12/28/2021 3:23:00 PM thanhnga 2081 lượt xem Đào tạo
- Giới thiệu khái quát về hoạt động đào tạo tại Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Nghệ An
Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Nghệ An được thành lập theo Quyết định số 1507/QĐ-BGD&ĐT-TCCB ngày 23/03/2004. Các ngành nghề đào tạo của trường được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp. Hiện nay, Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Nghệ thuật Nghệ An đang đào tạo 12 ngành/nghề trình độ Cao đẳng, 06 ngành/nghề trình độ trung cấp và 02 ngành đào tạo Cao đẳng sư phạm. Trường là đơn vị sự nghiệp công lập thuộc UBND tỉnh Nghệ An, có mục tiêu đào tạo lao động trong lĩnh vực văn hóa thông tin, nghệ thuật, du lịch, giáo viên âm nhạc, mỹ thuật, nghiên cứu khoa học góp phần phát triển sự nghiệp văn hoá - nghệ thuật và du lịch, giáo dục – đào tạo; bảo tồn, khai thác kho tàng di sản văn hoá các vùng miền, xây dựng đời sống văn hoá cơ sở, đóng góp vào việc phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, của khu vực và nhu cầu chung của cả nước. Từ năm 2017 đến nay, thực hiện Nghị quyết Đại hội XII, XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Nghệ An lần thứ XVIII, XIX; Nghị quyết Đại hội Đảng bộ nhà trường, công tác giáo dục toàn diện phẩm chất, năng lực người học ở Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Nghệ An đã có những chuyển biến tích cực. Chất lượng đào tạo từng bước được nâng lên, hệ thống chương trình đào tạo tiếp tục được hoàn thiện, các mã ngành tiếp tục được mở rộng cho cả đối tượng học sinh trung cấp và sinh viên hệ cao đẳng. Tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm được đề cao; chất lượng đào tạo từng bước được cải thiện, hệ thống chương trình đào tạo đã được đổi mới, chú trọng phát triển các phẩm chất, năng lực cho học sinh, sinh viên; phương pháp giảng dạy theo hướng tích cực cũng được chú trọng. Công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống, kỹ năng sống cho học sinh, sinh viên được đẩy mạnh...
Hiện nay, Trường đã có đầy đủ khung chương trình đào tạo, đề cương chi tiết và giáo án, giáo trình, tài liệu tham khảo cho tất cả các ngành đào tạo. Chương trình đào tạo có mục tiêu chung và mục tiêu cụ thể, có cấu trúc hợp lí, được thiết kế một cách hệ thống trên cơ sở cụ thể hóa chương trình khung của Bộ GD & ĐT, Bộ LĐTB&XH đáp ứng được các yêu cầu về kiến thức và kĩ năng của từng trình độ đào tạo cũng như đáp ứng được yêu cầu của người học và của đơn vị sử dụng lao động.
Định kỳ 03 năm 01 lần, Nhà trường đều tiến hành rà soát, chỉnh sửa chương trình cũ, xây dựng chương trình mới phù hợp với yêu cầu của người học, thực tế của địa phương. Việc rà soát, bổ sung và điều chỉnh chương trình đào tạo được thực hiện định kỳ có tham khảo ý kiến phản hồi của nhà tuyển dụng và cựu sinh viên.
Căn cứ vào kế hoạch phát triển kinh tế xã hội của địa phương, phương hướng, nhiệm vụ công tác của ngành, nhà trường xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch đào tạo đúng tiến độ và đạt yêu cầu. Trong quá trình kiểm tra, đánh giá kết quả học tập, Nhà trường luôn đảm bảo nghiêm túc, khách quan, phù hợp với phương thức đào tạo, hình thức học tập và đặc thù của từng môn học.
Trường đã đa dạng hoá các phương thức đào tạo để đáp ứng yêu cầu học tập của người học, của người sử dụng lao động. Tổ chức đào tạo đúng mục tiêu, nội dung, chương trình giáo dục và phương pháp đánh giá phù hợp nên chất lượng đào tạo được đảm bảo, đáp ứng được nhu cầu sử dụng của xã hội. Tổ chức liên kết chặt chẽ với đơn vị sử dụng lao động nhằm nâng cao chất lượng đào tạo.
Trong quá trình tổ chức đào tạo, Trường thường xuyên quan tâm đổi mới phương pháp giảng dạy và học tập theo hướng lấy người học làm trung tâm, phát triển năng lực tự học, tự nghiên cứu của người học.
Trường xây dựng và phê duyệt kế hoạch tiến độ đào tạo cho từng lớp, từng khóa học mỗi ngành hoặc nghề, theo từng học kỳ, năm học. Kế hoạch đào tạo chi tiết đến từng mô đun, môn học, giờ học lý thuyết, thực hành, thực tập phù hợp với từng hình thức, phương thức tổ chức đào tạo và đúng quy định.
