Trong quá trình sáng tác âm nhạc, phần viết lời ca khúc có khi người nhạc sĩ tự làm, có khi tìm đến thơ để phổ nhạc. Trên thế giới, nhạc sĩ thường cộng tác với nhà thơ vì họ cho rằng nhà thơ sẽ có thế mạnh soạn ca từ. Trường Cao đẳng Văn hoá Nghệ thuật Nghệ An là nơi hội tụ nhiều nhạc sĩ, hoạ sĩ, nhà thơ… Nơi đây có sự phối hợp chặt chẽ giữa hoạ và thơ; thơ và nhạc. Cụ thể về trường hợp nhạc sĩ Phạm Xuân Hải và nhà thơ Phạm Mai Chiên trong những năm gần đây đã kết hợp ăn ý với nhau trong sáng tạo, có nhiều tác phẩm đạt giải, được công chúng yêu âm nhạc đón nhận.
Tiến sĩ Phạm Mai Chiên (sinh 1981, quê Tương Dương, Nghệ An), Trưởng phòng Thanh tra – Bảo đảm chất lượng, Khoa học và đối ngoại Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Nghệ An. Mai Chiên nguyên là trưởng ban thơ, Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Nghệ An. Chị sáng tác đa dạng các thể loại thơ, tản văn, kịch nói… Thành tựu lớn nhất là thơ. Hiện chị có 08 tập thơ. Các tập thơ tiêu biểu là: Hát với bầu trời (2008), Chải tóc bên dòng Nậm Pao (2014), Giáng hương bên bờ Kênh Bắc (2019), Phía những mùa hoa nở, Phương thuật, Xứ Nghệ (trường ca, 2023)…Đặc biệt, Mai Chiên đạt nhiều giải thưởng lớn về thơ khi tuổi còn rất trẻ: giải tác giả trẻ Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam (2008), Giải thưởng Hồ Xuân Hương lần 4 (2010), lần 5 (2015).
Thạc sĩ - nhạc sĩ Phạm Xuân Hải (sinh năm 1976, sinh ra và làm việc tại Vinh, Nghệ An), hiện tại là trưởng phòng Đào tạo, Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Nghệ An. Anh học đại học ở Học viện Âm nhạc Quốc gia chuyên ngành Sáng tác và tốt nghiệp thạc sỹ Văn hoá học ở Viện nghiên cứu Văn hoá.Anh đã có rất nhiều tác phẩm âm nhạc đạt giải cao tại các cuộc thi âm nhạc như: Vững tin bạn nhé (giải Nhất cuộc vận động sáng tác ca khúc “Tương lai tươi sáng cùng Giáo dục nghề nghiệp” do Tổng cục GDNN và Hội Nhạc sĩ Việt Nam phối hợp tổ chức), Bản làng ơn Bác (tác phẩm nghệ thuật đạt giải cuộc vận động làm theo Tư tưởng và đạo đức Hồ Chí Minh),Trở lại mái trường xưa (đạt giải Nhất cuộc thi “Sáng tác ca khúc về thầy cô, mái trường” năm 2021 do Bộ GD&ĐT tổ chức)…; Dệt may Việt Nam – thêu dáng rồng bay (đạt giải của Công ty dệt may Việt Nam), Bài ca Urenco Nghệ An, Ru mẹ lời thương, An Hưng group xanh, Nguồn vốn cho mọi nhà…
