Chữ Quốc ngữ và sự phát triển của văn xuôi Việt Nam 15 năm đầu thế kỷ XXI

Dưới góc nhìn văn hóa, lịch sử, bài viết phân tích mối quan hệ giữa chữ Quốc ngữ và sự phát triển của văn xuôi Việt Nam 15 năm đầu thế kỷ XXI. Văn xuôi chữ Quốc ngữ giai đoạn này đã có sự phát triển vượt bậc, không chỉ trong nước và cả ở nước ngoài. Một trong những tác động tích cực tới sự phát triển đó xuất phát từ vai trò của chữ Quốc ngữ hiện đại.

1. Chữ Quốc ngữ và sự phát triển văn hóa Việt Nam trong thế kỷ XX

Mặc dù được các giáo sĩ phương Tây sáng chế ra từ cuối thế kỷ XVII, chữ Quốc ngữ chỉ thực sự trở thành văn tự chính thức của các dân tộc ở Việt Nam từ đầu thế kỷ XX. Ban đầu, chữ quốc ngữ chỉ được xem là công cụ truyền đạo đắc lực và hiệu quả của các nhà truyền giáo. Từ khi hình thành cho đến một thời gian dài sau đó, chữ quốc ngữ chưa có chỗ đứng trong xã hội Việt Nam, ngoại trừ được sử dụng trong cộng đồng Công giáo. Cho tới khi thực dân Pháp xâm lược nước ta, với các công văn quy định buộc phải sử dụng chữ quốc ngữ, từ đó loại hình chữ viết này mới được lên ngôi. Trước tiên, tại Nam Kỳ, Phó Đề đốc De Lagrandière đã bãi bỏ Hán học và mở trường dạy chữ Pháp và chữ Quốc ngữ. Năm 1882, nhà cầm quyền còn ra những nghị định bắt buộc dân phải dùng chữ quốc ngữ trong mọi công văn giấy tờ. Sang đầu thế kỷ XX, chữ quốc ngữ không chỉ được thừa nhận mà còn được lan rộng qua các phong trào cổ động cho việc lựa chọn chữ quốc ngữ thay cho chữ Hán và chữ Nôm diễn ra trong khắp cả nước do các sĩ phu, trí thức hưởng ứng. Các tên tuổi có đóng góp cho sự phát triển của chữ quốc ngữ như: Huỳnh Tịnh Của, Trương Vĩnh Ký, Nguyễn Văn Vĩnh, Phan Châu Trinh… Nguyễn Văn Vĩnh khuyến khích mọi người đề cao việc học chữ quốc ngữ đã nói: “Chữ Quốc ngữ là hồn của nước”, “nước ta sau này hay dở đều ở chữ Quốc ngữ”.

Sau đó, năm 1917, vua Khải Định ra lệnh bãi bỏ tất cả các trường học chữ Hán. Năm 1932, vua Bảo Đại ra quyết định dùng chữ quốc ngữ thay cho chữ Hán. Năm 1938, Hội truyền bá chữ quốc ngữ ra đời, nhờ hội này, sự phổ biến chữ quốc ngữ nhanh chóng đến với quần chúng.

Đặc biệt, khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, ngày 8.9.1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra sắc lệnh chống mù chữ, bằng việc học chữ Quốc ngữ. Từ đây, chữ Hán và chữ Nôm mất đi địa vị của mình, chữ Quốc ngữ chiếm địa vị độc tôn trong xã hội Việt Nam.

Như vậy có thể nói, sự phát triển của chữ quốc ngữ một phần là do nó phù hợp với lịch sử, nhưng phần khác lớn hơn là do tính ưu việt so với các hình thức chữ có trước đó tại Việt Nam. Ưu thế này đã khiến chữ Quốc ngữ phát triển nhanh và gần như hoàn thiện chỉ trong vòng một thế kỷ đầu.

