, cũng như thắt chặt tình đoàn kết, gắn bó trong toàn Chi đoàn CBGV.
Người đưa tin: Quỳnh Nga