Trong kho tàng ca khúc Việt Nam hiện đại, số lượng những bài nhạc được phổ từ thơ chiếm tỷ lệ đáng kể như: “Bộ đội về làng” (Lê Yên phổ thơ Hoàng Trung Thông), “Anh vẫn hành quân” (Huy Du phổ thơ Trần Hữu Thung), “Đường chúng ta đi” (Huy Du phổ thơ Xuân Sách), “Cô gái vót chông” (Hoàng Hiệp phổ thơ Anh Ngọc), “Câu hò bên bờ Hiền Lương” (Hoàng Hiệp phổ thơ Đằng Giao), “Bước chân trên dải Trường Sơn” (Vũ Trọng Hối phổ thơ Đăng Thục), “Tiếng đàn bầu” (Nguyễn Đình Phúc phổ thơ Lữ Giang), “Đôi dép Bác Hồ” (Văn An phổ thơ Tạ Hữu Yên), “Trường Sơn Đông, Trường Sơn Tây” (Hoàng Hiệp phổ thơ Phạm Tiến Duật), “Nhớ” (Hoàng Vân phổ thơ Nguyễn Đình Thi), “Đợi” (Huy Thục phổ thơ Vũ Quần Phương)…
Với nhà thơ Mai Chiên và nhạc sĩ Phạm Xuân Hải, cả hai đều công tác dưới một mái trường, đã hiểu phần nào về quá trình sáng tạo của nhau. Mai Chiên đã sáng tác nhiều bài thơ cho nhạc sĩ Phạm Xuân Hải phổ nhạc trên cơ sở nhu cầu của các đơn vị đặt hàng. Các tác phẩm: Bài ca Urenco Nghệ An (đặt hàng của công ty Môi trường đô thị Nghệ An), An Hưng group xanh (đặt hàng của công ty Tập đoàn An Hưng),, Nguồn vốn cho mọi nhà (đặt hàng Ngân hàng Chính sách) Quế quỳ Mường Nọc (đặt hàng huyện Quế Phong), Phủ Tương Mường Xủng (đặt hàng huyện Tương Dương). Cũng có nhiều bài anh, chị viết không phải do đặt hàng mà trên cơ sở cảm hứng về quê hương, đất nước, con người Việt Nam.
Thơ Mai Chiên đã có rất nhiều nhạc sĩ phổ nhạc như: nhạc sĩ Bùi Việt Hà (Sông Lam đợi chờ), nhạc sĩ Mạnh CHiến (Hà Nội phố cổ đêm), nhạc sĩ Trần Dũng (Người giữ hồn quê), nhạc sĩ Lê Hoàng (Lời ru giấc ngủ Truông Bồn). Nhưng với nhạc sĩ Phạm Xuân Hải, anh là người đã phổ thơ của Mai Chiên nhiều nhất. Thơ Mai Chiên hội tụ được những yếu tố cần thiết, là: ý tứ sâu sắc, độc đáo, nhiều khi là mới lạ; kết cấu chặt chẽ, hợp lý, khó có thể cắt bỏ câu, chữ nào; cách gieo vần, tạo nhịp điệu phù hợp với ý tứ; từ ngữ tìm tòi ở mức đắt nhất với hàm lượng thông tin cao nhất:
Ví dụ, bài thơ Cánh diều Phù Xá:
Yêu em nhiều muốn đưa em về quê anh Phù Xá
Nơi có bãi sông lúa ngô mướt xanh đổi bờ gió thổi
Phù Xá quê anh đục trong chìm nổi bến giõ thuyền đưa những chuyến ngược ngàn
Yêu em âm thầm muốn đưa em về làm dâu.