            Tóm lại, xuất phát từ những mục đích và động cơ khác nhau, những chính sách của chính quyền thực dân và các hoạt động của các nhà nho yêu nước đều dẫn đến kết quả là chuyển chữ Quốc ngữ từ môi trường "đạo" sang môi trường "đời" và trở thành văn tự chung của người Việt Nam. Vinh dự sáng chế ra chữ Quốc ngữ thuộc về các giáo sĩ đạo Thiên chúa, nhưng phổ cập chữ Quốc ngữ, hoàn thiện chữ Quốc ngữ thuộc về nhân dân Việt Nam, thuộc về Cách mạng Việt Nam. Việc sử dụng chữ Quốc ngữ đã tạo ra bước ngoặt phát triển của văn hóa Việt Nam. Cụ thể sự ảnh hưởng này có thể thấy rõ nhất trong các lĩnh vực trực tiếp sử dụng chữ Quốc ngữ như: Giáo dục, Báo chí, Sách...

            Mặc dù có những hạn chế ngặt nghèo, hệ thống nhà trường Pháp - Việt dưới thời Pháp thuộc cũng làm cho số lượng học sinh tăng lên dần. Đông kinh nghĩa thuc (1907) là tổ chức yêu nước đầu tiên đã phát động việc học chữ Quốc ngữ, tiếp đó là Hội truyền bá chữ Quốc ngữ (1938) và đặc biệt là vai trò cực kỳ to lớn của Phong trào Bình dân học vụ và Bổ túc văn hóa sau Cách mạng. Với chữ Quốc ngữ, giáo dục đã được dân chủ hóa, quá nửa dân số đã xóa được nạn mù chữ, mở đầu cho giải phóng tư tưởng, giải phóng phụ nữ, trang bị cho đông đảo quần chúng ý thức làm chủ vận mệnh đất nước. Điều đó sẽ dẫn tới thắng lợi vang dội của Cách mạng trên các trận tuyến quân sự, chính trị...

            Với lĩnh vực báo chí, thế kỷ XX chứng kiến sự phát triển rầm rộ của báo chí Việt Nam và điều đó cũng liên quan đến việc phổ cập chữ Quốc ngữ. Báo chín đã đóng vai trò "bà đỡ" cho sáng tác văn học. Nhiều sáng tác, dịch phẩm thường được in báo trước rồi mới tập hợp để in thành sách. Câu văn xuôi Tiếng Việt được rèn giũa, trau chuốt trên mặt báo...

            Với sách, được in ra ngày càng nhiều, do yêu cầu của công chúng mới ở các thành thị. Quần chúng đã có chuyển biến trong phong cách hưởng thụ văn hóa từ phương thức truyền miệng sang phương thúc đọc...   

            Bước sang thế kỷ XXI, chữ Quốc ngữ lại tiếp tục cuộc hành trình mới chi phối sâu sắc toàn diện mọi mặt sự phát triển văn hóa Việt Nam, trong đó có lĩnh vực văn xuôi.

            Mười lăm năm – một nửa chặng đường của thời kỳ đổi mới của văn học, nói rộng ra, của đất nước. Chỉ riêng lĩnh vực văn xuôi đã có quá nhiều điều đáng phân tích, nhận định, đánh giá. Việc này có cái khó của nó, vì sự kiện, hiện tượng văn học còn tươi nguyên, chưa đủ khoảng cách thời gian lùi xa cần thiết để nắm bắt, khái quát. Tuy vậy, rõ ràng không ai có thể phủ nhận được vai trò to lớn của chữ Quốc ngữ đối với thành tựu văn xuôi Việt Nam 15 năm đầu thế kỷ.

            2. Văn xuôi Việt Nam 15 năm đầu thế kỷ XXI

     Văn xuôi Việt Nam 15 năm đầu thế kỷ XXI, bên cạnh những cây bút của thế kỷ trước vẫn tiếp tục sáng tác sung sức, lực lượng kế thừa trẻ đang trưởng thành cả trong lẫn ngoài nước. Sự kiện các nhà văn hải ngoại xuất bản sách tại Việt Nam là bước đầu chứng tỏ sự hội nhập của bộ phận văn học người Việt ở nước ngoài vào đời sống văn học trong nước.