Các hoạt động đào tạo đều được thực hiện theo mục tiêu, nội dung chương trình đào tạo đã được phê duyệt. Kế hoạch, tiến độ đào tạo cho từng lớp, từng khóa học của mỗi ngành, theo từng học kỳ, năm học và kế hoạch đào tạo chi tiết đến từng môn học, giờ học lý thuyết, thực hành, thực tập phù hợp với hình thức, phương thức tổ chức đào tạo và đúng quy định. Kết quả đào tạo hàng năm đều được tổng hợp báo cáo và công bố công khai đến toàn thể cán bộ, giáo viên, giảng viên, người học toàn trường và các cấp quản lý
Căn cứ chương trình đào tạo, kế hoạch đào tạo của khóa học, năm học, Trường đã xây dựng kế hoạch cho người học đi thực hành, thực tập tại các đơn vị sử dụng lao động thông qua các quyết định của hiệu trưởng nhà trường về việc cử người học đi thực hành, thực tập tại đơn vị sử dụng lao động và kèm theo danh sách giáo viên hướng dẫn..
Trường soạn thảo đề cương thực hành, thực tập, quy chế đánh giá nội dung thực hành, thực tập với các đơn vị sử dụng lao động về việc cho người học thực hành, thực tập tại đơn vị sử dụng lao động.
Người học làm báo cáo sau khi kết thúc đợt thực hành, thực tập, có đánh giá kết quả của đơn vị sử dụng lao động. Ngoài ra, sau mỗi đợt thực hành, thực tập nhà trường tổ chức hội nghị tổng kết công tác thực hành, thực tập có sự tham gia của BGH, Trưởng các đơn vị, GVHD, sinh viên. Tại hội nghị tổng kết, GVHD báo cáo kết quả của sinh viên trong thời gian đi thực hành, thực tập. Người học đi thực tập được các đơn vị sử dụng lao động đánh giá cao. Qua đó các đơn vị sử dụng lao động có thể nhận người học vào làm việc sau khi ra trường thông qua danh sách đi thực tập. Các đơn vị sử dụng lao động có nhu cầu tuyển dụng lao động đến liên hệ với Trường để thông báo tuyển dụng, phòng Đào tạo kết hợp với các Khoa để giới thiệu người học đúng chuyên ngành cho các đơn vị tuyển dụng.
Ngoài ra, Trường tiếp tục đổi mới và hoàn thiện kế hoạch đào tạo theo nhu cầu người học. Liên hệ và tạo mối quan hệ mật thiết với các đơn vị, doanh nghiệp để thuận lợi cho việc thực hành, thực tập của người học trong và cuối khóa học nhằm đạt được mục tiêu, nội dung chương trình đào tạo đã được phê duyệt.
Trong năm học 2020-2021, Nhà trường sẽ thực hiện việc ký kết biên bản thỏa thuận với đơn vị sử dụng lao động về việc cho người học thực hành, thực tập.
Phương pháp đào tạo thực hiện kết hợp rèn luyện năng lực thực hành với trang bị kiến thức chuyên môn, phát huy tính tích cực, tự giác, năng động, khả năng làm việc độc lập của người học, tổ chức làm việc theo nhóm.
Bên cạnh những thành tựu, công tác giáo dục toàn diện phẩm chất, năng lực người học vẫn còn không ít những hạn chế về nhận thức và tổ chức thực hiện cần sớm được khắc phục. Việc đổi mới phương pháp dạy học, sử dụng các phương tiện, công cụ hiện đại, đặc biệt là công nghệ thông tin chưa thực sự hiệu quả; vấn đề rèn luyện kỹ năng sống, kỹ năng học tập, kỹ năng giải quyết vấn đề cho học sinh, sinh viên vẫn chưa thật sự được chú trọng. Nội dung chương trình, giáo trình, phương pháp giảng dạy chưa được hiện đại hóa tương xứng, còn nặng về lý thuyết, nhẹ về thực hành, chưa thực sự chú ý kỹ năng mềm cho người học. Đầu tư cho giáo dục chưa theo kịp yêu cầu phát triển. Công tác quản lý giáo dục còn gặp nhiều khó khăn. Chất lượng nguồn nhân lực đào tạo, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao ở các mã ngành nghệ thuật tuy đã được cải thiện, nhưng vẫn còn nhiều hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển của tỉnh nhà. Qua quá trình nghiên cứu Báo cáo tự kiểm định hệ thống chất lượng giáo dục Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Nghệ An các năm 2018, 2019, 2020, chúng tôi đã thu được một số nét cơ bản về các hoạt động giáo dục toàn diện phẩm chất, năng lực người học tại Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Nghệ An trong thời gian qua như sau:
2. Tình hình hoạt động giáo dục toàn diện phẩm chất, năng lực người học tại trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Nghệ An
2.1. Giáo dục phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống
Lãnh đạo công tác giáo dục chính trị, đạo đức, lối sống cho học sinh, sinh viên trong nhà trường là nhiệm vụ của Đảng uỷ. Thực hiện sự chỉ đạo của Đảng ủy nhà trường về công tác giáo dục chính trị, đạo đức, lối sống trong sinh viên là Phòng Công tác chính trị học sinh sinh viên, Đoàn thanh niên, Tổ bộ môn lí luận chính trị. Ba tổ chức này trực tiếp thực hiện nhiệm vụ và có vai trò lớn nhất trong công tác giáo dục chính trị, đạo đức, lối sống cho học sinh, sinh viên nhà trường.
