Tản văn Mai Chiên trong dòng chảy tản văn của nhà văn nữ đương đại

1.      Quan niệm về tản văn và tản văn của một số cây bút bút nữ đương đại

Khái niệm tản văn cho đến nay vẫn còn nhiều cách hiểu. Trong sự dung hợp thể loại, tản văn cũng mang trong bản thân nó những thể loại khác. Tản văn và các tiểu loại tương đồng như tạp văn, tạp bút, nhàn đàm, tùy bút đôi lúc không còn ranh giới. Cũng có trường hợp tác giả định danh cho tác phẩm của mình. Sinh thời, Nguyễn Tuân được xem là bậc thầy tùy bút một phần do tác giả tự xếp loại tác phẩm của mình (tùy bút Chiếc lư đồng mắt cua). Nguyễn Ngọc Tư trong giai đoạn đầu sáng tác đã xem những mẩu văn ngắn của mình là kí (Nước chảy mây trôi) … Trong sự tương giao thể loại đa dạng hiện nay, việc phân chia các loại hình sáng tác chỉ là “quy ước lỏng”, có khi chỉ là quan niệm. Vì vậy người đọc, kể cả nhà văn, đôi lúc vẫn xem tản văn, tạp bút, tạp văn là một, đều là thể phi hư cấu, ngắn, tự do; ở đó cái tôi chủ thể sáng tạo ở vị trí độc tôn, cảm nhận, giãi bày, trăn trở, luận bàn những vấn đề cuộc sống cũng như những phận người hôm nay và hôm qua.

Theo từ điển Thuật ngữ văn học, “Tản văn là loại văn xuôi ngắn gọn, hàm súc, có thể trữ tình, tự sự, nghị luận, miêu tả phong cảnh, khắc họa nhân vật. Lối thể hiện đời sống của tản văn mang tính chất chấm phá, không nhất thiết đòi hỏi có cốt truyện phức tạp, nhân vật hoàn chỉnh nhưng có cấu tứ độc đáo, có giọng điệu, cốt cách cá nhân. Điều cốt yếu là tản văn tái hiện được nét chính của các hiện tượng giàu ý nghĩa xã hội, bộc lộ trực tiếp tình cảm, ý nghĩ mang đậm sắc thái cá tính của tác giả.

Trong văn học cổ, tản văn bao gồm các áng văn kinh, truyện, tử tập như Mạnh Tử, Tả truyện, Sử kí, các bài biểu, chiếu, cáo, hịch, phú, minh, luận… Trong văn học hiện đại, tản văn bao gồm các thể kí, tùy bút, văn tiểu phẩm, văn chính luận, tạp văn, ngụ ngôn, chân dung văn học,…”[t.293-t.294].

Đặc trưng cơ bản của tản văn là tính chủ quan, là sự có mặt đầy bản lĩnh của chủ thể sáng tạo. Trước 1986, tản văn được viết bởi nữ giới không nhiều. Từ vô thức tập thể, phụ nữ ngại viết về mình. Ghi lại thế giới tâm hồn, giãi bày tâm trạng qua những trang viết phi hư cấu không phải là thói quen của phụ nữ. Đi và ghi chép, ngồi và nhàn đàm, nhấm nháp thưởng ngoạn phong cảnh thiên nhiên, ẩm thực; bàn về chuyện đời, chuyện người... không nằm trong cảm hứng của các cây bút nữ ở một số chặng đường văn học. Không phải ngẫu nhiên mà có quan niệm cho rằng tản văn dành cho nam giới, cho những người từng trải, nhiều vốn sống, nhiều chiêm nghiệm...