            Hơn 40 năm trước, Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 6 (1986) của Đảng Cộng sản Việt Nam đã chính thức đưa ra cương lĩnh nhằm đổi mới toàn diện, sâu sắc đất nước. Sau đó nhiều mặt của xã hội sớm có những chuyển biến hết sức tích cực. Văn học nghệ thuật cũng đã nhanh chóng hòa nhập với những đổi thay. Tháng 12/1987, Nghị quyết 05 của Bộ chính trị về văn hóa văn nghệ đã ra đời. Đây là văn bản hết sức quan trọng, vừa nguyên tắc, vừa thoáng mở, tạo điều kiện cho văn học nghệ thuật phát triển nhảy vọt, tương xứng với kỳ vọng của nhân dân.

            Quả nhiên liền sau đó, văn học cũng như nhiều lĩnh vực văn hóa văn nghệ khác đã có một vụ bội thu về số lượng và đạt giá trị cao về chất lượng. 15 năm đầu thế kỷ XXI đến nay, song song việc tiếp tục đón nhận những phát hiện mới trong kho tàng trí tuệ của cha ông, nhà văn được đến với chân trời văn nghệ của nhân loại – những giá trị rất quý của những nền văn học nghệ thuật khắp năm châu. Giới nghiên cứu lý luận của nước ta cũng đã hỗ trợ tích cực, kịp thời cho giới sáng tác bằng những thành tựu nghiên cứu của họ cũng như đã giới thiệu những tinh hoa của hệ thống lý luận văn hóa văn nghệ thế giới.

            Người nghệ sĩ được chủ động tự do sáng tác như Nghị quyết 05 của Bộ chính trị đã định hướng vì “tự do sáng tác là điều kiện sống còn để tạo nên giá trị địch thực trong văn hóa văn nghệ, để phát triển tài năng”. Tất nhiên mọi người đều hiểu quyền tự do ấy “được quy định bởi trách nhiệm và nghĩa vụ của mỗi người đối với Tổ quốc và chủ nghĩa xã hội”.

            Lớp nhà văn chủ lực của ba thập kỷ 70-80-90 của thế kỷ trước như Ma Văn Kháng, Nguyễn Trí Huân, Bảo Ninh, Nguyễn Khắc Trường, Trung Trung Đỉnh, Nguyễn Khắc Phục, Nguyễn Quang Hà v.v… sau một chặng đường sáng tác đáng nể, đến nay xuất hiện thưa thớt hẳn đi.       Thế nhưng có những cây bút tỏ ra vẫn sung sức như ngày nào như Nguyễn Khắc Phê lần với tiểu thuyết Thập giá giữa rừng (2003), Những ngọn lửa xanh (2008) và Biết đâu địa ngục thiên đường (2010). Chu Lai tiếp tục chuỗi tác phẩm gây ấn tượng Vòng tròn bội bạc, Bãi bờ hoang lạnh, Ăn mày dĩ vãng, Phố…bằng những tiểu thuyết được người đọc quan tâm: Cuộc đời dài lắm (2002), Khúc bi tráng cuối cùng (2004).

            Nổi trội hơn cả trong thế hệ tuổi đã “lên lão” này có Nguyễn Xuân Khánh, trong 15 năm, tính từ năm 2000 – lúc đã 68 tuổi đến nay, ngoài những tập truyện ngắn dễ thương viết cho thiếu nhi (Hai đứa trẻ và con chó Mèo xóm núi, Mưa quê và bản dịch hai chuyên khảo rất quý của Gustave Le Bon (Tâm lý học đám đông) và của Jean Piaget (Sự hình thành biểu tượng của trẻ nhỏ), ông cho xuất bản 3 cuốn tiểu thuyết dày dặn, qui mô và được đặc biệt đón nhận: Hồ Qúy Ly, Mẫu Thượng Ngàn, Đội gạo lên chùa. Mẫu Thượng Ngàn và Đội gạo lên chùa của ông có một hướng đi lạ. Nhà văn đề cập đến nền móng của văn hóa dân tộc – văn hóa làng với sự phức hợp giữa tinh hoa của những nguồn “ngoại nhập” như đạo Nho, đạo Phật và dòng chảy, nội sinh từ truyền thống tín ngưỡng của dân tộc từ ngàn xưa. Riêng tác phẩm Hồ Qúy Ly đem lại cho người đọc một hứng thú đặc biệt, buộc người đọc phải suy nghĩ về nhiều vấn đề quan trọng của lịch sử. Bản chung khảo của cuộc thi tiểu thuyết 1998-2000 của Hội nhà văn Việt Nam đã nhận xét xác đáng: “Hồ Qúy Ly đã góp phần nâng vị thế của tiểu thuyết lịch sử lên tầm cao mới. Lịch sử trở thành tiểu thuyết nhờ xúc cảm của chủ thể và như vậy trở nên dồi dào sự sống và sức cuốn hút”.

