Thực hiện kế hoạch nghiên cứu khoa học năm 2021, sáng ngày 23 tháng 11 năm 2021, Hội đồng nghiệm thu đề tài khoa học Trường CĐ VHNT Nghệ An tổ chức nghiệm thu đề tài khoa học Nâng cao hiệu quả hoạt động thư viện tại trường CĐ VHNT Nghệ An của Th.S Hoàng Thị Lam, giảng viên, cán bộ Trung tâm nghệ thuật Acapela. Trong đề tài của mình, Th.S Hoàng Thị lam đã đề cập đến những vấn đề liên quan đến hoạt động thư viện trường cao đẳng, đại học và thư viện trường Cao đẳng Văn hoá Nghệ thuật Nghệ An. Đó là:
-Thực trạng hoạt động của thư viện tại Trường Cao đẳng Văn hoá Nghệ thuật Nghệ An
+ Hoạt động bổ sung vốn tài liệu
+ Công tác xử lý thông tin
+ Tổ chức kho, sắp xếp và bảo quản tài liệu
+ Sản phẩm và dịch vụ thông ti – thư viện
-Một số giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động thư viện Trường Cao đẳng Văn hoá Nghệ thuật Nghệ An.
+ Tăng cường nguồn lực thông tin
+ Hoàn thiện và phát triển các sản phẩm và dịch vụ thông tin
+Các giải pháp khác
Trong đề tài, tác giả Hoàng Thị Lam đã chỉ rõ: Thư viện trường học là bộ phận không thể thiếu của quá trình giáo dục. Để hoàn thành tốt nhiệm vụ đào tạo, thư viện trường học phải tham gia tích cực vào cộng đồng giáo dục thông qua các chương trình được nghiên cứu cẩn trọng về các hoạt động giảng dạy và dịch vụ. Các chương trình và hoạt động được thư viện trường phải phù hợp với mục tiêu của nhà trường. Thư viện trường học đóng vai trò thiết yếu trong hoạt động giảng dạy và học tập ở nhà trường; thư viện trường học cũng đóng góp cho việc thực hiện các mục tiêu xã hội của nhà trường như gắn kết người học, liên kết người học và quan hệ giữa nhà trường với cộng đồng bên ngoài. Các mục tiêu của thư viện trường học phải phù hợp với các mục tiêu của nhà trường như nâng cao tri thức, học tập theo chương trình giảng dạy, cũng như trách nhiệm và nghĩa vụ của công dân. Vai trò của thư viện trường học trong việc hoàn thành mục tiêu của nhà trường phụ thuộc vào các nguồn lực và việc phân bổ nhân lực cho thư viện trường học.
Các dịch vụ và hoạt động phải được thiết kế bởi các cán bộ thư viện có trình độ, trên cơ sở phối hợp chặt chẽ với hiệu trưởng nhà trường hoặc các trưởng khoa và các giáo viên chủ nhiệm trong nhà trường, với các giáo viên đứng lớp, và học sinh, sinh viên. Cán bộ thư viện phải lựa chọn các nguồn lực thông tin phục vụ giảng dạy, học tập và hợp tác với các giáo viên đứng lớp để xây dựng các nội dung giảng dạy dựa trên các nguồn lực đó. Trọng tâm các hoạt động cốt lõi của một thư viện trường học sẽ phụ thuộc vào chương trình và ưu tiên của nhà trường và phải phản ánh những tiến triển về mục tiêu đào tạo qua từng cấp học.
Một vấn đề mà tác giả đề tài đã đề cập là thư viện trường học giúp học sinh nâng cao hiểu biết và khuyến khích việc đọc. Nghiên cứu cho thấy có mối liên quan trực tiếp giữa mức độ đọc và kết quả học tập, và việc tiếp cận với các tài liệu đọc là nhân tố chính để phát triển những người đọc say mê và có kĩ năng. Đề tài cũng cho thấy số lượng bạn đọc cả giáo viên, cán bộ giảng dạy ngày càng ít dần. Điều này là báo động đỏ cho văn hoá đọc trong trường học, cần phối hợp nhiều giải pháp đồng bộ.
Bên cạnh đó, cán bộ thư viện trường học rất quan trọng. Họ phải vận dụng các phương pháp thực tế và linh hoạt khi cung cấp các tài liệu đọc cho người dùng, khuyến khích các sở thích cá nhân của người đọc, và tôn trọng các quyền cá nhân được lựa chọn tài liệu họ muốn đọc. Cán bộ thư viện trường học phải cộng tác được với các giáo viên chuyên dạy các đối tượng học sinh này để trợ giúp các nhu cầu đọc của họ. Cán bộ thư viện trường học cần tạo dựng một môi trường thẩm mĩ và truyền cảm hứng với nhiều loại hình tài liệu in và tài liệu số, đồng thời tạo điều kiện cho nhiều hoạt động khác nhau từ đọc yên tĩnh tới thảo luận nhóm và hoạt động sáng tạo. Cán bộ thư viện trường học cần đảm bảo các chính sách mượn thoải mái nhất có thể và hết sức tránh việc phạt tiền hoặc phạt dưới hình thức khác đối với tài liệu mượn quá hạn và tài liệu bị mất.
Các thành viên Hội đồng đã tập trung thảo luận, đưa ra các ý kiến nhận xét về ưu điểm của đề tài đó là nhận diện được tình hình thực tế tổ chức hoạt động động thư viện tại trường CĐ Văn hoá Nghệ thuật Nghệ An; Đồng thời khẳng định đề tài đã được thực hiện nghiêm túc, công phu, có tính lý luận và thực tiễn cao, là tài liệu có giá trị tham khảo tốt cho công tác tổ chức,quản lý và điều hành hoạt động thư viện nhà trường.. Bên cạnh đó, Hội đồng cũng chỉ ra một số vấn đề còn tồn tại, hạn chế của đề tài như số liệu chưa mới. Tại buổi nghiệm thu, Th.S Hoàng Thị Lam cũng đã trả lời, làm sáng tỏ những vấn đề mà Hội đồng yêu cầu, đồng thời trân trọng cảm ơn những ý kiến đánh giá khách quan, xác đáng của các thành viên Hội đồng nghiệm thu đã chỉ ra, giúp tác giả tiếp tục bổ sung, điều chỉnh để đề tài khoa học có chất lượng tốt hơn.
Hội đồng bỏ phiếu đánh giá xếp loại đề tài đạt loại xuất sắc. Kết luận phiên nghiệm thu, TS Nguyễn Thị Thanh Đức, Chủ tịch Hội đồng ghi nhận và đánh giá cao những kết quả đạt được của đề tài và yêu cầu tác giả tiếp thu đầy đủ những ý kiến đánh giá, nhận xét của Hội đồng để chỉnh sửa, bổ sung, hoàn thiện đề tài đạt chất lượng cao hơn và sớm đưa vào thực hiện, phục vụ hiệu quả cho công tác đào tạo, bồi dưỡng của nhà trường.