về đây Sông Lam mênh mang bến cát chơi vơi
hò bơi thuyền đêm trăng sáng êm trôi
Phiên chợ người qua bờ tre xao xác tiếng rao thướt tha vạt áo mơ vàng
Về đây em thương những mùa nước lụt ướt đầm áo em bùn lấm chân trần
Về nơi đây xứ Nghệ quê anh
rồi mình ghé thăm quê nhà muôn ngả, qua cầu Mưng xuôi dòng Bến Thuỷ gặp lại Yên Xuân những cây cầu
Về nơi đây em sẽ thương hơn những người con quê làng Phù Xá
Người đi xa xã mãi không về
người xanh rêu cỏ mọc mộ phần
và em ơi nay bầu trời xanh thêm cánh diều xưa che nơi mẹ nằm đó, Phù Xá ơi
Cánh diều hát lời ru thủa nhỏ mẹ đã ru anh ngày tháng tuổi thơ
Những bài thơ của Mai Chiên đã khá hoàn chỉnh mọi yếu tố cấu thành trước khi đưa đến cho nhạc sĩ Phạm Xuân Hải phổ nhạc. Khi xuất hiện, các bài thơ ấy gây được ấn tượng, tạo mĩ cảm tối đa cho người thưởng thức. Nhưng khi chuyển thành bài hát, nhạc sĩ Phạm Xuân Hải có một số trường hợp cũng phải tổ chức lại lời lẽ trong một kết cấu, khúc thức nhất định của bài hát. Điều này đặt ra việc không thể bê nguyên xi lời thơ sang bài hát mà anh đã đôi lúc phải cắt xén, có khi lại cần thêm vào, lúc lại đảo thứ tự các khổ thơ.
Rất nhiều khi để cho bài hát hoàn chỉnh thì bài thơ đã không còn hình hài cũ. Anh Phạm Xuân Hải tâm sự: “Khi nhận được bài thơ hay của Mai Chiên, bản thân anh rất thích thú, cảm thấy tiếc những lời lẽ nhà thơ làm ra nên đôi lúc dễ sa vào việc huy động hết thơ vào bài hát dẫn đến ca khúc có chỗ lủng củng, rườm rà. Vì vậy, người nhạc sĩ khi phổ nhạc các bài thơ chính là đã thực hiện quá trình đồng sáng tạo, phải làm việc hết sức để cho ra đời “một đứa con” tinh thần mới”.
Có thời điểm, nhạc sĩ Phạm Xuân Hải đã chọn ngay những bài thơ có ý, tứ phù hợp với ý định sáng tác của mình khi Mai Chiên vừa viết xong một tứ thơ khi dịch covid bùng phát ở thành phố Vinh: “Vinh qua bão giông” . Sự đồng điệu về cảm xúc trong ý tứ, tư tưởng của tác phẩm đã giúp người nhạc sĩ tạo nên bài hát hay như: Cánh diều Phù Xá, Ru mẹ lời thương, Vinh qua bão giông, Dệt May Việt Nam thêu dáng rồng bay, Hào khí doanh nhân Việt Nam, Người chở nắng…
Và thực tế, từ thành công của những bài hát phổ thơ Mai Chiên đã chứng minh điều đó. Nếu gặp bài thơ hay nhưng dài hoặc có nhiều câu không phù hợp với tổ chức kết cấu bài hát thì phải lược bỏ. Ở trường hợp này, nhà thơ hiểu rằng việc cắt xén này tuy đó có thể là những câu thơ hay nếu tồn tại độc lập.
Thơ hay có thể ngắn, có thể dài, miễn gây được ấn tượng cho người đọc và người ta không thấy mệt khi đọc hết bài. Nhưng ca khúc thì khác hoàn toàn. Toàn bộ giai điệu (một lần) chỉ vang lên trong vài phút. Còn khi trình diễn, ca sỹ hát đi hát lại nhiều lần lại là chuyện khác. Dẫu hay đến mấy mà dài dòng cũng trở nên nhàm, khiến người nghe kém hứng thú thưởng thức. Vì thế, khi sáng tác cho nhạc sĩ phổ nhạc, Mai Chiên đã rất chú ý sự ngắn gọn trong câu từ, kết cấu, tính nhạc và nhịp điệu được chú ý nâng cao và đặc biệt ngôn ngữ được chắt lọc, gợi hình, gợi cảm:
Biết nói gì với Vinh
Con đường vắng ngắt
Biển quá xa, chân trời tít tắp
Đèn phố lên trắng như mặt đất bóng người đâu mất hút giữa lặng thinh.