Từ sau 1986 tản văn do nữ giới viết phát triển nở rộ. Những cây bút tiêu biểu cho sự hình thành một dòng văn xuôi nữ giới (ở tản văn) là Nguyễn Ngọc Tư, Thảo Hảo, sau đó là Dạ Ngân, Đỗ Bích Thúy, Hoàng Việt Hằng, Bích Ngân, Phong Điệp, Di Li, Phạm Quỳnh Trang, Trang Hạ...
Nhà văn Nam Bộ Nguyễn Ngọc Tư khẳng định mình ở các tác phẩm Ngày mai của những ngày mai, Yêu người ngóng núi, Đong tấm lòng ở sự dung dị, nhẹ nhàng. Những mẩu viết ngắn của chị gợi về những nỗi buồn khó có thể gọi tên. Cũng đất và người Nam Bộ, cũng là những phận người nhờ nhạt, lặng thầm đâu đó đông đúc quanh ta, và đôi khi chính ta đang đâu đó... nhưng những tản mạn từ ngòi bút Nguyễn Ngọc Tư vẫn tạo được cảm xúc thẩm mĩ.

Tính chất tự do, phóng túng của tản văn thể hiện rõ ở tính đa dạng về đề tài. Thoát khỏi những vùng kiêng kị, ngòi bút nữ chạm đến mọi mặt của đời sống với tính cập nhật cao độ. Là thể loại phi hư cấu, tản văn ghi lại chân thật những sự kiện đời sống, văn hóa, xã hội, con người... Nhiều tập tản văn đề cập những vấn đề xã hội nhức nhối, nhiều nhà văn nữ đã sử dụng hình thức tản văn để bình luận, phê phán, lật xới phơi bày những góc khuất, mặt tối của hiện tồn. Ở mảng thế sự, tản văn xem ra có lợi thế. Nỗi đau không của riêng ai, các nhà văn nữ gay gắt, phản ứng quyết liệt với lối sống hiện đại ngày càng làm đảo lộn mọi chuẩn mực đạo đức. Tiên phong ở ngòi bút phê phán, Thảo Hảo luận bàn, phân tích, lí giải sâu sắc những vấn đề bức bối về giáo dục, gia đình, thuần phong mĩ tục (Nhân trường hợp chị thỏ bông, Tạp văn Phan Thị Vàng Anh). Tản văn Việt Linh rất ngắn nhưng dung lượng, sức nặng của sự ám ảnh nằm ngoài câu chữ (Chuyện và truyện, Năm phút với ga xép). Tản văn Bích Ngân dung dị, nhẹ nhàng, viết về mình, viết về thế sự, với giọng văn vừa dí dỏm, vừa day dứt. Ngày mới nhẹ nhàng khẳng định thêm một phong cách nữ.

Tản văn là thể loại dung hợp cả hai yếu tố tự sự và trữ tình. Là tiểu loại của kí, tản văn cũng mang trong bản thân thể loại những đặc trưng cơ bản như ghi chép, sự kiện. Tuy vậy từ góc nhìn giới, tản văn nữ thiên về cảm xúc tâm hồn. Trong tản văn của nữ giới, sự kiện ngổn ngang chỉ là bề mặt cấu trúc, mạch ngầm là cảm xúc, tình cảm. Cảm hứng trữ tình là cảm hứng chủ đạo trong nhiều tập tản văn của các nhà văn nữ. Có khi nhà văn trực tiếp bày tỏ tình cảm, nỗi lòng (tản văn Hoàng Việt Hằng, Bích Ngân); có lúc từ một sự việc, một hiện tượng, một mảnh đời... mà thể hiện suy ngẫm, cảm xúc (tản văn Việt Linh, Bích Ngân). Thiên về trữ tình, tản văn nữ thường có tính chất hoài niệm. Chất hoài vãng chiếm phần lớn trong nhiều trang viết của các nhà văn thế hệ trước, như Dạ Ngân (Gánh đàn bà), Hoàng Việt Hằng (Người cho đã không nhớ, Tiêu gì cho thời gian để sống), Đỗ Bích Thúy (Trên căn gác áp mái, Đến độ hoa vàng), Phong Điệp (Bay trên mái nhà thành phố), Bích Ngân (Ngày mới nhẹ nhàng)… Cái tôi tuổi thơ lấp lánh đậm nhạt trên nhiều trang văn nữ, trữ tình, mềm mại.
Hồi ức tuổi thơ là một đặc điểm của tản văn Đỗ Bích Thúy. Gây ấn tượng vẫn là những mẩu tản văn viết về miền núi. Miền không gian quen thuộc làm nên mặt mạnh của ngòi bút nhà văn vẫn thấp thoáng đi về. Những trang-viết-liên-văn-bản ngày càng làm đậm thêm một vùng thẩm mĩ riêng của ngòi bút Đỗ Bích Thúy. Tản văn Đỗ Bích Thúy gần với truyện ngắn. Bằng ngôi trần thuật “tôi” mỗi truyện là một mảng hồi ức tuổi thơ trong trẻo. Đọc tản văn Đỗ Bích Thúy cứ rưng rưng một nụ cười. Không dằn dỗi, giễu nhại, các trang viết của chị ngày càng mở rộng biên độ tâm hồn.