            Dòng tiểu thuyết lịch sử gần đây lại có những thành quả mới. Có thể nhắc đến tác phẩm Biên bản chiến tranh 1-2-3-4-75 của Trần Mai Hạnh và Đối chiến của Khuất Quang Thụy. Gần giống với Trần Mai Hạnh, nhà văn dựa vào 2 nguồn tài liệu: những trải nghiệm của bản thân tại chiến trường đường 9 Nam Lào, đồng thời anh khai thác tài liệu của đối phương.

            Tiếp đến, thế hệ nhà văn trung niên cũng đã có vị trí ổn định trong văn học Việt Nam đương đại vài chục năm nay, mà Hồ Anh Thái, Tạ Duy Anh, Nguyễn Bình Phương, Nguyễn Thị Thu Huệ, Nguyễn Nhật Ánh, Nguyễn Ngọc Tư… là đại biểu.

            Trước năm 2000, Hồ Anh Thái đã khẳng định sức sáng tạo dồi dào với một bút pháp mới mẻ qua hàng loạt tiểu thuyết và tập truyện ngắn. 15 gần đây, anh tiếp tục cho ra mắt các tiểu thuyết Mười lẻ một đêm, Đức Phật-nàng Savitri và tôi, Dấu về gió xóa…và những tập truyện ngắn Tự sự 265 ngày, Bốn lối vào nhà cười, Sắp đặt và diễn, Nói bằng lời của mình.

            Có thể do gắn bó lâu với văn học đương đại và với cuộc sống sôi động của Ấn Độ cũng như phương Tây nên Hồ Anh Thái đã hình thành cho mình cách viết luôn biến hóa đổi thay theo hướng hiện đại, từ cấu trúc tác phẩm đến văn phong. Cách viết này lúc đầu có thể khá xa lạ với thói quen, nếp cũ cảm thụ văn chương của đông đảo người đọc. Sự lạ lẫm ấy đến bây giờ chưa hẳn đã hết.

            Cũng trong thế hệ này, và cũng có ý thức đổi mới thi pháp thể loại, có thể nhắc đến những nhà văn đang độ chín của nghề như Tạ Duy Anh (Thiên thần sám hối, Đi tìm nhân vật…), Nguyễn Bình Phương (Trí nhớ suy tàn, Thoạt kỳ thủy, Ngồi…), Nguyễn Việt Hà (Cơ hội của Chúa) v.v…