Hiện nay, đội ngũ giảng viên giảng dạy các môn lý luận chính trị là những người giữ vai trò trọng yếu trong việc thực hiện nhiệm vụ giáo dục chính trị tư tưởng cho sinh viên nhà trường. Kết quả khảo sát của tác giả đề tài cho thấy, với câu hỏi: “Bạn được tiếp thu giáo dục chính trị tư tưởng thông qua hình thức nào là chủ yếu? Kết quả thu được là 15/20 chiếm 75% bạn sinh viên được phỏng vấn trực tiếp trả lời là tiếp thu “Từ các bài giảng của các môn khoa học Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh”, và 10% sinh viên được hỏi trả lời “Từ sinh hoạt đoàn, hội và các hoạt động ở phạm vi trong trường” và 10% sinh viên trả lời “Từ các phong trào hoạt động được tiến hành ở phạm vi ngoài trường” và 5% sinh viên cho rằng “Từ các phương tiện truyền thông”. Như vậy, với 75% sinh viên cho rằng được giáo dục chính trị tư tưởng chủ yếu “Từ các bài giảng của các môn khoa học Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh”, đã khẳng định vai trò trọng yếu của đội ngũ giáo viên giảng dạy các môn lý luận chính trị của nhà trường đối với công tác giáo dục chính trị tư tưởng trong học sinh sinh viên hiện nay.
Qua phỏng vấn về tình hình học tập các môn lí luận chính trị của sinh viên, khi trả lời câu hỏi: “Thái độ của bạn khi học các môn lí luận chính trị?”, có 8/20 sinh viên, chiếm 40% trả lời là khó đánh giá (vì tuỳ khả năng giảng dạy của mỗi giảng viên), 5% sinh viên trả lời chán nản, 10% sinh viên trả lời học nửa vời và có 45% sinh viên hứng thú. Mặc dù với câu hỏi: “Theo bạn học các môn lí luận chính trị giúp ích gì cho bạn?”, thì đa số sinh viên đều khẳng định là rất có ích cho bản thân, chỉ có 5% sinh viên trả lời không có lợi ích gì cho bản thân. Điều này chứng tỏ sinh viên cảm nhận được sự hữu ích và cần thiết của môn học.
Qua điều tra về công tác giảng dạy các bộ môn lí luận chính trị tại Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Nghệ An, tôi nhận thấy rằng: Giảng viên giảng dạy các bộ môn trên của nhà trường đã đạt chuẩn về bằng cấp, có trình độ chuyên môn cao, có bề dày về kinh nghiệm giảng dạy, thường xuyên cho sinh viên học tập, liên hệ thực tiễn, góp phần quan trọng vào thành công của công tác giáo dục chính trị, tư tưởng cho học sinh, sinh viên nhà trường.
Bên cạnh đó, phòng Công tác chính trị học sinh sinh viên phối hợp cùng với Đoàn thanh niên nhà trường cũng thường tổ chức các hoạt động chính trị xã hội, văn hóa nghệ thuật, thể dục thể thao nhằm giáo dục chính trị tư tưởng, thể lực, thẩm mỹ và lối sống cho học sinh, sinh viên. Tuy nhiên, hiện nay đại bộ phận đội ngũ cán bộ phòng công tác chính trị học sinh, sinh viên của trường đều là những cán bộ chuyên trách, hầu như chưa được thông qua đào tạo chuyên nghiệp về công tác chính trị, đạo đức, lối sống, điều đó ảnh hưởng rất lớn đến hiệu quả công tác giáo dục chính trị, đạo đức, lối sống cho sinh viên. Năng lực chuyên môn có hạn, làm hạn chế khả năng khảo sát, đánh giá về tình hình chính trị tư tưởng của học sinh sinh viên, đồng thời, gây ảnh hưởng đến chất lượng và hiệu quả của những đề xuất chủ trương, giải pháp có tính định hướng chính trị tư tưởng cho sinh viên đối với nhà trường, cũng như khả năng tổ chức thực hiện các hoạt động nhằm giáo dục chính trị, đạo đức, lối sống cho sinh viên là điều khó tránh khỏi.