Tản văn của các cây bút nữ thường luận bàn về giới. Bằng nữ tính thiên bẩm, các nhà văn nữ thường xoay quanh những mảnh đời phụ nữ. Từ đó, nhiều trang viết bật lên tiếng nói nữ quyền. Vấn đề phụ nữ (qua những tên người cụ thể, qua chuyện kể về những người mẹ, người chị, người em, con gái...) được khúc xạ qua trái tim nhà văn nữ đậm nhân tình (Tam giác im lặng, Ba tiếng nói nữ quyền, Thà là danh giá, Maxima và ba mươi ngàn bông hoa).

Các cây bút thế hệ trẻ hơn đã chọn tản văn để triết lí về công việc, cuộc đời và đặc biệt về giới. Vấn đề đàn ông đàn bà, tình yêu, hôn nhân… trở thành lõi cốt trong tản văn của Trang Hạ, Cấn Vân Khánh, Di Li, Nguyễn Quỳnh Trang, Dương Thụy... Khác với thế hệ đi trước, đây là thế hệ không chịu sự thúc ép, ràng buộc của các quan niệm, định kiến. Đây là thế hệ khẳng định triệt để cá tính, khẳng định bản thân.
         Nhìn chung, tản văn nữ đa giọng điệu. Thảo Hảo giễu nhại, hài hước trên từng con chữ, tra vấn trên từng tiêu đề (Nếu tao là nhà nước, Tôi cũng muốn ăn cắp, Ai cho mày chê con tao xấu?, Cụ Rùa thuộc biên chế bộ nào?…). Nguyễn Ngọc Tư trữ tình, giọng cảm thương thành giọng chủ trên những trang văn (Xe đêm, Ngồi buồn nhớ ngoại ta xưa, Xin lỗi lục bình, Làm tổ cho nhau… ). Việt Linh triết lí sâu sắc (Muốn khóc khi cười, Một buổi sáng làm đau một buổi chiều, Vẫn khóc những hàng cây...). Di Li dí dỏm, hài hước (Đàn ông mới là khổ, Đàn bà bao giờ cũng đúng, Nhan sắc hay trí tuệ hay giàu có ...)

Tản văn là một cách viết thay cho nhật kí, ở đó người viết vừa cập nhật vừa lưu được những khoảng lặng, khoảng chậm của tâm hồn. Với giới nữ, một nửa nhân loại thích nói chuyện tâm hồn, thích những vụn nhỏ đời thường, nhạy cảm với những phận người, tản văn xem ra tương thích. Với những thuận lợi đó, trong bối cảnh văn học đương đại, sự nở rộ của tản văn là điều dễ hiểu.