            15 năm đầu thế kỷ XXI, có một cây bút viết sung sức cho thanh thiếu niên, đó là Nguyễn Nhật Ánh. Tiếp nối hàng chục cuốn xuất bản trước đó như: Cô gái đến từ hôm qua, Chú bé rắc rối, Nữ sinh (1989), Thiên thần nhỏ của tôi, Phòng trọ 3 người, Mắt biếc, Thằng quỷ nhỏ (1990), Hoa hồng xứ khác, Bong bóng lên trời (1991), Bồ câu không đưa thư, Những chàng trai xấu tính (1993), Trại hoa vàng (1994), Út Quyên và tôi, Buổi chiều Windows (1995), Kính vạn hoa (nhiều tập) (1995-1996) v.v… Tính từ năm 2000 trở đi, số lượng đầu sách của anh có ít hơn nhưng dày dặn hơn và có chiều sâu hơn: Chuyện về xứ Lang Biang (4 tập 2006), Tôi là Bê-tô (2007), Đảo mộng mơ (2010), Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh (2011) v.v…Riêng cuốn Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ – tác phẩm được giải thưởng ASEAN 2010, trong vòng 6 năm (2008-2014) đã được tái bản 46 lần. Ở bìa 4 của cuốn sách Nguyễn Nhật Ánh trân trọng ghi “Tôi viết cuốn sách này không dành cho trẻ em. Tôi viết cho những ai từng là trẻ em”. Đúng thế. Tác phẩm đáng để cho cả trẻ em và người lớn đọc. Trẻ nhỏ đọc để hiểu và yêu mình hơn và người lớn đọc để cảm thông với con trẻ hơn. Nguyễn Nhật Ánh có một văn phong trong sáng, đậm chất thơ và đậm chất nhân văn.

            Cùng trong thế hệ này nhưng ít tuổi hơn một chút, cây bút nữ Nguyễn Ngọc Tư rất đáng chú ý. Tính đến nay chị có 19 năm lao động nghệ thuật, sở trường về truyện ngắn và ký. Có thể kể tới các tập Ngọn đèn không tắt, Ông ngoại, Biển người mênh mông, Cánh đồng bất tận, Khói trời lộng lộng, Tập Cánh đồng bất tận (2005) có lúc cũng đã gặp những phản ứng trái chiều dữ dội.

            Sẽ rất đáng lo ngại nếu lực lượng viết thiếu lớp trẻ kế thừa. Trong phạm vi văn xuôi, tình hình khá lạc quan. Tín hiệu tích cực ấy được phát ra từ nhiều nguồn. Các tổ chức văn học, các tờ báo và một số nhà xuất bản đã góp sức động viên phong trào sáng tác trong thế hệ trẻ, nhằm phát hiện tài năng mới. Cụ thể, Nhà xuất bản Trẻ (TpHCM) kiên trì liên tục tổ chức các cuộc thi “Văn học tuổi 20” tính đến nay đã được 5 lần (1994-1995/2000-2001/2004-2005/2009-2010) và lần thứ 5 vừa mới kết thúc (2012-2014). Chỉ riêng lần thi thứ 5 đã có những con số rất đáng khích lệ: 328 tác phẩm dự thi, trong đó có 149 truyện dài và 179 tập truyện ngắn. 18 tác phẩm vào chung khảo và 9 tác phẩm được trao giải. Cả 18 tác phẩm này đều đã đến tay bạn đọc. Trừ Nguyễn Ngọc Thuần (tác phẩm Cơ bản là buồn, giải nhì) đã là cây bút quen thuộc với 6 đầu sách, cả tiểu thuyết và tập truyện ngắn, còn hầu hết đều là “lính mới”, kể cả người chiếm giải cao nhất (Nhật Phi – tác phẩm Người ngủ thuê).

            Dù có thể cầm bút chưa lâu nhưng nhiều tác giả đã khiến người đọc bất ngờ, thích thú về những trang viết đậm ý nghĩa tìm tòi, đổi mới về thể loại, từ phương thức tự sự, cấu trúc tác phẩm đến việc mạnh dạn sử dụng những yếu tố, thủ pháp nghệ thuật không dễ thành công như độc thoại, siêu thực, kỳ ảo.

            Có thể không hẳn những tác giả được xếp thứ hạng cao trong các cuộc thi đều sẽ trở thành nhà văn, nhưng nếu chung thủy với nghề sẽ có không ít người sẽ trở nên quen thân với độc giả, như các cây bút Nguyên Hương, Nguyễn Ngọc Tư, Trần Thị Hồng Hạnh, Trương Anh Quốc được vinh danh ngôi đầu trong các lần thi trước, góp vào văn xuôi Việt Nam đương đại những tiếng nói nghệ thuật mới.