Đoàn TNCS Hồ Chí Minh là tổ chức chính trị - xã hội của thanh niên, là người bạn đồng hành của thanh niên, nhằm thực hiện vai trò là trường học Xã hội chủ nghĩa trong thanh niên, hướng thanh niên đi đúng hướng mà Đảng và nhân dân đã lựa chọn. Đoàn thanh niên là tổ chức chủ chốt trong việc thực hiện nhiệm vụ chính trị, đạo đức, lối sống cho sinh viên, bởi với những hoạt động ngoại khóa do Đoàn tổ chức đã giúp sinh viên được giáo dục chính trị, đạo đức, lối sống với hình thái riêng không khô khan, cứng nhắc và gò bó làm mất đi sự gần gũi và phù hợp với sở thích của sinh viên. Nhờ đó, công tác giáo dục chính trị, đạo đức, lối sống được lồng ghép qua các hoạt động này sẽ dễ dàng được sinh viên tiếp thu. Chính vì vậy, năng lực công tác và trình độ nghiệp vụ cao hay thấp của cán bộ đoàn quan hệ trực tiếp đến sự thành bại của công tác chính trị, đạo đức, lối sống cho sinh viên trong trường học. Tuy nhiên, từ trước đến nay phần lớn cán bộ công tác trong tổ chức Đoàn thanh niên thường từ những chuyên ngành khác được bổ sung vào đảm trách. Chính vì vậy, đội ngũ này thường xem công việc họ đang thực hiện là tạm thời và có xu hướng chuyển đổi công tác trong thời gian tới. Trước hiện tượng không chuyên tâm với công việc hiện tại sẽ có ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng cũng như hiệu quả của việc thực hiện nhiệm vụ.
Ngoài ra, trong trường học Đoàn thanh niên giữ vai trò trực tiếp trong việc thực hiện giáo dục chính trị, đạo đức, lối sống cho sinh viên thông qua hoạt động thực tiễn, nhằm đáp ứng nhu cầu thực tiễn của công tác Đoàn. Hằng năm, Đoàn thanh niên tổ chức rất nhiều hoạt động, chính vì thế tổ chức này luôn phải đối diện với sự quá tải trong công việc. Đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ chính trị, đạo đức, lối sống trong sinh viên, Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ X nhận định: “Công tác giáo dục chính trị tư tưởng của Đoàn tuy đã có đổi mới nhưng chưa tác động sâu sắc đến đông đảo đoàn viên, thanh niên. Công tác nắm bắt, định hướng tình hình tư tưởng thanh niên có lúc, có nơi thiếu kịp thời.”(Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, 2013).
Thông qua phỏng vấn trực tiếp 20 sinh viên của Trường trong năm học 2020 – 2021 về tình hình thực hiện nhiệm vụ của đội ngũ thực hiện công tác chính trị, đạo đức, lối sống cho sinh viên đã cho kết quả như sau: Khi trả lời câu hỏi: “Thái độ của bạn đối với những hoạt động nhằm giáo dục chính trị tư tưởng của trường?” với 4 cấp độ: rất thích – thích- bình thường và rất thích thì đa số sinh viên đều chọn cấp độ 3 đó là “Bình thường”. Trong khi trả lời câu hỏi: “Theo bạn nhà trường tổ chức các phong trào có giúp ích cho bạn?”, thì đa số sinh viên đều cho rằng nhà trường tổ chức các phong trào có giúp ích cho bản thân của họ như “Nâng cao lý tưởng niềm tin” chiếm 37,8%, “Nâng cao được tư tưởng chính trị” chiếm 34.7%, “Khơi dậy lòng yêu nước” chiếm 33,5%, đặc biệt “Tăng cường năng lực thực tế” chiếm 49,4% và “Rèn luyện bản lĩnh trong cuộc sống” chiếm 61,2%.
Như vậy, đa số sinh viên đều nhận thức được vai trò và ý nghĩa của những hoạt động do trường tổ chức mang lại cho họ, tuy nhiên đa số sinh viên có thái độ đón nhận không mấy hào hứng, chính vì quá nửa những hoạt động này chỉ tổ chức mang tính hình thức.
Phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống là nền tảng, gốc rễ ở mỗi con người. Việc giáo dục hình thành phẩm chất tốt đẹp là cả một quá trình kiên trì, nhẫn nại trong suốt thời gian đào tạo. Như vậy, có thể thấy, hoạt động giáo dục phẩm chất chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống được nhà trường triển khai rất tốt qua các giờ dạy của giáo viên chính trị; qua các hoạt động của Phòng Công tác Học sinh - Sinh viên; qua hoạt động đoàn, qua các bài giảng của giáo viên các bộ môn khác... Ưu điểm có thể thấy rõ nhưng hạn chế một phần do số lượng sinh viên ngày càng ít, do tình hình dịch bệnh covid 19 diễn biến phức tạp, khó lường; gây khó khăn cho công tác tổ chức các hoạt động sôi nổi, chất lượng; đầu tư nguồn lực cho các hoạt động cũng hạn chế... Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng đào tạo của nhà trường.
2.2. Đào tạo, phát triển năng lực, chuyên môn nghiệp vụ
2.2.1. Về nội dung, phương pháp, phương tiện dạy học
Hiện nay, Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Nghệ thuật Nghệ An đang đào tạo 12 ngành/nghề trình độ Cao đẳng, 06 ngành/nghề trình độ trung cấp và 02 ngành đào tạo Cao đẳng sư phạm. Chủ yếu nhà trường đang đào tạo các ngành/nghề Cao đẳng Thanh nhạc nhạc, Biểu diễn nhạc cụ; Cao đẳng Hội họa, Cao đẳng Hội họa, các nghề Du lịch, Sư phạm Mỹ thuật, Sư phạm Âm nhạc và hệ trung cấp ngành Nghệ thuật Biểu diễn múa dân gian dân tộc, Biểu diễn nhạc cụ dân tộc, Biểu diễn nhạc cụ Phương Tây, Biểu diễn kịch hát dân ca, Hội họa...
Những năm qua, Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Nghệ An đã có nhiều chủ trương đổi mới, cải cách căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo, song nhìn chung về nội dung, phương pháp, phương tiện dạy theo quan điểm giáo dục toàn diện vẫn còn nhiều bất cập, hạn chế:
Nội dung chương trình đào tạo còn nặng về lý thuyết, nhẹ về thực hành, thiếu về thực tế; chưa tạo được sự thống nhất gắn mục tiêu giáo dục với nhu cầu phát triển năng lực, trình độ của người học đáp ứng yêu cầu xã hội và nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp.
Chương trình đào tạo của nhà trường hiện nay đã toàn diện nhưng còn dàn trải nhiều nội dung, kéo dài về thời lượng. Thời gian học kéo dài nhưng số lượng các môn học cũng nhiều, các em học sinh, sinh viên ít có thời gian tự học, tự nghiên cứu hoặc tham gia các hoạt động xã hội để tự rèn luyện các kỹ năng cần thiết. Đặc biệt là học sinh hệ trung cấp đang học phổ thông tại các trường trong thành phố. Các em không có nhiều thời gian để tham gia hết các giờ học tại nhà trường.
Trong chương trình đào tạo, các khoa chuyên môn chưa phân hóa rõ được nội dung nào là trọng tâm, chính khóa; nội dung nào là bổ trợ, ngoại khóa để học sinh, sinh viên có thể tự học, tự nghiên cứu dẫn đến làm mất thời gian, công sức của người học mà hiệu quả phát triển năng lực chuyên môn không cao.
Trong những năm gần đây, công tác tuyển sinh của Trường gặp nhiều khó khăn, nguồn học sinh học cao đẳng các ngành nghề khan hiếm dần, gây khó khăn cho tổ chức các lớp học.
Chương trình đào tạo của trường được xây dựng theo đúng quy định nhưng chưa có sự tham gia của các doanh nghiệp, đơn vị sử dụng lao động trong việc đóng góp ý kiến, đặc biệt là các đơn vị sử dụng lao động có người học sau khi tốt nghiệp ra trường tham gia vào việc xây dựng, rà soát, chỉnh sửa chương trình đào tạo phù hợp với sự phát triển của xã hội.
Trong thời gian qua, nhà trường chưa cập nhật thường xuyên thông tin của người học sau khi tốt nghiệp để kịp thời điều chỉnh nội dung chương trình đào tạo, đa dạng hóa các loại hình đào tạo cho phù hợp với thực tiễn.
Kết quả học tập và rèn luyện của người học chưa được công bố thông qua trang Website của nhà trường.