2. Đôi nét về nữ nhà thơ Mai Chiên

TS. Phạm Mai Chiên (Trưởng phòng Khoa học và đối ngoại Trường Cao đẳng VHNT Nghệ An, đồng thời là Trưởng ban Thơ, Hội VHNT Nghệ An, hội viên Hội VHDT thiểu số Việt Nam) là cây viết trẻ người Nghệ An, sinh năm 1981.  Mai Chiên bắt đầu viết và xuất bản tập thơ đầu tay "Hát với bầu trời" vào năm 2006 khi cô tròn 26 tuổi, vừa tốt nghiệp thạc sỹ văn học và làm cô giáo dạy Ngữ văn. Tập thơ đầu tay xuất bản của cô được nhận ngay giải thưởng Tác giả trẻ của Ủy ban Toàn quốc các hội VHNT Việt Nam. Điều đặc biệt với nữ nhà thơ này là cô viết cùng lúc nhiều thể loại: thơ, kịch, trường ca, soạn lời cho ca khúc, tản văn… Cô còn là một nhà nghiên cứu văn học, văn hóa dân gian. Tác phẩm của Mai Chiên sớm được bạn đọc chú ý và có thành tựu, nhất là đều hướng tới cách tân đổi mới văn học.

Là người thân thiện, dễ gần, nhưng Mai Chiên lại cực khó tính với nghề. Khi đã đặt bút viết thì cô đòi hỏi cực cao về bản thân. Sản phẩm khi ra đời, dẫu ban đầu chỉ là viết để đăng facebook phục vụ một số đối tượng bạn đọc là bạn bè mình, Mai Chiên cũng đã rất khắt khe. Và khi sản phẩm đó đã được đông đảo bạn bè đón nhận, cô quyết định in ấn thành sách để công bố rộng hơn.

Thơ và kịch vốn là sở trường của Mai Chiên. Từ năm 2006 đến 2018, cô đã xuất bản nhiều tác phẩm thơ, kịch, trường ca. Bước sang năm 2018, Mai Chiên lại có sự thay đổi lớn khi bước vào viết văn xuôi: tản văn. Để làm nên phong cách riêng, cô luôn ý thức đi tìm cái mới, cái đẹp ở một thể loại khác. Cô cho rằng, sáng văn chương không tìm thấy cái mới, sự độc đáo thì rất khó lưu lại trong trái tim độc giả. Dường như thể thơ tự do vẫn không đủ chiều kích diễn tả ý tưởng trong cô. Thành công trong sự nghiệp thi ca, nhưng người nghệ sĩ này vẫn không ngừng khắc khoải tìm kiếm một cách viết mới, ngoài thơ. Từ thơ, đến trường ca, Mai Chiên đã thử sức lấn sang một địa hạt mới và để lại dấu ấn khá đặc biệt - đó là tản văn - loại văn xuôi ngắn gọn, hàm súc, dài ngắn tuỳ ý, lối thể hiện đời sống mang tính chất chấm phá, tái hiện nét chính của các hiện tượng giàu ý nghĩa xã hội, bộc lộ trực tiếp tình cảm, ý nghĩ mang đậm bản sắc cá tính tác giả. Chọn thể loại có nét gần thơ – gần với thế mạnh bản năng trời cho vốn tiềm ẩn trong từng mạch máu của cô. Tản văn gần thơ vì không nhất thiết phải có cốt truyện phức tạp, nhân vật hoàn chỉnh, nhưng lại đòi hỏi nghiêm ngặt ở cấu tứ độc đáo, có giọng điệu, có cách thể hiện đa dạng để có thể miêu tả phong cảnh, khắc hoạ nhân vật, bộc lộ cảm xúc trữ tình, tính tự sự, đặc biệt là thể hiện nổi bật chính kiến và cá tính tác giả…Đọc tản văn của Mai Chiên, chúng ta thấy cô đã làm được điều đó.

Là một người viết trẻ, Mai Chiên có điều kiện giao lưu học hỏi những bậc đàn anh, đàn chị trong làng văn xứ Nghệ như nhà thơ Thạch Quỳ, nhà thơ Vân Anh, nhà văn Đàm Quỳnh Ngọc... Bên cạnh đó, cô cũng bị chi phối bởi cảm xúc trẻ trung, những tư duy phá cách, táo bạo của những bạn viết cùng tuổi như Nguyễn Hồng, Bùi Ngọc, Nguyễn Thị Phước… Điều này, chúng ta có thể tìm thấy trong tản văn của cô.