            Cây bút nhí Đỗ Nhật Nam, sinh 2001 tại Nhật Bản. Lúc 7 tuổi em dịch 2 cuốn Nạp điện và Mặt trời mọc, Mặt trời lặn, lập kỷ lục “dịch giả nhỏ tuổi nhất VN”. 11 tuổi, Nhật Nam lại có kỷ lục mới: “Người viết tự truyện nhỏ tuổi nhất được xuất bản” với tác phẩm Tớ đã học Tiếng Anh như thế nào?.

            Em tiếp tục dịch một tác phẩm khá “người lớn” của John C. Maxwell “Tôi tư duy, tôi thành đạt”. Năm sau (2013), khi 12 tuổi Đỗ Nhật Nam lại có một cuốn tự truyện mới, dày dặn hơn (316 trang), chững chạc về tư duy nhưng vẫn rất hồn nhiên về văn phong, cách diễn đạt: Những con chữ biết hát. Tập tự truyện này đã lý giải một cách thuyết phục vì sao em có sự phát triển khác thường như thế. Nhật Nam không thể nói đến những tố chất “trời cho” của em, nhưng đã làm rõ môi trường sống của em (gia đình – nhà trường, mẹ cha – thầy cô – bè bạn) thật lý tưởng, tràn đầy tình thương yêu và hội đủ những điều kiện chăm sóc dạy dỗ một cách khoa học.           

            Có một hiện tượng văn học mà mươi năm gần đây ngày càng được người đọc quan tâm: những đóng góp của các nhà văn Việt Nam sống và viết ở nước ngoài.   Về văn học, có một hiện tượng đẹp, thể hiện tinh thần hoà hợp dân tộc cũng như xu thế toàn cầu hoá, dân chủ hoá của văn học đương đại Việt Nan: các nhà văn Việt Nam ở nước ngoài - ở Mỹ, Pháp và nhiều nước khác, đã gửi bản thảo của mình về các nhà xuất bản lớn trong nước để in.

            Trước hết, điểm danh lực lượng sáng tác này tuy chưa nhiều nhưng cũng khá đa dạng. Đó là Cao Huy Thuần, một giáo sư từng dạy Đại học Huế trước năm 1975, sau đó nhiều năm là giáo sư Đại học Pháp. Ông đã cho in hàng chục tác phẩm về triết học, tôn giáo, đạo đức, văn học tại các nhà xuất bản trong nước. Cũng từ Pháp có các cây bút nữ Việt Linh, Thuận. Ở Đức có Nguyễn Văn Thọ, Hiên Bonnin Trần; Ba Lan có Trần Quốc Quân. Ở Na Uy có cây bút nữ cao tuổi Lệ Tân Sitek. Từ thành phố Toronto ở Canada có sự góp mặt của Nguyễn Thu Hoài. Và từ Hoa Kỳ, nhiều nhà văn cũng đã giới thiệu tác phẩm của mình với bạn đọc trong nước: Nguyễn Mộng Giác, Phan Việt, Chị Đẹp (bút hiệu của Lê Phương Thảo) v.v…

            Có thể coi mười lăm năm qua là chặng đường hội nhập đầu tiên của một bộ phận văn học người Việt ở hải ngoại vào dòng sông lớn của văn học hiện đại Việt Nam. Số lượng tác phẩm được giới thiệu trong nước tuy chưa nhiều nhưng là một tín hiệu đáng khích lệ. Có thể cả tin, sự hội nhập này sẽ càng tăng tiến mạnh mẽ. Văn đàn dân tộc sẽ đông vui hơn về lực lượng sáng tác, đa dạng hơn về khuynh hướng và giọng điệu nghệ thuật. Và hệ quả tất yếu sẽ là: đông đảo người đọc trong và ngoài nước sẽ được hưởng thụ những giá trị có chất lượng cao do văn học mang tới.

