Cơ hội việc làm đối với học sinh, sinh viên các ngành SP âm nhạc, SP mỹ thuật; Múa; Quản lý văn hóa ở Trường CĐ VHNT Nghệ An

          Về cơ hội việc làm với sinh viên ngành Sư phạm âm nhạc, Sư phạm mỹ thuật, Múa:

            Thực hiện Nghị quyết số 29/-NQ/TW ngày 4 tháng 11 năm 2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 88/2014/QH13 về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông, góp phần đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.
       Thực hiện chủ trương trên, tháng 4 năm 2017 Bộ Giáo dục và Đào tạo đã xây dựng hoàn thành dự thảo Chương trình đổi mới tổng thể giáo dục phổ thông, đang lấy ý kiến đóng góp của các nhà khoa học và xã hội, dự kiến sẽ đưa vào giảng dạy từ năm học 2018-2019.
      Chương trình giáo dục phổ thông đang dự thảo, bảo đảm phát triển phẩm chất và năng lực người học thông qua nội dung giáo dục với những kiến thức cơ bản, thiết thực, hiện đại; hài hòa đức, trí, thể, mỹ; chú trọng thực hành, vận dụng kiến thức để giải quyết vấn đề trong học tập và đời sống; ngoài các kiến thức về khoa học tự nhiên, khoa học xã hội, chương trình còn chú trọng đến phát triển năng lực thẩm mỹ, thực hành sáng tạo và cảm nhận nghệ thuật (âm nhạc, mỹ thuật, múa), nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển toàn diện của học sinh.
       Chương trình giáo dục phổ thông từ năm học 2017-2018 trở về trước, nội dung giáo dục nghệ thuật (âm nhạc, mỹ thuật, múa) chỉ được thiết kế thực hiện ở cấp Tiểu học và Trung học cơ sở, đến Trung học phổ thông (cấp 3) không có nội dung giáo dục nghệ thuật.
       Chương trình giáo dục phổ thông đang xây dựng, dự kiến thực hiện từ năm học 2018-2019, việc giáo dục nghệ thuật (âm nhạc, mỹ thuật, múa) được thiết kế thực hiện ở cả 3 cấp học: Tiểu học, Trung học cơ sở và cả Trung học phổ thông (cấp 3).
       Hiện nay đội ngũ nhà giáo giảng dạy các môn nghệ thuật (âm nhạc, mỹ thuật, múa) ở các trường phổ thông trong cả nước chỉ có ở cấp Tiểu học và Trung học cơ sở, còn ở cấp Trung học phổ thông (cấp 3) hầu như chưa có; để thực hiện được Chương trình phổ thông do Bộ giáo dục và Đào tạo đang xây dựng thì hầu hết các Trường Trung học phổ thông (cấp 3) trong cả nước phải tuyển dụng số lượng khá lớn đội ngũ nhà giáo các chuyên ngành nghệ thuật (âm nhạc, mỹ thuật, múa) mới đáp ứng được yêu cầu nội dung chương trình giảng dạy.
       Chương trình giáo dục phổ thông đang được cải cách xây dựng, mang lại cơ hội cho các cơ sở đào tạo ngành nghệ thuật (âm nhạc, mỹ thuật, múa) tăng qui mô đào tạo; cũng như tạo cho học sinh, sinh viên các ngành nghệ thuật (âm nhạc, mỹ thuật, múa) có cơ hội việc làm nhiều hơn sau khi ra trường.

            Đến với Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Nghệ An, người học đam mê với các ngành nghệ thuật và mong ước trở thành giáo viên nghệ thuật có thể đăng ký và thi năng khiếu ở nhiều ngành như Cao đẳng Sư phạm Âm nhạc, Cao đẳng sư phạm Mỹ thuật, Trung cấp Múa... Nhà trường có lịch sử xây dựng và trưởng thành là 50 năm. Đội ngũ các thầy cô giáo có trên 85 % có trình độ SĐH. Chương trình đào tạo luôn được cập nhật và thay đổi để phù hợp với nhu cầu xã hội và tình hình giáo dục phổ thông. Nhà trường thường xuyên liên kết với các trường đại học như Trường Đại học Nghệ thuật TW; Đại học văn hóa Hà Nội, Trường Đại học Nghệ thuật Huế để liên thông và nâng cấp trình độ cho người học.

            Về cơ hội việc làm với sinh viên ngành quản lý văn hóa:

            Người học ngành Quản lý văn hóa ở Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Nghệ An được trang bị những kiến thức để quản lý, tổ chức, điều hành các hoạt động văn hóa nghệ thuật trong khu vực nhà nước và ngoài nhà nước, đáp ứng nhu cầu xây dựng phát triển nền văn hóa Việt Nam trong quá trình hội nhập quốc tế. Sau khi tốt nghiệp, người học đủ khả năng làm việc tại Sở Văn hóa, Phòng và Trung tâm văn hóa; các nơi có chức năng xây dựng chính sách văn hóa và quản lý hoạt động văn hóa nghệ thuật; Ban Quản lý các dự án phát triển văn hóa nghệ thuật, các công ty tổ chức sự kiện và hoạt động truyền thông; các đơn vị tổ chức biểu diễn; bộ phận Marketing của doanh nghiệp tổ chức sự kiện văn hóa.

            Trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập sâu rộng trên mọi lĩnh vực, đối với Việt Nam cũng như các nước trên thế giới, phát triển văn hóa được coi như một cứu cánh, khi mà sự gia tăng của các giá trị kinh tế có thể mang lại sự thịnh vượng vật chất nhưng không phải hoàn toàn mang lại cho con người và xã hội hạnh phúc bởi sự mai một của những giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc. Chính vì vậy, từ cuối thế kỷ XX, Liên hợp quốc (UN) đã phát động “Thập kỷ văn hóa vì sự phát triển”(1987 – 1996). UNESCO cũng  đi tiên phong trong việc soạn thảo những tuyên bố, công ước để bảo đảm sự phát triển văn hóa trên thế giới đi đúng hướng, không bị các giá trị kinh tế thị trường làm sai lệch.