3.      Đặc sắc trong tản văn Mai Chiên

Với Mai Chiên cũng như bao nhà thơ, nhà văn nữ khác, họ đã tìm thấy ở tản văn, một thể loại có thể chuyển tải những vấn đề của đời sống và con người đương đại, từ chuyện nhỏ đến chuyện lớn, từ quá khứ đến hiện tại, từ những khoảnh khắc bất chợt, thoáng chốc đến những vấn đề muôn thuở, từ những sự vật hiện hữu đến những ấn tượng vô hình trong thế giới của ý niệm, vùng mờ tâm linh. Gần gũi với thơ, hệ thống hình ảnh, chi tiết trong tản văn Mai Chiên được sử dụng hết sức tinh lọc, súc tích với sự liên kết các chi tiết, bộc lộ thông điệp mà người viết gửi gắm. Do vậy, có thể nói, một trong những đặc thù của tản văn Mai Chiên là tính chủ quan, cá nhân trong cách nhìn nhận, đánh giá vấn đề. Là một thể văn có sự hòa trộn giữa tự sự và trữ tình, nên vai trò của sự thật đời sống trong tản văn của cô chỉ như những vật liệu dùng để cụ thể hóa, hình tượng hóa cái chủ quan của tác giả, thể hiện trực tiếp cái tôi của người viết, là nơi chân dung tinh thần của chủ thể sáng tác hiện ra một cách trực diện và chân thực.

Trong 5 năm trở lại đây, tản văn là thể loại nhận được sự chú ý nhiều nhất của độc giả trẻ. Thể loại này cũng đang có tốc độ gia tăng nhanh về mặt số lượng, từ phía người viết và cả số lượng phát hành.  Tản văn khi bước vào đời sống văn học Việt Nam đương đại đã chứng tỏ sự nhanh nhạy của mình. Thể loại này đã giúp các nữ văn sĩ nhanh chóng nắm bắt những góc cạnh trong đời sống, tâm lý, sinh hoạt con người.

Trong dòng dảy chung của hoạt động sáng tác tản văn, Mai Chiên đã được xuất bản tập Tản văn “Nhìn về xứ Nghệ - Status Mai Chiên.Pham” – Những viết ngắn trên Facebook bao gồm 3 phần:

Phần 1. Xứ Nghệ và miền đất khác

Phần 2. Những gương mặt - Face

Phần 3. MaiChien.Pham

Đọc tập tản văn này, chúng tôi thấy cũng giống như các nhà văn nữ khác, tản văn Mai Chiên đã thể hiện sự phong phú về đề tài, đặc biệt, với tác giả là một nhà nghiên cứu và rất đam mê văn hóa xứ Nghệ, nên đề tài này chiếm lĩnh vị trí quan trọng trong tập tản văn. Tác phẩm của cô là những lát cắt muôn màu về đời sống, sinh hoạt, phong tục tập quán, ngôn ngữ…của người dân xứ Nghệ. Chất Nghệ được bộc lộ độc đáo trong trải nghiệm cuộc đời, ở một tầng vỉa làm lộ dần tầm cao và chiều sâu văn hóaLà một giáo viên giảng dạy về văn hóa Việt Nam, cô hiểu hơn ai hết văn hóa là sức mạnh nội sinh, là cội cuồn của mọi giá trị.

Mảng đề tài thứ hai là những chân dung nghệ sĩ, nhà thơ, những gương mặt face đã để lại dấu ấn trong lòng tác giả về nhân cách cũng như phong cách sống… Mảng đề tài thứ ba chính là về bản thân tác giả với những hồi ức, những kỷ niệm rất trong sáng và đẹp đẽ của tuổi thơ ở mảnh đất Tương Dương, Nghệ An cũng như cuộc sống hiện tại của bản thân. Có thể tóm lược một số điểm đáng chú ý ở tản tập tản văn này như sau:

3.1  . Tản văn Mai Chiên bộc lộ trực tiếp tình cảm, ý nghĩ mang đậm bản sắc, cá tính của tác giả

Sinh ra ở vùng sơn cước, Mai Chiên luôn đau đáu, cháy bỏng niềm khát mong đem đến cho bạn đọc cái nhìn chân xác nhất về cảnh sắc thiên nhiên miền núi Tương Dương cùng cuộc sống, con người ở đó và đặc biệt hơn tác phẩm của cô đã mở rộng biên độ, vượt khỏi lãnh địa quê hương để tìm hiểu những vùng đất khác, những vùng đất cô đang sống và đã đi qua. 