Biết nói gì với Vinh
Bao lần mê rồi thức, bao lần cừoi rồi khóc, bao lần buộc thắt rồi gỡ buông
Ơi, những gió nóng ran quạt rát mặt đường
Ơi, những gió giông chực về phía biển
Ơi, những xót, những cay, những mất
Đó là Vinh của tôi.
Mộng mị đêm dài…
Ba phía cổng thành chốt đóng chăng dây
Bốn hướng phố bãi bờ hoang hoải
Ai đang nhớ rộng dài của biển
Ai đang mong xanh ngát núi rừng?
Đêm nay ta ngồi, phố rỗng tênh.
Biết nói gì với Vinh
Chờ đón mây tan ta về với biển
Chờ đón cuối đường xa bóng dáng bộ hành
Đêm vắng lại nghe còi tàu thành phố
Sáng tinh sương tiếng chợ sớm dập dìu…
(Vinh ngày giãn cách)
Vậy nên một bài thơ hay có thể châm chước yếu tố kết cấu miễn không lặp lại ý tứ, điệp từ, điệp ngữ. Còn ca khúc thì bắt buộc phải đặc biệt lưu ý đến điều này – gọi là khúc thức. Vậy nên, có lẽ lối phỏng thơ (không phổ hết từng câu từng chữ) sẽ là biện pháp tốt nhất khi xử lý việc chuyển bài thơ thành bài hát. Về mặt âm nhạc, khi phổ nhạc thơ Mai Chiên, Phạm Xuân Hải đã chịu ảnh hưởng của âm nhạc dân gian trong sáng tạo. Trong các ca khúc của anh, người yêu âm nhạc có thể cảm nhận sự kết hợp của âm hưởng Ca trù, Ví Giặm được vận dụng vô cùng khéo léo với lối sáng tác phương Tây khi phối khí. Những ca khúc Việt Nam mang âm hưởng Ca trù thường có một số đặc điểm dễ nhận thấy như: giai điệu thường có những âm nền trì tục, luyến quãng 4, quãng 5, quãng 3, trong cấu trúc thường có những đoạn nhạc nối, nội dung tác phẩm ca ngợi về đất nước, con người Việt Nam, lời ca có sử dụng những hư từ: ư, hư, hử, hự... Ca sĩ khi thể hiện bài hát cũng cần vận dụng những kỹ thuật hát cổ truyền như hát âm ngậm miệng, hát kiến đổ hạt, hát nhấn chữ, luyến chữ,… đồng thời kết hợp một số kỹ thuật thanh nhạc châu Âu gồm có kỹ thuật hát liền giọng, hát sắc thái to nhỏ, hát nẩy tiếng để xử lý tác phẩm.Đặc biệt, là người con của xứ Nghệ, anh đã chịu ảnh hưởng bởi dòng nhạc dân gian dân tộc –hát Ví, Giặm để tạo những tác phẩm giá trị và đầy bản sắc văn hoá như: Cánh diều Phù Xá … Cũng từ những chất liệu âm nhạc dân gian, rất mượt mà, kết hợp lời ca dung dị, gần gũi dễ đi vào lòng người, phù hợp với xu hướng thưởng thức âm nhạc hiện nay nhưng vẫn giữ được văn hóa dân tộc. Gần đây, nhạc sĩ thử sức ở dòng nhạc Bolero với ca khúc Ru mẹ lời thương viết riêng cho ca sĩ Duy Cừơng, Quán quân thần tượng Bolero 2018.
Hy vọng nhà thơ Mai Chiên và nhạc sĩ Phạm Xuân Hải sẽ tiếp tục cộng tác để có nhiều tác phẩm giá trị, đặc biệt là tạo nên những ca khúc mang âm hưởng dân ca nói chung và ca khúc mang âm hưởng Ca trù nói riêng, sẽ góp phần gìn giữ và phát huy truyền thống âm nhạc dân gian hiện nay.