Việc ứng dụng công nghệ thông tin vào việc dạy học, nhất là đẩy mạnh phong trào nghiên cứu khoa học trong HS-SV chưa thật tốt. Sự đổi mới về phương pháp, phương tiện dạy học trong nhà trường nhiều khi chỉ mang tính hình thức. Trong vài năm gần đây, nhà trường đã tích cực áp dụng phương pháp giảng dạy tích cực nhưng hiệu quả đạt được so với yêu cầu đề ra chưa cao. Các thiết bị giảng dạy như đàn, máy chiếu, máy tính... được sử dụng làm phương tiện hỗ trợ nhưng nhiều lúc giáo viên đã sử dụng thiếu tính sáng tạo và hiệu quả tối ưu. Cơ sở vật chất dành cho đào tạo một số ngành của nhà trường còn thiếu đồng bộ, chưa kịp thời so với sự phát triển của khoa học công nghệ hiện nay như các mã ngành Du lịch, Đồ họa, Hội họa... Chưa có nhiều nguồn lực để đầu tư trang thiết bị dạy học, giáo trình, bài giảng nhằm giúp học sinh sinh viên có nhiều tài liệu học tập để nâng cao tính tự học, tự nghiên cứu. Đặc biệt, nhà trường chưa đầu tư nguồn lực để công nghệ số hóa các bài giảng điện tử, các video hướng dẫn thực hành để cung cấp cho người học tự học, tự nghiên cứu. Nhà trường chưa làm tốt khâu chăm sóc, khảo sát nhu cầu, tư tưởng, tình cảm, nguyện vọng học sinh, sinh viên.
Chưa có sự mở rộng quan hệ giao lưu, hợp tác với các trường bạn để trao đổi kinh nghiệm về chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ, giảng viên nhằm nâng cao chất lượng giảng dạy, tạo ra nguồn nhân lực có chất lượng đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế. Đặc biệt, chưa tổ chức được các hội thảo nhằm tìm ra giải pháp giáo dục toàn diện phẩm chất năng lực cho học sinh, sinh viên của nhà trường.
Một trong những điểm mới của các môn học trong chương trình giáo dục phổ thông tổng thể là việc tích hợp liên môn để giúp học sinh giảm tải. Vì vậy khi thực hiện sách giáo khoa phổ thông mới đòi hỏi giáo viên phải có năng lực hiểu sâu và rộng mọi lĩnh vực, phải huy động tối đa nguồn tri thức xã hội của bản thân, vận dụng vào trong bài giảng mới có thể trở thành người “khai sáng” cho học sinh, đáp ứng yêu cầu của chương trình mới. Hiện nay, để đáp ứng đối tượng học sinh trung cấp đang học tại các trường phổ thông, vừa học nghề tại Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Nghệ An, giáo viên của nhà trường trong thời gian qua chưa kịp thời tiếp thu các nội dung đổi mới và các phương pháp dạy học của giáo viên phổ thông nhằm thay đổi phù hợp với việc phát triển toàn diện phẩm chất, năng lực cho học sinh hiện nay.
Một số giảng viên vẫn quen với phương pháp giảng dạy truyền thống, giảng nhiều lý thuyết trong giờ thực hành, tiến trình thực hiện bài giảng thực hành chưa hợp lý. Ngoài ra, việc lấy ý kiến của người học về giáo viên chưa đầy đủ cũng là lý do thiếu một kênh thông tin để nhà trường đánh giá giáo viên và bản thân giáo viên biết điều chỉnh mình. Một số giáo viên chưa tạo được hứng thú cho người học. Trong quá trình dạy, nhiều giáo viên chưa phát triển cho sinh viên năng lực tư duy phản biện, năng lực trải nghiệm thực hành vận dụng tri thức... Nhiều giáo viên chưa hướng dẫn người học biết cách lựa chọn tìm kiếm tài liệu, tìm ra những điểm chính, điểm quan trọng trong các tài liệu đã đọc, đã nghe, ghi chép những điều cần thiết, viết tóm tắt, làm đề cương, biết cách lựa chọn tài liệu tam khảo, biết cách làm việc trong thư viện... Ngoài ra, các giáo viên của nhà trường cũng chưa có thời gian hướng dẫn người học lập các dự án chuyên môn, câu lạc bộ, các nhóm thực nghiệm, sáng tạo và các hoạt động ngoại khoá
2.2.2. Về người học
Người học vẫn chưa có nhận thức đúng đắn về quan điểm giáo dục toàn diện phẩm chất và năng lực. Xuất phát từ nhận thức chưa đúng đắn dẫn đến thái độ, tình cảm, quyết tâm chưa cao trong việc tự học tập, tự tu dưỡng bản thân. Đa số sinh viên nhà trường cho rằng chỉ cần chú trọng vào chuyên ngành đào tạo cho thật tốt để hình thành năng lực đáp ứng được yêu cầu chuyên môn nghề nghiệp đã chọn. Tâm lý của một bộ phận học sinh, sinh viên chỉ thích học thực hành, không muốn học các môn lý thuyết chung và lý thuyết chuyên ngành cũng là một khó khăn lớn cho giáo viên mặc dù các giáo viên đã nỗ lực cố gắng truyền tải kiến thức môn học cho sinh viên. Một số học sinh, sinh viên chưa xác định được động cơ học tập đúng đắn. Các em chỉ học “cho biết, cho vui”, chứ không theo đuổi đam mê nghề nghiệp đến cùng. Điều này dẫn đến việc giáo dục toàn diện kết hợp đào tạo chuyên sâu các mã ngành nghệ thuật của nhà trường gặp khó khăn.