Ở Phần 1 của cuốn Tản văn, người đọc đã đi qua các vùng đất khác nhau của Xứ Nghệ như Tương Dương, Đô Lương, Bến Thủy (Vinh), thành Vinh, Nam Đàn… và vùng đất Ninh Thuận.

Dưới góc nhìn của một nhà nghiên cứu văn hóa xứ Nghệ, người yêu tha thiết văn hóa và vùng đất này, Mai Chiện đã giới thiệu bằng giọng văn nhẹ  nhàng, sâu lắng của mình những sản vật trên mọi vùng quê xứ Nghệ. Đó là xoài Tương Dương, hình ảnh sản vật hội tụ bên gian Bếp của Mế Thầu (lạp xường xông khói, cá kho nồi đất, bánh chưng, nồi rượu… Đó là bánh đa Đò Lường (bánh đa làng Lưu Sơn, cạnh chợ Lường), một sản phẩm  của cư dân vùng thị tứ Đò Lường, ven sông Lam; hình ảnh chợ Quán Bánh, nằm ở phía Bắc thành phố Vinh với vô vàn các loại bánh trái, quà vặt khác nhau...

Đọc phần 1 của cuốn Tản văn, người đọc như được nhìn thấy rất nhiều phong cảnh làng quê xứ Nghệ cũng như tên các địa danh có thể rất nhiều người đã lãng quên. Mai Chiên qua tản văn của mình đã dựng lại lịch sử của nhiều vùng đất như: Cồn Mô ở ngã ba Bến Thủy, Đường ven sông, hay một làng làm nghề nồi đất ở Trù Sơn, Đô Lương. Mỗi vùng đất, nhà thơ đi qua, cô đều để lại cho ta những hình ảnh đẹp về thiên nhiên, con người của vùng đất ấy cũng như các sản phẩm văn hóa đặc sắc của vùng quê đó. Cách viết rất tự nhiên, dễ đi vào lòng người. Nhất là với thể văn ngắn gọn, súc tích, tác giả dễ truyền đạt được những suy nghĩ và tình cảm gắn bó của mình đối với mỗi một vùng quê nào đó ở xứ Nghệ.

Những lời văn có cảm xúc cao độ giống như làn gió mát, như dòng nước sông Lam ngọt lành, như hạt dẻ vấn vương thơm bùi…của quê hương và vùng miền núi phía Tây Bắc Nghệ An. Cô trân quý “bầu khí quyển” quê hương với niềm tự hào cháy bỏng. Tình quê ấy như thấm vào từng mạch máu, đường gân, thớ thịt hòa vào hơi thở của cô.

Sinh ra và lớn lên gắn bó với đá, với núi rừng, tâm hồn cô được dung dưỡng trong bầu khí quyển văn hóa dân tộc. Cảnh sắc thiên nhiên, cuộc sống con người vùng cao Tương Dương với những phong tục tập quán đã được tác giả dựng lên như một tấm gương phản chiếu chân thực sinh động, phong phú mang đậm bản sắc dân tộc. Vì thế, cô đưa vào tản văn của mình tất cả những chất liệu dung dị của quê hương như: dòng sông, dáng núi, quả xoài, … Dưới lăng kính của “nhà thiết kế” tài ba, thiên nhiên hiện lên có tâm hồn khoáng đạt, có sức quậy cựa, sinh nở.