            Nhận thức sâu sắc giá trị của văn hóa trong quá trình phát triển, trong công cuộc đổi mới hiện nay,  Đảng ta xác định tiến hành đồng bộ và gắn kết chặt chẽ ba lĩnh vực: Phát triển kinh tế là nhiệm vụ trọng tâm, xây dựng, chỉnh đốn Đảng là nhiệm vụ then chốt cùng với việc xây dựng văn hóa với vai trò là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là động lực nhằm tạo nên sự phát triển nhanh, hiệu quả và bền vững của đất nước. Trong đó, nội dung xây dựng văn hóa được xác định: “Xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”, một định hướng quan trọng để đất nước phát triển bền vững.

            Ở bình diện vĩ mô, quản lý văn hóa đóng vai trò quan trọng trong việc định hướng lâu dài cho sự phát triển văn hóa của một quốc gia. Xét ở bình diện vi mô, những định hướng đúng đắn của quản lý văn hóa sẽ giúp cho các hoạt động văn hóa ở các địa phương, các vùng, miền thuận tiện hơn, tránh được sự lúng túng và tùy tiện trong việc thực thi các chính sách về văn hóa của Đảng và Nhà nước.

            Sự nghiệp xây dựng và phát triển văn hóa của đất nước trong bối cảnh hội nhập quốc tế đã và đang đặt ra đòi hỏi ngày càng cao đối với đội ngũ nhân lực làm công tác văn hóa và quản lý văn hóa. Để đáp ứng yêu cầu đó,  năm 2004, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ký quyết định cho phép Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Nghệ An mở mã ngành đào tạo Cử nhân Quản lý văn hóa.

            Ngành Quản lý văn hóa do Khoa Nghiệp Vụ Văn hóa và Du lịch quản lý,  có chức năng đào tạo Cử nhân ngành Quản lý Văn hóa. Sau khi tốt nghiệp, người học sẽ có đủ khối kiến thức và các kỹ năng chuyên ngành như:  quản lý, tổ chức, điều hành các hoạt động văn hóa, nghệ thuật trong khu vực nhà nước và ngoài nhà nước; kỹ năng nghiên cứu, đề xuất các chính sách văn hóa; kỹ năng quản lý, điều hành các tổ chức văn hóa; kỹ năng tổ chức các hoạt động văn hóa, nghệ thuật ở các cấp..., đáp ứng yêu cầu của xã hội và đất nước trong thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá và hội nhập quốc tế.

            Chương trình đào tạo của ngành Quản lý văn hóa của Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Nghệ An được xây dựng trên cơ sở tiếp thu có chọn lọc chương trình của nhiều trường đại học lớn ở Việt Nam như Trường Đại học Văn hóa Hà Nội, Trường  Đại học Sư phạm Nghệ thuật TW. Chương trình đào tạo được triển khai trong 3 năm. Cùng với phần lý thuyết được học tại trường, người học sẽ được đi thực tế, thực hành, thực tập tại các cơ sở văn hóa và các cơ quan, đơn vị quản lý văn hóa, nghệ thuật (Năm thứ hai và năm thứ ba). Ngoài ra, trong quá trình học tập, người học sẽ được tham dự các lớp tập huấn về các kỹ năng mềm như thuyết trình, báo cáo viên, MC... để thuận lợi hơn trong quá trình tuyển dụng và làm việc sau này.

            Nền văn hóa của một quốc gia nằm trong trái tim và tâm hồn của nhân dân. Văn hóa với những giá trị truyền thống là cốt lõi để dân tộc hội nhập mà không bị biến mất trong sự phát triển chung của nhân loại. Văn hóa chính là bệ đỡ của bất cứ dân tộc nào muốn phát triển đến tầm cao mới của thời đại. Đội ngũ những người làm công tác văn hóa và quản lý văn hóa mang trong trái tim mình tình yêu và trách nhiệm đối với văn hóa dân tộc, để đến với trái tim của mọi người cùng xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc.

            Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Nghệ An có lịch sử 50 xây dựng và trưởng thành, nhà trường có bề dày và kinh nghiệm trong đào tạo lĩnh vực quản lý văn hóa. Trong quá trình đào tạo, nhà trường luôn chú trọng đến việc xây dựng chương trình mang tính liên thông. Sau khi học trình độ cao đẳng ở nhà trường, người học có thể học liên thông lên trình độ đại học ở nhà trường hoặc các trường đại học khác. Đến nay, nhà trường đã cung cấp cho tỉnh nhà và khu vực hàng nghìn cử nhân ngành quản lý văn hóa, đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực của địa phương.

            Hiện nay, nhu cầu cán bộ làm công tác quản lý văn hóa là rất lớn, đặc biệt những người có kiến thức vững về nghiệp vụ quản lý văn hóa và có năng khiếu về nghệ thuật .Vì vậy, nếu các bạn học sinh có ước mơ trở thành một cán bộ chuyên quản lý lĩnh vực văn hóa và làm công tác văn hóa cơ sở, hãy đến với Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Nghệ An.

 

 

 

Liên kết hữu ích

TUYỂN SINH TRỰC TUYẾN

THƯ VIỆN ĐIỆN TỬ

THÔNG BÁO HỌC SINH, SINH VIÊN

VĂN BẢN

Điểm thi

Thiết kế website tại Vinh

công ty quảng cáo tại nghệ an