Hơn nữa, bộ phận không nhỏ sinh viên lơ là, thiếu quan tâm đến việc tu dưỡng chính trị, đạo đức, lối sống mà đây mới chính là nền tảng, gốc rễ của mỗi con người. Điều này dẫn đến khiếm khuyết, lệch lạc trong nhân cách.
Tình trạng học tủ, học lệch, học đối phó, học vì điểm số, vì bằng cấp vẫn còn tồn tại phổ biến dẫn đến việc hình thành phẩm chất, năng lực cá nhân thiếu thực chất; tính chủ động của sinh viên còn yếu kém, tình trạng ỉ lại nhà trường khiến sinh viên phó mặc toàn bộ việc hình thành phẩm chất và năng lực vào chương trình đào tạo tại nhà trường. Điều này dẫn đến thực trạng sinh viên lười học, ngại rèn, ít tìm tòi, tự nghiên cứu thì mọi thành tố khác của giáo dục nhà trường có tốt đến đâu cũng không có tác dụng trong việc nâng cao chất lượng, kết quả thực hiện mục tiêu giáo dục và đào tạo.
Một trong những hạn chế của sinh viên Việt Nam nói chung, sinh viên nhà trường nói riêng có thể nhận ra là: yếu về chuyên môn nghiệp vụ, thiếu kỹ năng giao tiếp công chúng và làm việc nhóm, thiếu khả năng vận dụng giải quyết vấn đề, trình độ ngoại ngữ, công nghệ thông tin... Nhiều doanh nghiệp cho rằng thực tế chỉ 10-30% số sinh viên tốt nghiệp có thể đáp ứng được những yêu cầu cơ bản của đơn vị tuyển dụng, đa số trường hợp sau khi tuyển dụng, doanh nghiệp phải chấp nhận việc đào tạo lại [5;tr.110].
Nhà trường hiện nay vẫn chưa có khu ký túc xá (chỉ có khu lưu xá), khu luyện tập thể dục thể thao, căng-tin và các dịch vụ ăn uống kèm theo cho học sinh, sinh viên. Cũng vì thế, việc triển khai công tác tự quản của HSSV trên địa bàn dân cư, tăng cường các hoạt động phối hợp với chính quyền địa phương trong việc nắm bắt hoạt động ngoại trú của HSSV chưa được tốt.
Trên đây là những thực trạng hạn chế, bất cập được coi là nguyên nhân cơ bản khiến công tác giáo dục toàn diện của nhà trường gặp nhiều khó khăn trong triển khai kế hoạch.
2.3. Giáo dục thể chất, thẩm mỹ và ngoại ngữ
Các hoạt động giáo dục thể chất, thẩm mỹ và ngoại ngữ trong học sinh, sinh viên được nhà trường quan tâm, tổ chức triển khai một cách có hệ thống, đạt được những kết quả cơ bản và đã góp phần quan trọng vào nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo của nhà trường.