            Có thể nói, văn xuôi Việt Nam đầu thế kỷ XXI phong phú về đề tài; cảm hứng sáng tác; đa dạng về phương diện hình thức; thể loại và những bút pháp tương ứng... Tổng hợp những nét chính về sự phát triển của văn xuôi như trên theo tác giả cũng chưa đủ để nhận diện toàn bộ hình hài văn xuôi Việt Nam đầu thế kỉ XXI, song bước đầu mạnh dạn đưa ra sự tổng hợp đó để thấy được vai trò của chữ Quốc ngữ đối với sự phát triển này.

            III. Vai trò của chữ Quốc ngữ đối với sự phát triển văn xuối Việt Nam 15 năm đầu thế kỷ XXI

Thế kỷ XX, chữ Quốc ngữ là cơ sở để mở rộng chức năng của tiếng Việt,  vươn lên thành ngôn ngữ chính thức của quốc gia. Nó được dùng trong hành chính, ngoại giao, giáo dục, sáng tác văn học... Bước sang thế kỷ XXI, chữ Quốc ngữ tiếp tục là công cụ bảo tồn và phát triển văn hóa Việt Nam. Chữ Quốc ngữ là cơ sở để tiếng Việt phát triển, văn học phát triển.

Về mặt từ vựng, trong lĩnh vực văn xuôi 15 năm đầu thế kỷ XXI, chữ Quốc ngữ đã giúp tạo ra hệ thống từ mới nhằm hỗ trợ các nhà văn diễn đạt tư duy trong chiều sâu và đỉnh cao của nó. Vì thế, thành tựu về thể loại văn xuôi ở nước ta đa dạng hơn, đặc biệt là tiểu thuyết - cỗ máy cái của văn học, thể loại “không đông cứng”, luôn thích nghi với những chuyển động phong phú của đời sống. Ngày càng xuất hiện nhiều khuynh hướng tiểu thuyết, thể hiện sự cách tân triệt để trong xu thế hội nhập với văn học toàn cầu.

Các nhà tiểu thuyết thuộc khuynh hướng cách tân đầu thế kỷ XXI (Nguyễn Bình Phương, Tạ Duy Anh, Thuận...) đã có nhiều cách tân trong xây dựng nhân vật. Trong tác phẩm của họ, những giấc mơ, những cơn mộng mị, mê sảng…trở thành một “chiếc cầu nối” lạ lùng đưa người đọc vào cõi hoang vu nhất, sâu kín nhất của tâm hồn nhân vật. Để làm được điều này, các nhà văn đã sử dụng hệ thống từ ngữ liên quan đến giấc mơ, những cơn mộng mị, mê sảng...  Ở đó, chúng ta thấy được những mơ ước thầm kín, những nỗi sợ hãi dày vò, những bí mật đen tối,  hay những niềm hy vọng và tuyệt vọng không thể giãi bày, những vùng ký ức không thể nguôi ngoai… mà văn học thế kỷ XX vẫn chưa làm được một cách xuất sắc. Trong các tiểu thuyết Thoạt kỳ thủy, Ngồi, Đi tìm nhân vật…, giấc mộng là biểu hiện của những gì bí mật, riêng tư nhất của mỗi cá nhân. Các tác giả cũng “tuyệt đối tôn trọng ngôn ngữ riêng của mơ: thường thường đó là những hình ảnh, âm thanh được lắp ghép một cách phi lý”. Và chữ Quốc ngữ đã có công rất lớn để giúp các nhà văn tạo nên sự cách tân này. Chữ Quốc ngữ đã giúp nhà văn xây dựng hệ thống nhân vật, kết cấu - cốt truyện, không - thời gian, ngôn từ và chủ thể trần thuật một cách mới lạ. Cấu trúc của chủ thể trần thuật trong các tác phẩm văn xuôi đầu thế kỷ XXI, đặc biệt là tiểu thuyết có nhiều điểm độc đáo và phức tạp hơn các sáng tác giai đoạn trước đó. Trên văn bản tiểu thuyết, trong dòng chảy của các sự kiện và lời trần thuật, độc giả có thể gặp đây đó lời của một người kể chuyện xưng "tôi" hướng đến độc giả, thuyết phục họ bằng những trải nghiệm của mình. Tác giả xưng tôi này hướng đến nhiều cung bậc cảm xúc: đồng cảm, đau xót, vui mừng, ngạc nhiên, tiếc nuối, phẫn nộ...