Đọc phần 2 của cuốn Tản văn, Mai Chiên đã dựng lại chân dung của nhiều nhà thơ xứ Nghệ, chân dung nhà thơ Trần Đăng Khoa, chân dung của tiến sĩ triết học Nguyễn Duy Cường, các bạn học Cao học K11 Ngữ Văn Đại học Vinh, ông đồ Nghệ… Tất cả những chân dung cô dựng lên đều để lại ấn tượng đặc biệt trong lòng độc giả.

Phần 3 của cuốn Tản văn là những dấu ấn riêng về bản thân tác giả, tuổi thơ và cuộc sống hiện tại, về những người thân yêu của tác giả.  Khác với quan niệm "văn học là hư cấu" thì sự hư cấu trong tản văn không nhiều.  Bởi những trang tản văn này giống như những dòng nhật ký chân thật về cuộc đời và tuổi thơ của tác giả.

Bàn về tản văn, Mai Chiên cho rằng: “Với truyện ngắn thì yếu tố hư cấu chiếm lĩnh, với tản văn thì yếu tố chân thực chiếm lĩnh. Những gì tôi viết trong cuốn tản văn này đều là người thật, việc thật và những trăn trở vui buồn cũng rất thật”. Cô tâm sự: “Trên đường đời, những tôi đã đi qua, những người tôi gặp gỡ…, tôi đều có thể viết về họ. Tản văn đã giúp tôi được sống chậm lại, tĩnh lại với từng khoảng khắc sống trôi qua, từng cảm xúc đang dội đến”. Thời đại “ngắn hóa”, “nhanh hóa”, tản văn sẽ có đất sống. Sự phát triển của báo chí và đặc biệt là những trang mạng xã hội như facebook là mảnh đất ươm mầm cho tản văn của tôi cũng như của các nhà văn nữ khác”.

3.2. Tản văn của Mai Chiên mang tính chất chấm phá nhưng có cấu tứ độc đáo, mang giọng điệu và cốt cách cá nhân tác giả

Có thể nói, trong đời sống văn học phức tạp, đa dạng hiện nay, người đọc trăn trở mong mỏi những trang văn ngày càng đẹp và sâu. Không phải tất cả những bài viết được xem là tản văn đều là tác phẩm văn chương. Những đứa con tinh thần của các nhà văn đều phải chịu quy luật sàng lọc, lưu giữ. Với đặc trưng thể loại, tản văn dẫu nhỏ, ngắn, khoảnh khắc nhưng dung chứa được những vấn đề lớn về nhân sinh, thế sự; mang được hơi thở cuộc đời - cái cuộc đời ngổn ngang bề bộn, cái cõi nhân sinh bé tí đang ở ngay chung quanh mỗi người. Chuyện của tản văn nữ là chuyện của mọi người. Lấy điểm nói diện, tản văn nữ đương đại và tản văn Mai Chiên đã để lại nhiều dư ba trong lòng độc giả. Hy vọng các nhà văn nữ nói chung và Mai Chiên tiếp tục cho ra đời nhiều tác phẩm xuất sắc hơn.



TÀI LIỆU THAM KHẢO

1.      Phạm Mai Chiên (2018), Tản văn “Nhìn về xứ Nghệ (Status Maichien.Pham), Nxb Nghệ An 2018.

2.      Lê Bá Hán, Trần Đình Sử, Nguyễn Khắc Phi (đồng chủ biên) (2009), Từ điển thuật ngữ văn học, NXB Giáo dục, Hà Nội.

3.      Lê Thị Hường, Tản văn nữ: diện mạo và phát triển, http://vannghequandoi.com.vn/Binh-luan-van-nghe/tan-van-nu-dien-mao-va-trien-vong-7504.html

 

 

Liên kết hữu ích

TUYỂN SINH TRỰC TUYẾN

THƯ VIỆN ĐIỆN TỬ

THÔNG BÁO HỌC SINH, SINH VIÊN

VĂN BẢN

Điểm thi

Thiết kế website tại Vinh

công ty quảng cáo tại nghệ an