Nhà trường thường xuyên tổ chức các hoạt động, tạo điều kiện cho người học có môi trường để rèn luyện, nâng cao thể chất, thẩm mỹ và ngoại ngữ. Đa dạng các loại hình hoạt động văn hóa, văn nghệ và thể dục thể thao trong HSSV, phù hợp với điều kiện thực tiễn của nhà trường. Phát huy chức năng, nhiệm vụ của phòng Công tác chính trị HSSV trong lĩnh vực tư vấn, hỗ trợ học sinh, sinh viên. Đẩy mạnh các hoạt động tư vấn, hỗ trợ học sinh, sinh viên trong tất cả các lĩnh vực có liên quan đến người học. Trong những năm gần đây, không có người học vi phạm tệ nạn xã hội. Trường tạo điều kiện để người học thành lập Câu lạc bộ Ước mơ xanh; Câu lạc bộ học sinh, sinh viên dân tộc thiểu số, mở rộng môi trường sinh hoạt giao lưu lành mạnh giữa các HSSV với nhau. Nhiều HSSV theo đạo Thiên chúa giáo là cán bộ lớp năng nổ, nhiệt tình, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Người học được tạo điều kiện hoạt động, tập luyện văn nghệ, thể dục thể thao, tham gia các hoạt động xã hội; được đảm bảo an toàn trong khuôn viên trường. Hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao và các sinh hoạt văn hóa khác được triển khai có hệ thống, đáp ứng nhu cầu của người học, tạo sân chơi phong phú cho HSSV. Nhà trường hiện nay có 1 hội trường với đầy đủ trang thiết bị âm thanh, ánh sáng hiện đại; 01 sân khấu có mái che; 02 sân cầu lông; 01 sân bóng chuyền, cơ bản Nhà trường có đầy đủ cơ sở vật chất phục vụ các hoạt động văn hoá, văn nghệ, thể dục, thể thao đối với HSSV. HSSV được động viên, khuyến khích tham gia các chương trình biểu diễn nghệ thuật trong các hoạt động khai giảng năm học mới, các dịp kỷ niệm ngày lễ lớn; tham gia hội thi tài năng trẻ toàn quốc; tham gia các hoạt động giao lưu văn hóa, văn nghệ; tham gia biểu diễn ở các sự kiện lớn của cấp tỉnh như: tham gia cuộc thi “Sáng tác slogan du lịch Nghệ An”; cuộc thi “Ảnh đẹp du lịch Nghệ An lần thứ II” ; cuộc thi video clip “Nghệ An trong tôi”; giao lưu văn nghệ chào mừng kỷ niệm 59 năm ngày truyền thống Bộ đội Biên phòng (3/3/1989-3/3/2018) và 29 năm ngày Biên phòng toàn dân; Festival sinh viên khối thi đua các trường đại học, cao đẳng; phối hợp tổ chức Liên hoan các nhóm nhảy các trường đại học, cao đẳng; tổ chức chương trình nghệ thuật “Bài ca không quên” kỷ niệm ngày thương binh liệt sỹ 27/7/2018; tổ chức chương trình Gala sinh viên và chào Xuân Mậu Tuất 2018.
Học sinh, sinh viên được tham gia các hoạt động xã hội phong phú và bổ ích như: các hoạt động về nguồn, giáo dục truyền thống cho thanh niên, HSSV; tham gia các cuộc thi tìm hiểu như: cuộc thi nước và cuộc sống; tìm hiểu 70 năm ngày thương binh liệt sĩ; cuộc thi ánh sáng soi đường; cuộc thi thanh niên với an toàn giao thông; hội thi nghiệp vụ sư phạm, hội thi rung chuông vàng và tổ chức các giải thể thao trong học sinh sinh viên... Đoàn trường tổ chức các hoạt động tình nguyện với nhiều hình thức như ngày thứ 7 tình nguyện, chủ nhật xanh, tình nguyện hè về các huyện vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn,… Tổ chức chương trình nghệ thuật kỷ niệm Ngày công tác xã hội Việt Nam, phục vụ các đối tượng tại Trung tâm Bảo trợ Xã hội tỉnh Nghệ An. Bên cạnh học tập, các hoạt động phong trào và công tác xã hội là môi trường rèn luyện có hiệu quả đối với người học, thông qua đó, nhiều HSSV có đóng góp tích cực cho phong trào được chọn cử tham gia các lớp bồi dưỡng đối tượng kết nạp Đảng. Nhà trường triển khai khảo sát, điều tra tình hình bạo lực học đường và vi phạm pháp luật nhằm xây dựng môi trường học đường đạt tiêu chuẩn “An toàn về an ninh trật tự”. Công tác hướng nghiệp và hỗ trợ cho sinh viên khởi nghiệp có nhiều tiến bộ hơn so với trước.
Bên cạnh ưu điểm như trên, hoạt động giáo dục thể chất, thẩm mỹ và ngoại ngữ cho học sinh, sinh viên nhà trường cũng còn một số hạn chế. Một số học sinh, sinh viên chưa thật tích cực trong các hoạt động thể dục thể thao nhà trường tổ chức. Chất lượng học ngoại ngữ của các em chưa cao. Mặc dù là học sinh, sinh viên của một trường đào tạo về văn hóa nghệ thuật nhưng thị hiếu thẩm mỹ của một số bạn chưa tốt. Nhiều bạn sinh viên khoa Âm nhạc chưa biết thưởng thức và thực sự đam mê các sáng tác âm nhạc có chất lượng. Nhiều bạn sinh viên Mỹ thuật chưa am hiểu về các tác phẩm mỹ thuật đương đại. Thể chất của sinh viên nhà trường qua các đề tài nghiên cứu của giáo viên giáo dục thể chất khoa Lý luận đại cương cho thấy là chưa tốt.