Chương trình giáo dục phổ thông mới, từ góc nhìn giáo dục nghệ thuật

Giáo dục nghệ thuật là một lĩnh vực thuộc giáo dục thẩm mĩ. Từ điển bách khoa Tâm lí học, Giáo dục học Việt Nam định nghĩa giáo dục thẩm mĩ (Aesthetics education) là “bộ phận quan trọng trong giáo dục, một bộ phận giáo dục toàn diện, gắn bó chặt chẽ và được thực hiện thông qua tất cả các quá trình giáo dục khác trong nhà trường. Giáo dục thẩm mĩ là đào tạo và phát triển thẩm mĩ (tình cảm thẩm mĩ, thị hiếu thẩm mĩ, năng lực thẩm mĩ) của nhân cách, làm cho nhân cách có những quan hệ thẩm mĩ đúng đắn đối với hiện thực (giáo dục cái thẩm mĩ), đồng thời thông qua các phương tiện thẩm mĩ, đặc biệt phương tiện nghệ thuật để tác động đến sự phát triển toàn diện và hài hòa của nhân cách (giáo dục bằng cái thẩm mĩ)”. Theo đó, trong nhà trường, giáo dục thẩm mĩ được thực hiện qua các môn học và các hoạt động giáo dục, nhằm hình thành năng lực thẩm mĩ. Giáo dục thẩm mĩ góp phần quan trọng trong quá trình kiến tạo sự phát triển toàn diện và hài hòa nhân cách của học sinh.

  1. Định hướng nội dung giáo dục nghệ thuật theo chương trình Đổi mới GDPT 2018

Giáo dục nghệ thuật góp phần hình thành, phát triển các phẩm chất chủ yếu và năng lực chung cho học sinh; đồng thời, thông qua việc trang bị những kiến thức cốt lõi, kĩ năng cơ bản về các lĩnh vực nghệ thuật, tập trung hình thành, phát triển năng lực thẩm mĩ và phát hiện, bồi dưỡng năng khiếu nghệ thuật cho học sinh; giáo dục thái độ tôn trọng, khả năng kế thừa và phát huy những giá trị văn hoá, nghệ thuật truyền thống của dân tộc trong quá trình hội nhập và giao lưu với thế giới, đáp ứng mục tiêu giáo dục hài hoà về đức, trí, thể, mĩ cho học sinh.

Giáo dục nghệ thuật được thực hiện thông qua nhiều môn học, mà cốt lõi là môn Âm nhạc và môn Mĩ thuật. Từ lớp 10 đến lớp 12, học sinh được lựa chọn môn học thuộc nhóm môn công nghệ và nghệ thuật phù hợp với định hướng nghề nghiệp, sở thích và năng lực của bản thân.

+Môn Âm nhạc

Giáo dục âm nhạc tạo cơ hội cho học sinh được trải nghiệm và phát triển năng lực âm nhạc - biểu hiện của năng lực thẩm mĩ với các thành phần sau: thể hiện âm nhạc, cảm thụ và hiểu biết âm nhạc, ứng dụng và sáng tạo âm nhạc; góp phần phát hiện, bồi dưỡng những học sinh có năng khiếu âm nhạc. Đồng thời, thông qua nội dung các bài hát, các hoạt động âm nhạc và phương pháp giáo dục của nhà sư phạm, giáo dục âm nhạc góp phần phát triển ở học sinh các phẩm chất yêu nước, nhân ái, chăm chỉ, trung thực, trách nhiệm, cùng các năng lực tự chủ và tự học, giao tiếp và hợp tác, giải quyết vấn đề và sáng tạo để trở thành những công dân phát triển toàn diện về nhân cách, hài hoà về thể chất và tinh thần.

Nội dung giáo dục âm nhạc được phân chia theo hai giai đoạn: giai đoạn giáo dục cơ bản và giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp.

Giai đoạn giáo dục cơ bản

Âm nhạc là nội dung giáo dục bắt buộc từ lớp 1 đến lớp 9, bao gồm những kiến thức và kĩ năng cơ bản về hát, nhạc cụ, nghe nhạc, đọc nhạc, lí thuyết âm nhạc, thường thức âm nhạc. Nội dung giáo dục âm nhạc giúp học sinh trải nghiệm, khám phá và thể hiện bản thân thông qua các hoạt động âm nhạc nhằm phát triển năng lực thẩm mĩ, nhận thức được sự đa dạng của thế giới âm nhạc và mối liên hệ giữa âm nhạc với văn hoá, lịch sử cùng các loại hình nghệ thuật khác; đồng thời hình thành ý thức bảo vệ và phổ biến các giá trị âm nhạc truyền thống.

Giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp

Âm nhạc là môn học được lựa chọn theo nguyện vọng và định hướng nghề nghiệp của học sinh. Nội dung môn học bao gồm kiến thức và kĩ năng mở rộng, nâng cao về hát, nhạc cụ, nghe nhạc, đọc nhạc, lí thuyết âm nhạc, thường thức âm nhạc. Những học sinh có sở thích, năng khiếu hoặc định hướng nghề nghiệp liên quan có thể chọn học thêm một số chuyên đề học tập. Nội dung giáo dục âm nhạc giúp học sinh tiếp tục phát triển các kĩ năng thực hành, mở rộng hiểu biết về âm nhạc trong mối tương quan với các yếu tố văn hoá, lịch sử và xã hội, ứng dụng kiến thức vào đời sống, đáp ứng sở thích cá nhân và tiếp cận với những nghề nghiệp liên quan đến âm nhạc.

+Môn Mĩ thuật

Giáo dục mĩ thuật trong nhà trường phổ thông góp phần hình thành, phát triển ở học sinh các phẩm chất chủ yếu và các năng lực chung, trọng tâm là khơi dậy và phát triển năng lực mĩ thuật - biểu hiện của năng lực thẩm mĩ với các thành phần sau: quan sát và nhận thức thẩm mĩ, sáng tạo và ứng dụng thẩm mĩ, phân tích và đánh giá thẩm mĩ; trên cơ sở đó giáo dục cho học sinh ý thức tôn trọng, kế thừa giá trị văn hoá, nghệ thuật dân tộc, tiếp cận giá trị thẩm mĩ thời đại, phát huy tinh thần sáng tạo phù hợp với sự phát triển xã hội.

Chương trình môn Mĩ thuật kết hợp cấu trúc tuyến tính và cấu trúc đồng tâm, mở rộng nội dung Mĩ thuật tạo hình, Mĩ thuật ứng dụng; lồng ghép, tích hợp hoạt động thảo luận và thực hành nghệ thuật; tạo cơ hội để học sinh được trải nghiệm và ứng dụng mĩ thuật vào đời sống thực tế; giúp học sinh nhận thức được tầm quan trọng của mĩ thuật, mối liên hệ giữa mĩ thuật với đời sống, văn hoá, lịch sử, xã hội và các môn học, hoạt động giáo dục khác, góp phần phát triển hài hoà về đức, trí, thể, mĩ cho mọi học sinh, đồng thời phát hiện, bồi dưỡng những học sinh có năng khiếu.

Nội dung giáo dục mĩ thuật được phân chia theo hai giai đoạn: giai đoạn giáo dục cơ bản và giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp.

- Giai đoạn giáo dục cơ bản

Mĩ thuật là nội dung giáo dục bắt buộc từ lớp 1 đến lớp 9. Chương trình tạo cơ hội cho học sinh làm quen và trải nghiệm kiến thức mĩ thuật thông qua nhiều hình thức hoạt động; hình thành, phát triển ở học sinh khả năng quan sát và cảm thụ nghệ thuật, nhận thức và biểu đạt thế giới; khả năng cảm nhận và tìm hiểu, thể nghiệm các giá trị văn hoá, thẩm mĩ trong đời sống và nghệ thuật.

- Giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp

Mĩ thuật là môn học được lựa chọn theo nguyện vọng và định hướng nghề nghiệp của học sinh. Nội dung giáo dục mĩ thuật được mở rộng, phát triển kiến thức, kĩ năng mĩ thuật đã hình thành ở giai đoạn giáo dục cơ bản, tiếp cận các nhóm ngành nghề liên quan đến nghệ thuật thị giác và có tính ứng dụng trong thực tiễn; tạo cơ sở cho học sinh được tìm hiểu và có định hướng nghề nghiệp phù hợp với bản thân dựa trên nhu cầu thực tế, thích ứng với xã hội.

` 2. Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD & ĐT) công bố Chương trình phổ thông tổng thể (Chương trình giáo dục phổ thông mới). Vấn đề này cũng đang được nhiều trường cao đẳng, đại học nghệ thuật (ĐHNT) quan tâm, trong đó có Trường Cao đẳng Văn hoá Nghệ thuật Nghệ An, là trường đang liên kết đào tạo trình độ Đại học Vừa học vừa làm ngành Sư phạm Mỹ thuật và Sư phạm Âm nhạc.

Chương trình giáo dục phổ thông mới với góc nhìn từ môn nghệ thuật đặt ra vấn đề cần có cách tiếp cận mới và nhận thức đầy đủ sâu sắc hơn của đội ngũ GVMT. Cần phải tiến hành nhiều việc cùng một lúc mới theo kịp sự đổi mới đặt ra và đòi hỏi nhận thức phải thật sự thẩm thấu. Các trường nghệ thuật phải cùng nhau xây dựng được các chuẩn mới trong mọi mặt để từ đó, tiến hành khảo sát thực trạng, đánh giá đúng số lượng đội ngũ giảng dạy cần bồi dưỡng, đào tạo lại để đáp ứng cho thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới hiệu quả. Chương trình giáo dục phổ thông mới có nhiều thay đổi, thể hiện ngay ở tên gọi hai giai đoạn là “giáo dục cơ bản” (cấp TH 5 năm và cấp THCS 4 năm) và giai đoạn “giáo dục định hướng nghề nghiệp” (THPT 3 năm). Vai trò và vị trí của nghệ thuật không tách rời các môn học khác trong định hướng hình thành, phát triển, bồi bổ nhân cách và năng lực sáng tạo, cảm thụ thẩm mỹ tích cực cho học sinh. Trong các cấp học đều có nghệ thuật và có sự tương tác gần gũi với hoạt động trải nghiệm sáng tạo đầy tính nhân văn và một vài môn học khác.