 Về ngữ pháp, dấu chấm câu mà chữ Quốc ngữ du nhập vào Việt Nam đã góp phần tích cực vào việc sáng tạo các câu văn viết một cách sáng sủa, mạch lạc. Điều đó thể hiện qua các trang văn xuôi của các tác giả thời kỳ này. Chữ Quốc ngữ đã giúp diễn đạt tư duy logic, thể hiện những tư tưởng khoa học cách trọn vẹn hoàn hảo.

 Về mặt ngữ âm, chữ Quốc ngữ giúp xác định chính âm cho tiếng Việt, tạo sự thống nhất chữ viết cho tất cả các nhà văn trong và ngoài nước.

 Chữ Quốc ngữ là phương tiện vô cùng quan trọng để phát triển văn xuôi Việt Nam đầu thế kỷ XXI. Giữa một ngôn ngữ và văn tự tương ứng với nó luôn có mối quan hệ mật thiết và chặt chẽ. Nếu như những kí hiệu văn tự biểu thị một cách khoa học và chính xác hệ thống âm vị của ngôn ngữ đó thì trải qua trường kỳ lịch sử, giữa ngôn ngữ và văn tự đó sẽ luôn tác động qua lại tích cực để cùng tồn tại và phát triển. Đến nay, chữ Quốc ngữ vẫn là thứ chữ thích hợp nhất với tiếng Việt, có khả năng biểu thị một cách dễ dàng, chính xác bất kỳ thanh âm nào của tiếng Việt. Thế kỷ XX, chữ Quốc ngữ đã trở thành văn tự của cộng đồng dân tộc Việt Nam. Thế kỷ XX là thời kỳ biến động và đổi thay vĩ đại của lịch sử Việt Nam. Trước Cách mạng tháng 8 - 1945, dân tộc Việt Nam quyết tâm giành lại chủ quyền. Sau Cách mạng là hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Những kỳ tích đó đã làm hồi sinh và phát huy cao độ ý thức dân tộc Việt Nam, bản lĩnh của dân tộc Việt Nam, cơ sở tư tưởng cần thiết cho sự phát triển văn hóa. Về giáo dục, báo chí, sách... những lĩnh vực và hoạt động văn hóa trực tiếp sử dụng tiếng Việt có nhiều thành tựu rực rỡ. Bước sang thế kỷ XXI, chữ Quốc ngữ lại tiếp tục làm cho sự phát triển của văn hóa nói chung, văn học nói riêng phát triển mạnh mẽ, trong đó có văn xuôi, thể hiện ở số lượng tác phẩm, sự đa dạng thể loại, sự biến hóa về ngôn ngữ, sự phong phú về nghệ thuật trần thuật... nhằm thể hiện thế giới đời sống của con người Việt Nam trong thế kỷ XXI.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1) Đặng Anh Đào, Đổi mới nghệ thuật tiểu thuyết phương Tây hiện đại, Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội, 2001.

(2) Nguyễn Văn Hoàn (2000), Chữ Quốc ngữ và sự phát triển của văn hóa Việt Nam trong thế kỷ XX, Tạp chí Văn học số 9, tr.43.

(3) Phạm Xuân Thạch (2006), Tiểu thuyết như là trạng thái tìm kiếm ý nghĩa đời sống, Báo Văn nghệ số 45.

(4) Nguyễn Thị Như Trang (2017), Cấu trúc chủ thể trần thuật trong tiểu thuyết huyền thoại thế kỷ XX, Tạp chí Giáo dục Nghệ thuật, Trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật TW.

 

 

 

Liên kết hữu ích

TUYỂN SINH TRỰC TUYẾN

THƯ VIỆN ĐIỆN TỬ

THÔNG BÁO HỌC SINH, SINH VIÊN

VĂN BẢN

Điểm thi

Thiết kế website tại Vinh

công ty quảng cáo tại nghệ an