Ở Nghệ An, với những điều kiện về đội ngũ giáo viên mỹ thuật lâu nay đã được chuẩn bị khá tốt thì khả năng thích ứng, chuyển mình và hòa nhập của đội ngũ giáo viên trong chương trình giáo dục phổ thông mới về nghệ thuật thuận lợi hơn. Nhiều trường TH và THCS đã tổ chức tốt các hoạt động trải nghiệm, giáo dục nghệ thuật trong nhà trường, áp dụng các phương pháp kích thích, gợi mở cảm xúc thẩm mỹ và khơi dậy tiềm năng sáng tạo của học sinh. Đây là phương pháp dạy học mở giúp tăng cường dạy học hợp tác, tương tác nhóm nhưng cũng coi trọng phát triển tư duy sáng tạo của học sinh và lấy học sinh làm trung tâm. Giáo viên đóng vai trò tổ chức, hướng dẫn hoạt động sáng tạo, coi trọng việc tạo dựng môi trường học tập thân thiện và thoải mái, trong lành cho học sinh. Điểm nổi bật của của dạy học theo phương pháp mới là giáo viên có thể chủ động theo từng nội dung tiết dạy, không bị phụ thuộc vào khuôn mẫu. Các em thỏa thích sáng tạo, khám phá, tìm tòi, tự do thể hiện với tinh thần vừa học, vừa chơi, vừa sáng tạo, đồng thời phát huy tốt khả năng giao tiếp, tự tin, hòa nhập cho các em.

Môn nghệ thuật được đưa vào THPT và được xếp vào nhóm môn học tự chọn bắt buộc. Trong đó đặc biệt là tăng cường tiếp cận thực tế, tham quan bảo tàng, triển lãm… Tất cả những yêu cầu và định hướng mới của chương trình giáo dục phổ thông mới trên bình diện nghệ thuật đòi hỏi giáo viên dạy vẽ phải tự nâng cao trình độ, bồi bổ kiến thức và có tình yêu nghề cao, trách nhiệm mới đáp ứng được. Chương trình giáo dục phổ thông mới về nghệ thuật được đánh giá là có tính khoa học, bám sát được tính hiện đại nghệ thuật và dân tộc, có nội lực mạnh mẽ để thay đổi, xóa bỏ được những bất cập, tồn tại của giáo dục nghệ thuật trong nhiều thập kỷ qua. Một trong những điều cần làm sớm khi áp dụng chương trình là phải thông được về tư tưởng đổi mới giáo dục nói chung và giáo dục nghệ thuật nói riêng.

Muốn đạt được điều đó, ngoài sự cố gắng và tình yêu nghề của đội ngũ giáo viên mỹ thuật, sự ham học vui chơi, sáng tạo, trải nghiệm nghệ thuật của học sinh thì các trường học cần có nguồn kinh phí đáng kể để xây dựng các phòng đa chức năng và trang bị họa cụ đầy đủ cho việc triển khai môn nghệ thuật ở cấp 3 theo chương trình giáo dục phổ thông mới, tránh tình trạng CSVC thiếu thốn, kéo dài, không đồng bộ, dẫn tới học qua loa đối phó và coi nhẹ như ở một số trường hiện nay.

Hiện nay, Trường Cao đẳng Văn hoá Nghệ thuật Nghệ An đang liên kết đào tạo các mã ngành Sư phạm Mỹ thuật và Âm nhạc trình độ đại học nên nhà trường rất quan tâm đến việc nghiên cứu chương trình giáo dục đại học hai ngành này nhằm kiến nghị bổ sung một số học phần mới phù hợp với thực tiễn.

Đối với nhà trường, cần phân định rõ về năng lực đáp ứng triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới về bộ môn nghệ thuật ngay từ đầu vào; tăng cường khối lượng kiến tập, thực tập, thực hành chuyên môn và gắn kết với nhà trường phổ thông; chú ý nhận thí sinh từ nguồn cử tuyển cho vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn và con em đồng bào dân tộc thiểu số; khắc phục tồn tại trong đào tạo GVMT bậc TH vàTHCS trong hơn 20 năm qua ở khâu quan trọng nhất là kỹ năng sư phạm, hướng dẫn thực hành và tương tác nghệ thuật.

 

Liên kết hữu ích

TUYỂN SINH TRỰC TUYẾN

THƯ VIỆN ĐIỆN TỬ

THÔNG BÁO HỌC SINH, SINH VIÊN

VĂN BẢN

Điểm thi

Thiết kế website tại Vinh

công ty quảng cáo tại nghệ an